Cách đây khoảng hai mươi năm, khi Đà Nẵng chỉnh trang thành phố, mở rộng đường sá, một loạt cây xanh bị đốn bỏ để con đường biến thành đại lộ. Tôi nhớ đâu đó: "đường thường nối kết con người mà đại lộ thì để chia xa”. Lúc ấy, bạn tôi là phóng viên nhiếp ảnh, anh phóng xe chạy một vòng khắp thành phố, "đốt" liền mấy cuốn phim ghi lại những hình ảnh ấy. Nhiều con đường như vừa trải qua cơn bão dữ. Cầm xấp hình của anh, tôi mơ hồ cảm nhận mùi nhựa cây như còn lan tỏa và tiếng cưa máy trên đường Thống Nhất trước trường Nữ đã xé toang một phần ký ức … của thành phố bên sông Hàn, của trường xưa.
Trường Hồng Đức có hai lối vào: cổng chính và cổng phụ. Nhớ lời đề từ của A. Gide: “Bạn hãy bước vào bằng khung cửa hẹp”, tôi chọn cổng phụ để trình diện Ban Giám Hiệu. Tuy hồi ấy không có bảng “Xuống xe, tắt máy, xuất trình giấy tờ “ nhưng bác cai trường rất nhiệt tình đã chặn ngang cánh cửa chỉ vừa đủ cho một người đi. Thế là tôi phải “trình diện” với bác trước. Dù đồng ý để tôi vào Văn Phòng, tôi có cảm tưởng bác vẫn chưa mấy tin tưởng … Ôi! Bác Con (tên bác cai trường) mẫn cán và thân mến gần bốn mươi năm về trước, nhiệm vụ bác quả thật nặng nề canh giữ cả một đoàn "nữ binh mùa thu”. “Dưới bóng những thiếu nữ như hoa”, (mượn lại nhan đề một chương hồi trong bộ trường thiên tiểu thuyết của M. Proust) nhiều khi lắm gian truân vất vả!
Hồng Đức là ngôi trường mà tuổi đời non trẻ so với những trường tôi đến thực tập như Quốc Học, Đồng Khánh ở Huế. Trường thành lập năm 1967, vừa bước sang năm thứ sáu khi tôi về. Kiến trúc đơn giản kiểu thập niên 60 của thế kỷ trước với hai dãy lầu hình chữ L, nhìn ra văn phòng, thư viện, sân trường, đường Thống Nhất - Lê Lợi. Cảm nhận đầu tiên: trường không mấy "rêu phong” cổ kính, thiếu một chút lãng mạn của những vùng cao nguyên Đà Lạt, Blao mà tôi mơ ước đặt chân đến. Dãy phòng học có phần hơi đơn điệu, bóng cây "lơ thơ tơ liễu buông mành", bù lại trường có Thư Viện khá lớn. Tôi nhớ trước cổng Thư Viện có hai cây sứ. Những năm sau 1975, "thuở trời đất nổi cơn gió bụi", đôi khi lạc lối về trường xưa, trong thấp thoáng hoài niệm, tôi nhớ phòng đọc sách ấy, những bức tranh - ảnh trên tường, lọ hoa tĩnh vật, điểm nhấn cho một khuôn mặt, mái tóc … còn lưu lại trên những bức ảnh đã ngã màu nơi tủ sách nhà anh chị Đỗ Nguyên. Và thương nhớ màu hoa sứ trắng ngà.
Tôi vừa bâng khuâng vì màu hoa, vừa tiếc nuối vì phải sớm giã từ đời sinh viên rong chơi lãng đãng, vừa lóng ngóng trước cả "ngàn cánh hoa” đang ẩn khuất đâu đó khi gõ cửa phòng Hiệu Trưởng. Bà Hiệu Trưởng là một phụ nữ đẹp và đài các, họ Nguyễn Khoa thuộc hàng thế gia xứ Huế. Bà nhận sự vụ lệnh ra trường, thăm hỏi tôi vài câu, có nhắc đến Nguyễn Khoa Diệu Huyền là bạn cùng khóa và bảo tôi chuẩn bị lên lớp dạy học ngay tuần tới.
