Nhớ Tết xưa
... Những năm tháng ấu thơ của chị tươi sáng và an bình cho đến một ngày chiến tranh tràn vào thành
phố. Chỉ là hai mươi mấy ngày trong mấy vạn ngày chị đã sống qua, nhưng có lẽ chưa bao giờ chị có thể
quên đoạn đời ấy.
Con bé chín tuổi một đêm cuối năm đang ngủ trong nỗi háo hức chào đón năm mới thì giật mình tỉnh giấc
vì tiếng nổ đì đùng. Ban đầu xa xa nó cứ tưởng là tiếng pháo, nhưng rồi tiếng nổ càng lúc càng rõ, càng
gần. Nó lơ mơ ôm chầm lấy chị Tư ngủ chung giường. Tiếng ba nó la lên trong đêm:
- Xuống đất nằm hết nghe mấy đứa.
Tỉnh ngủ hẳn, mấy chị em lật đật bò xuống đất. Chị Tư sợ hãi cầm tay nó cứng ngắt. Tiếng mẹ thảng thốt:
- Bò vô đây mấy đứa ơi
Lần đầu tiên nghe tiếng đạn thật, liên tục không dứt, nó sợ cứng người, thấy quần mình ươn ướt. Cứ tưởng
sợ quá đái dầm cả ra quần, nhưng không phải, chỉ là khi vội vàng bò xuống đất, nó đã đá trúng cái đĩa
đựng nước cho chó uống. Mẹ sờ đầu đếm con, giật mình thấy thiếu một. Vậy là điểm danh từng tên, mới
biết thiếu anh hai. Té ra ông anh ngủ mê mãi, chẳng nghe tiếng súng, chẳng nghe tiếng mọi người trong nhà
lục đục, lao xao. Lúc ấy ai cũng nghĩ dại, hay là anh trúng đạn chết rồi? Ba nó vội vàng bò tới giường anh,
kéo chân anh lôi xuống thì anh mới tỉnh ngủ.
Mấy ngày sau đó thật là kinh hoàng. Không ai dám rời khỏi nhà mình. Chỉ là hàng xóm gần gũi đứng bên
này nói dói qua bên kia hỏi han đôi chút khi tiếng súng thưa, còn phần lớn thời gian là mọi người nằm đất,
nghe tiếng súng khi gần cứ rít lên sợ chết điếng. Đến đêm thứ hai, nó gần như nghẹt thở vì tiếng nổ ầm ầm
như ngay trong nhà mình. Sáng ra mới biết đạn rơi trúng nhà bên cạnh. Trong nhà không còn ai sống sót
ngoài thằng bé hai tuổi không biết vì sao văng ra sân, nhưng không hề hấn gì. Sáng ra khi ba mẹ nó nghe
tiếng khóc chạy qua mới biết thằng bé sống như một điều kỳ diệu. May mà có bác nó nhà gần đó qua
nhận cháu về. Nhìn cảnh ông ôm thằng cháu mà nước mắt rơi như mưa, nó cũng mếu máo khóc theo.
Quá sợ hãi, ba quyết định đóng cửa nhà, nhân khi tiếng súng ngớt, ông đưa các con đến nhà bác Vạn cách
đó cở một cây số. Miễn sao càng xa đồn Mang Cá đang có giao tranh thì càng tốt. Hơn nữa nhà bác Vạn
kiên cố, hai tầng nên ba cũng an tâm. Khi đi trên đường, nó sực nhớ con Mực đã biến mất mà không ai để
ý. Không biết nó hoảng loạn vì tiếng súng chạy mất tiêu rồi, hay đêm qua nó đã chung số phận với những
người hàng xóm xấu xố.
- Ba ơi, con Mực …
Ngày thường cả nhà ai cũng thương con Mực, nhưng lúc ấy ba nó chẳng buồn nghĩ tới con Mực. Mà
không riêng gì ba, chẳng có ai còn tâm trí để nghĩ về số phận của một con chó.
Bác Vạn là bạn thân của ba nên tiếp đón gia đình nó niềm nở. Hai gia đình ăn chung một nồi cơm, uống
chung xô nước mà mấy người đàn ông phải thay nhau lom khom chạy ra hồ Tịnh Tâm xách vội vàng vào
khi tiếng súng ngơi. Rồi gạo trong lu sắp đến lon cuối cùng, mấy cặp bánh chưng, bánh tét ăn Tết cũng
sắp hết. Người lớn bắt đầu thêm một nỗi lo đói ngoài nỗi sợ hãi đạn pháo vô tình. May quá có mấy anh
lính tải thương ngang qua vất vào một bao gạo để đổi lấy cặp bánh chưng. Bao gạo lúc ấy quý hơn vàng,
hai bà mẹ mừng quýnh, cám ơn anh lính rối rít. Vậy là đỡ lo chết đói rồi.
Mỗi sáng thức dậy sau một đêm ngủ không đủ giấc, hay đúng hơn là chập chờn nửa tỉnh nửa mê trong
tiếng súng lúc xa lúc gần, khi đứng ngó qua khung cửa sổ, nó thấy những người trúng đạn đêm qua nằm lại
bên đường, máu đỏ thắm cả cái áo màu xanh lá cây, có khi là màu đen u ám. Màu đỏ thắm của máu lạnh
như băng trong con mắt nhìn của một bé gái thành phố, chưa hề biết nỗi đau của cái chết nó ra sao. Và
mùi tanh của máu thì ám ảnh nó đến nỗi trong bữa cơm, khi mẹ gắp bỏ vào chén cơm nó một chút thịt
dầm mắm mà vì tiết kiệm nên cả nhà chỉ ăn cầm chừng, lâu ngày đã có mùi thum thủm, thì nó không tài
nào ngăn cơn ợ khan vì lợm giọng. Ba tuần trôi qua có lẽ, con bé thảng thốt, kinh hoàng chứng kiến chiến
tranh. Chiến tranh với vẻ tàn nhẫn, vô tình của nó.
Sau này đường đời có khi trắc trở, chị vẫn thấy dễ chịu hơn là cảm giác bất an ngày ấy. Chỉ cần sau một
tiếng nổ thôi, có thể cả nhà chị, hay một mình chị, sẽ chết tức tưởi như những người hàng xóm mới cách
đó vài giờ còn nói qua về chia sẻ nỗi sợ hãi cùng nhau. Vậy mà rồi tất cả đột nhiên biến mất, không một
lời từ biệt.
Sau ba tuần nhớ đời ấy, khi trở về xóm cũ, chị lơ ngơ đi giữa đổ nát, trong ấy có cả ngôi nhà thương yêu
của chị. May mà nhà chị chỉ sụp một góc bếp nên vẫn còn nơi ở. Con bé chín tuổi trằn trọc trong đêm
nghe tiếng con Mực về tru lên thê thiết. Sáng ra, chị Cả hớt hải chạy vào báo cho ba biết thấy thứ gì đó lạ
lắm và rất hôi ngoài sân. Thì ra trong lúc giao tranh, người ta đã chỉ còn đủ thời gian chôn cất đồng đội
hay người thân bằng lớp đất sơ sài, và con Mực đã theo mùi lôi lên một mớ tóc đen bê bết máu. Chị sợ
điếng hồn, từ đó không dám ra khỏi nhà một bước cho đến khi theo xe rời bỏ nơi ấy.
Một thời gian dài sau đó, cứ mỗi khi đèn nhà bật sáng, chị lại loá mắt nhớ về ánh chớp của quả pháo trước
khi phát nổ. Đó là một ký ức buồn và đáng sợ nhất trong đời sẽ không bao giờ phai nhạt.
Sau này, khi lớn lên, chị biết đã có ít nhất 371 người dân ở khu vực đó bị chôn sống trong chỉ hai mươi
ngày giao tranh. Ngoài ra xác những người lính của cả hai bên lớp lớp chất chồng.
Thật may gia đình chị không ai mất trong lần đó, nhưng tuổi thơ của chị thì đã vì cái Tết đó mà nhuốm
màu tang thương.
3/3/2015
Tuyết Hằng