NHỮNG BÀI ĐỊA LÝ THUỞ ẤY

Thuở mới vào đại học, cuốn Atlas là niềm mơ ước của biết bao thế hệ sinh viên ban Sử-Địa. Atlas, người khổng lồ phản kháng thần linh trong thần thoại Hy Lạp bị Zeus, chúa tể các vị thần đày đọa phải oằn mình mang cả trái đất trên đôi vai là tên phổ biến để chỉ cuốn sách kim chỉ nam về bản đồ địa lý một vùng đất, quốc gia hay thế giới. Atlas khổ lớn hay loại bỏ túi, rất tiện dụng, năm châu bốn bể gom lại trong cuốn sách nhỏ nhét túi quần jean ngồi cà phê nhìn mưa rơi những ngày sinh viên bãi khóa.

Ngày con gái đi học xa, trong hành trang sách vở mang theo, tôi kín đáo kèm thêm cuốn Atlas de poche. Con gái tần ngần nhìn bố rồi cũng mang đi. Có lẽ, nó thương tính lẩm cẩm của bố hơn là sự cần thiết của sách. Bây giờ, muốn tham khảo  bản đồ đã có Google maps, thế giới nay trong bàn tay.
Từ những bài địa lý thuở ấy, từ cuốn Atlas giấy ố vàng, thế giới và đất nước đổi thay. Đường trần dễ lạc lối và hình ảnh Từ Thức từ cõi tiên lưu lạc trở về trong câu chuyện ngày xưa bỗng trở nên gần gũi.

Nhớ lại chương trình trung học miền Nam Việt Nam ngày trước gộp chung môn Sử và Địa. Lên đại học Văn Khoa, trước năm 1969 là hệ thống chứng chỉ để thi Cử nhân Sử hay Địa. Chúng tôi vào Văn Khoa Huế năm 1969 khi hệ thống niên chế bắt đầu. Từ năm hai, sinh viên tùy chọn Sử hoặc Địa, riêng Sư Phạm vẫn học chung để tốt nghiệp ĐHSP, ban Sử Địa. Đặc điểm nầy khác với hệ thống giáo dục Hoa Kỳ tách riêng Lịch sử và Địa lý.

Mấy năm đầu, học Địa hình thái học với LM Nguyễn Hòa Nhã, Hải Dương học với thầy Nguyễn Hải, Địa lý đại cương và Khí hậu học với thầy Lê Khắc Phò…Quý thầy « retour de France », phần nào chịu ảnh hưởng « trường phái địa lý Pháp » nên chúng tôi làm quen với bản đồ treo tường khổ lớn Vidal de la Blache, những bài giảng hàn lâm, những cuốn giáo khoa địa lý đồ sộ ký tên P. Gourou, Fromaget…

Từ 1971 là « đợt sóng mới » trong môn địa lý ở Văn Khoa Huế với thế hệ các thầy tốt nghiệp địa lý từ Hoa Kỳ trở về như Phạm Đình Tiếu, Sơn Hồng Đức…Các thầy đến lớp với phong cách mới, diễn giải nhiều hơn mô tả, đi thẳng vấn đề. Mỗi trường phái có những ưu điểm và đặc sắc riêng. Nếu  thử so sánh, bạn xem thiên phóng sự về một vùng miền qua kênh TV5/ Pháp, đối chiếu với National Geographic/ Hoa Kỳ. Tôi thích tính cụ thể, thực tiễn, sinh động  một phóng sự Mỹ về vùng Louisiana, Grand Canyon… nhưng mê đắm chất lãng mạn, thơ mộng rất Pháp khi « Bay theo đàn chim thiên di »/ Le peuple migrateur của Jacques Perrin hay những phóng sự kết nối lịch sử - địa lý như « Cội nguồn chắp cánh »/ Des racines et des ailes, «  Đại dương » /Thalassa…
Ghi nhận điều này để minh chứng tính đa dạng, khai phóng, cởi mở trong nền giáo dục miền Nam trước đây. Thuở ấy, tuy chưa thể là không khí « tự trị đại học » như ở phương Tây, thầy triển khai một chủ đề của chương trình theo quan điểm của mình, sinh viên không bị áp đặt khi nhìn nhận, phân tích, kể cả phản bác. Khi đánh mất bản sắc nầy, sinh viên mơ hồ thấy mình biến thành những chú ngựa buồn kéo chiếc xe thổ mộ rong ruỗi quanh quẩn Trại Mát, Dran… mà hai bên đôi mắt là những tấm thiếc che chắn để chỉ nhìn thấy một lối đi, lối mòn ấy  chẳng thể là con đường tỏa đến muôn phương.

