Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
                            Người Nhận Đóa Hoa Trắng
                                                           
                                                                          

Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan. Đây là ngôi chùa Phật Giáo lớn nhất tiểu bang Georgia. Sân chùa rộng rãi, thoáng mát, những người làm công quả đang hướng dẫn cho xe ra vào, cờ xí treo ngợp trời. Những bức tượng Phật lớn nhỏ rải rác trong sân, tượng Phật Di Lặc thật đồ sộ là nơi Phật tử chọn để chụp hình nhiều nhất. Bên cạnh những dãy hàng bày bán những món ăn chay gây quỹ là cái bàn dài, nơi trưng nhiều tượng Phật, kinh Phật, những CD tụng kinh…và hai thùng hoa hồng màu trắng, đỏ để cài lên ngực áo cho phật tử đến chùa hôm nay, ngày lễ báo hiếu, tạ ơn mẹ.

Tôi ngần ngừ nhìn chú, người đàn ông ăn mặt chỉnh tề với chiếc nạn gỗ khập khiểng. Thường thì những vị cao niên cở hơn bảy mươi như chú đây sẽ nhận đóa hoa trắng cài trên áo vào dịp Vu Lan. Tuy vậy, khi chưa có câu trả lời của chú, tôi cứ ngần ngừ…

- Hoa trắng …cô. Cám ơn.

Sau đó nhìn đóa hoa màu đỏ trên áo tôi, chú tựa người vào cái nạng gỗ, đưa tay ra bắt tay tôi:

- Chúc mừng cô, hạnh phúc còn Mẹ trên đời, nhớ sống sao cho xứng đáng nghe.

Tôi nói lời cám ơn và lòng thầm nghĩ, chắc chú có tâm sự gì đây. Tôi đưa tay nhặt đóa hồng trắng nhẹ nhàng cài lên ngực áo chú, một giọt lệ ứa ra trên khuôn mặt già nua của chú khiến tôi xúc động. Dòng phật tử còn xếp hàng rất dài để được cài hoa, tôi chưa có thời gian để hỏi thăm chú một câu thì chú đã bước ra khỏi hàng, đóa hoa trắng lẻ loi trên ngực áo.

Sau buổi lễ cầu an và nghe lời thầy giảng là bữa ăn trưa chay do nhà chùa và các thiện nam tín nữ phục vụ. Cũng có nhiều món ăn do phật tử nấu ở nhà mang đến cúng dường. Trước cúng, sau cấp. Tôi đưa mắt nhìn bao quát, nhiều người lớn tuổi ngồi ăn quanh những dãy bàn dài xếp dưới bóng mát của tàn cây, trò chuyện râm ran. Dãy hàng ba dọc theo mé hiên của chùa cũng có nhiều người ngồi vì hành lang dài đó thật mát mẻ. Ngọn gió mát rượi thoảng qua làm rung rinh cỏ cây, len qua những khóm hoa đủ màu. Mùi hương trầm, hương hoa và mùi thức ăn chay từ nhà bếp của chùa tạo thành một mùi hương rất thanh khiết.
Tầm mắt tôi bắt gặp ông chú nhận đóa hoa trắng lúc nãy đang ngồi một mình, ánh mắt nhìn xa xăm, cây nạng gỗ gác chênh vênh bên cạnh. Tôi bước đến ngồi bên cạnh. Dĩa  thức ăn của chú còn đầy ắp, tôi đặt chai nước suối xuống bàn:

- Chào chú.

Ông chú hơi ngỡ ngàng:

- Chào cô.

- Chú đi chùa một mình hả?

Ông chú gật đầu thay cho câu trả lời.

Tôi gợi chuyện:

- Lúc cháu cài hoa trắng cho chú, thấy chú còn buồn quá, chắc cụ bà mới qua đời hả chú?

- Mẹ tôi mất…hơn ba mươi năm rồi.

Đến phiên tôi mở to mắt ngạc nhiên và nhẩm tính trong đầu, lúc đó ông chú chừng hơn ba mươi chớ mấy, hèn gì!

