Nhóm Hồng Đức @ Atlanta


                                                         























Có một nhóm bảy chị em ở Atlanta thường vài tuần là tụ tập, gặp nhau. Mỗi người nấu và mang đến
một món ăn, chung vui, tâm tình. Đó là nhóm bạn gái cùng xuất thân từ ngôi trường Nữ duy nhất của
thành phố Đà Nẵng trước năm 1975. Trường Hồng Đức, ngôi trường nổi tiếng nhưng yểu mệnh, với nhiều
người đẹp làm đề tài cho bao nhiêu bài thơ tình lãng mạn. Nhóm từ từ tập họp khoảng đầu năm 2004 bắt
đầu từ một gặp gở tình cờ giữa Anh Trinh và chị Cúc. Hai người phụ nữ tóc đen giữa những người phụ nữ
bản xứ tóc vàng, tóc nâu, đang xếp hàng ở một quày tính tiền, dễ dàng nhận ra nhau qua giọng nói miền
trung, tuy kẻ Quảng người Huế…A! Việt Nam hả? Ủa, hồi trước ở Đà Nẵng học trường mô? ... Hồng
Đức hả? …Và sau đó, nhu cầu “tha hương ngộ cố tri” hay nói đúng hơn là những kỷ niệm thời còn chung
mái trường, chung con đường đến lớp đã là sợi dây vô hình níu mấy chị em và các đấng phu quân lại gần
gũi hơn. Các bà họp mặt, đóng vai “Bà Tám” thì các ông cũng phụ họa theo.

Thời xưa đó, anh chàng trường hàng xóm Phan châu Trinh nào may mắn “cua” được em nữ sinh
Hồng Đức thì mối tơ duyên này được xem là “môn đăng hộ đối”. Tiêu biểu cho mối tình hàng xóm giữa
hai trường là đôi vợ chồng Yến Dinh. Chị Hồng Yến thuộc khóa đầu tiên của trường NTH Hồng Đức Đà
Nẵng, là niên trưởng của chúng tôi. Chị hát rất hay, duyên dáng với lối kể chuyện lôi cuốn, hài hước. Anh
Dinh chị Yến là hai hình ảnh tương phản cao  thấp. Nếu anh Dinh giọng Huế nhỏ nhẹ đằm thắm bao nhiêu
thì chị Yến giọng Quảng sôi nổi bấy nhiêu. Mối duyên tình của anh chị cũng thật suông sẻ với kết quả là
hai ái nữ vừa xinh đẹp vừa tài giỏi. Đặc biệt bé út không những là một dược sĩ mà còn có tài văn thơ, ca
hát, bé chính là sự hòa hợp của hai tâm hồn của ba mẹ cũng là cựu học sinh Phan châu Trinh- Hồng Đức.

Tốt nghiệp niên khóa 1972 có hai chị là Cúc và Hải. Mỗi người một hoàn cảnh, một cá tính nhưng
hai chị rất thân nhau. Chị Cúc đơn giản, nhẹ nhàng. Con nhà toán nên từ nói năng đến cách sắp đặt, giải
quyết vấn đề đều nhanh, gọn, chính xác như hai với hai là bốn! Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế ngành
Toán, chị là cô giáo dạy toán ở một trường trung học. Sau năm 1975 chị Cúc lập gia đình với anh Doanh,
một cựu quân nhân Quân Lực VNCH gốc người Bắc di cư. Anh chị cưới nhau thuở anh Doanh từ nhà tù
nhỏ bước ra nhà tù lớn nên sau khi có hai đứa con, chị Cúc phải giã từ nghề gỏ đầu trẻ để lăn lộn ra đời
buôn bán cùng chồng nuôi con. Sau đó, cuộc di cư nhân đạo, chương trình H. O. đã đưa gia đình anh
chị đến bến bờ tự do ở miền đông nam Hoa Kỳ này. Anh chị Cúc Doanh là một cặp vợ chồng thành công
trong ngành địa ốc tại Atlanta. Dù thị trường đất đai nhà cửa đang chao đảo, anh chị lúc nào cũng tận tụy
với nghề nên được tổ đãi, luôn luôn bận rộn với khách hàng. Anh chị thật hãnh diện có hai cô con gái xinh
xắn, một đã là bác sĩ khoa nhi và bé kia đang chuẩn bị vào ngành y.

