Thương tặng cựu học sinh Trung Học Đông Giang, Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng
HĐH
Ai cho một điều ước, và nếu lời ước trở thành sự thật, thì chắc chắn bạn và tôi, sẽ xin một điều đơn giản thôi: “hãy cho
chúng tôi sống lại những ngày xưa thân ái”.
Vâng, từ thuở lên 10, ngày hai buổi cắp sách tới trường làng, cho dù ông thầy có khó cách mấy, ngôi trường chẳng mấy
khang trang và bạn bè năm ba đứa hoang nghịch kiểu nhà quê đồng ruộng, ấy thế mà lòng những cậu bé trong làng vẫn tưng bừng
vui vẻ. Cuộc đời nơi thôn dã cơ hồ cũng nhảy nhót theo từng bước chân chim.
Kịp đến khi ra tỉnh, vào thành phố, chen bước về thủ đô, thử hỏi bạn có mang theo nỗi lo âu gì khác, ngoài một điều được
dặn dò: “con phải rán học để nên người”. Hành trang gia đình trao cho bạn chỉ có từng đó. Và tôi đoan chắc, chỉ có từng đó
thôi, bạn đã bắt đầu cảm thấy như có một trách nhiệm đè xuống trên đôi vai bé bỏng của mình. Cũng may, trách nhiệm ít khi đánh
bạn với tuổi thơ. Trong trường rất hiếm gặp những nét mặt đăm chiêu, những ông bà cụ non ngồi lo thiên hạ sự. Hình ảnh tổ chim,
có cả chim mẹ và chim con, minh họa gần đúng mái trường, nơi tuổi thơ (và cả thầy cô chưa già của chúng ta) đã có cơ hội và thời
gian quận tụ sum vầy…
Khi tôi tốt nghiệp Trung học đệ nhị cấp ở Sàigòn năm 1962, thì đa số các em còn ở các lớp tiểu học, nghĩa là khoảng trên
10 tuổi. Năm 1966, không ngờ từ Đại Học Huế, tôi bước vào ngành giáo dục, trong tay có viên phấn trắng và trong lòng có rất
nhiều ước mơ. Nhưng có một ước mơ thật đơn giản là xin được đi xa xứ Huế một chút, bởi vì mình thực sự đã từ giả Huế năm
1955. Bổ nhiệm tôi đi đâu cũng được, lạy trời, xin đừng bắt tôi đi dạy ở Huế, vì tôi sợ gặp lại cô tôn nữ một lần đã làm tôi e ngại
thuở mới đụng đầu ở trường thi!
Không ngờ điều mình cầu xin đã được toại nguyện. Càng toại nguyện hơn là được về dạy học ở Trường Trung học Đông
Giang. Các em thử nghĩ, giá như lúc bấy giờ tôi được bổ nhiệm đi Quảng Tín, lên Quế Sơn hay vào Quảng Ngãi, Bồng Sơn, thì
chắc chắn phải cầm sứ vụ lệnh lên đường mà trong lòng chẳng mấy vui. Đằng này, Ôi cái tên Trường Trung học Đông Giang sao
mà êm đềm đến thế. Ở Đà Nẵng mà không phải là Đà Nẵng! Nó nằm ở phía đông một dòng sông lịch sử! Ngôi trường Đông
Giang nhìn ra dòng sông Hàn, đối diện với một thành phố cảng có tuổi thọ ngang với Hải Phố của Hội An, cả hai là một kho tàng
cổ học có bề dày văn hoá cũng như địa lý lịch sử có một không hai ở Miền Trung Việt Nam.
Vâng, địa thế ngôi trường của chúng ta khá thuận lợi, xét về mặt thủ đắc và sinh tồn. Các em còn nhớ, chúng ta ra quân là
chúng ta đạt chiến thắng ở ngôi vị cao nhất của thành phố. Không phải là Cao Biền đi tìm long mạch. Chúng ta biết Hội An, Điện
Bàn rất tự hào với năm cụm núi quê hương (Ngũ Hành Sơn), trong khi đó thì Trường Đông Giang của Chúng Ta có tiền
giang, hậu hải; tả hữu có Sơn Trà, Ngũ Hành như những sơn trấn uy dũng cho một địa thế hiếm có của thiên nhiên phía nam Hải
Vân Sơn. Nếu được phép lựa chọn vị trí cho một quần thể văn hóa lịch sử Hàn Giang - Đà Nẵng, có lẽ các em sẽ đồng tình với
tôi nên bắt đầu từ tụ điểm Đông Giang. Điều này không phải là chuyện tưởng tuợng. Chúng ta chưa có thành tích nhiều vì chúng
ta chưa có thời gian đào tạo lâu dài. Nhưng chỉ 8 năm thôi (1967-1975), nay các em thử nhìn lại tổng số những nhân tài xuất thân từ
ngôi trường Đông Giang của chúng ta hiện đang đóng góp tài năng cho quê hương hôm nay như thế nào. Dĩ nhiên, các em phải
tiếp tục phấn đấu trong một hoàn cảnh lịch sử khó khăn nhất sau năm 1975 để sống còn và vươn lên. Nhưng do một môi trường
phấn khởi ngay từ lúc bắt đầu, ban giảng huấn của chúng tôi có thể tự hào về một tương lai tốt đẹp đến với tất cả các em. Tiếc
thay, cái thuở thiên thời, địa lợi, nhân hoà như chúng ta từng chung hưởng, không biết đến nay còn bảo lưu được bao nhiêu?