Gần 40 năm sau ngày đầu tiên bước chân vào nghề giáo, qua những lần họp mặt cựu giáo chức trường Nữ mà tôi, thành viên trẻ tuổi nhất tham dự khá đều đặn, dù quan điểm, tâm - tư - tình - cảm mỗi người có khác, hầu như tất cả đều mến phục khả năng tổ chức, sự phân công, tính cách quảng giáo, lịch duyệt và tấm lòng của Bà, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Bà hiện sống ở Hà Nội, đường Quán Sứ. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ tìm cách đến thăm Bà mà vẫn chưa thực hiện được.
Một trong những thành viên của Ban Giám Hiệu mà tôi rất thân tình, những năm sau 1975, đó là Cô Đặng Thị Liệu. Cô Tổng Giám Thị mà nhiều học trò nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò vẫn cứ lầm tưởng đó là chức danh của thầy Cung Thế Mỹ. Có lẽ, thầy Mỹ đóng vai này đạt quá chăng? Nhà cô Liệu trên đường Yên Báy là nơi dừng chân quen thuộc. Còn nhớ Giáng Sinh năm ấy, chúng tôi đến thăm. Phòng khách ấm cúng những chiếc ghế bành quá rộng so với con người cô. Một mình trong bóng tối vây quanh. Silent Night. Trên tường là bức tranh của P. Gauguin Papeete, Tahiti. Đại dương trước mặt mà hóa ra xa thẳm. Đà Nẵng những năm tháng ấy phố thị buồn thiu dù chuông nhà thờ có vọng về từ bên kia đường Yên Báy báo hiệu Noel đang về …
Phải gần 20 năm sau tôi mới gặp lại cô. Trông cô trẻ trung "mùa thu tóc ngắn", nụ cười hào phóng, tinh thần thiện nguyện sôi nổi như thửa mặc áo nâu hát du ca. Cô còn rất nhiều ân tình với gia đình nhỏ của chúng tôi, Thanh Nhàn gọi cô bằng dì.
Tôi đi dạy. Ngày đầu tiên đến trường không có "mây bay sương phủ", chỉ thấy cả bầu trời, cả sân trường, "màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này, hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không?”. Đọc Nguyễn Huy Thiệp đến đoạn này tôi nhớ ngày đầu tiên đi dạy. Nhớ hồi ấy tâm trạng cô đơn, còn hơn cả thời trẻ một mình khăn gói bước vào nội trú …
Năm đầu tiên, tôi được phân công dạy vài lớp 9, lớp 10. Năm sau, lớp 11, kiêm nhiệm thầy giáo hướng dẫn lớp 10, thỉnh thoảng … bị đôn lên dạy lớp 12 khi các bậc đàn anh bận công việc. Với nữ sinh lớp 12, thuộc hàng "niên trưởng" trong trường, tôi thường bị quay tơi bời hoa lá trong những giờ dạy thế ấy, bị căn vặn đủ điều, rất may là trong phạm vi chương trình giảng dạy do Bộ Quốc Gia Giáo Dục soạn thảo. Cũng “vui thôi mà”, nói theo kiểu Bùi Giáng. Những lúc … “tình thế ngàn cân treo sợi tóc ấy”, tôi thường tìm “đồng minh” từ một ánh mắt, nụ cười … Ơn Trời, rồi cũng qua! Tôi nghiệm thấy phụ nữ một khi đã kết đoàn, sức mạnh thường bạt núi lấp sông. Hãy cẩn thận và ghi nhớ nằm lòng điều ấy.
