Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Vào những năm đầu của thập niên 80, khi phong trào đãi vàng lên cao. Tại những làng xa xôi của Quảng Nam như Phước Sơn, Thượng Đức, Hiên Giằng … từng đoàn người từ phương bắc vào, sống chen chúc trong những lán trại, đó là những toán người đi đãi vàng, đi tìm trầm … Họ đa số là những thanh niên không có cơ hội kiếm được một công việc làm ổn định trong các cơ quan nhà nước, những nông dân từ miền đất “chó ăn đá gà ăn muối” đành phải rời quê cha đất tổ, tha hương đây đó chỉ vì đã đổ mồ hôi nước mắt xuống những luống cày sâu mà thu hoạch không đủ cung cấp cho cái dạ dày, đừng nói gì những nhu cầu thiết yếu khác. Bên cạnh đó cũng có người xuất thân là thành phần bất hảo, đã bị xã hội đào thải vì phạm các tội hình sự như cướp của giết người, bỏ xứ lang bạt khắp bốn phương.
Vùng rừng núi Quảng Nam hiển nhiên trở thành chốn dung thân của trai tứ chiến, gái giang hồ. Tuy vậy đoàn người đãi vàng, đi trầm cũng tạo nên được công ăn việc làm cho một số cư dân gần đó. Người có vốn thì mua các món hàng từ thành phố lên bán lại cho dân đãi vàng, đi trầm rồi lại mua vàng bột hay trầm, chuyển lậu về thành phố. Dần dần người ta cũng lập nên một tiểu xã hội, với đầy đủ giang hồ mã thượng cũng có, ân sâu nghĩa nặng cũng có, mà lừa bịp bất lương cũng chẳng thiếu gì.
Làng Trường An nhỏ bé của xã Đại Quang vốn không được Trời ưu đãi, chẳng trồng trọt được ngoài một mùa dưa cho mỗi năm, vì đất đai quá cằn cỗi. Lại thêm làm ăn theo lối hợp tác, “lấy công người nghèo chia cho người giàu” rất vô lý. Nông dân vùng đó hầu như không có thu hoạch gì khác. Mà dưa thì đâu có là thứ nông sản làm đầy bao tử, dưa chỉ là loại trái ăn chơi. Mùa nào tính theo vụ đó chẳng tích lủy được cho mùa sau. Thế nên cái đói ăn, thiếu mặc trở thành một vấn đề nan giải của mọi nhà, mọi người.
Từ khi có phong trào đi trầm, đãi vàng…lớp nông dân trẻ tuổi dần dà lơ là với cái cày, cái cuốc. Họ bắt đầu theo chân đoàn người đi trầm, đãi vàng. Ban đầu là một vài người sau đó hầu như cả thôn, cả làng đều hội nhập vào cơn gió lạ. Một luồng sinh khí mới từ đó khiến Trường An như được hồi sinh.
Khi cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo khắc khoải nữa thì con người mới có nhu cầu giải trí để giải khuây sau những chuyến đi vào núi sâu, nước độc. Xem phim hay văn nghệ thời đó vẫn là “xa xí phẩm” và phải lệ thuộc vào các cơ quan chính quyền. Ngắn gọn và mau lẹ nhất là cờ bạc. Người ta cờ bạc khắp nơi, mọi lúc, bất kể nam phụ lão ấu… Làng Trường An có tên “Làng cờ bạc“ kể từ dạo đó. Đã là cờ bạc thì tránh sao sự gian lận và nhiều tệ nạn khác như vay nóng, lường gạt, cướp của…
Anh Tiến xuất thân là lính Biệt Động của chế độ cũ. Sau một thời gian cải tạo, trở về với nghề nông truyền thống ở quê nhà. Nông nghiệp vốn không đủ cho anh cưu mang cha mẹ già và vợ con nheo nhóc. Do đó, cùng với những người thân trong làng, anh có một vài chuyến đi núi theo phong trào tìm trầm đầy mạo hiểm. Có chuyến trừ các chi phí cho việc ăn uống, thuốc men cũng còn dư chút đỉnh, và có chuyến đi dài ngày vất vả rồi trở về tay không. Tính ra cũng bấp bênh nhưng anh Tiến cũng cảm thấy thoải mái vì không phải đụng độ với những buổi họp hành, thi đua nhàm chán vô vị.