Dầu sao thì chúng ta cũng đã có với nhau những ngày xưa thân ái. Và đó là điều còn rất sống động trong ký ức khi nhớ về
ngôi trường cũ của mình.
Như các em biết, tôi về trình diện thầy Hiệu Trưởng Lâm Sĩ Hồng khi ngôi trường Đông Giang còn thơm mùi xi măng mà
những viên táp-lô mới được chồng lên nhau chưa quen với tiếng cười của đám trẻ khắp Quận Ba tụ tập về đây. Giữa một bãi cát
rộng, ngôi trường đứng lên như một thách đố của số phận. Chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng hình như càng ngày càng có
đông các cô, các cậu, trước thì có vẻ rụt rè bước vào từng lớp, để rồi sau đó nghiễm nhiên trở thành những chủ nhân tí hon, đến
nỗi từng viên sỏi, từng ngỏ ngách, từng góc cạnh nào của ngôi trường cũng được các em tận tình tham quan và yêu mến. Tuổi trẻ
đem nhốt chung lại với nhau, tôi tin sẽ có những sáng tạo lạ lùng! Bước vào lớp học, với tư cách là một ông thầy của các em,
nhưng thú thật tim tôi lúc bấy giờ cũng rộn ràng như gió thổi vù vù bên ngoài hành lang lớp học. Trường chưa có cây cao để ru
gió mát cuộn về. Nhìn ra bên ngoài, ánh sáng chói chang hắt lên từ bãi cát trắng, tôi có cảm tưởng, đi dạy ở Đông Giang chẳng
khác nào về bãi biển Mỹ khê nghe sóng biển và nhìn những dấu chân ghi lại tuổi thơ ngây trên bãi cát quanh trường.
Có một câu nói, hình như là của các cô nữ sinh: “Thầy giáo (độc thân) vào trường thì các nữ sinh sợ, nhưng ra đường thì
sợ nữ sinh”. Thật tình tôi muốn thử nghiệm có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu nói có tính đe dọa này, nhưng khi bước vào
lớp, tôi thấy chẳng em nào tỏ ra sợ cái ông thầy lạ hoắc này cả. Chứng cớ là một em (hình như Nguyễn Văn Hùng Anh) mĩm cười
rất tự nhiên và nói vừa đủ cho tôi nghe: “Hôm qua em thấy thầy chở cô đi chợ Hàn”. Thế là chân tướng của tôi đã được bóc ra
quá nửa! Làm một thầy giáo trẻ, hình như ai cũng muốn học trò coi mình như còn độc thân! Hỏng! Còn quậy vào chỗ nào được
nữa?
Có một lần trên đường hành hiệp, một cô giáo nhờ quá giang. Khi chiếc xe Vespa của tôi vừa dừng lại trước sân trường.
Trăm con mắt đổ về làm tôi cũng luống cuống như tiếng nổ bì bạch của chiếc xe không chịu im ngay khi đã sang số ngừng! Thế
là…”cô với thầy vui vẻ nhỉ?” Vâng, thưa các em, dạy học ở Đông Giang ai nói là khổ? Không, đi dạy và đi học ở Đông Giang thật
là vui! Chẳng vui sao mãi đến hôm nay các em còn nhớ đến nhau và nhớ mãi những thầy cô của mình.
Một chuyện của thời cuộc, tôi muốn kể lại với các em ở mấy hàng cuối này. Sau 5 năm rưởi xa cách thành phố, tháng 10
năm 1980, tôi từ trại An Điềm trở về Đà Nẵng. Khi tôi đang lớ ngớ ở bến xe Chợ Cồn, hai thiếu nữ, tuổi trên 17, không biết có phải
đã phát hiện ra dáng dấp của tôi hay do một sự linh cảm nào khác, cả hai em chạy đến bên tôi rồi cùng thốt lên: “Thầy! thầy!”
Cũng như hai em, nước mắt ở đâu cũng chảy dài trên má của tôi! Tôi cảm động lắm về chút tình nghĩa thầy trò mà các em chưa
đánh mất, trong khi chính các em đã bị đánh mất tuổi học trò sau năm 1975, để mỗi em phải bưng một cái thúng đựng thuốc lá,
bánh kẹo…đem rao bán ở các bến xe.
Cũng vậy, tháng 9 năm 1981, ngày tôi được gọi tên trên loa phóng thanh của trại tị nạn Ga Lăng ll thuộc Indonésia, để chuẩn
bị đi đinh cư, cô Võ Thị Diệu Thuấn (có lẽ là lớp lớn nhất học ở Đông Giang với các em) chẳng biết từ đâu, rẻ đám đông tìm thấy
tôi trong một hoàn cảnh thật bất ngờ. Chuyện là thầy trò gặp lại nhau trên xứ người sau bao thăng trầm dâu bể, mà sao lòng nghẹn
ngào chẳng nói nên lời!
Với tất cả các em, quốc nội cũng như ở hải ngoại, tôi chưa có hân hạnh gặp lại, nhưng lòng chúng ta vẫn gần nhau. Riêng
với các thầy, các cô, ở Đông Giang cũng như ở Nữ Hồng Đức Đà Nẵng, tôi vẫn nhớ và cầu chúc tất cả được muôn vàn ân phúc.
Ước mong những ngày xưa thân ái vẫn sống động mãi trong lòng mỗi người chúng ta.
Hoàng Đình Hiếu