Tìm về nguyên ngữ, Địa lý có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, quê hương của trường ca Odyssey và Iliad, cái nôi của những triết gia, nhà thám hiểm và du hành thời cổ đại. Đứng trước sự bao la bất tận của bầu trời, trăng sao, trái đất, biển và đại dương, thiên nhiên và muông thú lồng trong nỗi mong manh và hoang mang của kiếp người, họ tự hỏi : « Chúng ta từ đâu đến ? Đang ở đâu ? », « Nếu đi hết cái « Ao của chúng ta (Mare Nostrum, Địa Trung Hải), sẽ trôi về đâu ? », « Bước sang bên kia sườn núi, cảnh vật sẽ ra sao ? »…Những câu hỏi ấy khơi nguồn cho Địa lý/ Geography với từ Ge: tiếng Hy Lạp nghĩa là trái đất, Graphe: mô tả. Địa lý: khoa học mô tả và  giải thích về trái đất, hành tinh chúng ta đang sống.

Cho nên, từ năm 5000 trước Công Nguyên, người Hy Lạp cổ đại đã dong buồm đến vùng Lưỡng Hà, miền đất trù phú giữa hai con sông Tigris và Euphrates nay là  « bão tố sa mạc » Irak chiến chinh máu lửa từ những năm 1990, 1991. Đến khoảng năm 3000 trước CN, thuyền xuôi sông Nile từ thượng nguồn về Ai Cập…Từ những chuyến hải trình, bản đồ được phác thảo, đường kinh tuyến, vĩ tuyến xác định, phát minh la bàn  ứng dụng. Ngày nay, la bàn nầy chiếm một góc khiêm tốn trên chiếc điện thoại di động, tuy nhiên khi thế giới giã từ đêm dài Trung Cổ, việc xử dụng la bàn là cuộc cách mạng then chốt trong ngành hàng hải, tạo điều kiện cho những chuyến ra khơi vượt Địa Trung Hải, Đại Tây Dương sang châu Mỹ, châu Phi, châu Á mà tiêu biểu là việc tìm ra châu Mỹ của Kha Luân Bố năm 1492 đã mở ra thời Phục Hưng trong lịch sử thế giới với những phát kiến địa lý quan trọng.
Trước đó, ở Trung Quốc, năm 1403, thái giám Trịnh Hòa đã thực hiện những chuyến hải hành đến vùng biển Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, bán đảo Á Rập, vùng Đông Phi. Hình ảnh nhà hàng hải huyền thoại  giữa muôn trùng biển khơi mà Trung Quốc ngày nay muốn vẽ vời tô điểm cho tham vọng « Một vành đai. Một con đường » đã nhạt nhòa sau chuyến đi biển lần thứ bảy, chuyến cuối cùng năm 1433 của Trịnh Hòa. Từ mốc giới nầy, nhà Minh chấm dứt chính sách hướng biển và đại dương khởi đi từ hoàng đế Vĩnh Lạc, rút về cố thủ và ngủ đông bên trong Vạn Lý Trường Thành xây dựng từ năm 214 trước CN.

« Khi Trung Quốc tỉnh thức… thế giới sẽ rung chuyển »/ Quand la Chine s’éveillera… le monde tremblera là tựa đề cuốn sách  Alain Peyrefitte viết năm 1973 trình bày và dự báo viễn cảnh Trung Quốc tỉnh giấc miên trường hơn 500 năm.

