Những nốt thăng trầm
Mỗi tuần chỉ có một giờ học Âm Nhạc, vậy mà cứ đến cái giờ này là cả lớp nghe tiếng cô Kim Loan, với chất giọng Quảng Nam, không nhẹ nhàng chút nào trên loa phóng thanh của trường:
- Chiều nay giờ Âm Nhạc của thầy Hoàng Bích Sơn được nghỉ, yêu cầu các em ra phía sau văn phòng chơi.
Tính cho kỹ thì từ năm lớp sáu cho đến năm lớp chín, chúng tôi học không được bao nhiêu giờ nhạc với ông thầy duy nhất là thầy Hoàng Bích Sơn. Chỉ có mấy nốt … đồ, rề, mi, fa, sol, la, si, đô … mà sao thuở ấy hình như các trường trung học đều thiếu giáo sư dạy nhạc hay là đây chỉ là môn học “văn nghệ”, một thứ trang điểm không cần thiết giữa thời kỳ chiến tranh, khói lửa ngùn ngụt, đêm nào ngủ mà không thấy ánh hỏa châu rơi, không nghe tiếng đại bác từ xa vọng về là chuyện rất lạ.
Thầy Hoàng Bích Sơn là giáo sư dạy Âm Nhạc chính bên trường trung học Phan Châu Trinh, chỉ những giờ rảnh thầy mới dạy bên trường Nữ Trung Học của chúng tôi. Thầy là tác giả của bài hát “Phan Châu Trinh hành khúc” rất nổi tiếng, đã được chọn làm Hiệu đoàn ca của trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Mấy năm làm học trò của thầy, không biết các bạn còn có chút kiến thức gì về Âm nhạc hay không, riêng tôi chỉ nhớ có mấy cách đánh nhịp, cánh tay quơ qua quơ lại, đưa lên đưa xuống như là … một hai, ba tư …
Hôm nào may mắn có thầy dạy, vừa bước vào lớp là thầy đã quơ tay bắt nhịp. Thầy có kiểu dò bài rất độc đáo, học giỏi cở nào cũng ăn zero của thầy như chơi. Với vóc người nhỏ thó, dáng dấp nhanh nhẹn, miệng hơi móm, trông có vẻ hiền nhưng lúc đó tôi thấy thầy … không hiền chút nào. Tôi nhớ có lần cả lớp đang mong chờ giọng oanh vàng của cô Kim Loan thông báo được nghỉ giờ nhạc, ai ngờ thầy bỗng xuất hiện, thầy bước thật lẹ vào lớp, nhóm chúng tôi đang giởn rần rật. Thầy bước lên bục bắt nhịp cho bài quốc ca, cả lớp phải đứng lên vừa hát theo thầy vừa quơ tay theo nhịp. Bỗng nhiên … có tiếng cười rúc rích, rồi hai tiếng cười rúc rích … có đứa phải đưa tay lên bụm miệng. Thầy nổi nóng bốc đại vài mạng lên xử, những em ngồi bàn đầu ngay trước mặt thầy là không thoát khỏi, có đứa mặc áo dài vậy mà cũng bị thầy quất cho hai roi … bụp, bụp! Khiến vạt áo dài bay phần phật. Thầy làm cả lớp khiếp vía. Từ đó, đứa nào cũng mong cho thầy bận việc hoặc bị bịnh để được nghỉ giờ nhạc của thầy. Tôi là một nữ sinh hay góp mặt trong các chương trình văn nghệ Tất Niên của lớp hằng năm vậy mà cách dạy dỗ của thầy khiến tôi không ưa giờ Âm nhạc chút nào.
Sau tháng ba năm 1975, phong trào văn nghệ học đường sôi nổi hẳn lên, dù rằng trong trí nhớ của tôi hình như từ đó thời khóa biểu chẳng có giờ học nhạc. Chúng tôi học ca, học múa từ những “cán bộ văn nghệ” của lớp. Đầu mỗi buổi học thường có 15 phút tập hát. Vậy mà cũng thi đua cũng trình diễn, mấy nốt nhạc thăng trầm học từ thầy Hoàng Bích Sơn trở nên lỗi thời nên chẳng nằm lại trong bộ nhớ của chúng tôi.