Năm thứ hai ở Trường Nữ, tôi có thêm đồng nghiệp và đồng minh mới. Anh Hứa Lạc Thành, dạy Pháp Văn, ra trường trước tôi một năm, động viên đi Thủ Đức nên về dạy sau một niên khoá. Anh Thành là người Hoa, tâm hồn lãng mạn, bay bổng, mê văn chương thơ phú, hội họa, nhiếp ảnh … hoàn toàn không có một chút ham thích hay quan tâm nào đến kinh bang tế thế. Nếu sống thời tiền chiến anh sẽ làm thơ, viết "Quê Mẹ" … như đồng hương anh là Hồ Dzếch. Sang Canada, định cư ở Edmonton, xứ "dầu lửa trên cát" (oil sands), trong khi bạn bè làm kỹ sư, chuyên viên vi tính … anh học, dạy chữ nghĩa thánh hiền là chữ Hán cho đám trẻ con Tây - Ta đang khoái thức ăn nhanh MacDonald’s, KFC … Rảnh rỗi, đọc thơ Thôi Hiệu hay xách máy ảnh đi chụp những cánh chim thiên di. Về Việt Nam, Việt kiều nói chuyện đầu tư, mua nhà đất hay ”căn hộ cao cấp” … anh bàn về … tình yêu và mưa nắng Huế, Hội An, … Ôi! Anh bạn tuyệt vời của tôi. Nếu Trung Quốc vĩ đại có được 5% dân số nghệ sĩ và viễn mơ như anh, sẽ không có vấn đề “Biển Đông dậy sóng” và … “đường lưỡi bò” đang làm đau đầu nhiều nước láng giềng. Cách đây ba năm, từ Canada về Sài Gòn, anh mời chúng tôi sang du lịch “Xứ chùa tháp”. Chúng tôi không ngờ có dịp hạnh ngộ bên dòng Bassac của nước bạn sau bao thăng trầm của đất nước, trong từng phận người.
Chúng tôi quen biết nhau từ trường Sư Phạm, trở thành “đôi bạn chân tình” từ trường Nữ . Có anh, trong phòng Hội Đồng dành cho giáo chức, tôi bớt cô đơn. Từ đấy, hai anh em mặc sức bình luận thời sự, sách báo, phim ảnh … không quên những tà áo dài muôn màu, muôn vẻ của quý cô, điểm xuyết vài khuôn mặt học trò … Ôi! “Những ngày xưa thân ái”.
Thuở ấy, chúng tôi rất biết ơn bác Đặng Quế, tài vụ của trường. Tướng mạo bác hao hao giống Thần Tài trên tấm lịch treo tường, có lẽ vì thế mà bác hào hiệp, lại rất “tâm lý”. Bác thường ứng trước tiền lương bao cho hai anh em chúng tôi, đặc biệt những dịp lễ, Tết. Nhờ bác Quế cộng vài khoảng tiền dạy thêm nơi các trường tư thục mà bạn tôi lên đời được chiếc Honda dame cà tàng với rất nhiều kỷ niệm. Nhớ chiều mưa, Thành và tôi đến nhà hai cô học trò nhỏ của anh trên đường Pasteur, hai chị em với “nụ cười trong và đôi mắt sáng” (chữ của nhà phê bình thơ Đặng Tiến) đã mời chúng tôi tách cà phê sóng sánh kèm bánh langue de chat …
Ở cái tuổi thỉnh thoảng quay đầu nhìn lại, tôi muốn nhắc đến vài khuôn mặt cũ. Nhớ anh Phan Cảnh Dũ, cô Nguyễn thị Kim Loan đã sớm ra đi … Nhớ anh Lê Quang Cảnh. Lưu lạc vào Sài Gòn tháng 4/1975, tôi gặp anh. Về lại Đà Nẵng, anh vẫn phong độ như xưa. Thuở tôi đi làm … thợ đụng ở Thanh Khê, thỉnh thoảng, anh ghé đến chơi. Buổi chiều tôi đạp xe về trại gà của anh gần đó. Nhìn anh chuẩn bị bước vào trại gà: mang tạp-dề, thay giày bằng ủng cao su, tôi ngả mũ bái phục cách tổ chức công việc khoa học của anh. Đó là quãng thời gian 1979-1980 cả nước còn rất khó khăn. Tôi nhớ anh và bác Cung Thế Mỹ thường quay quần bên “cơ sở bọc mũ cối” của nguyên luật sư kiêm nhà giáo Lê Xuân Hạt trước con hẻm nhỏ đường Hùng Vương. Những lúc … ngồi buồn ở chợ trời thuốc tây, tôi cũng đến bàn chuyện trên trời dưới biển với “ba chàng ngự lâm”. Sau này, khi người Việt đội mũ lưỡi trai Nike thay mũ cối màu cỏ úa thì anh Hạt chia tay nghiệp dĩ. Bác Cung Thế Mỹ nay không còn nữa. Tôi còn nợ bác một chầu cà phê - ăn sáng sau chuyến “hành phương nam” đầy gian truân của bác.
