Chín bốn & Bạn hữu
Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Đan Thanh:

Hồi đó các thầy, các cô đều trẻ măng, chỉ có thầy Tần là đứng tuổi. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc trẻ mà oai lắm. Thấy thầy đi từ xa, chúng tôi đã giạt ra, cứ y như nước giạt ra cho mũi thuyền lao tới vậy. Bây giờ nhìn tấm ảnh của Thầy tôi mới biết, chứ hồi đó tôi có dám nhìn thầy đâu.

Tuổi thơ trong sáng và đẹp đẽ quá, bảy năm học dưới mái trường Phan Châu Trinh là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi, hay vì sau này đời tôi chìm nhiều hơn nổi nên những kỷ niệm những năm đèn sách ấy luôn ngát thơm trong tôi.

(Nhớ lại buổi đầu đi học/ Đan Thanh)

--------------------------------------------------------------------------------------
Phan thị Thu Hà:

Đầu niên khoá 1962-1963, năm đệ nhị, một sự thay đổi và mất mát lớn đối với trường: Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc thuyên chuyến đi nơi khác. Còn nhớ một lần dạy thế ở lớp tôi hai giờ Việt văn, Thầy giảng bài "Thề Non Nước" của Tản Đà:

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non...

Buổi dạy ngắn ngủi nhưng Thầy đã để lại một ấn tượng đẹp. Và cũng như cả trường, tôi đón nhận tin Thầy đổi xa với niềm luyến tiếc.

(Nhớ về trường cũ/ Phan thị Thu Hà)

--------------------------------------------------------------------------------------
Châu Yến Loan:

Thầy Nguyễn Đăng Ngọc, bề ngoài trông nghiêm khắc, lạnh lùng, ít nói khiến học sinh khi gặp mặt thầy ai cũng phải sợ. Thế nhưng thầy lại là người giàu tình cảm, rất quan tâm đến học sinh, sẵn sàng giúp đỡ khi cần

Tôi còn nhớ năm 1968, sau khi tốt nghiệp Đaị Học Sư Phạm Huế, tôi vào dạy tại trường Nữ Trung học Quảng Ngãi. Lúc bây giờ thầy Nguyễn Đăng Ngọc làm tại Nha Học Chánh Trung Việt, thầy cùng phái đoàn vào thanh tra các trường TH ở Quảng Ngãi trong đó có trường Nữ Trung Học tôi đang dạy. Gặp thầy tôi chỉ biết vòng tay cúi đầu chào thưa rồi lẹ làng tránh đi nơi khác, không dám tới gần thầy.

Buổi chiều trở lại trường, sau khi dự giờ, kiểm tra, thầy thân mật gọi riêng tôi, ân cần hỏi han về hoàn cảnh gia đình, và dặn dò tôi cố gắng giảng dạy cho tốt, tôi cúi đầu vâng dạ cám ơn thầy. Sau đó thầy cho tôi biết thầy sẽ đề nghị bổ dụng tôi làm Hiệu trưởng trường này. Thấy tôi tỏ ra rất bất ngờ và ngạc nhiên, thầy liền giải thích cho tôi hiểu là cô Hiệu trưởng đương nhiệm chỉ làm tạm thời vì cô mới tốt nghiệp Cao Đẳng sư phạm, chưa đạt yêu cầu, nhưng vì thiếu nhân sự nên cô bị bắt cóc làm Hiệu trưởng, còn các giáo viên Đệ Nhị Cấp toàn là nam giới, trường đang cần một nữ giáo viên tốt nghiệp Đaị Học Sư Phạm có năng lực để giữ chức vụ này, hiện tại trường chỉ có tôi đủ điều kiện.

Tôi rất biết ơn thầy nhưng thực lòng tôi không muốn xa gia đình mà chỉ xin thầy giúp đỡ cho tôi được chuyển về Huế vì lúc đó anh Dũng - chồng tôi - đang dạy tại trường Quốc Học. Thầy đem những điều hơn lẽ thiệt phân tích để thuyết phục tôi, thầy nói đây là cơ hội hiếm có, nhiều người ước muốn mà không được, thầy rất mong các cựu học sinh Phan Châu Trinh của thầy luôn cố gắng vươn lên trong ngành nghề, tiếp bước con đường thầy đã đi, nhưng tôi là người không ham chức vụ, chỉ muốn sống một cuộc sống yên ổn, bình thường nên tôi cứ một mực năn nỉ thầy cho tôi về Huế.