Tôi rời trung học với mộng ước sẽ được trúng tuyển vào trường Đại Học Tổng Hợp Văn, thực hiện giấc mơ sau này trở thành một nhà báo. Nhưng thực tế cuộc đời không như trong trang vở. Chỉ mấy năm sau tôi mới nhận ra rằng đối với tôi đó muôn đời là một ước mơ không bao giờ có thể thực hiện. Tôi bước ra đời với chút tự ái của “con nhà có ăn có học”. Sau hơn mười năm lăn lộn ngoài đời, cục tự ái của tôi cũng bể tan, nát vụn. Nhờ có người quen giúp đỡ và xin xỏ mãi tôi mới kiếm được một chân rửa chén trong căn tin Bệnh Viện Đa Khoa Đà Nẵng.
Mấy tháng sau nhờ cơ may hay có lẽ cung “nô bộc” của tôi nở rộ mà tôi được giao phụ trách nấu nồi bún bò Huế trong khâu phục vụ ăn uống của căn tin. Dần dà nhờ “cần cù bù thông minh” nên tôi có được sự tín nhiệm của người chủ hợp đồng và sau đó tôi leo dần lên làm quản lý cả quày ăn uống. Nơi đây tôi làm quen được với một đôi vợ chồng trẻ rất dễ thương, là “chuyên gia” phụ trách nấu phở và hủ tiếu từ Chợ Mới vào làm hợp đồng ở Căn tin Bệnh Viện. Tôi chơi thân với họ được một thời gian thì mới biết đó là con trai và con dâu của thầy Hoàng Bích Sơn. Người chồng tên Viển, là con trai thứ của thầy. Viển có người anh trai là Hoàng Minh Trí, trước kia học 12A3, bên cạnh lớp tôi, nay nghe đâu anh chàng này đang chơi nhạc cho quán café Nhà Tôi ở quận 3 Đà Nẵng. Tôi thăm hỏi thì biết thầy không còn đi dạy nữa, cũng không có tiêu chuẩn hưu bổng gì, cuộc sống của thầy cũng không được no cơm ấm áo cho lắm. Thiệt ra đó là tình hình chung cho hầu hết các vị giáo sư, rời khỏi môi trường giáo dục, các thầy cô còn biết làm gì để mưu sinh khi tuổi đời đã cao!
Sau khi hết hợp đồng, vợ chồng con trai thầy trở về mở một xe bán phở ban đêm ở vỉa hè, gần chợ Mới. Thầy thường ra đó phụ giúp hằng đêm, tôi thật ái ngại mỗi khi nhìn thấy cảnh này. Những dịp Lễ Tết buôn bán khá giả, Viển có nhờ tôi phụ với vợ chồng Viển bán hàng. Tôi đã từng dặn Viển không nên để thầy biết tôi là học trò cũ của thầy năm xưa. Cái cảm giác nhìn người thầy một thời uy nghi của mình nay phải lụm cụm với đống chén bát ngổn ngang, tôi thật bức rức, khó chịu lắm. Nhưng biết nói gì đây khi thời thế chao đảo. Chúng tôi còn trẻ, phải lăn lộn bương chải vì miếng cơm manh áo, thầy già rồi, ăn uống có là bao nhưng thầy muốn đở đần cho con cháu và cũng để không cảm thấy mình là người bất lực, đứng bên lề cuộc sống.
Tôi rời Đà Nẵng ra đi khi công việc buôn bán đang có phần khá giả. Hai vợ chồng người con trai của thầy vẫn bám sống theo xe phở hằng đêm. Thầy sau này đã lớn tuổi nên không phụ giúp gì được, chỉ ở nhà trông cháu.
Năm 2007, tôi sang California tham dự buổi Họp Mặt Liên Trường, tôi xem thông tin thì biết kỳ này các anh chị lớp lớn có bảo trợ cho một số thầy cô xưa từ Việt Nam sang tham dự, vì đâycũng là dịp kỷ niệm 55 năm thành lập trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Thầy Hoàng Bích Sơn cũng sẽ có mặt trong kỳ Đại Hội này. Buổi picnic ở công viên Miles Square tôi gặp lại thầy sau gần ba mươi năm. Thầy vẫn gầy gò, nét mặt có phần tươi. Tôi tự giới thiệu:
- Thưa thầy, em là học trò cũ của thầy ở Nữ Trung Học Hồng Đức ĐN.