Thỉnh thoảng sau các chuyến đi núi trở về, anh Tiến ghé mắt vào các chiếu bạc nhỏ trong làng. Máu ăn chơi từ thuở thanh niên, thời lính tráng năm xưa chợt như được hâm nóng. Anh vẫn còn nhớ một vài “ngón nghề” mà các bạn đồng ngũ đã truyền cho thời trước. Một vài lần áp dụng các chiêu thức gian lận trong nghề cờ bạc, anh Tiến hốt được món tiền lớn dễ dàng quá chẳng cần tốn nhiều công sức, vốn liếng như nghề đi núi lại chẳng có gì nguy hiểm. Anh lao vào cờ bạc như thiêu thân lao vào ánh đèn, mặc cho sự ngăn cản của cha mẹ, vợ con. Nghề dạy nghề, anh càng lúc càng nổi tiếng “bách chiến bách thắng” trong giới cờ bạc. Có tiền, anh chi tiêu rất rộng rãi, vợ con cha mẹ anh cũng có được một khoảng đời no đủ. Hàng xóm láng giềng và cả các vị tai mắt trong làng cũng nhìn anh với ánh mắt khác, nể mặt hơn, thân thiện hơn. Thế mới biết ở đời “Vai mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá…chúng nghe rần rần”. Mà anh Tiến cũng chẳng có gì quấy quá cho đáng, chỉ là lanh tay lẹ mắt thôi mà.
Thoát khỏi cái cày cái cuốc, thoát khỏi những ngày mưa gió lụt lội. Những ngày đói khổ trong âu lo mà vẫn phải luôn luôn hát bài ca ngợi sự ưu việt của xã hội, ca ngợi quê hương ta đổi mới giàu đẹp. Anh Tiến sống trong hào quang đó không được bao lâu. Dần dần, cờ bạc trở thành một tệ nạn, một mối lo cho chính quyền thời bấy giờ. Vì đã là cờ bạc thì tránh sao khỏi lường gạt, vay lãi nóng, rồi đâm chém. Và kể cả các vụ gạt tình, làm đảo điên bao nhiêu gia đình, các vụ tham nhũng làm thâm hụt ngân quỹ nhà nước…ôi thôi kể sao cho hết, trăm sự cũng từ cờ bạc mà ra.
Phong trào chống nạn cờ bạc được phát động rộng rãi từ thành phố đến thôn quê. Tuy vậy, anh Tiến và đám dân cờ bạc vẫn ung dung vì Trường An là quê của anh. Anh yên tâm là đã “ăn đều chia đủ” cho các vị tai to mặt lớn, đa số đã là bạn hiền, là bà con của anh. Thế nhưng người ta nói “lưới trời khó lọt” hay vì sự ganh tị ăn chia không đồng đều, hay “ trâu buộc ghét trâu ăn” từ đám người an nhàn mang chức “đầy tớ của dân”. Rồi…có một ngày, anh Tiến và 6 người bạn khác đã bị chỉ điểm khi đang ”làm ăn”. Sau khi hoàn thành các thủ tục hành chánh rắc rối tại Công An xã, anh Tiến và “đồng bọn“ bị đưa ra xét xử ngay tại quê mình.
Từ buổi chiều hôm trước, có hai chiếc xe lam với loa phóng thanh đã chạy vòng vòng trong xã với lời rao đầy đao to búa lớn …Đại khái “Tối mai tại sân vận động thôn Trường An, Công An xã sẽ thay mặt nhân dân và chính quyền xử vụ án cờ bạc lớn trong xã với các tên tội phạm sau đây… kính mời toàn thể đồng bào khắp nơi về tham dự để cùng nhau đánh tan âm ưu làm lũng đoạn kinh tế nhân dân…v..v…Thế là tối hôm đó, ngay tại quê hương mình, anh Tiến và mấy người bạn bị đưa ra Tòa Án Nhân Dân xét xử. Trước mặt anh là 2 ngọn đèn pha sáng trưng đặt ở hai bên góc, chiếu ngay vào mặt anh và những người tòng phạm. Mấy cái loa đặt rải rác cứ ong óng phát thanh những thông tin về bài trừ tệ nạn. Đứng ở vị trí người phạm tội, trước khung cảnh rất ư là nghiêm trọng của một phiên tòa, anh Tiến rùng mình nhớ lại cảm giác những ngày còn ở Trại Cải Tạo. Sau khi người đại diện công quyền đọc những lời kết tội, rồi luận tội. Anh Tiến bỗng nhiên cảm thấy sao tội của mình quá nặng, nhưng lòng anh cũng có chút hy vọng vì mọi người có mặt hôm nay đều là bà con, anh em, hay ít ra cũng là hàng xóm, ngưới quen đã từng có ăn có chia với mình.
Đến phần tố cáo của nhân dân. Người đại diện bên Công An vừa dứt lời kêu gọi dân chúng có mặt ở đó lên tiếng tố cáo, buộc tội. Dưới đám người tham dự có một cánh tay hăng hái đưa lên. AnhTiến nhìn ra đó là thằng Vũ, một “người anh em” không xa lạ, đã từng có thời gian cải tạo chung ở trại An Điềm, cũng là ngưới đồng hội đồng thuyền, anh yên chí mình sẽ được bênh vực hay được xin tha bớt tội, anh ngầm hãnh diện là mình đã từng đối xử đẹp với anh em nên nay được “đền ân đáp nghĩa”.
