Niềm Tự hào của Mẹ
Mẹ mang thai Con khi Chị Hai của Con mới vừa
17 tháng tuổi. Thời bao cấp, với đồng lương ít ỏi,
vừa nuôi con gái lại có mang tiếp tục, mẹ vừa mừng
vừa lo. Mừng vì có thêm một sinh linh bé bỏng,
thiên thần nhỏ, lo vì không biết xoay sở làm sao lo
cho Con đầy đủ khi Chị Hai con cũng còn quá nhỏ.
Thời ấy, chính sách sinh đẻ có kế hoạch chỉ cho
phép mỗi gia đình có 2 con và khoảng cách giữa
2 lần sinh là 5 năm. Mẹ vẫn vui mừng chờ đón Con
mặc dầu giữa Con và Chị Hai cách nhau 24 tháng.
Cuối năm, mọi khen thưởng, phúc lợi đều bị cắt vì
vi phạm chế độ sinh đẻ có kế hoạch. Không màng
đến những lợi ích đó chỉ nghĩ đến các con, niềm
tự hào là Mẹ vui trong lòng.
Lương thời bao cấp ít ỏi cộng thêm thu nhập làm mướn bấp bênh của Ba con, Mẹ cố gắng tằn tiện để lo cho 2 con. Mẹ đọc sách, báo cố gắng ăn uống theo chế độ để con được khoẻ mạnh thông minh và xinh đẹp. Thời ấy chưa có siêu âm nên không biết con sẽ là trai hay gái, nhưng nghĩ đến Con mang tuổi Ất Sửu, Mẹ lại lo ngại sợ con cực khổ. Khi chuyển dạ Mẹ thầm cầu mong con được chào đời vào ban đêm hoặc giữa trưa để đở phần vất vả. Vì người xưa bảo, trâu ban đêm và trâu giữa trưa được nghỉ ngơi không phải đi cày.
Thế là con chào đời ngày 06/1/1986 nhằm ngày 26/11/ năm Ất Sửu vào lúc 5 giờ sáng. Con trai bé bỏng của Mẹ, Con nặng 3,3 kg, gương mặt khôi ngô với chiếc mũi khá to, tiếng khóc con khoẻ khoắn vang dội khắp phòng sinh. Sau khi tắm xong, con được mặc áo, quấn tả đội chiếc mũ len và quấn quanh người bằng chiếc áo khoát của Mẹ. Ông bác sĩ bảo “Chà thằng này mới sinh ra mà được mặc áo vét rồi, lớn lến chắc sẽ làm quan lớn”. Câu nói ấy đã làm Mẹ quên hết đau đớn mĩm cười, Mẹ rất vui và hy vọng đó là sự thật.
Tuy Con có phần dễ hơn Chị Hai của con, nhưng vẫn khó nuôi so với các trẻ khác. Con bú nhiều nhưng chỉ thích sữa mẹ, không thích ăn dặm. Con khó ngủ vì Mẹ thiếu sữa, Con suy dinh dưỡng, chậm mọc răng, chậm biết đi vì Con không chịu ăn dặm.
Nhà mình thời ấy là một cái chòi lá, nền đất, không có nơi để con tập bò, tập đi. Mỗi buổi tối sau khi cơm nước xong, Ba Mẹ chở 2 chị em con ra công viên chơi và để tập con đi. Sau vài tháng vất vã, con cũng đã bước đi những bước chân mà không cần Ba, Mẹ nắm tay. Rồi đến khi phát hiện lưỡi con to, con chậm biết nói, Mẹ lại tập con nói, phát âm từng tiếng mỗi khi Mẹ Con cùng ở bên nhau. Con biết nói, nhưng lại bị cà lăm, Mẹ lại phân tích và tập con nói để không bị cà lăm. Thế là Con nhận biết được và chậm rãi nói những câu thông thường, nhưng cố gắng rất nhiều để không bị lặp lại lần thứ hai. “Con…bò…ăn…cỏ…” Mẹ vỗ tay hoan hô và động viên con mỗi lần con nói không vấp.
Con sợ đi nhà trẻ, mỗi lần đưa đi con khóc, đến giờ thăm cho bú con vẫn còn khóc khiến Mẹ đau lòng. Con đi mẫu giáo Mẹ tự tay may đồng phục để con mặc, ngắm nhìn con vui sướng trong bộ quần áo mới may làm cho lòng mẹ dạt dào niềm hạnh phúc. Rồi đến khi con vào lớp một, Mẹ chọn trường và đưa con đi khai giảng năm học đầu tiên.