Thầy cười hiền hòa, giọng Huế chay:
- À, rựa à, răng, qua đây lâu chưa?
- Dạ em qua đây mới mười mấy năm
- Úi chà, khá hỉ?
Có vài anh chị học sinh cũ của thầy cũng xúm lại thăm hỏi, tôi tố thầy liền:
- Thầy ơi, hồi xưa thầy dạy nhạc mà răng thầy hay lấy roi quất học trò, y như thầy dạy vỏ rứa?
Thầy cười:
- Ừ … thì thương cho roi cho vọt chớ răng?
- Thầy làm tụi em sợ khiếp, bữa mô cũng trông cho thầy bận việc để nghỉ giờ nhạc.
- Ui chào, hèn chi mấy O không trở thành nhạc sĩ được, làm biếng quá hè!
Thầy nói chầm chậm, cũng giọng Huế sao bây giờ lại nghe hiền khô.
Đêm chính của Đại Hội, thầy Hoàng Bích Sơn được xướng danh vinh dự lên điều khiền cho bài hợp ca Phan Châu Trinh Hành Khúc. Thầy như trẻ ra, hai cánh tay nhịp nhàng điêu luyện “… Phan Châu Trinh người chiến sĩ quốc gia bất diệt, đã từng hy sinh tranh đấu cho nhân quyền …” lời ca hùng hồn, điệu nhạc réo rắt. Đến phần phát biểu thì thầy cảm động rưng rưng nước mắt, thầy nói trong nổi xúc động đến nghẹn lời “Thầy rất mừng trước cảm tình của các em học sinh nhiều thế hệ đã ưu ái dành cho thầy, thầy rất vui khi thấy các em thành công khi ra đời. Nay thầy tuổi đã cao, mắt mờ chân chậm, có được ngày gặp lại bạn bè xưa, học sinh cũ thật không có gì hạnh phúc cho bằng…” Thầy nói chưa dứt lời thì những tràng vỗ tay đã vang lên rộn rã.
Tôi nhìn hình ảnh thầy rạng rở trên sân khấu giữa giờ phút được thế hệ học trò cũ vinh danh, trong khi đó ban nhạc vẫn tiếp tục hòa tấu bài hát Hiệu Đoàn Ca Phan Châu Trinh, nốt bổng nốt trầm, tiết tấu khi nhanh khi chậm, tạo nên một khúc ca hùng tráng. Tôi liên tưởng đến cuộc đời thầy Hoàng Bích Sơn cũng đã có lắm thăng trầm như thế.
Nếu những nốt thấp cao trong một bản nhạc tạo nên được sự thành công đáng kể cho bài hát thì cuộc đời con người trải qua những lúc lên xuống gian nan cũng để lại những giá trị tuyệt vời. Học trò của thầy khi xưa đã từng bị thầy quở phạt, sau bao nhiêu năm cũng có lắm người đạt đến thành công đáng kể. Tôi biết có những anh học sinh cũ của thầy, xuất thân từ trường Phan Châu Trinh nay là những nhạc sĩ sáng tác khá nổi tiếng như anh Sonny Phan, anh Phù Chí Phát … các anh đã làm rạng danh ngôi trường cũ, xứng đáng là học trò của tác giả bài Hiệu Đoàn Ca Phan Châu Trinh của thầy Hoàng Bích Sơn.
Tôi nhớ lời thầy nói ban chiều “Thương cho roi cho vọt”. Thầy ơi, đã hơn một nửa đời người con mới biết, roi vọt của thầy thuở chúng con còn ngồi ở ghế nhà trường là để rèn cho chúng con nên người, chỉ có roi vọt của cuộc đời mới làm chúng con đau buốt, ngã nghiêng. Xin cám ơn những nốt thăng trầm của đời sống, trong bài ca và ước nguyện những ngày sau này của thầy chỉ sẽ toàn là những nốt thăng.
Nguyễn Diệu Anh Trinh
8/2010