Ông chú tiếp:

- Cô còn có mẹ trên đời hãy sống sao để mai này không ân hận khi nghĩ đến mẹ nhé!

Người đàn ông có giọng bắc rất ấm. Tôi tiếp:

- Chú qua đây lâu chưa chú?

- Hơn hai mươi năm.

- Chắc ngày bà cụ mất, chú không về kịp hả chú?

Người đàn ông nhìn ra xa xa, khoảng sân rộng của chùa có treo nhiều cờ phật giáo đang phất phới trong gió. Nắng trưa phản chiếu ánh sáng từ hồ hoa sen, nơi có tượng Phật bà Quan Âm, tay cầm nhánh hồ lô, khuôn mặt hiền từ vô lượng. Chú nói:

- Cô có biết người ta thường ví mẹ là Quan Âm không?

- Dạ…

- Tình thương của mẹ thật bao la, như trời biển.

Giọng nói của ông như có nhiều điều hối tiếc, tôi nhìn mái tóc đã bạc, khuôn mặt khắc khổ mà giọng nói thật tình cảm. Tôi tiếp:

- Hồi trước chắc chú có đi lính?

- Ừ, Thủy Quân Lục Chiến.


Tôi hơi giật mình thầm nghĩ…thứ dữ đây.

- Cháu cũng đi qua đây diện H O đó chú.

- Vậy hả?

- Bố Mẹ còn ở đây hết hả?

- Dạ.

Ông chú nhìn tôi giọng thật đằm thắm:

- Cô may mắn lắm, sống sao cho phải hiếu, phải đạo nghe!

Từ lúc gặp ông đến giờ, tôi cứ nghe ông dặn dò như thế, trong lòng tôi thầm nghĩ…chắc ngày xưa chú lêu lổng, hư hỏng quá nên bây giờ hối tiếc. Hình như chú có nhu cầu cần tâm sự nên khi nghe tôi hỏi tới hỏi lui, chú không bực bội mà sẵn sàng trút nỗi lòng. Giọng chú vẫn đều đều như kể chuyện…

…Năm tôi mới mười hai tuổi thì bố tôi qua đời, mẹ tôi một nách năm đứa con còn dại. Nuốt nước mắt khóc chồng không dám cho ai hay bởi cái chết của bố tôi có nhiều nghi vấn. Đã mấy mươi năm qua rồi nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi lặng lẽ tiếc thương bố. Những buổi tối ở thôn quê miền bắc, tiếng ếch nhái buồn thảm từ ao nhà vọng vào. Mảnh vườn sau nhà nhá nhem, tăm tối như tương lai gia đình chúng tôi. Mẹ lần mò ra sau vườn, ngồi sụp xuống sau lu nước, hai tay ôm lâý mặt, giọng mẹ sủng ướt trong nước mắt … “Ối ông ơi, tối lắm rồi sao bố mày không về với em và các con”. Tiếng khóc mẹ tôi uất nghẹn trong cổ họng, âm thanh …khục… khục…đã động vào tim tôi, đứa con trai mười mấy tuổi của mẹ nấp sau tấm phên nhà, lòng tôi tan nát. Hai năm sau, sống không nổi với những khắc nghiệt của hoàn cảnh, mấy mẹ con với mảnh ruộng khô cằn, sức người không kham nổi. Hiệp định 54 chia đôi đất nước, mẹ tôi năm ấy ba mươi tám tuổi, lầm lủi dắt năm đứa con rời quê cha đất tổ di cư vào nam. Bỏ lại ruộng vườn, cha mẹ, bạn bè, bỏ lại ngôi mộ mới và bàn thờ của bố. Mẹ tôi khóc ngất gói tấm ảnh thờ của bố vào cái áo cũ của chồng, giấu tận đáy rương. Đó là di vật duy nhất nhắc đến sợi dây ràng buộc của mẹ và bố. Gia tài mẹ mang theo ngày rời xứ vào phương nam lập nghiệp là năm đứa con thơ và một mối tình phu thê vùi sâu tận đáy lòng.