Ôi niềm tự hào của Mẹ, con học lớp 1, rồi lớp 2 và những lớp tiếp theo cuối năm đều đạt học sinh giỏi. Con được công đoàn Bến Tre tặng thưởng với thành tích là học sinh học giỏi nhiều năm liền. Thế nhưng lên cấp hai, sức học của con bắt đầu sa sút dần, Mẹ phát hiện ra, bỏ cả làm thêm ban đêm để lo kiềm dạy con học.
Mẹ con mình cùng học cùng chơi, Mẹ dẫn con đi tập quần vợt vì cơ quan mẹ có 2 sân quần vợt. Tuy tốn kém một chút nhưng Mẹ nghĩ, như thế con không thể đi chơi lêu lỏng xa rời sự kiểm soát của Mẹ. Chiều nào Mẹ cũng chở Con đi chơi quần vợt, Con đánh banh tốt hơn Mẹ do có năng khiếu và tuổi trẻ vì thế Mẹ mong Con lớn lên có thể làm huấn luyện viên quần vợt. Chỉ còn 1 tháng nữa là con thi tốt nghiệp cấp 2 để bước sang cấp ba. Mẹ thức suốt đêm với con đến 12 giờ khuya để ôn luyện tiếng Anh cùng con.
Hôm Con đi thi, mỗi buổi thi về con đều báo cho Mẹ biết kết quả bài thi của Con làm. Con tự tin với tất cả các môn thi ngoại trừ môn Văn và tiếng Việt. Rồi kết quả thi cũng đến, con vừa đủ điểm để vào trường cấp ba Nguyễn Đình Chiểu, trường công lớn nhất của thị xã Bến Tre thời ấy. Cả gia đình ta cùng vui mừng với thành quả của Con với công dìu dắt của Mẹ, ôi niềm tự hào của Mẹ.
Khi Con vào cấp ba, Mẹ nghĩ bấy giờ con đã lớn, Mẹ chỉ hướng dẫn, nhắc nhở con chứ không giám sát con chặt chẽ như lúc nhỏ được. Lúc này con phát triển, con thay đổi tâm tính, ít nói ít cười, kín đáo, không còn chăm học. Mẹ lúc nào cũng động viên, nhắc nhở con, nhưng cuối năm cấp ba con thi rớt. Con đã làm Mẹ đau lòng lắm con biết không, nhưng Mẹ vẫn động viên con học lại, năm sau con cũng thi đậu tốt nghiệp.
Mẹ dẫn con đi Thủ Đức ôn thi trường Cao Đẳng Xây Dựng, nhưng lo con không đủ khả năng đậu, Mẹ động viên con tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Ngày địa phương làm lễ tòng quân, Mẹ cùng con tham gia dự lễ, động viên con đăng ký tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự.
Con trúng tuyển nghĩa vụ quân sự cùng với ngày con nhận được giấy báo đậu vào trường Xây Dựng. Lựa chọn đi học tiếp tục là ý nguyện của Con cùng với ước muốn của Mẹ. Lo đủ tiền đóng học phí, tiền ký túc xá để Con có chỗ ở ăn học, nhưng con không chăm chỉ học tập. Ba năm học Cao Đẳng, Con lưu ban một năm thành bốn năm học tâp. Tháng 8 Con ra trường, Mẹ mừng, Mẹ lo, Mẹ hỏi con có chắc chắn sẽ ra trường suông sẽ, không vướng môn nào. Lúc nào con cũng chắc chắn với Mẹ tháng 8 con sẽ ra trường, Mẹ đừng lo lắng.
Gần bốn năm Mẹ tiện tặn để có tiền đóng học phí và lo cho Con ăn học giờ đã tan thanh mây nước. Ngày 19/5 Con vụt biến, mất liên lạc với con 2 ngày, Mẹ linh tính có điều gì chẳng lành đến với con. Mấy ngày sau Mẹ biết tin Con, ôi niềm tự hào của Mẹ đã làm Mẹ thất vọng và đau khổ tột cùng. Bây giờ Mẹ đã biết con làm gì và Con cũng biết Con làm gì để Mẹ đau khổ. Gần 4 tháng trôi qua, Con có suy nghĩ những điều Con làm: hại thân Con và gây phiền luỵ cho Mẹ hay không? Giờ đây, Mẹ trông thư báo, trông một cuốc điện thoại để con được về trong vòng tay của Mẹ. Mẹ vẫn dang rộng vòng tay để đón Con về dẫu con không còn là niềm tự hào của Mẹ, nhưng Con vẫn là Con của Mẹ. Đến đây thì chỉ có Mẹ Con ta biết thôi Con nhỉ???????
Mùa Vu Lan năn nay, Mẹ không viết về người Mẹ kính yêu của Mẹ mà Mẹ viết cho Con. Ôi nước mắt nào cũng chảy xuôi cả !!!!
09/9/2009