Trở lại cuốn Atlas thời trẻ…Sau 1975, tôi dạy học thêm vài năm. Ngôi  trường cấp 3 vùng ven Đà Nẵng nằm giữa ruộng lúa, nhìn sang mấy ngọn đồi thoai thoải, tiếp giáp đường 14 nối miền núi và duyên hải. Sân trường có cây bàng cổ thụ lá xanh non khi xuân sang. Chênh chếch cổng trường là sân đá bóng. Đây là điểm tập trung nông dân Quảng Nam trong vụ Kháng Thuế Trung Kỳ năm 1908. Thời dạy học, tôi thuộc đội bóng « giáo viên » tranh cúp với tuyển học sinh mà chiếc cúp là…một nải chuối. Học trò chân chất, đồng nghiệp thân tình, dễ mến, đó là những năm tháng đáng nhớ thời dạy học ngắn ngủi. Đồng nghiệp có anh hiệu phó ngoài Bắc vào. Tôi không rõ anh được đào tạo như thế nào, chỉ phụ trách phong trào là chính: « Lao động là vinh quang », « Mùa xuân là mùa trồng cây »…Có hôm anh vào dự giờ tôi dạy. Đó là tiết học «  Thời tiết và Khí hậu » chương trình lớp 10, tương đương Đệ tam trước 1975. Sau giờ dự thính, anh  tuyên bố một câu xanh rờn: « Anh dạy không theo sách giáo khoa ». Trả lời: « Nếu chỉ học thuộc từ sách giáo khoa để nhai lại thì cần gì thầy giáo, phát cho học trò mỗi em một cuốn sách là xong. » Anh ta  lầm bầm, đại loại làm gì có « gió mậu dịch » ?/ trade winds. Gió mà cũng…tư bản! Lẽ ra thì nên « để gió cuốn đi ». Hồi đó trẻ người non dạ, chưa biết « chánh niệm », tôi thẳng thừng chấm dứt mẫu đối thoại : « Này anh bạn thợ giày, anh đừng nên đi quá chuyện giày dép! ». Không biết anh ta có hiểu nội dung câu nói?

Mùa hè năm đó, tôi xếp cuốn Atlas vào góc tủ sách, bỏ trường mà đi. Con ngựa lạc bầy đã biết vứt bỏ những tấm thiếc che chắn đôi mắt, tuy nhiên vẫn « thương nhớ địa lý »…
Trong chương trình địa lý thuở ấy, trong lúc thầy trò còn loay hoay giải thích « Quy trình trồng cây lúa » ; thực ra gắn liền với môn sinh vật hơn là địa lý, huyên thuyên về số liệu sản lượng than đá, sắt thép… Việt Nam gấp nhiều lần so với thời Pháp thuộc (?) thì sách giáo khoa địa lý thế giới đề cập đến những vấn đề thiết thân của hành tinh nầy: «  Các nước giàu và nghèo », « Địa cầu đang nóng lên », « Vấn đề tị nạn và di dân », « Điện ảnh trong thời đại mới »…Cuốn Atlas thời tôi đi học chỉ tập trung bản đồ địa lý các quốc gia nay mở rộng đến mọi lãnh vực của cuộc sống: Atlas về toàn cầu hóa, về những nền văn minh, tôn giáo, những cuộc di dân, những phát kiến địa lý, Atlas cho thế giới ngày mai, thậm chí Atlas về những điều không tưởng ( Atlas des utopies)…
Thế giới biến chuyển nhanh, biên cương mới hình thành, nhiều quốc gia phân ly, những miền đất sáp nhập. Những  Burkina Faso, Zimbabwe… trước khi độc lập, thưở mình đang là sinh viên, mang tên gì, vị trí ở đâu trên bản đồ thế giới ? Từ sự sụp đổ của bức tường Bá Linh, Liên bang Nam Tư vốn được xây dựng trên tro tàn của Chiến tranh Thế Giới Thứ Nhất nay vỡ ra thành những cọng hòa độc lập chiến tranh tương tàn. Vì sao, ba cọng hòa vùng Baltic là Estonia, Latvia, Lithuania, bé như ba hạt dẻ, có thể tuyên bố độc lập trước gấu Nga vĩ đại. Những người ví von trái đất này là « ngôi làng toàn cầu » sẽ giải thích thế nào về hiện tượng Brexit, về  vùng Catalan/ Catalunya ở Tây Ban Nha muốn độc lập. Thế giới buồn bã  dự báo những phân ly mới.

