Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Nhớ Mùa Xuân Năm Xưa TĐT
Chin Bon
Chin Bon
GS Bùi Duy Tâm
Những ngày cuối đông 2006 và đầu xuân 2007, tôi nhận được nhiều E. Mail và điện thoại của GS Bùi Duy Tâm đang ở Mỹ, cựu Khoa Trưởng Y Khoa Huế (1967-1972), để thảo luận, lên kế hoạch và triển khai một chương trình phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Trường Đại Học Y Dược Huế từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 4 năm 2007 do GS Bùi Duy Tâm và GS Gary Heit chủ xướng. Cũng không còn mấy hôm nữa, tôi lại có dịp gặp Thầy cũ để hàn huyên tâm sự sau 35 năm xa cách.
Từ mùa xuân này nhớ lại mùa xuân xưa (năm 1972), lúc đó chúng tôi đang học năm thứ nhất (1971-1972), muốn vào học năm thứ nhất y khoa Huế, SV phải trải qua một năm dự bị khoa học đầy khó khăn và thử thách. Đậu dự bị hạng khá trở lên mới được thi vào y khoa, tổng số SV lớp tôi lúc bấy giờ là 100 kể cả SV ở lại lớp (lưu ban). Hồi đó, lớp y khoa năm thứ nhất cũ lưu ban 20 SV, cho nên lớp SV dự bị vừa tốt nghiệp chỉ được đậu vào y khoa 80 SV, còn 20 SV điểm thấp hơn phải học ngành khác hoặc chờ sang năm thi lại. Lớp tôi như vậy cả mới lẫn cũ 100 SV, sau sáu năm học y khoa, lúc ra trường lớp tôi chỉ có 50, nhưng tính trong 7 năm học cùng vào dự bị khoa học rồi cùng ra trường một lần năm 1977, con số đó còn thấp hơn 50. Nói như thế để biết ngày xưa học y khoa khó như thế nào!
Vào học năm đầu tiên của trường y khoa, lớp tôi đang hướng về tương lai đầy sáng lạng, gần nửa năm trôi qua mà chúng tôi chưa gặp được GS Khoa trưởng để được giáo huấn về Y đạo. Thỉnh thoảng, đi ngang phòng khoa trưởng ở tầng 2, qua khe cửa hẹp nhìn trong phòng GS, thấy các hình ảnh SV ra trường của các bậc đàn anh mặc y phục truyền thống hồi đó gọi là quốc phục (áo dài đen-xanh, đội khăn đóng) mà chợt nghĩ ngày ra trường mình cũng được mặc y phục như vậy, trong lòng cảm thấy vui vui...
Vào một buổi chiều đầu xuân năm 1972, sắp tan học rồi, bỗng nhiên: “Nghe thông báo đây! nghe thông báo đây!” giọng nói giõng dạc của bạn lớp trưởng: “Ngày mai GS Khoa trưởng sẽ dạy lớp mình”, cả lớp reo hò, vui vẻ và phấn khởi lắm. SV mới vào trường mà được Khoa trưởng dạy thì có gì hạnh phúc hơn, mà GS đang ở Sài gòn ra dạy, điều làm chúng tôi khó hiểu là làm Khoa trưởng Y khoa Huế mà lại ở tận trong Sài Gòn.
Chúng tôi ai nấy đều chuẩn bị tinh thần để được học với GS Khoa trưởng, sáng hôm đó tôi đến trường rất sớm để mong được ngồi bàn đầu của giảng đường 101 bây giờ, nhưng khi đến nơi thì đã hơn nửa lớp có mặt, tinh thần học tập của lớp tôi rất cao. Gần bảy giờ có chiếc ô tô chạy vào trường, chúng tôi đoán chắc là xe đón Khoa trưỏng đến dạy chúng tôi, mọi người như nín thở chờ đợi, Thầy bước vào giảng đường, chúng tôi nghiêm trang đứng dậy chào Thầy. Một con người vừa tầm, khuôn mặt chữ điền, vầng trán cao, ăn mặc giản dị, nói giọng Bắc, tuổi còn rất trẻ, chưa được 40, mọi người thì thầm, trẻ thế mà làm Khoa trưởng nhiều năm rồi.
Tôi còn nhớ là Thầy không dạy chúng tôi những bài chuyên môn của năm thứ nhất như sinh lý, sinh hoá, giải phẫu mà đây như những buổi nói chuyện về phương hướng phát triển cũng như y đạo, y thuật, sắc thái riêng của Trường Đại học Y khoa Huế.
Buổi đầu tiên, Thầy dạy con đường phát triển của y khoa Huế, vì sao giảng dạy y lý đông phương tại đây, Thầy có cho chúng tôi xem những bài báo đăng trên các báo tại Sài Gòn cũng như nước ngoài về cải cách nền giáo dục y khoa tại Huế, có một tính chất đặc biệt, bên cạnh Tây y có giảng dạy y lý Đông phương. Bên cạnh học tiếng Anh, Pháp, Đức có học tiếng Hán, năm đó chúng tôi có học tiếng Hán rất là khó.
