Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Ngày hôm qua, tôi đem lên FB tấm ảnh một cô bé tóc vàng đi trong rừng thu, hình ảnh dễ thương như lời bài thơ của Cung Trầm Tưởng ngày nào: "người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ, mong em chín đỏ trái sầu...". Màu tóc, màu lá có một gam màu đất, ấm áp như khói củi của những lúc trời thu se lạnh...
Nhưng từ màu tóc đó, đối thoại với bạn bè chạy qua đến chuyện tóc, tóc xanh, tóc tím, tóc xám...của đám trẻ bây giờ, trong đó có những cô con gái cưng của chúng tôi. Lũ trẻ bây giờ dùng tóc, kiểu tóc, màu tóc, để bày tỏ cá tính đặc biệt của chúng nó, sự phù hợp hay nổi loạn (rebel) trong môi trường sống, đó là chưa kể chuyện đi xăm người, hay đeo nữ trang ở mũi, ở lông mày, ở vành tai...như thời trang bây giờ.
Ngày xưa lúc còn ở thành phố nhỏ bên dòng sông tĩnh lặng, tóc con gái chỉ có một màu, màu đen gỗ mun, không có sự chọn lựa. Còn kiểu tóc thì lại là một chuyện khác. Trong nền văn hoá cổ kính đó, mọi người, nhất là phụ nữ, phải tuân theo những tiêu chuẩn, mực thước đặt ra trong xã hội, thiếu nữ khi đến tuổi dậy thì, phần lớn để tóc dài quá vai, có khi đến thắt lưng... óng mướt, mà người ta gọi là tóc thề, mặc dù chẳng có thề thốt chi với ai cả. Tóc dài như vậy khi đội nón vào mới đẹp, như một dòng suối chảy xuống từ chiếc nón bài thơ nhẹ nhàng... một hình ảnh làm nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu người, kể cả những cậu bé con tuổi vừa mới lớn.
Có lẽ tôi là một trong rất ít cô gái thời đó không có mái tóc thề. Từ nhỏ, tóc tôi đã ngổ ngáo, không theo "lệnh", nay xoăn ngả này, mai xoăn ngả kia, không giống ai cả. Me tôi kể lại, sau một cơn ho gà, lúc chưa được một tuổi, tóc tơ tôi rụng hết, đến khi mọc lại, tóc xoăn như những chiếc nhẫn mềm cột vào nhau, rất lạ, nhưng thật sự nhìn vào những tấm ảnh xưa thì khó mà biết được.
Thuở học tiểu học, me tôi cắt tóc cho mấy đứa con gái trong nhà, lẽ dĩ nhiên, tóc xoăn là một "thách thức" cho me tôi, một người tự học cắt tóc lấy. Tóc tôi ngày xưa còn bé rất ngắn, nhiều lúc ngắn đến lòi hai trái thuỳ châu (trái tai) nữa... cũng tại vì rất khó để cắt hai bên cho cân bằng. Vì tóc xoăn, cắt bên này xong thì thấy bên kia dài hơn, nên cứ tiếp tục sửa cho đến lúc ...không còn tóc để chữa nữa. Hồi đó, đi học, tôi mặc áo đầm, hay quần tây, đội mũ vào, nên trông không đến nỗi nào, nhiều khi tóc trước cắt ngắn quá, phải mang "bandeau" đè tóc xuống để che bớt vầng trán "cao". Mấy lọn tóc xoăn cũng bị cắt bớt đi nên người ta chỉ chú ý cái bandeau, nay màu này, mai màu kia, khen me tôi cho con gái "điệu" quá...
Năm vào trung học, mặc áo dài thì "mũ" không còn hợp nữa. Bấy giờ phải đổi qua nón, nhưng đội nón với tóc ngắn thì trông như ..."cây nấm" vậy, nên tôi hay ..."quên" nón hoài, ngày nào cũng bị la về chuyện đi đầu trần ngoài nắng (giờ nhìn lại da mặt ở tuổi lục tuần mà hối hận vì ham..."điệu", không nghe lời ba mẹ).
Tôi quyết định để tóc dài để "cải tiến" hình ảnh "cây nấm". Nhưng càng dài, tóc lại càng xoăn, mỗi sáng đi học, đứng chải đầu mà muốn ...khóc luôn. Cô em gái kế tôi, rất khéo tay và thương chị, mỗi ngày giúp cột tóc tôi thành đuôi ngựa, hay thắt hai bím... và tôi vẫn tiếp tục "quên" đội nón đến trường.
Rồi một hôm, tôi bất ngờ nhận được một món quà cho mái tóc của tôi. Quà là những sợi giây ruban màu hồng, màu đỏ... để cột tóc. Người gửi là một người dấu mặt, dấu tên mà đến sau này mới lên tiếng thú nhận (quá muộn màng). Tôi đã bước vào ngưỡng cửa đại học, và đã "chấp nhận" mái tóc có-một-không-hai của mình. Những ngày đi đến giảng đường, tóc tôi thả tự do trên vai, trên trán...
Từ lúc ra đời, khi công việc, bổn phận càng ngày càng nhiều, tóc tôi mỗi ngày một ngắn lại. Tóc ngắn cho phép tôi dùng thời gian quí hiếm làm những chuyện cần thiết khác, và cũng cho tôi có cảm tưởng mình đã được "giải phóng", thoát ra khỏi những "gò bó" tự mình tạo ra, dựa trên nền văn hoá hấp thụ từ bé. Bây giờ nhìn lại những tấm hình cũ mà thương con bé tóc xoăn ngày xưa vô cùng. Như mái tóc, đâu đó trong tâm hồn nó lúc nào cũng có một chút ...khác người. Như những sợi tóc xoăn, "dỗ" hoài không thẳng, cá tính của con bé lúc nào cũng tìm lối để "vượt rào", không theo những "luật lệ thông thường" mà xã hội nhỏ bé đã quyết định. Nó không thích ùa theo cái mà nó gọi là "tâm lý bầy đàn" (herd mentality). Nó chuộng sự suy nghĩ độc lập, không lệ thuộc vào đám đông, tính sắc độc đáo, đặc biệt của mỗi người...
Con bé tóc xoăn hay ngồi mơ đến một ngày thoát khỏi "sự bảo vệ", cũng như "sự tù túng" của thành phố nơi nó lớn lên. Nó mong một ngày nào đó được rong ruổi tự do ở một vùng đất thật xa, được tìm hiểu nhiều văn hoá hoàn toàn khác hẳn những gì nó đã biết.
Tôi đã trả "tự do" cho mái tóc xoăn của tôi dần dần qua ngày tháng, khi tôi lần hồi đạt được những gì tôi ước mong. Tôi đã nhận thức rằng những sợi tóc xoăn này là một phần đặc biệt của riêng tôi, tôi không từ bỏ được, vì vậy nên tôi thương nó rất nhiều.
Chin Bon
Chin Bon
Nói Chuyện TÓC
Thanh Thu
(Hình "mượn" ở Internet, có tính cách "minh họa" thôi).