Từ hàng ghế nhân dân, thằng Vũ được mời lên đứng phía trên, nhìn thẳng vào anh Tiến và mấy người tội phạm khác, thằng Vũ dõng dạc:
- Kính thưa chính quyền và toàn thể nhân dân, tên Tiến và đồng bọn là những người phản động của nguỵ quyền xưa kia, đã được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng nhưng không chịu làm ăn chân chính mà lao vào con đường cờ bạc, tiếp tay cho kẻ thù, làm lũng đoạn kinh tế, gây ra nhiều tội ác, xin chính quyền trừng trị thẳng tay. Thẳng tay trừng trị!
Thằng Vũ vừa dứt lời thì đám đông phía dưới cũng hô to theo:
- Trừng trị! Trừng trị! Trừng trị…
Anh Tiến không còn biết đất trời gì nữa, hai chữ “trừng trị” vẫn còn được hô to vang vang. Anh mơ hồ tưởng như mình đang hiện diện trong những cuộc đấu tố cải cách ruộng đất vào những năm 1956…Anh bực bội chưởi thề trong bụng!
Sau khi xử án trước nhân dân, anh Tiến và đồng bọn bị đưa vào cơ quan xã. Trưởng Công An xã là Bảy, người này cũng đã từng ăn nhậu với anh nhiều lần nói nhỏ với anh:
- Xử thì xử vậy thôi, cho tụi kia khỏi kiện thưa nữa. Ngày mai mấy anh vác cuốc lên đây, làm cỏ cho sân Ủy ban và sân cơ quan Công An xong thì về.
Dù không bị án gì nặng nề nhưng Anh Tiến chua chát ngẫm nghĩ đến những lời thằng Vũ tố cáo mình, nó với anh đâu có lạ lẩm gì, khi đói khổ, một điếu thuốc cũng bẻ làm đôi, vậy mà bây giờ nó goị anh là “tên này, tên nọ” lại còn “ thẳng tay trừng trị’ nữa. Đời sao éo le thế, anh không hiểu nổi.
Mấy ngày sau, tình cờ anh gặp Vũ, anh chưa kịp mở lời, mới nhìn trừng trừng vào mặt Vũ, nó đã khép nép:
- Tội em lắm, anh cũng biết hoàn cảnh em, em không có lòng hại anh đâu. Trước ngày xử anh, Công An đã lên nhà em bắt em phải ra mặt tố cáo anh trước nhân dân, em không chấp hành thì chắc gia đình vợ con em cũng tiêu luôn. Anh thương em, đừng nhìn em kiểu đó.
Anh Tiến sững sờ mấy giây, anh bỏ qua cho Vũ khi hiểu ra nó cũng chỉ là một con cờ trong tay những người có quyền lực. Tuy thế, nỗi ám ảnh một lần ra tòa và những lời hô: Thẳng tay trừng trị, trừng trị thẳng tay làm anh Tiến khó chịu vô cùng. Nghề cờ gian bạc lận rất dễ dàng làm ra tiền của nhưng đó là món tiền không tốn chút mồ hôi nước mắt. Có đó rồi tiêu tan đó, cuối cùng cũng chẳng giàu có được, y như ông bà ngày xưa thường dạy “Của phi nghĩa có giàu đâu, ở cho ngay thẳng giàu lâu mới bền”!
Một lần nhìn người thủ kho sau khi thua bạc vào tù, vợ con còn lại phải đi xin ăn lưu lạc khắp nơi. Rồi những người đi trầm, đãi vàng sau một chuyến đi trải qua bao gian nan, cực khổ; vào chiếu bạc gặp anh là nướng sạch, thân tàn ma dại. Anh chẳng thấy vui sướng gì trên sự đau khổ của người khác.
Ngày làm hồ sơ đi định cư ở USA, anh may mắn gặp mọi điều suông sẻ. Giã từ làng quê Trường An nghèo khổ, cái làng ”đánh bạc“ đã cưu mang vợ con, cha mẹ anh qua một khoảng thời gian cơ cực. Anh Tiến cùng gia đình vợ con đầy đủ lên máy bay để đến một quê hương mới. Từ trên cao của chiếc phi cơ đang từ từ rời mặt đất, quá khứ anh cũng như trôi dần vào khoảng không dĩ vãng. Anh Tiến tự hứa từ nay sẽ chí thú làm ăn chân chính, sẽ không bao giờ chạm tay đến một con bài nữa. Nếu không, Trời sẽ phạt anh sống một cuộc đời của người tàn phế. Thật lòng, anh Tiến muốn quên đi tất cả, quên đi những bất công khó nói nên lời. Quên đi những canh bạc thâu đêm suốt sáng, xin cho anh quên đi những đau thương của những người từng bại cuộc dưới tay anh.
Duy có tiếng hô ”Thẳng tay trừng trị” của thằng Vũ và đám đông hôm xử án, cảm giác trong phiên tòa đêm đó mãi là nỗi ám ảnh triền miên trong tâm tư anh.
(Viết theo lời kể của anh Tiến)