Sau năm 1975, tôi được “lưu dụng” dạy thêm ba năm ở trường Ông Ích Khiêm, nằm giữa cánh đồng vùng Hòa Phong, Hòa Vang. Đồng hành xe đạp cùng tôi hì hục leo dốc Hòa Cầm, kéo xe bò chở gạo, bo bo, bột mì từ Thạch Nham - Túy Loan về trường đánh đổi tô mì Quảng Túy Loan bên chiếc cầu gỗ đã gãy là anh Nguyễn Văn Minh.
Ôi! những tô mì Quảng ngon và cay đến chảy cả nước mắt nên nhớ đời, nhớ người, nhớ cả những năm tháng anh em mình còn kéo nhau đi ăn cổ nơi nhà học trò. Anh và tôi chia sẻ cái “long sàng” trong suốt ba năm. Đó là tấm bảng học trò được tận dụng để biến thành giường ngủ. Thời thế đổi thay. Đất Quảng Nam một lòng tôn sư trọng đạo và đôn hậu đã cưu mang anh và tôi. Nhớ không anh “Minh gù” (tên thân mật của anh) cảnh chạy lụt hàng năm. “Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu. Lụt lội năm nay bác ở đâu?” (thơ Nguyễn Khuyến). Anh thuộc “týp” người khởi xuớng phong trào, chơi thể thao rất cừ, món nào cũng chuyên nghiệp, đầu tàu đội bóng giáo viên trường. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, anh Minh của tôi ơi! Tôi mang ơn anh đã mát tay đứng ra chủ hôn đám cưới cho tôi và nhớ lắm đất lề quê thói xứ Quảng đã cho tôi niềm tin yêu cuộc sống trong những năm tháng đầy khó khăn ấy.
Cách đây khoảng ba năm, anh Hoàng Ngân Hà từ Mỹ về thăm Đà Nẵng. Có buổi họp mặt thân mật quy tụ một số anh chị em giáo chức của hai trường Hồng Đức - Phan Chu Trinh và một số học trò cũ. Tôi gặp lại anh Hà sau bao năm. Vẫn từ tốn khoan thai, nụ cười tủm tỉm và chất giọng Quảng Trị ngọt đến nao lòng. Từ xứ của gió Lào, nắng rát, bão lũ thêm những năm tháng phiêu linh, “feeling” nơi đất người, sao giọng anh còn “ru ta ngậm ngùi" hơn cả khúc Nam Bình, Nam Ai. Tôi nhớ đêm ấy, có lúc anh ôm từng người nhắc lại từng kỷ niệm và khóc hồn nhiên. Khi mới về trường, anh và anh Lê Văn Nhạc dạy Pháp văn đã chuyển cho tôi đọc “Bố Già” (bản dịch tuyệt cú mèo của Ngọc Thứ Lang) và “Người tù khổ sai”.
Tôi dạy học ở trường Hồng Đức gần đúng hai niên khoá. Cô học trò nhỏ ngày xưa bây giờ điện thoại hỏi thăm, hỏi thầy “nhớ gì nhất từ những năm tháng ấy?” Trả lời: “Tôi không phải là người tù của dĩ vãng”, tôi phải sống trọn vẹn, sống hết mình thời hiện tại dầu cuộc sống có điêu linh, miễn là không “cơ hội” và ngụy tín. Nhưng tôi nhớ nhiều, nhớ cảnh, nhớ người, nhớ “mây của trời rồi gió sẽ mang đi” (thơ Hoài Khanh). Nhớ nhất tuần lễ Hồng Đức bắt đầu từ ngày 30 tháng Giêng Âm lịch, húy nhật vua Lê Thánh Tôn, kết thúc ngày 5 tháng Hai Âm lịch, kỷ niệm lễ Hai Bà Trưng.
Bấy giờ, mặc dù tiếng súng đã vọng về từ cao nguyên, báo chí đã nói đến “di tản chiến thuật", thế mà mùa xuân của đất trời cỏ cây như hòa với mùa xuân của con người, của Hồng Đức. Mùa xuân ngắn ngủi, Thi bích báo toàn trường, lớp 10A2 đoạt giải nhất với bức tranh hoa hướng dương lụa vàng trên khung vải nỉ đen, thi nhảy bao bố trong tập thể giáo chức, thi ẩm thực, văn nghệ … Khi tấm màn nhung màu đỏ thẫm khép lại Đêm Văn Nghệ Hồng Đức, câu chuyện trường Nữ sang trang. Ngày vui qua mau. Đêm giã từ Đà Nẵng. Chia tay mái trường cũ. Lênh đênh biển khơi. Trong những cơn ngây ngất vật vờ trên tàu là mớ hình ảnh hỗn loạn của đoàn người di tản, thấp thoáng có ngôi nhà kiến trúc thuộc địa nhìn ra sông Hàn mà Thành đang ở, con đường từ nhà sát biển Thanh Bình đến trường, những khuôn mặt thân quen, hàng cây cổ thụ rợp bóng cổng trường, anh Nguyên và lô hàng cứu trợ còn kẹt ở Thư Viện … Tôi lang thang trong Sài Gòn suốt tháng Tư buồn bã ấy nên không biết đến buổi giao thời Hồng Đức sau này.
Mới đó đã 35 năm. So với tuổi đời khi ấy, thế là hơn 10 năm chẵn. Tôi dạy học ở trường Nữ vỏn vẹn hai năm, ¼ thời gian trong tám năm tồn tại của trường (1967 - 1975).
Khi trường Hồng Đức mất tên, khoảng đầu những năm 1980, tôi còn nhớ có buổi họp mặt Hồng Đức tại nhà Bà Hiệu Trưởng, đường Tự Đức, Phú Nhuận, Sài Gòn. Tôi gặp lại Thành, vài người quen cũ. Đó là lần gặp gỡ của những cánh chim lưu lạc. "Về đâu khi gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim giang hồ …” (nhạc Văn Cao). Gió mùa Đông Bắc lạnh tái tê nên chim trời bay đi biền biệt.
Tôi không thể không nhắc đến những lần gặp gỡ khác của giáo chức Hồng Đức ở Đà Nẵng khi có người đau ốm, qua đời …
Nhưng tám năm tồn tại trường Nữ, gần 35 năm ký ức trường xưa lẽ nào chỉ đọng lại chừng đó những lần “trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”. Chào cô bé học trò hàng xóm ngày xưa chân sáo cùng tôi đến trường đã gọi điện thăm hỏi, tôi muốn kể em nghe dù trường xưa chỉ còn trong trí nhớ, dư âm ngày ấy vẫn còn đó.
Tôi đọc liền một mạch đặc san của cựu học sinh Trường Nữ phát hành cách đây mấy năm trên chuyến bay Đà Nẵng - Hà Nội, dù chưa góp bài và chưa bao giờ tham dự họp mặt cựu học sinh Hồng Đức ở Đà Nẵng. Thành thật cáo lỗi với chị Trần thị Ý, hội trưởng hội cựu học sinh và tất cả. Tháng 11 mùa nắng trời miền Trung là cao điểm của mùa du lịch. Lại phải vác ba lô lên đường. Tôi vẫn còn bày ở góc tủ tấm phù hiệu trường Nữ nền tím trên màu đá trắng do một cựu nữ sinh Hồng Đức vẽ kiểu. Thỉnh thoảng vào trang mạng Nữ Trung Học Đà Nẵng, trang www.hongduc-chin4.com của lớp 9/4 ngày nào, nhớ lại trường cũ. Gần đây, nhờ được thư điện của chị Lê Kim Lầu từ Hoa Kỳ nhắc nhở đóng góp bài cho đặc san trường Nữ sắp phát hành.