Chị Hải học cùng lớp với chị Cúc, ngoài vẻ bên ngoài từ vóc dáng đến dung nhan là một người
đẹp, duyên dáng. Chị Hải còn là người ăn nói dễ thương, nhỏ nhẹ thêm chút xíu nhỏng nhẻo và tài nấu
nướng, may vá khéo léo. Chữ tài chữ sắc cùng vần với chữ tai. Chị Hải có một món nợ phu thê để lại cho
chị nhiều nước mắt. Cuối cùng, trời không phụ người hiền nên vào lứa tuổi nửa chừng xuân, ông tơ lại
một lần nữa se duyên cho chị với anh Mừng, một anh cựu học sinh Kỹ Thuật Đà Nẵng. Tuy gặp nhau
trong muộn màng nhưng lại là một kết hợp khá ăn ý. Hiện nay anh chị thật hạnh phúc với vai trò ông bà
ngoại ở lứa tuổi U 60. Đứa con gái lanh lẹ, xinh đẹp của chị Hải cũng đoàn tụ sum vầy bên mẹ.

Hai chị khác nhỏ hơn Cúc Hải cũng cùng học môt khối lớp thời nữ sinh Hồng Đức Đà Nẵng là
Loan Anh và Phương Thảo. Cả hai đều nổi tiếng với tài nấu nướng siêu việt. Loan Anh còn là giọng ca
của Hồng Đức một thời dấu yêu qua những nhạc phẩm tiền chiến nhẹ nhàng, lãng mạn. Song hành với
Loan Anh qua bao ghềnh thác cuộc đời là chàng rể Phan Châu Trinh, anh Long với tài kể chuyện hài thật
duyên dáng. Đôi vợ chồng này rất hiếu khách, dễ thương, luôn đem lại những nụ cười thoải mái cho cả
nhóm. Tuy mới định cự ở Atlanta này chỉ mới vài năm nhưng anh Long và Loan Anh thật hãnh diện và
may mắn với hậu phương vửng vàng là hai cậu con rất ngoan, hiếu để. Các cháu đúng là tuổi trẻ tài cao,
chịu khó làm ăn, biết hy sinh, sẵn sàng về miền ngoại ô trông nom một trại gà để ba mẹ có cơ hội vui chơi
tuổi già với những người bạn cùng lứa.

Chị Phương Thảo cùng chồng là bác sĩ Hà Thúc Lể, trước kia là Trưởng ty Y Tế Đà Nẵng, cùng
cậu con trai theo dòng người định cư đến Atlanta đã hơn 20 năm. Ngoài công việc làm ở Sở Y Tế địa
phương chị Thảo còn lảnh việc làm bánh trái, sửa áo quần … bên cạnh còn thừa sức khỏe để chăm sóc
một vườn rau xanh tốt. “Căn nhà ngoại ô” của anh chị Thảo Lể có thể tạm xem như là một cái chợ nhỏ
với đầy đủ các món hàng. Từ bột, đường, đậu, gạo, nếp đến TV, tủ lạnh, rau quả, rổ rá, son nồi, hạt
giống…nghĩa là nếu bạn cần mua một món gì mà không tiện chạy ra chợ, bạn có thể ghé vào căn nhà
ngoại ô này là sẽ được như ý. Chị Thảo rất nóng tính, nói năng ào ào bên cạnh một đức phu quân từ tốn,
chửng chạc. Tuy vậy Thảo rất siêng năng, tốt bụng và ham vui. Cuộc vui nào thiếu mặt chị Thảo thì hình
như những món ăn hôm đó thiếu chút gia vị. Anh chị còn có niềm tự hào với cậu út nam ngoan hiền, học
giỏi nổi tiếng vừa tốt nghiệp đại học danh dự, ngành vi tính.

