Nhớ Cô Khuê, Thương Thầy Nguyên

Ngôi trường mới với những dãy bạc hà còn non nớt, thân cây khẳng khiu yếu ớt lay trong gió mùa thu ngày tựu trường là hình ảnh còn rất xa lạ với chúng tôi, những cô bé mới trúng tuyển vào lớp sáu, trường Nữ Trung Học Đà Nẵng, năm học 1969-1970. Tôi yêu những lối đi lát đầy sỏi, giờ ra chơi bước chân đi nghe lao xao, năm đó trường chỉ mới vừa hoàn thành một dãy lầu chính, hai dãy phụ hai bên và khu Thư Viện, Phòng Gia Chánh vẫn đang còn xây dựng.

Tôi là một cô bé mê đọc sách báo từ thuở còn rất nhỏ. Tôi còn nhớ những buổi chiều trong tuổi thơ, Ba tôi nằm trên võng đọc báo, tôi không chạy chơi như những đứa trẻ cùng lứa mà thường nằm bẹp xuống dưới đất để đọc ké. Trang sau của các nhật báo thơì đó thường chỉ đăng các tin chia buồn, quảng cáo, chúc mừng. Những tin chia buồn thời chiến tranh luôn làm tôi thắc mắc vì “nhân vật chính” lần đầu cũng là lần cuối có tên được lên mặt báo hầu hết đều là “hưởng dương”, nghĩa là tuổi đời còn rất trẻ. Tôi đem thắc mắc này ra hỏi, Ba tôi bảo đó là những tân binh, họ nằm lại ở chiến trường, không để lại gì ngoài những dòng Tổ Quốc Ghi Ơn. Đó là những người đã hy sinh mạng sống để chúng ta có những ngày yên nơi hậu phương. Lời giải thích của Ba gieo vào tâm hồn trẻ thơ của tôi chút u hoài. Bao nhiêu tiền ăn vặt tôi để dành mua sách báo, tôi cắt những bài báo trang Thiếu Nhi ra để dành, chất đầy một ngăn kéo mà không biết để làm gì. Tôi mê đọc sách báo như thế nên khi vào trường mới, tôi thật tự hào khi biết ngôi trường Nữ Trung Học của chúng tôi có cái thư viện.

Đúng là cái ”Thư Viện bỏ túi”, “bỏ túi” vì nó nhỏ xíu thôi, chỉ bằng cái phòng học bình thường nằm bên cạnh cầu thang, đối diện với Văn Phòng, phòng Hội Đồng, phòng Giáo Vụ, cách nhau bởi một lối đi, trên có mái che, dưới lát gạch hoa. Năm chúng tôi vào lớp sáu, những buổi nghỉ học, học sinh thường ghi danh tình nguyện giúp đỡ các thầy cô trong nhiều việc chung như sắp xếp hồ sơ trong phòng Học Vụ, trang hoàng phòng Khánh Tiết … nhưng tôi mê nhất là trực thư viện. Tôi biết Thầy Nguyên từ những lần trực Thư Viện năm tôi học lớp sáu. Thuở ấy thầy là giáo sư dạy Sử Địa vừa là Quản thủ Thư Viện. Không nhớ rõ tôi có thể giúp thầy được việc gì với cái tuổi mười ba thuở ấy, tôi chỉ nhớ chính xác cái quyền lợi của các em trực thư viện là … đọc sách tha hồ và được mang về nhà mấy cuốn sách đọc lai rai. Tôi biết đọc Từ Hy Thái Hậu, Vòng quanh Thế Giới 80 ngày, Vô Gia Đình … từ những buôỉ giúp Thầy Nguyên ở “Thư Viện bỏ túi”.

Mấy năm sau đó thư viện mới hoàn thành, tọa lạc ngay giữa sân trường, nhìn ra cột cờ. khu thư viện có rào lưới B40 vòng xung quanh, có mấy cây hoa sứ  trước hiên tỏa hương thơm ngát. Thầy Nguyên tổ chức nhiều buổi thi Đố Vui Để Học, giúp chúng tôi nâng cao kiến thức, dạy cho học sinh có trình độ hiểu biết toàn diện. Đây là lối giảng dạy rất mới và thực tế. Thư viện trở thành một điểm rất hấp dẫn, gần gũi với học sinh. Những dịp lễ có thi đua Bích Báo toàn trường thư viện trở thành nơi chưng bày rất lý tưởng.

Thầy Nguyên có gương mặt tròn, vầng trán cao và khối kiến thức bao la như môn dạy của thầy. Những buổi giúp thầy xếp đặt trong thư viện không bao nhiêu lần nhưng chính thầy đã gieo trong tôi niềm kính phục lẫn mến yêu bởi lối sắp đặt công việc rất khoa học. Thầy là người có lòng với công việc chung của trường buổi sơ khai. Thầy có giọng nói sang sảng của một người đàn ông Quảng Nam, một là một hai là hai, không có dây dưa phiền toái.

