Nhỏ Bạn Bà Con
Năm tôi vào lớp sáu trường Nữ Trung Học Đà Nẵng thì nó cũng đậu vào ngôi trường danh tiếng này cùng khóa. Tuy nhà ở chung con đường Trần Cao Vân nhưng nhà nó trên xóm Lầu Đèn, nhà tôi ở Thuận Thành. Từ nhà nó, muốn đi học nó phải đi ngang xóm Đạo Tam Tòa rồi mới tới nhà tôi.
Nó có phần to con hơn tôi, da trắng, môi đỏ, tóc cắt ngang vai và luôn luôn được cột lên gọn gàng. Mới năm đầu tiên chung lớp chúng tôi chưa quen biết nhau nhiều, nó luôn đi học bằng chiếc xe đạp không được mới, khác với đám chúng tôi là Phương, Phượng, Mộng Linh…hay cuốc bộ hoặc có Ba chở đi học. Những trưa nắng, tôi hay thấy nó mặc áo đầm trắng, cái cặp da cột phía sau xe, đôi chân khỏe khoắn đạp xe vun vút, thấy ghét!
Lúc cô giáo xếp lớp thì tôi ngồi bàn nhì dãy đâu tiên, nó ngồi phía sau lưng tôi. Dần dà hàng xóm thành bạn bè, lúc này mới có giao thiệp, trò chuyện qua lại. Ba bàn đầu của chúng tôi ngoài tôi và cặp Phương Phượng ra còn có Nguyễn Thu Dung, Ngô Chung Thủy, Ngọc Diệp…trong đó Ngọc Diệp luôn là đứa sắc sảo, khôn ngoan lanh lẹ nhất.
Tôi nhớ có lần thi Lục Cá Nguyệt môn Vạn Vật, Ngọc Diệp xúi ra trò chia bài để học. Ví dụ Phương học hai bài: Con bò, con rắn. Tôi phải tụng hai bài: Con ong, con muỗi, Con nhỏ phải học hai bài: Cây dương xỉ, cây thông, Ngọc Diệp học hai bài khác: Con ốc, con thằn lằn….Mấy đứa đồng ý với nhau khi cô ra đề thi, trúng bài đứa nào phải cho mấy bạn khác copy và ngược lại. Không may cho cả đám, giám thị hôm đó là cô Bút và cô Quy, hai cô đều khó và biết mánh học trò như đi guốc trong bụng. Đề thi lại trúng vào bài tủ của nó. Suốt buổi thi, tôi và Phương Phượng cứ xoay người dòm lui, con nhỏ hé mắt nhìn rồi liếc hai cô giám thị, sau đó cuối xuống hí hoáy viết tiếp. Bài thi của nó để ơ thờ, không lấy giấy che lại như mấy đứa khác nhưng chúng tôi không có cơ hội để dòm. Nhỏ Ngọc Diệp cũng thúc chân vào tôi, hối: Biểu hắn đọc lên đi mi! Tôi nhìn ánh mắt cô Bút mà ớn lạnh, không dám lên tiếng. Một câu hỏi khác trúng bài của Thu Dung học thì chúng tôi có thể ghé măt dòm, vì Dung ngồi bàn trên, ngay tầm mắt, còn mấy câu trúng bài con nhỏ học thì chịu chết, hơi nhúc nhích người là cô giám thị phòng thi cầm thước chỉ chỏ. Cô Quy còn chắc ăn tới đứng ngay chổ đường đi giữa hai dãy bàn, cả đám nín thở, hết ngo ngoe. Trong khi đó con nhỏ vẫn bình tỉnh, viết liên tu bất tận, khuôn mặt nó tự tin đến phát sợ. Bí quá, đám chúng tôi bèn biết gì viết nấy, vừa làm vừa cầu nguyện. Buổi thi môn Vạn Vật hôm đó kết thúc trong nổi buồn thiên thu của chúng tôi. Ra chơi, Ngọc Diệp lên tiếng xỉa xói con nhỏ: Mi trúng tủ rồi, sướng hén. Tôi thấy tình hình hơi căng thẳng vì biết tánh Ngọc Diệp rất nóng, sợ xảy ra “án mạng”, tôi bàn: Thôi đi, hắn giỏi lắm là làm trúng câu tủ thôi, mấy bài kia con Dung học, hắn làm sao mà làm được, tính ra cũng như mình thôi năm mươi, năm mươi, thôi huề đi. Con nhỏ lặng lẻ không nói gì, tánh nó hiền và ít nói. Đến lúc cô giáo phát bài thì hú hồn, đám chúng tôi cứ mười, hoặc mười một điểm, Thu Dung đựơc mười lăm, còn con nhỏ mười bảy điểm! Ngọc Diệp tức lắm nhưng chịu thôi, thì ra tuy có hợp đồng với chúng tôi nhưng con nhỏ vẫn tự “đổ bê tông” bằng cách học hết, cho chắc ăn. Tôi bắt đầu thấy ngán con nhỏ. Hết học kỳ, sổ điểm mang về nhà bị Ba tôi hạch hỏi, tôi thành thật khai báo là chia bài học tủ cuối cùng bị bể tủ, tôi nói với Ba tôi chỉ có nó là học đầy đủ hết, không sót bài nào nên được điểm cao nhất đám. Lúc này Ba tôi mới hỏi tỉ mỉ, đứa nào, con nhà ai…Thì ra nó bà con với tôi, nó gọi Ba tôi bằng cậu, tôi gọi mẹ nó là cô. Chúng tôi là chị em cô cậu. Mẹ nó vai lớn nên nó hưởng xái, tôi phải kêu nó bằng chị. Ba nó là một người làm ngành y. Ngoài giờ làm việc Bác còn nhận chích thuốc chửa bệnh cho bà con hàng xóm. Gia đình nó sống rất thanh đạm, ăn chắc mặc bền. Có lần chúng tôi keó nhau lên nhà nó để cùng nhau ra bãi biển Xuân Hà nhặt vỏ ốc cho bài Vạn Vật, hôm đó cả bọn được cô Chín là má nó mời cả đám ăn với gia đình một bửa cơm rất vui. Nó cũng có ông anh học Kỹ Thuật khá đẹp trai, Kim Liên còn nhớ chuyện này rất tì mỉ. Tôi lấy làm lạ vì sao Kim Liên không lọt vô làm dâu nhà nó cho rồi.
