Nhất nghệ tinh …


Trong lễ cúng thôi nôi cho một đứa trẻ, từ nhà khá giả đến người nghèo đều theo một tục lệ rất hay là thế nào cũng phải sắm một mâm “đồ nghề” gồm những món tượng trưng cho những nghề tiêu biểu cúng tạ ơn ông bà cô bác, cầu cho bé ăn chơi mạnh khoẻ. Xong, mâm đồ nghề sẽ được đặt xuống trước mặt bé, tuỳ theo món hàng mà bé cầm đầu tiên, cha mẹ và mọi người sẽ đoán được sau này bé theo nghề nào. Nếu bé nhặt cây bút, người ta tin rằng sau này bé sẽ theo nghiệp bút nghiêng, làm thầy giáo hoặc nhà văn. Nếu bé nhặt được cái lượt, có thể sau này bé theo nghề cắt tóc, hoặc bé có thể vô tình nắm phải nắm xôi hay cái bánh, mọi người sẽ reo lên sau này bé chỉ thích ăn chơi , không thích làm lụng. Có bé nhặt món này, bỏ xuống nhặt món khác lên … thì được tiên đoán rằng sau này nghề nghiệp thay đổi liên tục.

Mẹ tôi đông con, vất vả lắm, nên tôi chưa từng nghe mẹ kể ngày thôi nôi tôi nhặt món đồ gì. Cho đến nay tôi đã làm bà nội, bà ngoại của mấy đứa cháu, cúng kiếng thôi nôi tôi cũng thành khẩn với đầy đủ lễ vật. Đến dịp này, đôi khi nghĩ chuyện xưa, lòng tôi thắc mắc, tôi không biết một người gần như suốt đời theo nghiệp buôn bán như tôi thì ngày thôi nôi thuở nhỏ tôi đã nhặt món gì. Mẹ qua đời rồi, tôi biết hỏi ai đây?