Trường còn đó dù cổng trường ngày xưa có khép lại. Trường còn đó trong từng hoài niệm: dưới bóng phượng tím jacaranda miền California, bên thành phố công nghiệp Houston nhìn ra vịnh Galveston, nơi xứ tuyết Canada lạnh lẽo hay ẩn khuất phía sau những đồi trà Bảo Lộc xanh ngút ngàn … Gần gũi, ấm cúng và thân mật, đó là nơi ngôi nhà anh chị Đỗ Nguyên - Lê Khắc Ngọc Khuê cuối con hẻm nhỏ đường Hải Phòng, Đà Nẵng mà chúng tôi thường ghé bến. Khoảng sân bé tí, hành lang sâu hun hút. Hoa lá, xương rồng … trước sân, dọc lối đi, trong phòng khách và những lần "gặp gỡ Hồng Đức" của giáo chức, của nhiều thế hệ học trò. Bao niềm vui, tiếng cười rộn ràng từ ngôi nhà nhỏ ấy. Nhớ cô Ngọc Thanh mảnh mai vóc hạc với bộ sư tập áo dài, khăn quàng, thời trang công sở … không chê vào đâu được, nhớ anh Lê Đình Toàn ngày đầu tiên về hưu đã cho biết vừa được tập thể giáo viên trường Phan Chu Trinh tặng … cái ghế xếp, nhớ anh Phan Văn Chỉnh với bộ râu Hemingway bạc trắng mới ngày nào còn đứng đọc thơ tình, nhớ thấy Nguyễn Tâm Tháp, bậc "trưởng lão" trong ngành giáo dục Đà Nẵng, nhớ anh Tào Lương Quang và chuyến viễn du Hoa Kỳ, nhớ cô Trần thị Thanh Xuân: nụ cười hồn hậu ẩn sau vẻ lặng lẽ thâm nghiêm và cặp kính khá dày …
Tôi thân quen với anh chị Nguyên - Khuê khi mới về trường. Nơi căn nhà cũ của anh ở đường Phan Chu Trinh, vẫn có một góc nhỏ dành cho tôi.
Hè 1978, nhận quyết định thôi việc, đạp xe từ Hòa Vang về nhà, tự nhiên nghĩ đến anh. Được tin, anh nói rất nhỏ nhẹ, khác với tính cách sôi nổi đầy chất Quảng Nam thường ngày: "Lẽ ra, người ta cho T. nghỉ sớm hơn!”. Đường đời mấy khi suông sẻ. Tôi gặp anh qua những ngã rẽ quan trọng nhất của mình. Chiều, chúng tôi đạp xe qua biển Mỹ Khê, mang theo chai nước lọc, mấy cũ khoai. Biển xanh thẫm mà sóng thì vỗ về. Miên man.
Tôi mến tinh thần lạc quan yêu đời pha chút hài hước và quý sự trung thực thẳng thắn nhiều khi đến “ngang phè” của anh. Anh thuộc mẫu Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Xã hội có … phát triển (!) nhưng người tử tế như anh ngày càng hiếm hoi. Đà Nẵng vắng anh chị, những “con chim trốn tuyết" bay về phương Nam khi mùa đông đến, con hẻm nhỏ góc đường Hải Phòng bỗng đìu hiu.
Tôi nhẩn nha ngồi viết câu chuyện Hồng Đức vào những ngày cuối đông. Cuốn phim quay chậm đưa tôi qua những bến bờ. Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng. Trông về con nước ngại ngùng xuôi (thơ Hoàng Trúc Ly). Ngoài kia, mùa xuân đang về. Bầy chim sẽ đang tíu tít sà xuống sân nhà trong nắng ấm.
Nhớ Trường Nữ
Thầy Tống Văn Thụy
Trích Đặc San Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng
Mùa thu năm 1973, tôi nhận nhiệm sở về trường tên Nữ Hồng Đức để ghi nhớ vua Lê Thánh Tôn (1460 - 1497) bậc minh quân có công mở mang bờ cõi, xây dựng phát triển đất nước. Trên đỉnh cao của chế độ phong kiến. Luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tôn minh chứng tầm nhìn tiến bộ của nhà vua trong lãnh vực nữ quyền. Ông có hai niên hiệu trong suốt triều đại: Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Hồng Đức, tên đọc lên nghe vừa mềm, vừa nữ tính có lẽ phù hợp cho ngôi trường dành cho nữ sinh.
Thửa ấy, Đà Nẵng còn nhiều cây xanh. Tôi thường đi bộ đến trường qua những con đường rợp bóng cây. Nắng xuyên qua hàng cây kẽ lá: những cây gạo cổ thụ trên đường Quang Trung, tán xà cừ màu xanh thẫm, đây đó vài nhánh phượng vĩ còn lại của mùa hè muộn bên đường Thống Nhất.