Gia đình chúng tôi lê thê lếch thếch theo đoàn người di cư. Cha đạo đưa gia đình tôi về khu Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Sau những tháng được hưởng trợ cấp từ chính phủ cộng hòa, mẹ tôi dành dụm đươc chút vốn liếng. Hàng ngày mẹ tôi gặp gì buôn nấy. Những hôm không đủ tiền mua gạo, bữa ăn tối mù mờ dưới ánh đèn dầu, mẹ ngồi nhìn các con chia nhau những củ khoai, củ mì, nước mắt mẹ lưng tròng. Mẹ đến bàn thờ bố thắp nén nhang cầu xin… “Bố thương em, thương các con, phù hộ cho em đủ nghị lực, đủ sức khỏe buôn bán nuôi con. Xin phù hộ cho các con mình có đủ ăn, đủ mặt, em van bố!” Hai bà chị tôi khóc nghẹn ngào, còn mấy anh em trai nhìn nhau buồn bã. Từ đó chúng tôi thấm dần nỗi đau mồ côi bố, thế nên bao nhiêu tình thương chúng tôi dồn vào mẹ. Mấy năm sau, khi khu này có đông đảo người bắc về lập nghiệp mẹ tôi bắt đầu làm dưa cải, cà muối, mắm tôm bán ở chợ. Cứ thế đắp đổi qua ngày. Mẹ tôi xuất thân là một bà mẹ quê nên lúc nào cũng vấn khăn, áo quần thì chỉ hai màu nâu, đen. Bao nhiêu mộng ước, kỷ niệm thời thanh xuân mẹ chôn chặt theo thời gian. Tấm ảnh của bố mang theo ngày di cư được chưng trên bàn thờ, phủ chiếc khăn điều. Chiếc áo cũ bạc màu của bố mẹ vẫn giấu tận đáy rương, giữ kín như một bảo vật. Mấy anh em tôi cắp sách đến trường nhờ vại cà, hủ mắm của mẹ tảo tần ngày hai buổi chợ. Miền nam cưu mang gia đình chúng tôi, người miền nam tốt bụng, xuề xòa. Anh em chúng tôi lớn lên trong xóm nhỏ có nhiều gia đình người bắc lẩn người nam. Kỷ niệm thời niên thiếu còn đọng lại trong tâm hồn tôi là cánh đồng quê thơm mùa lúa, tiếng chuông chiều vọng về khi hoàng hôn buông xuống. Đâu đó, tôi còn nghe tiếng khóc tức tưởi của mẹ tôi ngày bố mất, những lời than vản nhớ thương mong chờ đến não ruột. Giờ đây chúng tôi lớn lên tại phương nam. Miền bắc xa xôi kia tuy là quê mẹ, quê cha và còn là nơi chôn nhau cắt rốn của cả nhà thì tồn tại trong tâm hồn một cách mờ nhạt và không có một vết son nào.
Dần dà, chị cả học xong khóa y tá điều dưỡng, chị đi làm phụ mẹ nuôi em. Anh trai tôi theo bạn vào Sài Gòn học và hành nghề sửa xe gắn máy, kiếm cũng được khá tiền. Anh chị dành dụm tiền sắm được một căn nhà nhỏ ở Khánh Hội, rước mẹ và các em về sống chung. Khu nhà gần cái chợ nhỏ nên mẹ tôi vẫn có thể ngày hai buổi chợ kiếm tiền từ vại cà, hủ mắm, những món ăn dân giả của quê mẹ. Gia đình tôi từ đó đổi đời. Chúng tôi học hành ra trường, ánh mắt mẹ có chút hân hoan. Hai chị tôi lập gia đình, mẹ vui với niềm vui của các cháu ngoại. Thế nhưng đất bằng dậy sóng, chiến tranh giữa hai miền nam bắc gia tăng. Anh em chúng tôi vào quân trường, cả nhà có ba con trai và hai rể thì đã có bốn người mang binh nghiệp. Mỗi người đóng một nơi, tôi vào Thủy quân lục chiến, rày đây mai đó. Những đêm nơi tiền đồn, nhìn ánh hỏa châu lưng trời tôi nhớ mẹ day dứt, mong sao trời thương cho mẹ tôi sức khỏe, cho anh em chúng tôi chân cứng đá mềm. Mong làm sao một ngày cả nhà được ăn chung môt bữa ăn tối, có ánh mắt mẹ đằm thắm, được nhìn tấm lưng còng của mẹ run run thắp nhang trước bàn thờ của bố. Những lần về phép, tôi ở bên mẹ vài ngày, càng thấm thía hơn tình thương của mẹ. Ánh mắt thảng thốt, tay chận lên lồng ngực mỗi khi trong xóm có đưa về chiếc hòm gỗ phủ quan tài hay thỉnh thoảng có cha tuyên úy mặc áo nhà binh vào xóm tìm người nhà của quân nhân để báo cái tin mà không ai muốn nghe… “Xin lỗi, rất đau buồn báo tin cho ông, bà, chị….thiếu úy, trung sĩ... đã hy sinh đền nợ nước trong trận…”
Trong một trận hành quân năm 1970, tôi bị thương nhẹ nơi cánh tay. Dù đã nhắn đơn vị đừng báo tin về gia đình, vậy mà quân đoàn cũng cử người đến nhà tôi. Mẹ tôi chết ngất khi vừa nghe người lính mang tin đến hỏi đúng tên tôi. Khi tôi tỉnh dậy trong Y viện Cộng Hòa thì mẹ đang nằm trong một bệnh viện khác. Tôi mang cánh tay còn băng bó đến thăm mẹ, mẹ tôi sửng sờ nhìn tôi như vừa ra khỏi một cơn ác mộng, mẹ sờ soạng khuôn mặt tôi, hai dòng nước mắt tuôn như mưa. Mẹ lắc lắc cả thân hình tôi như muốn xác định đây là sự thật, con mẹ vẫn còn sống. Ôi tấm lòng của một người mẹ quê cả một đời hy sinh cho con. Tôi thoát chết nhưng mẹ tôi như đã một lần chết.