Từ năm lớp sáu, ngoài giờ học, những lúc theo phụ mẹ ở chợ hoặc hàng quán trước nhà, tôi bắt đầu kinh doanh để kiếm tiền mua thêm sách vở. Bà ngoại là người hướng dẫn cho tôi mua từng trái dừa, nướng từng chồng bánh tráng do mẹ tráng. Dừa được xẻ ra từng miếng nhỏ hình tam giác, ngâm vào thau nước lạnh, bán kèm với bánh tráng nướng là món ăn xế chiều của người dân lao động trong xóm nhỏ. Tuy chỉ là buôn bán nhỏ, nhưng tôi cũng kiếm được khá nhiều tiền lời hàng ngày. Không cần phải dựa dẫm vào tấm thân gầy của người mẹ hiền đông con.
Sau tháng ba năm 1975, gia đình tôi dọn về quê, rời cây bút và những trang giấy trắng tinh khôi, tôi biết mình không đủ sức để cày cuốc nên tôi bắt đầu theo chị Hai buôn bán hàng, chuyến từ quê ra Đà Nẵng. Cứ mỗi sáng thức dậy sớm, tôi theo chị Hai xuống chợ Cầu Chìm, chị hướng dẫn tôi mua gạo ra bán ở chợ Tam Giác Đà Nẵng. Thời đó, kinh tế đất nước đang suy yếu sau chiến tranh. Gạo là nguồn lương thực chính của người dân mà lại khan hiếm, hơn nửa, việc giao thông, đi lại từ nơi này sang nơi khác cũng rất khó khăn,. Chỉ cần mang ra được số ít gạo từ quê ra Đà Nẵng là có lời ngay chứ không cần bán. Tôi may mắn bước vào đời bằng con đường buôn gạo để kiếm sống, cũng chỉ là buôn bán nhưng không phải buôn gánh bán bưng mà là buôn hàng chuyến. Đầu tiên, chị Hai mua cho tôi năm cái bao cát nhỏ và cho tôi một số vốn đủ mua ba mươi lon gạo cho mỗi chuyến. Chị dạy tôi chia ra làm nhiều bao nhỏ để mang lên xe, gởi cho những hành khách đi cùng trên chuyến xe đò mà tôi và chị ra vào hằng ngày. Khi mang đến trạm kiểm soát, xe phải dừng lại chờ thuế vụ kiểm soát. Nếu gạo của tôi gởi bị phát hiện thì người khách đó phải nhận là của mình, về quê thăm bà con, được biếu chút ít để làm quà. Thế là may ra trót lọt. Trường hợp xui xẻo, nếu bịch gạo nhỏ xíu đó lọt vào đôi mắt thuế vụ mà không có người nhận thì số gạo đó bị tịch thu. Dĩ nhiên là mất cả vốn lẫn lời. Hồi đó, năn nỉ gởi cho những khách đi trên xe chịu trách nhiệm nhận dùm vài lon gạo lẻ cũng là việc khó khăn. Ai cũng sợ trách nhiệm nên ít ai nhận mang giúp. Tôi mang năm bao gạo nhỏ theo chị Hai lên xe, lòng đầy lo lắng…
Thú thật lần đầu tiên đi buôn hàng chuyến, gặp món hàng không nặng nề lắm nhưng đối với một con bé khờ khạo như tôi thì thật là một việc tràn đầy nguy hiểm. Mỗi ngày đều phải làm phiền những người xung quanh, tôi thật sự ái ngại, không biết mở lời năn nỉ thế nào để gởi cho những người không quen nhận hàng dùm. Ngại quá, tôi cứ lúng túng hoài thì chị Hai tôi lên tiếng giải vây giúp: “Em tôi nó mới đi buôn lần đầu nên cứ lớ ngớ, không biết giải quyết làm sao với số gạo này! Cô bác đi xe, làm ơn thương dùm, cầm giúp cho em nó một bao”. May đâu, một người khách trên xe lên tiếng: “Cháu đưa chú mang giúp cho một bao. Kệ! Con người ta cũng như con mình, nó mới ra đời, thôi thì bà con trên xe giúp đỡ cho cháu đi!”. Chú vừa nói xong thì vài ba người khách khác đi cùng xe có lòng tốt cũng hoan hỷ mang giúp số gạo của tôi. Xe bắt đầu lăn bánh, lòng tôi có chút hân hoan…
Ngày đầu tiên đi buôn được suông sẻ, tôi mừng lắm. Tiếp theo đó, mọi sự an bày như có bàn tay giúp đở của những người bề trên. Niềm vui của tôi cũng tăng theo hàng ngày khi số tiền lời của mình ngày càng tăng. Chị Hai cho chút vốn nhỏ, bây giờ tôi có được số vốn kha khá và tôi bắt đầu mùa nào bán buôn theo mùa đó. Sáng sáng, từ quê lên xe hàng ra chợ Tam Giác Đà Nẵng bán gạo xong, tôi mua vài thùng mắm nêm, vài bao sắn dây về quê bán cho dân lao động. Hết mùa thu hoạch lúa, gạo khan hiếm tôi sang mua đường bát từ quê mình ra bán. Xong mùa mía, hết đường thì tôi lên chợ Hà Nha mua bòn bon bán sỉ cho các hàng bán trái cây…Về sau này tôi đã quen mối lái, quen mặt hàng, quen cả những chuyến xe hàng ra vào mỗi ngày nên … nghề dạy nghề, tôi trở nên lanh lẹ, biết ứng xử trong mọi trường hợp gặp khó khăn.
Thời kì gạo lưu thông rộng rãi là lúc tôi bắt đầu lập gia đình vào tháng năm, năm 1978. Tôi vẫn ở lại với gia đình ba mẹ, tiếp tục buôn bán lớn hơn, bằng cách thu mua lúa của nông dân, xay thành gạo, chở ra bán sỉ cho các cửa hàng kinh doanh gạo ở chợ Tam Giác Đà Nẵng. Dĩ nhiên tất cả các chuyến hàng đều phải tìm mọi cách tránh đôi mắt thuế vụ thì mới giữ được vốn và có lời. Công việc buôn bán được một thời gian êm xuôi. Tuy nhiên, ở đời, thuyền to thì có khi phải gặp sóng lớn. Một đôi lần xui xẻo không trót lọt, mất cả vốn lẫn lời. Sau đó, nghe lời ông xã, tôi bỏ nghề buôn gạo hàng chuyến, rời quê nhà, theo chồng ra Đà Nẵng.