Tôi và nó tuy bà con, lại học chung lớp nhưng không phải là “đồng chí” với nhau. Sau một vài năm học chung lớp, tôi là trưởng nhóm ham chơi, ham phá phách. Còn nó là đứa cần cù chăm chỉ, trong lớp. Càng lớn da nó càng trắng và môi đỏ thắm, gò má của nó cứ ửng hồng sau quãng đường dài đạp xe đi học, những đường gân máu hiện rỏ lên trông rất xinh. Thỉnh thoảng buổi trưa nó lười đạp xe về cũng ở lại cùng với nhóm chúng tôi quậy phá, vì con nhỏ cũng ít bạn bè. Tôi còn nhớ có lần, học bài Hóa Học về Bản Phân Loại Tuần Hoàn, mỗi học sinh phải sắm một bản, bọc nhựa hẳn hoi để làm kim chỉ nam cho mấy môn hóa chất rắc rối. Ở ngay giữa người ta post tấm hình của nhà phát minh Men Đê Lép, một khoa học gia thời xa xưa, có mái tóc dài vừa chấm vai, loăn xoăn gợn sóng y như tóc của nó. Một đứa bạn đã phát hiện ra và đặt cho nó cái tên “Bác Học”. Không biết có phải đời nó gắn liền với cái tên này không mà về sau nó học Vạn Vật và Lý Hóa giỏi kinh khủng. Nó không bao giờ bỏ phí thời gian để tham gia vào những món ăn chơi như văn nghệ, thể thao. Hồi còn bé, nó đã là một đứa chuyên cần đáng nể.
Năm tháng qua đi, thế gian có nhiều điều thay đổi. Chúng tôi rời mái trường, phân tán đi bốn phương tám hướng. Sau thật nhiều năm tôi không hề nghe đến tin tức nó. Một lần ông anh tôi nói: Thằng Chín, bạn anh mới cưới con nhỏ Hồng Đức, tốt nghiệp Y khoa Huế. Tôi nghe mà không hỏi thêm gì vì tâm trí tôi còn mãi mê với cơm áo, gạo tiền và những niềm đau khôn nguôi thời làm cô phụ. Nhiều năm sau, bạn thân tôi là Tuyết Huệ cũng làm vợ một anh Kỹ Thuật, sau nhiều lần nói chuyện tôi không ngạc nhiên gì khi biết con nhỏ là một bác sĩ khoa nhi, nó chính là vợ của anh Chín. Hai vợ chồng hiện đã có hai công chúa, sinh sống tại Biên Hòa. vợ chồng nó cũng là bạn khá thân với gia đình Tuyết Huệ. Tôi mường tượng ra hình ảnh nó thuở còn đi học với nét mặt hiền lành, ít nói, tứ thời áo đầm KT trắng đạp xe đi vun vút. Tôi nhớ nó với đôi gò má ửng hồng, mái tóc Bác Học và tài nghệ gạo bài trứ danh. Tánh nó cần cù, chăm chỉ, chịu khó từ tấm bé, đường đời của nó thong dong, nhẹ nhàng thành công, tôi thật mừng cho nó.
Ngày tôi kiếm ra nó qua trang web chin4-hongduc, nó có gởi cho tôi tấm hình. Má tôi nhìn và biết ngay là con cô Chín, vì nó trông rất giống mẹ. Không biết tài nghệ của nó cao siêu cở nào mà lôi kéo được một đứa bạn cùng lớp là Chế Thu Hương từ Đà Nẵng vào Bình Dương lập nghiệp. Hai đứa là hàng xóm và cùng làm chung một Bệnh Viện. Bác Thu Hương “chuyên nhổ cái răng không đau”, còn nó đứa bạn cùng lớp cùng đường và bà con với tôi có cái tên với ý nghĩa nôm na là “Tiền Bạc” thì không làm chủ Ngân Hàng mà đi làm công việc cứu nhân độ thế. Nay nó đã về hưu, sáng nấu cơm cho chồng con ăn, chiều phát thuốc đau bụng miễn phí.
Xem hình, nhìn khuôn mặt nó đầy đặn, phơi phới thì biết đó là một gia đình hạnh phúc không những qua tấm ảnh mà thật sự ngoài đời. Năm 2009 tôi có ý về Bình Dương thăm nó và Thu Hương. Tôi hẹn tới hẹn lui rồi đành thất hẹn, từ trên khách sạn nhìn xuống thấy cảnh Sài gòn kẹt xe mà nản lòng. Tôi gọi nó xin lổi, con nhỏ thật dịu dàng không trách móc, chỉ hẹn lần sau. Giọng nói ngọt ngào của nó qua điện thoại còn chúc tôi vui vẻ khiến tôi áy náy hoài. Các bạn biết con nhỏ bạn bà con của tôi tên gì, ở đâu rồi chứ!
Thân tặng Bà chị Bác Học
Anh Trinh (tháng 7/2011)