Hai cô em còn lại của nhóm là Anh Trinh và Kim Liên. Hai đứa học cùng lớp từ hồi còn chung mái
trường tiều học Đào Duy Từ Đà Nẵng. Vừa là hàng xóm, vừa là bạn. Sau tháng 3 năm 1975 hai đứa có
chung hoàn cảnh đều là con của các tù nhân chính trị nên cùng nếm bao nhiêu đắng cay của thế cuộc.
Anh Trinh nhanh nhẹn, có cá tính mạnh mẽ bên cạnh Kim Liên yếu đuối và hơi chậm chạp. Nếu chuyện
vợ chồng có duyên nợ thì đôi bạn thân này cũng có sự sắp đặt của ơn trên nên không thể lìa nhau. Tháng
3 năm 1975 Kim Liên cùng gia đình lên tàu rời Đà Nẵng vào một đêm tối trời, Anh Trinh vào nhà kiếm
bạn không có, tưởng đã lạc nhau luôn. Sau đó gia đình Kim Liên đột ngột trở về Đà Nẵng để hứng chịu
bao nhiêu áp bức của chế độ mới như gia đình Anh Trinh đã chịu. Thời gian như dòng nước, cứ trôi mãi
không ngừng. Hai đứa vào đời với hai câu chuyện tình giống hệt nhau về nội dung nhưng khác hẳn nhau ở
đoạn kết. Kim Liên nên duyên chồng vợ với người mình yêu sau nhiều ngày tháng “đàm phán” với sự
phản đối của gia đình hai bên. Anh Trinh bước ra đời lở làng với đứa con gái không có bên nội. Sau đó
nhờ hồng phúc tổ tiên, Anh Trinh mang con gái theo gia đình rời quê hương trong khi Kim Liên ở lại với
bệnh hoạn, cô đơn và những niềm đau không nói nên lời, sau một cuộc chia tay đẩm nước mắt. Mười hai
năm sau, hai đứa lại tái ngộ trên vùng đất “cuốn theo chiều gió” này. Lịch sử lập lại một lần nữa, Atlanta
có thêm một đôi bạn đã từng vào sinh ra tử, tâm đầu ý hợp. Đôi bạn bổ sung cho nhau những khiếm
khuyết về mọi mặt. Anh Trinh vui tánh nhanh nhẹn, chắc khó mà đóng vai “ở giá nuôi con” nên đã tìm ra
người để tưạ vai gối đầu là anh Tín, một chàng Quảng Nam chính hiệu. Cặp đôi này luôn mang lại niềm
vui cho cả nhóm trong các lần họp mặt. Trong khi Kim Liên mãi mãi là người mang một bầu tâm sự, một
cỏi lòng khép kín, khó hiểu. Cả hai đứa đều biết nấu nướng và là hai đàn em không đến nổi làm mất mặt
mấy bà chị “công dung ngôn hạnh” của trường NTH Hồng Đức Đà Nẵng.

Cứ vài tuần, Nhóm Hồng Đức Atlanta lại có buổi họp mặt vui vẻ. Anh Trinh luôn là người sắp đặt
chương trình. Thường thì tổ chức tại nhà chị Cúc. Khi có khách phương xa đến thì có thể được anh chị
Yến Dinh mời đến nhà để chị Yến trổ tài vừa nấu ăn ngon vừa trình bày khéo léo. Sau đó là màn dạ vũ ở
nhà anh chị thật xôm trò. Đôi khi cũng tụ họp tại căn nhà ngoại ô của anh chị Thảo Lể để làm náo động
cả một vùng trời, hoặc lên nhà anh chị Mừng Hải, tra tấn lổ tai trong chương trình “giành giật hát cho nhau
nghe”. Những dịp trong nhóm có người đưa con gái sang sông hay rước dâu thì cả nhóm xúm xít lại đóng
vai bà con thân tộc. Quê hương Việt Nam ở mãi tận bên kia bờ đại dương, họ hàng thân tộc cũng xa vời
vợi, Đà Nẵng dấu yêu và những con đường quen thuộc giờ chỉ còn trong hồi ức. Nhớ câu “bà con xa,
không bằng hàng xóm láng giềng gần”, và như thế nhóm Hồng Đức Atlanta dần dà như chị em một nhà.
Có khi chị Hồng Yến trong vai bà chị cả đã cho các em những lời góp ý trong việc bảo vệ hôn nhân,
hạnh phúc gia đình thật sâu sắc. Chị Cúc thì lúc nào cũng nhẹ nhàng, yểu điệu. Khi có những chuyện
khiến chị căng thẳng, chị thường gọi Anh Trinh để nghe cô này nói chuyện vui hay đưa ra những lời góp ý
chân thành đầy lạc quan. Chị Hải dạo này rất bận bịu trong vai bà Ngoại nhưng có cơ hội thì vẫn ỏng ẹo
như thời còn son trẻ. Đôi vợ chồng Long và Loan Anh là trưởng ban sưu tầm những câu chuyện tiếu
mang lại nụ cười thoải mái cho cả nhóm.