Buổi thứ hai, Thầy cũng diễn giải rất rõ tại sao lại có lời tuyên thệ của người thầy thuốc ở Đại Học Y khoa Huế mang một sắc thái riêng, khác với y khoa Sài gòn. Mãi sau này thỉnh thoảng tôi đem ra đọc lại lời thề này, tôi càng thấm thía những lời thầy dạy năm xưa, cho bước đường hành nghề y đạo vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo của chính mình.
Thầy chỉ dạy cho chúng tôi mấy hôm thôi, thì chúng tôi nghe tin từ Viện Đại Học Huế là Thầy Tâm sẽ ra đi không còn làm Khoa trưởng, những ngày này Thầy rất bận để bàn giao công việc cho Viện trưởng Viện Đại Học Huế, vả lại Thầy chẳng còn tâm trí nào đâu mà dạy chúng tôi nữa.
Thời gian này trường tôi rất sôi động, đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện Thầy Tâm ra đi, chúng tôi mới vào trường chưa hiểu biết gì nhiều, sinh viên các lớp lớn phản đối, không muốn Thầy Tâm ra đi, nhất là các lớp đã đồng cam cộng khổ, lưu lạc với Thầy tại Sài gòn để học tập, khỏi bị gián đoạn việc học sau biến cố Tết Mậu Thân (Biến cố Tết Mậu Thân, Trường Đại Học Y khoa Huế hư hỏng, tê liệt hầu như hoàn toàn, một số GS, BS đã đi vào lòng đất mẹ. Thầy Tâm, một mình, một ngựa đã mang cả Trường Y Khoa Huế vào Sài gòn để giảng dạy mấy năm, đã cứu nguy con thuyền Y khoa Huế qua cơn sóng gió đó).
Việc gì đến sẽ đến, ngày Thầy Tâm rời Huế đã định, sinh viên trường tôi ai nấy đều buồn buồn chuẩn bị lên đường để đi tiễn một người Thầy khả kính, đã nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp lớn mạnh của Trường. Tôi trong đám môn đệ đó đã đi tiễn Thầy tại phi trường Phú bài. Tại phi trường, sinh viên trường tôi rất đông, bao quanh lấy Thầy, để nghe những lời Thầy dạy bảo trước giờ tiễn biệt đầy nước mắt của kẻ ở người đi. Tôi còn nhớ rõ trước khi lên máy bay Thầy còn nói: “Tôi ra đi nhưng trái tim tôi vẫn còn ở lại Huế”, bởi vì Thầy là Tâm mà.
Thấm thoát đã mấy mươi năm trôi qua, sau khi rời Huế, tôi không biết chính xác về Thầy là Thầy dạy tại Khu sinh hoá của Trường Đại Học Y khoa Sài Gòn và mở Trường Đại Học Y khoa Minh Đức ở Sài Gòn... sau này tôi biết Thầy đang định cư ở Hoa Kỳ.
Những năm trước, Thầy về Việt Nam, có đến thăm trường nhưng tôi không có cơ hội thăm Thầy.
Đợt này Thầy về thăm lại trường, cùng con trai của Thầy là BS Bùi Duy Linh, chuyên khoa gây mê hồi sức và Đoàn phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ. Thầy quyết tâm giúp đỡ cho Trường xây dựng một khoa Phẫu thuật thần kinh hiện đại ngang tầm quốc gia và quốc tế.
Những ngày này, làm việc với thầy qua E. mail và điện thoại, mà nhớ lại lời Thầy nói năm xưa, Thầy ra đi nhưng thầy vẫn lưu luyến Huế, Thầy đã và đang trở về Huế. Nơi đây những thế hệ học trò luôn luôn nhớ đến những đóng góp của Thầy cho sự lớn mạnh của Trường.
Trường Đại Học Y khoa Huế mà nay là Trường Đại Học Y Dược Huế đang lớn mạnh, Trường có bệnh viện với đầy đủ các chuyên khoa, Bệnh viện đang có chủ trương xây dựng nhiều chuyên khoa mũi nhọn. Trường có Trung tâm Gamma đầy uy tín, mới được giải thưởng VIFOTEC 2006. Bên cạnh Trung tâm Gamma, cần có Trung tâm phẫu thuật thần kinh, với sự giúp đỡ của Đoàn Phẫu Thuật thần kinh Hoa Kỳ, với quyết tâm của nhà trường và sự nhiệt tình của Đơn vị Phẫu thuật thần kinh và Khoa Gây mê hồi sức, tôi hy vọng rằng Bệnh viện Trường Đại Học Y Dược Huế sẽ xây dựng thành công Khoa phẫu thuật thần kinh ngang tầm quốc gia và các nước trong khu vực.
Trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường, nhiều hoạt động của toàn trường để chào mừng ngày Hội lớn này. Ngày Hội của nhiều thế hệ Thầy Trò Trường tôi. Tuần lễ phẫu thuật thần kinh-sọ não, với sự giúp đỡ của GS Bùi Duy Tâm và GS Gary Heit sẽ góp phần tô điểm thêm cho sự hoành tráng của lễ kỷ niệm 50 năm.
Đầu xuân năm Đinh Hợi (2007)