Mùa hè năm 1975, chiến trường ác liệt, nóng như một chảo dầu sôi. Hòn tên mũi đạn vô tình không chừa một ai. Lần thứ nhì bị thương tôi phải cưa mất một chân, đến gối. Mẹ đến thăm khi tôi chưa tỉnh sau cơn gây mê. Khi mở mắt ra tôi thấy rỏ ràng hình ảnh mẹ hiền từ như Đức Quan Thế Âm, bàn tay mẹ xoa trên mặt tôi, nắn nắn bắp chân còn lại của tôi. Tôi mấp máy gọi khe khẻ…Mẹ ơi! Tiếng mẹ thiêng liêng thốt ra từ bờ môi một người lính Thủy Quân Lục Chiến từng vào sinh ra tử có khác gì tiếng gọi của một đứa trẻ thơ mới bập bẹ học nói, hai tiếng đầu đời vẫn luôn là … Mẹ ơi! Ôi tấm lòng người mẹ, tình thương của mẹ vẫn ngập tràn dù đứa con đã khuyết một phần thân thể. Tôi chưa kịp xuất viện thì quân đội tan hàng. Ngôi Quân Y Viện dành chỗ cho những thương binh phía bên kia, chúng tôi què quặt dắt dìu nhau rời Y viện theo lệnh họ. Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khác là vẫn còn mẹ để trở về. Lệnh tập trung học tập réo lên không chừa người lính mất một chân, vết thương còn rỉ máu như tôi. Trên giấy tờ, tôi vẫn là người lính tại ngũ, cấp bậc đại úy Thủy Quân Lục Chiến. Trước ngày tôi đi, tin theo lời tuyên truyền rằng đi cải tạo tư tưởng trong vòng sáu tuần lễ. Mẹ sốt ruột chạy ra chạy vào. Nghe lời những người quen, mẹ mua về cho tôi một đôi dép cao su và mua vải thô may cho tôi mấy bộ đồ đen. Hôm ra đi trình diện, kè kè chiếc nạng gỗ bên hông. Mẹ đưa cái túi xách cho tôi, tôi cầm lấy và thấy mấy món đồ mẹ xếp vào túi xách mà nóng người, lần đầu tiên tôi gắt gỏng với mẹ:

- Mẹ mua mấy thứ này làm gì?

