Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Xóm tôi ở cách con đường lớn khoảng hơn trăm mét. Buổi sáng sớm ở miền quê thật yên ắng trong lành, không rộn ràng, náo nhiệt và vội vã như phố thị. Bữa ăn sáng của mọi người cũng thật đơn giản cốt lấy no bụng để có sức ra rẫy làm việc vất vả mãi đến tận trưa.

Mọi người đi làm, không gian trở lại vẻ yên tĩnh cố hữu. Có lẽ cuộc sống sẽ tẻ nhạt và vô vị biết bao khi bất chợt những âm thanh từ mọi miền bỗng xô bồ vọng đến. À, hôm nay là chủ nhật mà...

Tôi ngồi nhà lắng nghe, đầu tiên là tiếng loa của một gánh xiếc trên chiếc xe chạy dọc đường lớn vọng xuống khi được khi mất theo tiếng gió:

- Alô, alô...Đoàn xiếc trung ương đây với các loại thú hiếm như lạc đà, gấu, khỉ...mời các bạn đến xem tại sân bóng đêm nay, chỉ một đêm duy nhất, vé bán bình dân, alô , alô...

Tiếng rao làm tôi bất giác nhớ tới chú lạc đà gầy nhom, gầy nhách, xác xơ bị nhốt trên xe và được chở đi diễu quanh các vùng miền quảng cáo cho đoàn xiếc, chỉ mới năm ngoái đây thôi. Thật thương và xót xa cho con vật sinh trưởng, khôn lớn trong môi trường sa mạc khoáng đãng rộng rãi, thế mà giờ đây lại bị giam cầm để làm thú vui cho đám người hiếu kỳ đa phần là trẻ nhỏ. Cũng vì sinh kế cả...

Tiếng loa đoàn xiếc vừa tắt thì lại nghe vọng tiếng rao:

- Muối đây, muối hạt rẻ đây....Mua dzô, mua dzô...bà con...

Tôi lại chạnh lòng nghĩ đến bài báo Vị mặn của muối đã đọc cách đây không lâu, nói về những làng diêm dân khổ cực. Giá muối hạ, rẻ đến tận cùng, chỉ vài trăm đồng một ký mà vẫn không ai mua. Không biết họ sẽ làm cách nào để trang trải cho cuộc sống trong khi đã đổ biết bao mồ hôi công sức trên cánh đồng muối trắng một màu bạc bẽo. Ấy vậy mà không hiểu sao muối thừa mứa đầy đồng nhưng nhà nước mình vẫn hằng năm nhập muối ở nước ngoài về. Chở muối đi bán dạo từ miền xuôi lên tận miền ngược nhưng có mấy người mua đâu vì bây giờ người chăn nuôi bò, heo cũng giảm nhiều nên ít có nhu cầu. Khổ, đưa muối đi bán rong như vậy không khéo chẳng đủ tiền xăng xe...

Vừa nói đến muối xong thì lại nghe tiếng rao cũng từ xe tải, rõ mồn một:

- Dzoi đây, dzoi đây, dzoi bắc đây...

Hà hà, cứ tưởng là người ta bán con voi nhưng các bạn có biết đó là giọng Bình định, Khánh hòa của những người đi bán vôi dạo ở miền dưới chở lên.

So với muối thì vôi có vẻ đắt hàng hơn, người dân mua nhiều để cải tạo đất hàng năm. Cũng mừng cho họ nhưng nhiều xe vôi cũng bán hàng dởm, đểu không có chất lượng nên người ta cũng rất cảnh giác với những xe vôi này.

Xe lớn bán dạo đa phần đi trên đường cái với loa đài, còi bóp inh ỏi có thể kể thêm xe bán chăn, nệm nhưng ít người mua vì không tin tưởng. Mới đây lại có thêm những xe lớn từ miền Đông nam bộ chất đầy cây gòn chở lên Tây nguyên bán cho dân làm trụ tiêu cũng liên tục rao hàng. Ngược xuôi vất vả là thế mà cũng chẳng mấy người hỏi tới. Lúc trước có câu: Trăm người bán, vạn người mua nhưng bây giờ có lẽ là ngược lại...

Tôi đang lan man nghĩ ngợi thì trước con ngõ nhà lại nghe tiếng xe máy xình xịch lẫn tiếng loa:

- Bấm lỗ tai đây, bấm lỗ tai đây kèm bông tai chất lượng cho các bé đây. Mau lên, mau lên các mẹ, các chị ơi!

Vừa lúc tiếng xe ngừng lại hình như bị hỏng hóc gì đó, một bác già già, miệng móm mém, tóc bạc phơ xuống xe chỉnh chỉnh, sửa sửa. Thật tội, bây giờ mấy ai cho em bé bấm lỗ tai một cách bừa bãi như vậy. Khi sinh ra ở BV đã có dịch vụ bấm tai cho bé gái ngay rồi. Không biết với cái xe cà rịch cà tàng vừa đi vừa sửa chắc là uống xăng ghê gớm này, bác ấy kiếm được mấy mối một ngày mới đủ tiền công, tiền đổ xăng. Thấy thương...

Bác vừa sửa xe xong đi tiếp, tiếng rao xa dần thì lại vọng tới tiếng loa khác:

- Mua TV cũ, mua tủ lạnh cũ, mua các loại đồ điện tử cũ...

Lần này là dáng một anh thanh niên có vẻ bặm trợn lướt qua.

Rồi nữa, một chị trẻ trẻ chở bao tải nhôm nhựa chạy xộc vô tận cửa hỏi với:

- Có chi bán cho con cô ơi!

Tôi chỉ cho chị ra sau nhặt nhạnh chai bao, đồng nát cho sạch vườn, cho chị đó chỉ vài nghìn, có đáng chi...

Đó là chưa nói đến thỉnh thoảng lại có đôi nam nữ đèo nhau trên xe máy vang tiếng loa: Tóc dài đây, mua tóc dài đây...làm mấy đứa cháu tôi sợ vô cùng vì nghỉ đến bọn mẹ mìn bắt cóc con nít mà nhiều người dọa chúng.

Nhiều, nhiều lắm kể ra không hết những cách mưu sinh, những âm thanh cuộc sống, những phận người bươn chải mà ngẫm lại là nỗi khổ của kiếp nhân sinh.

Và khi thấy mình được an ổn, được thảnh thơ để lắng nghe những âm thanh đủ loại ấy vọng về, bỗng một chút xót xa, thương cảm, thì ra mình vẫn còn hạnh phúc vô cùng...

TN
01/11
Những âm thanh cuộc sống