Bên cạnh thầy là hình ảnh mảnh mai, đơn giản của người bạn đời, cô Ngọc Khuê. Cô cũng dạy môn Sử Địa. Chúng tôi rất may mắn là học trò của cô năm học lớp tám. Cô nói giọng Huế rất dịu dàng, ẩn trong cái dáng dấp gầy gò kia là một nguồn năng lượng vô biên. Cô Khuê hình như giảng bài không biết mệt. Ngoài những bài giảng về lịch sử nước nhà, về bao địa danh trên khắp thế giới đưa chúng tôi vượt qua bao đại dương, tìm hiểu cặn kẻ năm châu và bốn biển … cô còn truyền đạt cho chúng tôi bao nhiêu kiến thức về đời sống, về xã hội, về sự hình thành xã hội con người. Cô đã chắp cho chúng tôi đôi cánh bay cao, bay xa đến những chân trời mới. Cho chúng tôi hiểu rằng cuộc sống không chỉ hạn hẹp trong không gian học đường mà nó bao la bát ngát, chúng ta phải sống có hoài bảo, có cống hiến thì mới là một cuộc đời có ý nghĩa.

Thầy Nguyên và cô Khuê của chúng tôi là hình ảnh gương mẫu, đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giảng dạy bao lứa học trò. Thầy cô không có con nhưng căn nhà của thầy cô, căn nhà nhỏ nằm yên tĩnh trong con hẻm đường Nguyễn Hoàng như là một tổ ấm cho bao thế hệ học sinh sau nhiều năm lưu lạc có chốn quay về. Nhiều lần các đám học trò năm xưa tìm về căn nhà nhỏ của thầy cô để cảm nhận được thế nào là tình thầy trò, nó gần gủi mà không mất đi sự trân trọng, nó êm đềm và đầy yêu thương thân thiết. Những thứ không xa không gần nhưng rất quí báu đã trở thành xa xỉ trong quan hệ thầy trò của thế hệ bây giờ.

Cô Ngọc Khuê cũng chính là cô giáo mà tôi yêu thích nhất những năm dưới mái trường Nữ Trung Học Đà Nẵng. Cô dạy cho tôi biết yêu giống nòi, kính trọng công ơn tiền nhân qua những bài học lịch sử, dạy cho tôi yêu quê hương, yêu rặng núi, dòng sông qua những bài địa lý không khô khan nhàm chán vì lối giảng của cô đầy mới mẻ, sinh động. Thầy hướng dẫn năm lớp mười của tôi, thầy Thụỵ cũng là giáo sư dạy Sử Địa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, khóa đàn em của cô Khuê sau này.

Sau tháng ba năm 1975, tôi ghi danh đi học lại và cố tình chọn ban A với môn Sử Địa là chính, môn học tôi yêu thích từ cô giáo Lê Khắc Ngọc Khuê của trường Nữ Trung Học Đà Nẵng. Hai năm cuối bậc trung  học ở trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, tôi trở thành học sinh giỏi Sử Địa nhất lớp, là học trò cưng của cô Bích Hà, lòng tôi muôn vàn nhớ đến cô Ngọc Khuê và giọng nói dịu dàng với lối giảng dạy đầy thuyết phục.

Càng lớn tuổi, như bao nhiều ngươì khác cô càng nhiều bịnh, tôi theo dõi sức khỏe của cô trên trang web trường Nữ. Tôi nhìn hình ảnh thầy cô và xót lòng khi biết cô mang chứng bịnh nan y. Tuy vậy, thầy vẫn bên cô qua bao gian nan ghềnh thác. Và … cho đến nay lòng tôi còn ân hận vì chưa có dịp trở về thăm cô thầy một lần, dù thầy cô có thể không còn nhớ tên tôi, ánh mắt thầy cô có thể không còn minh mẫn để nhận ra hình ảnh đứa học trò nhỏ năm xưa từng ngưỡng mộ cô thầy, yêu môn học Sử Địa, yêu những giờ phút miệt mài trong thư viện hơn dạo chơi lang thang ngoài phố.

Buổi sáng một ngày cuối tháng bảy, tôi có email của Kim Cúc báo tin cô Khuê qua đời rồi, cảm giác như mất đi một chỗ đứng về tinh thần, nước mắt tôi tràn ra, vậy là hết, tôi không còn có cơ hội để về thăm cô một lần như thầm hứa. Tôi viết những dòng tiếc thương cô Khuê, chia sẻ nỗi mất mát với các bạn cùng lớp, gởi vào trang web lớp 9/4. Tôi cùng nhóm Nữ Trung Học Đà Nẵng ở Atlanta chung góp chút ít nhờ các chị gởi về để hương hoa, nhang khói. Cầu nguyện cho cô Khuê tôi được thanh thản ra đi nhẹ nhàng như cô đã đến trong cuộc đời này. Tôi gắng làm hết những gì có thể để mong cô thứ tha cho đứa học trò cũ này. Thương thầy Nguyên giờ trở thành chim sáo lẻ đôi, cô Khuê lúc sinh thời yếu ốm, phải luôn dựa dẫm bên cạnh thầy nhưng cô đi rồi, đi mãi rồi. Dù cô như là sợi dây leo quấn quít bên cạnh thầy, nay cô đi rồi, đi mãi rồi, liệu thầy tôi một mình khi yếu ngã, biết có ai cậy nhờ.

Một chị lớp lớn cho hay, giờ phút ra đi vĩnh viễn nét mặt cô vẫn tươi, ánh mắt vẫn sáng. Thầy thì nhờ các chị thoa cho cô chút son trên môi, thay cho cô bộ áo quần cô thích và trải hoa, chỉ có hoa thôi quanh chỗ cô nằm. Ước nguyện của thầy làm đám học trò cũ rơi nước mắt.

Chim sáo lẻ đôi thì không bao giờ cất lên được giọng ca thánh thót, thầy tôi lẻ bạn rồi! Ôi, thương làm sao… thầy Nguyên.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta tháng 7/2010