NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI (Tập 1)
Trần Đức Thái
Sau các bài viết “Nghề đi qua đời tôi”, “Một thoáng hương xưa”, nhiều bạn bè muốn tôi viết tiếp “Một thoáng hương xưa” tập 2 hay “Người đi qua đời tôi”. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 2017 sắp đến tôi xin viết về những người đã đi qua đời tôi.
Câu chuyện ngày xưa, vào một buổi chiều ngày trực của những năm cuối thiên niên kỷ trước, tôi được cấp báo ở phòng cấp cứu có một BN bị tai nạn lao động, hy hữu rất nặng.
Bệnh nhân bị thanh gổ đâm rất mạnh vào mắt phải, đỉnh thanh gổ gần đến tận sau gáy
Tôi ra phòng cấp cứu thì thấy nhiều nhân viên y tế và người nhà đang bao quanh lấy nạn nhân. Qua tìm hiểu và thăm khám, nạn nhân là một thanh niên tên Ngô Lũy, ở Truồi (TT-Huế), làm nghề thợ mộc do sơ suất lúc cưa gổ bằng máy cưa, thanh gổ đã đâm sâu vào trong não qua ngõ con mắt bên phải. BN đã lơ mơ tri giác kém, nhưng không thể chụp CT (cắt lớp vi tính) sọ não vì chiều dài thanh gỗ + đầu BN đã vượt quá đường kính của vòng máy CT, do đó tôi phải nhờ một người bạn thợ mộc đem cưa đến cưa bớt chiều dài của thanh gổ chỉ còn cách mi mắt khoảng 2cm.
Sau khi chụp CT xong, BN rơi vào hôn mê, tôi chuyển thẳng vào phòng mổ, đây là một ca mổ nặng, tối cấp cứu, vô tiền khoáng hậu, trong suốt cuộc đời làm nghề mổ thần kinh sọ não của tôi đây là lần đầu tiên cũng là cuối cùng tôi gặp trường hợp tai nạn lao động hy hữu này.
Nhờ những dụng cụ tôi sản suất phục vụ cho phẫu thuật như khoan sọ tự dừng, khung cố định đầu, banh não tự dừng… mà tôi có thể triển khai ca mổ này.
Đường mổ trán phải, mở nắp sọ trán P, vén thùy não trán lên, mở xương trần hốc mắt, tiếp cận đến đỉnh hốc mắt rất khó khăn vì tại đây có rất nhiều mạch máu lớn.
Sau khi mở rộng đỉnh hốc mắt cắt bỏ xương quanh thanh gỗ, kiểm tra thanh gỗ lỏng lẽo, tôi bảo gây mê chuẩn bị tinh thần máu chảy để tôi rút thanh gỗ. May mắn khi rút thanh gỗ ra khỏi não, máu chảy vừa phải, kiểm tra thấy thanh gỗ đâm sâu vào trong não 18-20 cm theo hướng trước sau. Nhưng sau đó máu từ dưới đáy giếng đùn lên, cầm máu khá khó khăn vì giếng não quá sâu, ánh sáng đèn mổ ngọn tỏ ngọn lu (như đèn Mỹ Tho đã đi vào ca dao) không rọi xuống thấu đáy giếng, dao điện thì điên điên, chập chập, khi được khi không… Sau khi cầm máu xong thì não bắt đầu phù lên, tôi bảo bên gây mê tích cực chống phù não, tôi quyết định không đóng màng cứng, không đặt nắp sọ mà nuôi nắp sọ dưới da bụng để đặt lại kỳ hai, chỉ đóng da đầu để giải chèn ép. Không khí phòng mổ im lặng lạ thường, mồ hôi lạnh đang chảy sau gáy, tôi bảo " tận nhân lực tri thiên mệnh" các em ạ, nghề của mình là như thế đó.
Như một phép nhiệm mầu, những ngày sau mổ khá thuận lợi, đúng là phước chủ may thầy, vết thương sọ não hở đầy đất cát, mạc cưa, thế mà không nhiễm trùng, không viêm màng não, mặc dầu kháng sinh thời bấy giờ khá khiêm tốn. BN lấy lại sức khỏe nhanh chóng.
Xuất viện sau khoảng 10 ngày, tôi hẹn BN khoảng một tháng sau nhập viện đặt lại nắp sọ bảo vệ não.
Đúng hẹn BN vào viện, tôi lấy nắp sọ dưới da bụng, đặt lại nắp sọ. BN ra viện sau khoảng một tuần. Đánh giá trước lúc ra viện BN bị mù mắt và sụp mi mắt phải. Tay chân vận động bình thường. BN đã trở thành độc nhãn hành hiệp để trở về với nghề thợ mộc của mình.
Bệnh nhân sau mổ lần 1 để lấy thanh gổ ra (Phải). BN sau mổ lần 2 đặt lại nắp sọ (Trái)
Trước khi ra viện, BN và BS chụp vài tấm hình lưu niệm để nhớ một thời bên nhau. Từ ngày đó đến nay đã gần hai mươi năm trôi qua, tôi chưa có một cơ hội gặp lại BN.
Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam năm nay tôi ghi lại một vài kỷ niệm để nhớ một thời làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhưng tôi luôn luôn tâm niệm: Khó khăn nào cũng vượt qua. Bệnh nhân nào cũng cứu sống. Môi trường nào cũng thích hợp.
Xuân 2017
Trần Đức Thái
Bệnh nhân và thanh gổ (Phải). Bệnh nhân và BS chụp hình lưu niệm (Trái)