Để kiếm thêm thu nhập hàng ngày, tôi mở hàng dép cao su ở đường rầy chợ Cồn. Nói là hàng dép cho oai vậy chứ thực ra chỉ là mượn hàng rào trước đồn công an chợ Cồn để treo mấy đôi dép lên bán cho khách qua đường. Nhờ tính tình hoạt bát vui vẻ, hàng dép của tôi lúc nào cũng đông khách nhộn nhịp. Nhưng không phải cái gì cũng suông sẻ, hàng dép của tôi cũng bị cạnh tranh bởi những người bán hàng kế bên, người này là con bà dì mà vợ chồng tôi mang ơn, nên tôi đành phải chia tay hàng dép từ dạo ấy. Vì miếng cơm manh áo, tôi phải bương chải tìm việc làm khác, là làm khung xe đạp. Thời kỳ xăng dầu khan hiếm, cả nước ai ai cũng mong có chiếc xe đạp làm phương tiên lưu thông, ngành làm khung xe đạp trở nên hợp thời hơn bao giờ hết. Công việc này quá là nặng nhọc và vất vả so với một phụ nữ có con mọn như tôi nhưng bù lại là kiếm được khá nhiều tiền nên tôi hầu như tạm quên bao vất vả. Đến năm 1987, vợ chồng tôi mua được ngôi nhà ở đường Điện Biên Phủ, lúc đó được xem như một đoạn đường nằm ở ngoại ô thành phố, trên tuyến đường ra quốc lộ 1. Xe hàng từ bắc vào nam, từ nam ra bắc hàng ngày qua lại nườm nượp. Chúng tôi và bắt đầu kinh doanh lốp xe ô tô.
Thời kỳ kinh tế mở cửa hội nhập, lốp xe từ biên giới Lào đổ về tràn lan, cửa hàng mang tên “Hiệp Lốp” ra đời từ đó. Hàng về chưa kịp nhập kho đã bán hết, việc kinh doanh của vợ chồng tôi phất lên như diều gặp gió, tiếng tăm của “Hiệp Lốp” vang danh nhiều vùng từ năm 1987 đến năm 1995. Chấm dứt mọi vất vả bon chen. Hiện nay vợ chồng tôi có cửa hàng kinh doanh lốp xe ô tô đủ các loại, dưới bảng hiệu mang tên hai đứa con trai gái đầu lòng:

                        DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN HOÀ HẢO
                      Chuyên kinh doanh lốp ôtô sỉ và lẻ
                  
Địa chỉ: 195 Điện Biên Phủ - Đà Nẵng

Biết bao nhiêu khó khăn đã đi qua đời tôi…Tuy chỉ một nghề là buôn bán nhưng phải trải qua nhiều giai đoạn. Mỗi công việc đều có cái khó khăn gian khổ riêng mà tôi phải và đã vượt qua. Nếu ngày xưa tôi vì ngại một chút khó khăn trên chuyến xe đò năm nào thì đâu thể có nghị lực mà bươn chải với cuộc sống cho đến ngày hôm nay. Tận đáy lòng, tôi thầm cảm ơn mẹ với những an ủi, bảo ban khi tôi gặp bất trắc trên đường đời. Tình yêu thương đó đã là nghị lực cho con tiếp tục đứng lên mỗi khi gục ngã. Cảm ơn chị Hai đã dẫn dắt em đi những bước đầu tiên trên con đường cuộc đời. Nhờ có chị hướng dẫn mà em đã mạnh dạn bước vào con đường bán buôn và gắn bó suông sẻ từ xưa đến nay. Tạo được vốn liếng, dựng nên cơ nghiệp từ năm cái bao cát đựng gạo, rong ruổi theo những chuyến xe đò, ngơ ngác vụng về và đáng thương quá. Ôi, những bước đường đời đầu tiên ấy. Giờ đây nghĩ lại mà ngỡ như mới ngày hôm qua.

Trải qua nhiều sóng gió, nghiệm lại, tôi thấy mình gắn bó với nghề buôn bán. Từ hai bàn tay trắng còn thơm mùi giấy vở, tôi tập tành buôn bán lặt vặt, rồi buôn hàng chuyến từ nhỏ nhặt đến nhiều món hàng nặng ký. Gần cuối đời, tôi vẫn còn giữ được tài lộc của nghiệp bán buôn. Hằng đêm tôi thắp nhang cầu nguyện, tôi không quên cám ơn trời đất đã chở che cho tôi và gia đình mình. Đời tôi, so với bạn bè mình cũng không đến nổi quá lao đao, tôi buôn bán tuy qua nhiều món hàng nhưng cũng ít gặp trắc trở. Chẳng may vì thế cuộc và hoàn cảnh gia đình mà con đường học vấn đành dở dang, vợ chồng tôi quyết chí làm ăn và nối tiếp ước mơ vào đời con mình. Quá khứ đã qua và tương lai vẫn còn ở phía trước. Hy vọng sau khi đọc câu chuyện này, các con tôi sẽ nghiệm được những khó khăn mà tôi đã vượt qua để tiếp tục vẽ nên những tương lai mới, thênh thang ngàn lối nhưng đừng quên câu ông bà mình dạy ngày xưa: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.

Phạm Thị Ba
Tháng 3 năm 2012