Mẹ ôn tồn:

- Mẹ nghe bạn bè bảo, mặc đồ này thì người ta sẽ có cảm tình, may ra con được đối xử tốt.

Máu nóng bốc lên tới đầu khiến tôi mất cả bình tĩnh. Ngày trút bỏ bộ quân phục đã là một nỗi đau, nay sao tôi phải mặc bộ đồ đen này, lại phải mang đôi dép cao su lạc hậu kia. Tôi hằm hằm lôi mấy món đó ra vất vào góc nhà. Mẹ tôi sửng sờ trước phản ứng quyết liệt của tôi. Tuy vậy mẹ vẫn kiên nhẫn, lom khom nhặt nhạnh đôi dép và hai bộ đồ cẩn thận xếp lại vào túi. Giọng mẹ như van nài:

- Con nghe lời mẹ một lần này đi con, nhập gia phải tùy tục con ạ!

Tôi giận dỗi lôi hết ra một lần nữa:

- Con đã bảo là con không cần mà!

Thế rồi tôi chống nạn, không quay nhìn mẹ một lần trước khi bước ra khỏi nhà, tiếng thút thít của mẹ ấm ức đuổi theo sau.

Mấy hôm sau nghĩ lại thái độ của mình đối với mẹ, tôi lấy làm ân hận. Lòng hứa sau mấy tuần xong cải tạo sẽ về nhà xin lỗi mẹ. Tôi đi biền biệt mấy tháng, rồi mấy năm. Đợt sau cùng tôi cùng một số anh em được dồn lên những chuyến tàu chợ chở ra hướng bắc. Tôi về lại quê mẹ lần đầu trong một tình cảnh thật éo le. Những khổ cực thiếu thốn ở đấy thì chắc cô cũng nghe bố cô kể nhiều lần rồi. Đau khổ của tôi là nỗi ân hận sau bao tháng ngày xa cách mẹ. Đến ngày ra đi không nói với mẹ được một câu chào cho tử tế.
Người đàn ông nghẹn ngào, ngưng lại, ánh mắt u uẩn. Tôi mở chai nước đưa cho chú và hỏi:

- Vậy…chú cải tạo bao lâu thì được phóng thích, có ai thăm nuôi chú không?

- Sáu năm, lúc còn ở trong Hàm Tân thì đôi lần bà chị tôi sẵn đi thăm chồng bà thăm tôi luôn thể vì dạo đó anh rể tôi cũng ở cùng trại.

- Lúc ở trại cải tạo chú không gặp lại bà cụ à?


- Không. Mẹ tôi đã già, đường sá xa xôi, hiểm trở nên khi chị tôi đi thăm mẹ tôi sắm sửa thức ăn gởi cho tôi. Khi tôi chuyển ra bắc thì không còn ai thăm nữa, trong vòng chừng hai năm.

Người đàn ông thở dài ngưng lại khiến tôi sốt ruột. Ông sửa lại thế ngồi, một ống quần thiếu nửa cái chân phất phơ qua lại.

…Ngày tôi về, thân thể tiều tụy. Tôi tìm về căn nhà cũ không mấy khó khăn. Để mang nỗi vui mừng đột ngột cho mẹ, tôi không dám chào hỏi những người hàng xóm quen mặt. Bước vào nhà, chưa kịp kêu lên hai tiếng…Mẹ ơi thì đã chết sửng người, muốn khụy xuống khi thấy trên bàn thờ, cạnh khung ảnh của bố là tấm hình bán thân của mẹ. Bố tôi mất khi còn trẻ nên hai tấm hình chẳng cân xứng. Tôi khóc không thành tiếng, cả bầu trơi như sập xuống. Mẹ ơi, con đã về đây, mẹ đâu rồi?