Mục đích chung của nhóm là vài ba tuần tập trung lại ăn nhậu, trò chuyện. Ai có nỗi lòng cần gỡ
rối thì đem ra cùng nhau góp ý, trao đổi kinh nghiệm. Cho đến một ngày Ban cố vấn Đại hội Hồng Đức
có ý kiến sẽ tổ chức họp mặt Hồng Đức kỳ 2 tại Atlanta này thì bảy người trong nhóm … mỗi người một
chức vụ. Các chàng rể đương nhiên được nhận chức phụ tá danh dự. Mấy chị em xúm lại bàn bạc, giao
nhiệm vụ cho Loan Anh và ông xã khi đi VN phải lo sắm sửa đồ đạc cho ngày tiền đại hội. Chị Thảo
thỉnh thoảng goị Anh Trinh nhắc nhở cô này phải lo giữ gìn nhan sắc, đừng để phát phì làm … mất mặt
nhóm Hồng Đức Atlanta. Chị Yến trưởng lão, thỉnh thoảng gọi nhắc chừng việc tập dợt văn nghệ , hứa và
… hẹn liên tù tì. Chị Cúc và Anh Trinh thì cứ alô tới lui, bàn bạc sắp đạt những chuyện … chưa bao giờ
làm và chưa tới. Kim Liên thỉnh thoảng cũng góp ý, những ý kiến rất kín đáo tế nhị. Bên cạnh đó, điện
thoại từ Texas, Cali, Canada, xuyên lục địa, xuyên đại dương … reo vang. Bàn chuyện đại hội thì ít mà
đùa giởn thì nhiều. Tận xứ mưa mù Seatle có chị Thanh Nhạn cũng vui vẻ đóng góp và giúp kêu gọi các
chị khác tham gia, hay đi xa hơn nữa là chuyến du hành của chị Kim Chi lên tận Canada để gặp gở các chị
Thanh Trúc, Hồng, Hạnh … Tất cả chỉ để mời gọi cho ngày họp mặt Hồng Đức tại Atlanta vào tháng
chín sắp đến. Thật thiếu sót khi nói về nhóm Hồng Đức Atlanta mà không nhắc đến gia đình đôi bạn Luỹ
Hằng và Dũng Hạnh. Hai anh cũng là cựu nam sinh Phan châu Trinh, mà đã là nam sinh Phan châu Trinh
thì làm sao có thể làm ngơ trước các nàng Hồng Đức. Trong hầu hết các buổi họp mặt, nhóm Hồng Đức
đều kêu réo hai gia đình này để có dịp trêu ghẹo và thêm người nhắc chuyện xưa. Niềm vui như được
nhân đôi và dĩ nhiên gánh nặng cũng được san sẻ.

Đầu tháng tư, hoa đào, hoa mai đang nở rộ khắp lối đi, phấn thông rải vàng trên những nẻo đường
miền cao nguyên Atlanta. Nhóm Hồng Đức Atlanta đang chuẩn bị đón các chị Hồng Đức từ Texas và
California sang họp mặt Tiền … Tiền Đại hội. Lại thêm một dịp để đùa giởn, tâm tình, trao đổi kinh
nghiệm nấu nướng, kể chuyện vui thời còn đi học. Tấm lòng chung của nhóm là sự đoàn kết, hiếu khách,
rất dễ thương. Chúng tôi hãnh diện là chưa bao giờ có xích mích làm mất lòng nhau. “Còn gặp nhau, xin
hãy cứ vui” câu thơ của thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương đã nói lên ý nghĩa sự hiện hữu của nhóm. Vui là chính
nên ai cũng háo hức, sẵn sàng gác lại những công việc thường ngày hoặc lấy vài ngày phép để vui chơi
cùng mấy vị khách quí. Cảm giác như mấy đứa em đang chờ các bà chị từ xa về thăm nhà.

Tuy ngày còn chung trường có khi chưa biết tên, biết mặt nhau nhưng hồi ức về một khoảng đời dễ
thương dưới ngôi trường mang tên Hồng Đức đã mang bảy người trong nhóm lại gần nhau. Sợi dây tình
bạn đó tuy mong manh nhưng thật gắn bó, tạo nên niềm vui không những làm mọi người ấm lòng trong
những ngày xa quê hương mà còn biểu hiện nét sinh hoạt rất trong sáng, đáng quí, hiếm hoi. Kể từ những
ngày cổng trường xưa vĩnh viễn khép lại.


Nguyn Diu Anh Trinh
Cựu nữ sinh Hồng Đức
Những năm 1970- 1975