Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Người Mẹ Nơi Vùng Đất Hứa

   Tôi muốn viết về mẹ của tôi, tôi không muốn dài dòng kể lại quãng đời cơ cực của hai mẹ con khi chúng tôi còn ở Việt Nam, vì thật sự đó là những tháng ngày đi qua trong khổ đau tăm tối mà chúng tôi không bao giờ muốn nhớ đến. Tôi chỉ muốn nói về hình ảnh của mẹ tôi và bao nhiêu người mẹ Việt Nam khác đang có mặt tại xứ sở được coi là thiên đường này.
  
   Mùa thu năm 1994, tôi, một con bé mới mười tuổi được nhận giải nhất Karaoke của Cộng Đồng người Việt được tổ chức tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia này với một bài hát bằng tiếng Việt. Đó là bài Quỳnh Hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi thật là ngạc nhiên khi có nhiều cô chú khen tôi nói tiếng Việt rất rõ ràng, lại hát hay nữa. Lúc đó tôi mới vừa định cư tại Atlanta khoảng ba tuần lễ. Tôi đâu có biết một thứ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt và trình độ học vấn của tôi chưa xong lớp ba bên Việt Nam.
  
   Lúc mới qua Mỹ, mẹ làm house-keeping cho một khách sạn. Tôi còn nhớ, với check lương đầu tiên mẹ đã mua một đầu máy video để hát karaoke và xem phim bộ. Tôi ở nhà với ông ngoại, các dì tôi thường mướn phim về cho ông xem. Khi tôi xem phim cùng với ông thì ông giảng cho tôi biết đạo lý làm người, những gì xảy ra trong phim Tàu hình như cũng gần giống trong xã hội người Việt Nam mình. Ông ngoại dạy cho tôi biết thế nào là “tôn sư trọng đạo”, là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín … là gieo hạt nào sẽ hái quả đó. Những cuối tuần được nghĩ làm, mẹ tôi và các dì thường chở tôi đến hát hò ở các tụ điểm có nhiều người Việt. Mẹ còn gởi người quen đi Việt Nam mua cho tôi sách truyện tiếng Việt. Mẹ khuyến khích tôi chép nhạc Việt và viết thư cho bà con ở Việt Nam để khỏi quên nguồn gốc tiếng Việt mình. Ở nhà chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Lắm khi tôi rất là bực bội và nghĩ mẹ mình quê mùa quá. Nhiều năm như thế, tiếng Anh của tôi từ từ trôi chảy mà tiếng Việt tôi vẫn nghe và nói không vấp váp. Ông Ngoại còn khen tôi biết cách xử dụng thành ngữ Việt Nam đúng chỗ (cái này chắc là tôi học trong phim Tàu quá).
  
   Tết cổ truyền Việt Nam được cộng đồng người Việt tổ chức vào mùa xuân 2001, tôi đạt giải Hoa Hậu Áo Dài cũng nhờ phần trả lời câu hỏi bằng tiếng Việt rất thông suốt, tôi biết đó chính là công lao của mẹ tôi, một sự chăm sóc lặng lẽ nhưng kết quả vô cùng.
  
   Còn nhớ năm tôi mười sáu tuổi, mẹ mua vé cho tôi đi Việt Nam một mình trước sự phản đối mạnh mẽ của ông Ngoại. Nhưng tôi biết mẹ tôi không có gì sai. Từ chuyến đi đó, tôi cảm thấy mình sao may mắn quá. Tôi không phải đi buôn bán cực khổ như nhiều bạn nhỏ tuổi ở Việt Nam. Tôi đến trường không tốn tiền của cha mẹ như ở Việt Nam. Sau này lớn lên tôi còn được tự do chọn lựa ngành nghề cho tương lai mình, mà thành công hay thất bại chỉ tuỳ thuộc vào bản thân tôi mà thôi. Về Việt Nam, tôi nhìn thấy cảnh nhiều người bà con còn quá sức nghèo khổ, tôi hiểu được tại sao mẹ tôi cứ chịu khó đi làm thêm giờ để kiếm thêm tiền giúp đỡ họ. Đi chơi ở Việt Nam thì có nhiều thích thú nhưng tôi thật không vui trọn vẹn khi nhìn nhiều cụ già còn đi buôn bán để nuôi thân, các em nhỏ đi lượm đồ trong đống rác về bán, một bộ áo quần mới luôn là niềm mơ ước.
   
   Mẹ tôi không giống như những bà mẹ trong bài hát hay bài thơ mà ông Ngoại hay đọc cho tôi nghe. Tôi chưa ăn chuối ba hương, chưa ăn xôi nếp một nhưng tôi biết mẹ tôi ngọt ngào giống vậy. Nơi vùng đất mà mọi người cho là thiên đường này, mẹ tôi và nhiều người mẹ gốc Việt khác đã vất vả biết bao để nuôi và dạy con không quên nguồn gốc xứ mình.
  
   Tiểu bang tôi sống chưa có lớp học dạy Việt ngữ, nếu có ai hỏi tôi bằng cách nào mà tôi vẫn nói và viết được tiếng Việt chắc tôi sẽ trả lời: Đó là nhờ mẹ đã cho tôi tập hát karaoke và xem phim bộ mỗi ngày cuối tuần, đó là cách vừa giải trí vừa học hỏi đã ít tốn tiền mà kết quả nhất theo ý tôi.
  
   Xin cám ơn mẹ và ông ngoại đã chăm sóc và dạy dạy dỗ tôi. Dù tôi trưởng thành nơi vùng đất xa lạ này, tôi sinh hoạt với tập quán của người dân bản xứ nhưng tôi không bao giờ quên tiếng Việt vì đó là ngôn ngữ xứ mẹ đẻ của tôi. Mẹ và ông Ngoại đã dạy tôi như thế!

Nguyễn Diệu Thiên Thư
Atlanta - 2002 
         
Chin Bon
Chin Bon