Cuối cùng, mấy tháng sau tôi đi vượt biên. Cô biết không, tôi mới đi cải tạo về, tiền bạc không có, vợ con cũng không. Đâu có dám nghĩ đến chuyện thiên kinh địa nghĩa vậy. Thật là đau lòng khi tôi nhận số vốn liếng mẹ dành dụm bấy lâu. Nghe nói lúc đói mẹ cũng không dám lấy ra tiêu xài. Mẹ gói lại một gói nhỏ giao cho chị cả trước phút cuôí cùng của cuộc đời mẹ. Bà mẹ quê của tôi đã tiên đoán tương lai não nùng của tôi nên bà dặn chị cả lo cho tôi đi ra khỏi nước. Mười mấy ngày lênh đênh trên biển cả, tôi phó thác tấm thân què quặt này cho sóng dữ. Lòng tôi khắc khoải nhớ câu hát quen thuộc…lòng mẹ bao la như biển Thái Bình. Cô ạ, biển Thái Bình có ngày sóng êm, có cả những cơn thịnh nộ, giận dữ. Tấm lòng mẹ tôi bao la như biển nhưng chẳng có sóng dữ. Ngay cả khi đứa con đã trưởng thành, đã từng mang huy hiệu một thứ lính dữ dằn, chiến đấu không sợ súng như tôi đây cũng lở làng, mang tội bất hiếu. Mẹ không hờn giận mà vẫn thương con bằng cả trái tim, muôn đời tấm lòng mẹ tỏa sáng đầy nhân ái bao dung từ ngày con chào đời cho đến phút cuối cùng trước khi nhắm mắt, mẹ cũng vẫn hy sinh, quên mình vì con.

Cô biết không, tôi rời quê hương đã nhiều năm, cô đơn lạc lõng nơi xứ lạ. Những đêm dài nhìn vần trăng sáng từ bầu trời cao. Trăng quê người cũng sáng như trăng quê nhà nhưng cỏi lòng tôi sao âm u quá. Gần đây, cộng đồng người Việt mình xây dựng được nhiều ngôi chùa. Mùa Vu Lan cũng có phong tục gắn hoa cho phật tử. Tôi hay đến chùa để làm công quả, lắng nghe lời kinh tiếng kệ. Hơn bảy mươi tuổi đời, nỗi ray rức nhất đời tôi là không nhìn lại mẹ một lần trước ngày ra đi, không nói với mẹ được một lời chào. Đâu có biết rằng đó là lần vĩnh biệt. Bởi vậy tôi từng nhắc nhở những người quen, hãy sống cho tử tế. Biết đâu mình sẽ không có cơ hội để nói lời xin lỗi. Khi mình biết lỗi mà không thể nói lời xin lỗi thì khó chịu lắm, cô biết không?

Ánh mắt u buồn của chú và tâm sự não nề khiến tôi rơi lệ. Người đàn ông đã nhận đóa hoa trắng cài lên áo trong mùa báo hiếu đang ngồi trước mặt tôi, tuy tấm thân tàn tạ, khuyết tật nhưng chứa đựng bên trong vẻ u hoài kia là một tâm hồn thật lành lặn, đáng thương. Tôi không biết nói lời gì với chú, chỉ biết ngồi lặng yên bên chú. Tôi nghĩ, sự yên lặng, đôi khi cũng là một chia sẻ.

Tiếng chuông chùa từ chánh điện vọng ra …boong… boong. Buổi chiều đang rơi trên mái tóc bạc của chú. Người nhận đóa hoa hồng màu trắng.
                                      
Atlanta mùa Vu Lan 2011
Anh Trinh viết từ tâm sự của chú L