Kiến thức địa lý được bổ sung đây đó…hay qua những lần xuôi ngược trên đất nước thân yêu này. Nghĩ suy địa lý dọc đường thiên lý, tôi bàng hoàng cảm nhận «  ¾ diện tích Việt Nam là rừng » ghi nhớ trong bài địa lý vỡ lòng đang biến mất. Những khái niệm « rừng nhiệt đới mưa »/ rain forest, « rừng nhiệt đới gió mùa »/ monsoon forest với hai mùa cách biệt : mùa khô và mùa mưa nay ở nước ta hầu như chỉ còn lưu lại trong sách giáo khoa địa lý.

Từ Buôn Mê Thuộc đi Đà Lạt qua đường 27 trong mùa mưa nắng chói chang, đi ngang « rừng xưa đã khép » nay không một bóng cây, khói đốt rừng u uất lan tỏa. Lên Tây Bắc, Sapa phố núi cao, thị trấn nghỉ mát bình yên bé như chiếc khăn thổ cẩm quấn quanh mái tóc người phụ nữ Hmong, Dao… đang bị cày xới cho những «  tổ hợp khách sạn » khổng lồ 500 phòng, hệ thống cáp treo rần rần nối Sapa- Hoàng Liên Sơn. Xuôi đồng bằng sông Cửu Long, những chợ nổi ngã ba, ngã bảy trên sông ở Phụng Hiệp, Cái Răng đang tàn lụi. Những cây cầu dây văng nối liền sông Tiền, sông Hậu rút ngắn khoảng cách. Xe tải bon bon vào tận miệt vườn thu mua nông phẩm thay ghe thuyền xuôi ngược. Chợ họp trên sông nước với những âm thanh, màu sắc, con người đặc trưng Nam Bộ đang phôi pha. Buổi sáng đi tắm biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, thấy mây vẫn bay trên Sơn Trà*. Về đọc Đại Nam Nhất Thống Chí, cuốn địa lý Việt Nam thời nhà Nguyễn mô tả Trà Sơn/Sơn Trà: «…hình thể chót vót cao chục tầng mây, mây mù tự đấy mà ra, cây cối um tùm, hươu nai thành đàn, mùa thu mùa đông nếu cầu vồng hiện ở trước núi thì lụt; nếu mấy đặc phủ trên đỉnh núi thì mưa, người địa phương thường trông đấy mà chiêm nghiệm. » Nay người địa phương trông về Sơn Trà thấy lô nhô khách sạn…(* Người Đà Nẵng thường gọi Sơn Chà hơn là Sơn Trà.)

Những bài học địa lý có còn cần thiết khi quyền lực hư hao và đồng tiền tha hóa.
Địa lý không đơn giản chỉ bắt đầu và chấm dứt qua việc xác minh một vùng đất trên bản đồ, trên GPS hay Google Maps. Địa lý đặt ra những câu hỏi thiết thân cho  cuộc sống, là chìa khóa tìm hiểu lịch sử, kinh tế, quan hệ quốc tế, tôn giáo, triết học và văn hóa. Địa lý còn là đường dẫn đến các môn Địa chiến lược, Địa chính trị. Trong « cõi người ta », nếu có chút căn bản địa lý, tầm nhìn sẽ bớt hạn hẹp, dễ khoan dung, phóng khoáng và cầu thị hơn. Óc địa phương cục bộ, ý niệm vùng miền, quan điểm « tất định địa lý » xa lạ với tính nhân văn của địa lý học.

Ngày nay, « Công nghệ có thể rút ngắn khoảng cách, tuy nhiên những khác biệt vẫn còn đó. Nếu chúng ta thực sự mong muốn xóa đi những khoảng cách mà vẫn tôn trọng những dị biệt thì những bài  địa lý vẫn còn cần thiết » ( **trang. 23).


**Tham khảo: «  DON’T KNOW MUCH ABOUT GEOGRAPHY. Everything You Need to Know About the World but Never Learned » KENNETH C. DAVIS. AVON BOOKS. NEW YORK.1993.


TỐNG VĂN THỤY. 10/2017