Để thư giản đầu óc sau một ngày ngồi ở quày hàng và cũng để vận động cơ thể, mỗi tối tôi thường thích đi bộ. Có khi tôi cùng đi với con trai, có khi đi với chị bạn gái hàng xóm. Sau mỗi buổi tối đi bộ về nhà tắm rửa xong thì giấc ngủ đêm đó sẽ được sâu hơn, ngày hôm sau thức dậy khỏe khoắn hơn và một ngày mới bắt đầu nhờ thế mà tươi vui hơn. Dĩ nhiên đoạn đường tôi thường đi bộ chỉ quanh quẩn khu vực gần nhà, những quán xá quen thuộc và cũng hay gặp những khuôn mặt hàng xóm quen thuộc. Có khi, trò chuyện với con trai hay ngươi bạn đồng hành giải khuây, cũng có khi đi bộ mà tâm trí tôi mãi mê nhớ lại đoạn đường ngày xưa, rất đẹp, rất nên thơ, nhiều kỷ niệm thời tôi còn tóc dài chấm vai, áo trắng đến trường.

       Đó là con đường Thống Nhất rợp bóng mát của hai hàng cây kiền kiền già cổi. Trường Nữ Trung Học Hồng Đức nằm trên một mô đất cao, nên cổng trường được xây như ở trên một con dốc. Tan trường, áo dài trắng tung bay như những cánh bướm, các tà áo tản ra làm hai hướng, chúng tôi là nhóm đi ra phía tay trái, đường Thống Nhất hướng về phía cầu Vồng. Ngã tư đầu tiên mà chúng tôi phải qua là ngã tư đường Nguyễn Thị Giang (bây giờ là Nguyễn T Minh Khai), đi vài phút là tới ngã tư Thống Nhất - Đông Kinh Nghĩa Thục (nay là Ngô Gia Tự), qua khỏi ngã tư này là Cầu Vồng, cũng là một biểu tượng của khu trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Ôi, nhắc đến đoạn đường này thì tôi lại nhớ đến biết bao kỷ niệm, những người bạn nhỏ thuở nào: Phương, Lê T Nga, Kim Mai, Mộng Linh, Thu, Bảy đôi khi có Anh Trinh .... là những bạn cùng chung lối về. Những ai đã từng sống ở Đà Nẵng khoảng thời gian 1970 - 1975 thì chắc chắn đều phải công nhận những giờ tan học hai con đường Thống Nhất và Quang Trung rất đẹp, với thật nhiều tà áo dài trắng tựa cánh bướm tung bay hai bên đường tạo nên một bức tranh trử tình làm sao!

       Tựu trường vào mùa thu, Đà Nẵng không có cảnh lá vàng rơi biểu hiện cho mùa thu mà chính những tà áo bắt đầu tung bay trong gió ngày tựu trường, lại là đề tài cho biết bao nhiêu bài thơ tình lãng mạn. Mùa thu qua mau thì đông đến. Áo dài trắng đi bộ đến trường như chúng tôi thuở đó thật là tội nghiệp. Thướt tha yểu điệu cho lắm thì mưa cũng không chừa một em nào. Lũ con gái chúng tôi, khi mưa đến bất ngờ thì chỉ biết ôm cặp trước ngực, không sợ ướt tóc, ướt mặt, cắm đầu chạy tìm chổ trú mưa, đôi chân vướng víu hai tà áo ướt nhèm, với hai cánh tay ôm cặp che ngực! Thật đúng là net e lệ dễ thương của thời con gái. Đông qua xuân đến ngày ngày ôm cặp đi về trên đoạn đường quen thuộc, bao nhiêu câu chuyện bàn tán về Thầy Cô, bạn bè khiến đoạn đường xa hóa gần. Ngày nắng hạ, chiếc cặp chứa sách vở được chúng tôi đội trên đầu làm nón che nắng. Tôi không thích đội nón vì chiếc nón lá khiến chiều cao vốn hạn chế của tôi càng thêm khiêm tốn!

       Từ trường Nữ đi về Cầu Vồng, chúng tôi có thể nhìn qua bên trái để thấy sân vận động Chi Lăng, đi mãi đến cuối cầu Vồng bên kia, dọc đường có thật nhiều quán chè: Liên Hương, Thạch Thảo ... quán cà phê Miên Thảo... nhưng chúng tôi ít có dịp ghé vào vì túi tiền không cho phép. Thường đi đến cuối cầu Vồng là nhóm bắt đầu chia tay, Phương vô ngỏ hẻm về nhà, Anh Trinh rẻ phải về Trần Cao Vân, Mộng Linh ra Nguyễn Hoàng ... Tôi, Kim Mai, Lê Nga, Thu, Bảy... là dân cùng xóm nên tiếp tục đi thẳng lên, qua khỏi Hoàng Hoa Thám là rẻ vào kiệt Tiến Thành để về nhà. Đoạn đường Thống Nhất cũng là "con đường tình ta đi" của tôi, có nhiều kỷ niệm đón đưa, theo nhau về giờ tan học ..., kết quả là sau tháng 3 - 1975 tôi trở thành bà Hiệp. Bao nhiêu năm qua đi với nhiều thay đổi, đường Thống Nhất nay cũng thay tên, hai hàng kiền kiền đã bị đốn mất, sân vận động không còn, nhường chỗ cho khu nhà ở sầm uất ngay trung tâm Đà Nẵng. Từ Cầu Vồng lên hướng kiệt Tiến Thành nay mọc ra vô số hàng quán thời trang, quán ăn ...
 
       Nhiều khi có việc phải chạy xe qua đoạn đường cũ, lòng tôi ngẩn ngơ... Còn đâu cảm giác cắm đầu chạy trú mưa, cặp sách ôm trước ngực, còn đâu những buổi tan trường chuyện trò rôm rả, những câu chuyện thời con gái dường như bất tận, những tâm sự thời mới lớn, tuổi trẻ vô tư và thơ mộng, nay còn đâu? Ký ức tuổi thơ nghèo khó đã qua, tôi bây giờ là Bà Hiệp, may mắn có được một đời sống tương đối ổn định, tôi có đủ điều kiện để mời các bạn thời học trò của tôi một bữa ăn chơi thỏa thích nhưng bạn tôi đâu rồi? Có chắc là tôi có thể tìm lại được niềm vui như thời thơ dại?

       Ôi, nhớ về một đoạn đường cũng là nỗi nhớ miên man về một đoạn đời không bao giờ phai mờ trong lòng tôi.

Phạm Thị Ba
11/11/2014
Nhớ về một đoạn đường