Sau khi tạm biệt thầy, tôi không nhận được tin tức gì nữa, tôi cứ tưởng việc đã chìm xuồng, vì tôi không đáp ứng được điều thầy mong mỏi; nào ngờ đến cuối Đệ Nhất lục cá nguyệt năm ấy, tôi nhận được quyết định thuyên chuyển về trường Đồng Khánh với ưu tiên một "vợ theo chồng". Cầm tờ Sự Vụ lệnh trong tay tôi sung sướng, ngỡ ngàng không biết là mình mơ hay thật.

Tôi thầm cám ơn thầy Nguyễn Đăng Ngọc đã hiểu được nguyện vọng của tôi và giúp tôi được sum hợp với chồng. 
(Nhớ Thầy Hiệu trưởng của Châu Yến Loan)

--------------------------------------------------------------------------------------
Vũ Nguyên Hồng:

Vào khoảng năm 1954, Ecole primaire francaise de Tourane được giao lại cho Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Thoạt đầu, những phòng ốc được dùng làm phòng thí nghiệm hay chỉ dành cho những lớp vẽ toán, rồi sau này một phần được sửa đổi lại thành nhà ở dành cho hiệu trưởng.

Một vị hiệu trưởng lúc ấy của trường Phan Châu Trinh mà tôi nhớ mãi, giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc. Thỉnh thoảng ông Hiệu trưởng Ngọc, buổi trưa đánh bóng bàn với học trò của ông, trong đám học trò đó, có cả cậu D., con trai của ông. Cậu thư sinh D. này hiền lành, mảnh khảnh, da trắng, lên đại học tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhưng bất hạnh thay, trong cuộc đổi đời 30/4/1975 đã chết trong trại tù cải tạo dưới tay quản lý ác độc của Cộng Sản.

Giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc được học trò coi như vị cha hiền lành và nghiêm minh. Những hôm trời mưa gió, có bão về, trường đóng cửa, ông hiệu trưởng Ngọc đi kiểm soát quanh trường, ra lệnh dõng dạc, ngắn gọn "phải về nhà ngay" cho những cậu học trò còn mãi mê đuổi bắt những con chim bói cá trên bãi cát trắng đọng nước trong sân trường với vô số cánh chuồn chuồn lượn bay cao thấp ...

(Chuyện Một Thời Đà Nẵng/Vũ Nguyên Hồng)

--------------------------------------------------------------------------------------
YLA Lê Khắc Ngọc Quỳnh:

Tôi rụt rè bước vào phòng Hiệu trưởng. Thầy Nguyễn Đăng Ngọc nhìn tôi trong áo lụa trắng học trò, tóc dài mượt đen được làm gọn đằng sau bằng chiếc kẹp đồi mồi màu nâu. Thầy hiền từ cho phép tôi ngồi chiếc ghế trước bàn Hiệu trưởng. Hơi mỉm cười, thầy bảo:

- Cô giáo trẻ quá!

Không nhìn thấy sự lo lắng của tôi, thầy tiếp:

- Học trò ở đây từ các vùng mới tiếp thu ... nên học chậm, lớn lắm, dạn dĩ, nghịch ngợm, sợ cô giáo trẻ không điều khiển nổi. Cô N.N. trước đây khóc đó!

Sợ ông Hiệu trưởng nghi ngờ khả năng, tôi bối rối tìm cách bênh vực quyết định của mình. Ông Hiệu trưởng còn trẻ như các thầy tôi nhưng không xưng "con" như ở trường mà làm cho mình "lớn" hơn một chút, tôi lễ phép thưa:

- Thưa ông cho cháu dạy thử, quả thực không được thì ...

Thầy Ngọc nhìn sự vụ lệnh bổ nhiệm của Nha Giáo dục và hồ sơ của tôi trước mặt. Thầy ôn tồn bảo:

- Có cách chi ... Cô phải có bề ngoài người lớn hơn một chút nữa.

Nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt tôi, thầy tiếp:

- Ví dụ như cô đừng để tóc kẹp ... học trò quá, trẻ quá không được.

Biết "khuyết điểm" vì dáng dấp học trò của mình, tôi vẫn quả quyết:

- Cháu sẽ cố gắng, xin ông cho cháu dạy thử. Cháu tin là có thể dạy được.

Thầy Ngọc nhìn tôi, hiền từ mỉm cười cho quyết định:

- Chị chuẩn bị, mùa tựu trường năm nay chị trở lại nhận việc. Tôi sẽ gởi thời khoá biểu về sau.

Chị dạy Anh, Pháp văn và Việt văn đều được phải không?

Tôi mừng rỡ cám ơn và chạy vội ra cửa báo tin cho mẹ.

(Bài viết của YLA Lê Khắc Ngọc Quỳnh, Canada, chớm Thu năm 2002)
Những kỷ niệm về Thầy Nguyễn Đăng Ngọc
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu