NHỮNG NGƯỜI BẠN TRẺ
(Tặng các bạn học sinh Phan Chu Trinh Đà Nẵng)
Gần đây đọc trong Thế Kỷ 21 những bức thư Sài Gòn nói về giáo dục. Đại ý: Thầy không ra thầy, trò không ra trò (chữ trong thư). Nhân đó tôi xin ghi lại đây một ít kỷ niệm trong cuộc đời của tôi ở trong nền giáo dục ở miền Nam trước 75. Sự khác biệt để người đọc phán xét.
Những điều tôi ghi lại ở đây là sự thật, hay sự thật theo cái nhìn chủ quan. Sự thật đó có thể xảy ra ở những trường khác, cho những người khác. Nhưng sự thật cho mình bao giờ cũng sâu sắc hơn. Do đó tôi xin ghi lại sự thật chủ quan.
Tôi có rất nhiều người bạn trẻ, nam cũng như nữ. Gọi là trẻ vì đều ít tuổi hơn và tôi hướng nhìn theo chiều hoài niệm. Thực ra tất cả đã trưởng thành. Tất cả ngày nay, ít ra cũng trên 40 tuổi, cái tuổi không còn ngập ngừng gì nữa ở cuộc đời (tứ thập bất hoặc!), đã biết gánh chịu trách nhiệm cho ngày nay và hôm mai.
Nghề nghiệp giúp tôi quen biết họ. Tôi làm việc ở một trường học, theo đuổi một nghề mà cả Đông lẫn Tây có những tên gọi thật tốt đẹp, thầy giáo, nhà mô phạm, kỹ sư tâm hồn, Instituteur, master, … Nhưng cũng đối với nghề ấy, những thập kỷ gần đây, thấy xuất hiện những tiếng gọi đượm vẻ chán chường, mai mỉa: gõ đầu trẻ, múa phấn bảng đen, bán cháo phổi, giáo mác, …
Những danh từ tốt đẹp thì tương đối với từng người. Mỗi người đứng hay ngồi ở bục giảng tự quyết định lấy. Riêng tôi, tự nghiệm, thấy những tiếng ấy không thích ứng. Nghĩ cho kỹ tôi vẫn có một chút thiện chí nhưng đã được bưng lên đặt xuống nhiều lần vì dè dặt và cầu an, yếu đuối. Nói như kiểu của Sartre nhiều lần tôi đã phủ nhận quyền tự do chọn lựa của chính mình”. Về kiến thức, thì có gì mà dạy. Không thêm được vào gia tài của người xưa, không đi trước được người sau thì sao gọi là dạy. Tôi chỉ là một thứ “répétiteur”, thuật nhi bất trước; thuật lại những điều thông thường mà không chắc thuật đúng.
Đã không dạy được cho các bạn trẻ của tôi một điều gì, trái lại tôi nhận thấy học được ở họ rất nhiều, và thấy còn phải học nhiều hơn nữa. Vì vậy nói cho đúng lẽ, quan hệ giữa họ và tôi chỉ là quan hệ những người bạn, nhưng may mắn là những người bạn khá thân thiết.
Những người bạn trẻ của tôi đã đánh thức trong tâm trí tôi những tình cảm, những đức tính mà tôi mơ ước vươn tới. Những gì thiêng liêng tốt đẹp tôi thừa hưởng của cha mẹ, của đất nước, ngày trước cũng như hôm nay nhờ họ mà tôi không đánh mất đi, di dưỡng được trong lòng mình.
Trong một bức thư gởi cho tôi, anh Tôn Thất T., một giáo sư Đại học ở Paris, nói về chuyện của anh mấy chục năm về trước đã viết: “Trong thâm tâm, những ngày trung học cạnh thầy Trần T., Bùi T., Trần Đ. T., thầy T., cô L., thầy Q., đã giúp em một thành công toàn diện tại Đại học Pháp, vào giảng đường nhìn sinh viên Pháp nhớ lại ngày xưa, ơn thầy vẫn đầy như những trang thơ cũ.” (1992). Thơ của T. gợi lên một truyền thống tốt đẹp của dân mình. Đọc thư anh tôi không kiêu hãnh mà chỉ mong ước xứng danh với những gì nhiều thế hệ đã hun đúc nên, trải qua bao nhiêu gian lao thử thách. Tuổi hồn nhiên, lòng nhiệt thành, tình bè bạn, tính dũng cảm, trí sáng tạo … của những người bạn của tôi đã tạo nên một thiên đường tuổi trẻ”. Cũng trong thư nói trên, anh T. đã viết: “Năm ngoái có dịp gặp lại thằng bạn cũ Ng. bá Tr. dẫn nó đi dạo phố Paris và nhắc đến thầy và thiên đàng Phan Châu Trinh.”
Mà thiên đường thật, gặp lại những người bạn trẻ không có mấy người không bồi hồi sung sướng nhắc đến những ngày ở dưới mái trường như một thời kỳ huyền diệu. Ng. b. Tr. gọi đó là thời kỳ sung sướng của cuộc đời cũ (thư Ng. b. Tr.). Những bạn đồng nghiệp của tôi và tôi là những người may mắn chia sẻ cái thiên đường họ đã xây dựng nên và cũng đã từng cảm thấy cuộc đời là “thiên đường". Tôi xin mượn lời anh Tr. đ. T., một người bạn đồng nghiệp nói lên niềm xúc cảm trong mối chia xẻ:
Ngôi trường đó là trong anh nỗi nhớ
Là trong em một thời ham sách vở
Là của anh những giờ giảng thiên đường.
Trong Ngơ Ngác Cõi Đời, Luân Hoán “Ghé thăm trường cũ”, có kể tên một số những bạn trẻ ngày xưa:
Vách tường xanh bích báo hồng bốn phía
Thơ học trò lãng mạn ba hoa
Hỡi những Quỳnh Chi, Thạch Trúc, Thu Hà
Những Quý Phẩm, Hồ thị Hồng, Thanh Thảo …
Xa cách lắm nhưng vô cùng gần gũi
Hà Nguyên Thạch giờ đây thui thủi
Bỏ làm thầy đi tìm củi chẻ thuê
Ngục dẫu tối không ngăn lòng hảo hán
Ngồi dựa lưng nỗi chết nhớ bâng khuâng
(trang 13, 14, va 15 - Nhân Văn -1987)
Vâng, những người bạn trẻ của tôi là những người ấy. Nhưng kể làm sao cho hết. Còn có những người đã nằm xuống, những người có những tên kỳ lạ Ui, Rìu, Mông, Một, … cũng như những người họ tên mờ mịt, chẳng biết mình thật ra họ gì, tên gì. Một phần lớn những tên tuổi đó đi vào lãng quên trong trí óc tôi nhưng những hình ảnh, bài học của họ vẫn còn.
Một người đã nằm xuống tôi còn nhớ rất rõ là Trần Trí D., một người bạn tuyệt vời. Nhiều lúc tôi muốn xếp D. vào một trong số người thân thích, nhưng chẳng biết đặt vào đâu. Không phải là một người em nhưng hơn cả một người em. Không đòi hỏi, không cầu cạnh một điều gì, D. đối với tôi, với gia đình tôi hồn nhiên như thân thiết tự bao giờ.
Một người bạn khác đã nằm xuống là Đặng K. "Bỏ trường mà đi" để làm một công việc khó khăn và nguy hiểm đằng sau lưng đối phương, nên những người như K. thường được ưu đãi trước lúc đi và lúc trở về. Nhưng người ta đã kể lại với tôi, K. từ chối tất cả mọi sự biệt đãi. Cái thú duy nhất của K. trong những lúc rảnh rỗi, sau công tác là đi săn bọn cao bồi, mất dạy làm khổ đồng bào. Là một quân nhân có lẽ K. đã thấm nhuần tư tưởng trọng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong các giờ sử:
"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chẳng qua trừ bạo."
Cùng với D., với K. còn có bao nhiêu người bạn trẻ của tôi đã nằm xuống nơi núi sâu đồi cao hay giữa lòng biển cả. Hồ dương M. và Trương công T., ... Biết bao tài hoa có ích cho đất nước đã mất đi một cách vô nghĩa.
Những người bạn trẻ của tôi, nhiều lúc tôi đã gặp lại trong những trường hợp rất bất ngờ. Năm ấy vào Sài Gòn chấm thi. Phương tiện di chuyển nhanh chóng và rẻ tiền nhất đối với người khách từ xa lại có lẽ là xe lam ba bánh. Một hôm lên một chuyến xe, thấy một anh lính mũ nâu nằm gác chân chắn ngang cửa. Hành khách phải len vào xe rất khó khăn, phải cẩn thận bước qua chân anh. Chớ đụng đến! Đụng đến thì nguy! Tôi cũng như mọi người, thận trọng. Nhưng bỗng thấy một chân rút lại, khi bước qua. Đến lúc xe bắt đầu chạy, anh ngồi dậy, cất cái mũ nâu che mặt, nhìn hành khách rồi nhìn tôi, vẻ ngơ ngác. Xe chạy một quãng khá lâu bỗng anh cất tiếng chào tôi. Tôi hơi ngạc nhiên vì đã quên anh ta, nên hỏi lửng lơ: "Anh có biết tôi?”. Anh ấy đáp: "Làm sao quên được thầy.”. Tôi lại hỏi: "Thế sao không nói từ trước?”. Anh ấy lại đáp: "Thưa thầy em sợ thầy.”. Tôi bỗng đùa: "Người sợ anh thì có chứ bộ anh thì sợ ai!”. Đùa như vậy nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ và nhớ không ra, là tôi đã làm gì để anh ấy sợ. Và dù ngày trước có sợ thì hôm nay mối sợ tất cũng đã hết và cũng có thể biến thành hận. Nhưng người bạn tôi vẫn trả lời: "Không, thưa thầy, em sợ thật.”. Rồi anh kể cho tôi nghe vì sao anh đã sợ. Nguyên ở trường, cứ sáng thứ Hai thì học sinh phải mặc đồng phục để làm lễ chào quốc kỳ. Đồng phục cho nam học sinh gồm có chiếc áo sơ mi trắng và quần tây trắng. Đó cũng là bộ quần áo đẹp nhất anh có được. Trong ngày Chủ Nhật anh đã diện bộ đồng phục để đi ăn cưới. Chẳng may đường ruộng trơn, anh bị ngã, áo quần lấm, giặt không kịp cho ngày thứ Hai. Không mặc đồng phục anh sợ bị phạt nhưng rồi lại không bị phạt và chỉ được gọi lên văn phòng để được khuyên nên theo đúng nội quy. Câu chuyện chỉ có thế, thật bình thường. Nhưng, anh thì nghĩ khác, tin rằng tôi đã tin vào lời anh, nên không phạt. Anh đâm ra nể sợ tôi. Tôi cảm động nghe anh kể chuyện và các hành khách trên chuyến xe lam đã có một cái nhìn khác hẳn đối với anh. Hỡi anh chiến sĩ mũ nâu, người bạn trẻ của tôi ngày xưa, không phải anh sợ, nhưng lòng anh đầy nhân đạo, anh đã đánh giá tôi qua lòng bao dung của anh. Tôi cảm ơn anh, một người bạn mà ngày nay tôi không còn nhớ tên, đã đánh thức trong lòng tôi niềm tin ở tuổi trẻ, tính quảng đại đối với con người.
Một thoáng bất ngờ cảm động khác. Mãi đến vào quảng năm 80, ngay ở cửa trường Đại học văn khoa còn một cái quán cóc cà phê. Một hôm vừa ra khỏi cổng trường, bỗng có tiếng gọi thật trẻ: "Thầy N, vào đây đã.”. Nhìn qua người gọi, thấy không quen lắm nhưng chẳng có vẻ gì là cán bộ, nên cũng ngồi lại. Câu chuyện ban đầu bâng quơ sau trở nên thân mật hơn vì anh cho biết ngày trước cũng học ở trường. Anh cho biết thêm anh là một bác sĩ quân y vừa đi học tập cải tạo ở Long Khánh về. Tôi bỗng giật mình, nhớ đến con: "Vậy anh có biết thằng D., thằng Ch. D. không?”. "Nó cũng là bác sĩ quân y, ở trong một đội với em. Nó chết ở trại, và em đã bồng nó trên tay.”. "Nó là con tôi đó.”. Im lặng, và sau im lặng tôi chợt hiểu tại sao trên nấm mồ con tôi ở miền đồi núi hoang vu, có những bó hoa rừng có khi còn tươi, có khi đã khô héo, tôi vẫn thường thấy mỗi khi từ Sài Gòn lên thăm. Xin cám ơn anh bác sĩ quân y còn may mắn và cũng xin cám ơn tất cả những bạn đồng đội của anh.
Có khi những cuộc gặp gỡ chỉ là gián tiếp. Năm 82 bốn đứa con tôi vượt biên đến được Singapore. Ở trại một thời gian, được lập hồ sơ đi Galang (Nam Dương). Phải lưu lại đây một thời gian rồi mới được đi đoàn tụ. Nhưng may mắn bất ngờ, mấy hôm sau không phải đi Galang lại được phép đi thẳng qua California sum họp với thân quyến. Đó là một mày mắn lớn đối với những người đang nóng lòng chờ đợi. Tôi hỏi mấy đứa con tôi nhờ đầu có sự mày mắn đó. Chúng đều không biết và chỉ trả lời: Hôm đi lập hồ sơ, bọn con ngạc nhiên thấy một cô nhân viên hỏi bọn con đều có phải là con của thầy N. không. Một hành động giúp đỡ không cần biết người được giúp đó biết mình là ai, là một cử chỉ thật cao đẹp.
Ngày nay vì hoàn cảnh chính trị đất nước, các bạn trẻ của tôi một số lớn ở lại trong nước còn thì rải rác trên năm châu bốn bề. Tôi được may mắn vẫn còn liên lạc với một số.
Ở trong nước, P n. N. tưởng suốt đời bị gậy đi ăn mày (chữ của một giáo sư gọi đùa N.) nhưng trước cũng như sau 75 nhất định không chịu để cho “con người và những giá trị thiêng liêng bị phỉ báng, (chữ của P N N), nên như Luân Hoán đã viết "ngục dẫu tối không ngăn lòng hảo hán.”. Trương duy H., từng lãnh giải thưởng văn học Việt Nam, dù vài ba lần chết hụt, cố giữ lại một di sản văn hóa, văn học của một danh nhân xứ Quảng Đà và của cả nước.” (Thư Trg d. H. 93). Hiện nay Trương duy H. đang cố gắng xuất bản một tác phẩm biên khảo công phu ròng rã trong 36 năm trời trước lúc người vợ thương yêu Th. Th. nhắm mắt. Th. Th. bị ung thư, cuộc sống đang được đếm từng ngày.
Ở đây, trên đất Cali, tôi đã gặp lại biết bao nhiêu người. Sau hơn 25 năm tôi đã gặp lại Nguyễn bá Tr. tài hoa, Bùi Ngọc T., nhổ răng và làm thơi, Nguyễn văn Ph. cần mẫn … Nguyễn bá Tr. vẫn thắc mắc về ngôi sao chiếu mệnh:
Ngước nhìn trời cao để thấy bóng ta,
Vẫn lêu bêu như ngọn cỏ bồng nhưng thường quay về nghỉ ngơi ở ngôi trường cũ, đoạn đời sung sướng cũ …, nơi có thầy làm hiệu trưởng và dạy em yêu mến Việt văn. Thư Ng.b.Tr.). Cám ơn Tr. đã đi vào ước vọng của tôi, và dành cho tôi một phần hãnh diện trong thành công chữ nghĩa của Tr.
Ở đây tôi đã gặp lại Mộng H., Liên Hg., những người bạo dạn, dám nói thẳng, nhưng đối với bạn bè thì sốt sắng. Cho đến hôm nay còn tương trợ được cho một số bạn bè ngặt nghèo bên nhà là nhờ sự cố gắng của Mộng H., và Liên Hg. cũng như của Trương văn Thg. nguyên là một "mục sư”, lòng thẳng như lòng ngựa. Nhắc đến Liên Hg., tôi xin lỗi vì có lần đã tịch thu mất bảng danh dự. Lý do: đùa nghịch trong lớp. - Con gái mà! Ngày xưa đâu có đùa nghịch được! - Tuy đã chậm, nhưng xin trao lại bằng danh dự vì dứt khoát để ra đi, vì tinh thần đoàn kết, tương trợ bằng hữu.
Tôi đã gặp lại Trần Thị H., Trịnh thị. D.L. ... với những câu hỏi bất ngờ: Sao ngày trước thầy biết rõ chúng em từng đứa một như vậy? Tôi đã gặp lại Trần Nhật N., suýt nữa thì không phải để "đưa em sang sông" mà đưa mình sang sông. Tình bằng hữu ngày xưa có lẽ là một trong những yếu tố giúp cho Nhật Ng. thêm can đảm để phấn đấu thoát cơn bịnh ngặt nghèo.
Điều đáng vui mừng nhất là thấy các bạn vẫn giữ được lòng nhiệt thành ngày xưa, vẫn ước mơ ngày nào đó trở lại làm một công việc nhỏ bé cho quê hương: "Em nguyện với thầy một ngày nào đó mình sẽ về quê hương tiếp tục con đường Phan Châu Trinh làm một cái gì thật nhỏ, thật yêu thương, thế là đủ." (Thư Tôn t. T.)
Tôi chưa gặp nhiều người khác dù ở Mỹ, nhưng đã nhận được thư hay điện thoại và cũng có năm vào dịp Tết lại bất ngờ nhận được một bó hoa, một hộp bánh từ Washington gửi xuống, từ Texas gửi sang. Tôi vui mừng với những bức thư, với những cú điện thoại, và có cảm tưởng như cây nêu ngày Tết phất phơ trước nhà với những món quà. Vui mừng vì thấy mình không bị lãng quên nhưng cũng vì tin tưởng rằng những ước mơ tốt đẹp của một lớp trẻ ngày nào vẫn chưa tàn phai!
Ở Canada, tôi không có dịp đi thăm được nhiều. Chỉ lưu lại một thời gian ở Montreal. Ở đây đã có một buổi họp mặt và tôi đã được gặp Bạch Ng., Thanh S., Hồ thị Thu H., Luân H., Phan thị thu L, ... Trong những người này, như Luân Hoán viết, nhiều người là:
những khuôn mặt một thời làm giông bão
thổi thêm dài thương nhớ lũ trai tơ ...
Hôm nay họ là những người vợ, những người mẹ có trách nhiệm, cũng như đã có địa vị xứng đáng trong xã hội. Tuy nhiên trong câu chuyện những ước mơ vẫn là Ngũ hành sơn, những bãi biển Thanh Bình, Tiên Sa, những mảnh áo để che ấm những tấm thân gầy ở chợ Cồn, dọc đường Trưng Nữ Vương, ở sân ga, ...
Nhắc đến những bạn trẻ ngày xưa có lẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến những người nguyên cũng ở dưới mái trường nhưng lại đứng về "phía bên kia". Những người đó không nhiều, nhưng cũng không phải ít. Trong những người bên kia được nhắc nhở tới nhiều là Phan chánh D., Nguyễn đăng Tr., Lê hiếu D., Hồ phước C., Nguyễn D., Nguyễn diệu L.H., Phan văn H... Có những người tôi đã biết có hoạt động từ trước 75, có những người mãi sau này tôi mới biết. Có những người rất thông minh như L.T., đã đỗ đầu trong kỳ thi vào đệ thất và rồi lúc nào cũng đầu lớp trong những năm còn học ở trường, Phan văn H., hiền lành đến độ nhút nhát, học rất chăm và là thủ khoa của một khóa Đại học sư phạm Huế; Phan chánh D., Nguyễn đăng Tr., làm thơ rất hay từ thưở ở trường.
Các bạn đã chọn lựa thế đứng vì nhiều lý do nhưng có lẽ có một lý do chung theo cái nhìn của các bạn, là ở miền Nam có nhiều bê bối, có sự hiện diện của quân đội nước ngoài và dân chúng đã đau khổ vì chiến tranh ... Đó là những sự thực.
Nhưng ngày nay thực tế đã đổi thay: tham nhũng, bê bối, cướp nhà của, dân chúng nheo nhóc còn gấp trăm gấp ngàn. Đứng ở ngoài nhìn về nguy cơ lệ thuộc ngoại bang rất trầm trọng. Các bạn nghĩ thế nào? Soát lại lương tâm, so sánh với lý tưởng lúc còn dưới mái trường cùng bè bạn. Tôi biết nhiều bạn còn giữ lại một phần tình bạn trong trắng ngày xưa. Nhưng một số cử chỉ tốt lòng tốt bụng đối với một số cá nhân chưa đủ. Cần phải có những hành động rộng rãi hơn, bao quát hơn. Dân chúng không thể nào sung sướng dưới một chính thể độc tài, không dân chủ.
Tôi đã làm việc ở nhiều trường học, trong nhiều năm và nhiều nơi. Tôi thường tìm kiếm thấy được những niềm vui trong sự tin cậy lẫn nhau. Nhưng chưa có bao giờ tôi có được một niềm vui toàn vẹn, kéo dài trong năm, sáu năm, thời gian tôi cảm thấy đã hiến dâng được một điều gì, được hiểu và tin tưởng. "Địa ngục là tha nhân" vì không hiểu nhau nhưng lúc đã có thông cảm và tin tưởng thì đó là hạnh phúc, hạnh phúc toàn vẹn, là "thiên đường" dù chỉ một thời.
Xin cám ơn những người bạn trẻ đã xây dựng nên thiên đường đó và đã cho tôi cùng chia sẻ. Cũng xin cám ơn những đồng nghiệp hôm nay còn ở lại Việt Nam hoặc ở hải ngoại đã giúp các bạn trẻ của tôi duy trì cái thiên đường ấy một thời ở dưới mái trường và mãi mãi trong lòng.
San Diego - Mùa Xuân