Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Nỗi Niềm
Chin Bon
Chin Bon
Hơn ba mươi mấy năm xa xứ, tôi trôi nổi theo nhịp sống của xứ người, từ Âu Châu qua Mỹ Châu, dòng sống văn minh cuốn lốc tôi vào dòng đời thăm thẳm, có nụ cười và tiếng khóc trẻ thơ, có những giọt nước mắt và nỗi đau vô cùng khi tiễn đưa những đứa con vào huyệt lạnh, có bao nhiêu nỗi cay đắng nhọc nhằn cùng chia xẻ với người bạn đời, có những niềm vui chan hoà hạnh phúc lẫn khổ đau. Đã có bao nhiêu lần tôi tự hỏi và tự ngạc nhiên tại sao mình vẫn có thể đủ nghị lực và ý chí để đi tới trước, cho dầu nhiều lúc đã muốn buông tay bỏ cuộc, mặc cho dòng đời đưa đẩy tới đâu thì tới. Bao nhiêu năm tôi vẫn như loài hoa flock nhỏ nhoi yểu đuối nhưng vẫn luôn đứng vững với mưa to gió lớn, bền bỉ cùng tuế nguyệt. Người thương yêu cũ đã có lần ví tôi với loài hoa ấy, ngờ đâu cũng là định mệnh của cuộc đời tôi. Để từ đó trong suốt cuộc hành trình của cả một nửa đời người, tôi đã chẳng bao giờ dám quay đầu nhìn lại đoạn đường đã đi qua, chỉ sợ lòng mình chùng xuống một phút giây nào đó mình sẽ không đủ can đảm để đi tiếp. Bao nhiêu mục đích, bao nhiêu chỉ tiêu tôi đã tự đặt ra để có động lực đẩy mình đi tới, như con ngựa bịt mắt chỉ biết có một con đường tiến về phía trưởc mà không phải đắn đo suy nghĩ gì hết. Đâu đó trong bao nỗi xôn xao bận bịu của cuộc mưu sinh, niềm hạnh phúc thanh thản nhất vẫn là những giây phút thả hồn về thời hoa bướm cũ, những ngày là nữ sinh Nữ Trung Học Đà Nẵng. Sau này có nhiều lần chia xẻ với bạn bè tất cả mọi đứa chúng tôi đều đồng ý một điều là cho dầu sau này trong cuộc sống hàng ngày chúng tôi đều có thêm bạn mới nhưng chẳng bao giờ họ có được vị trí trong tâm hồn chúng tôi như những người bạn cũ thời Trung học. Thế hệ chúng tôi đúng là một thế hệ bị thử thách quá nhiều, trôi nổi ngụp lặn trong bao nhiêu biến động của thời cuộc mặc cho chúng tôi ngày mới lớn vẫn ôm ấp hoài bao nhiêu lý tưởng, bao nhiêu mơ ước của một người thiếu nữ bình thường dung dị. Vậy đó mà vẫn không có được....
Vậy đó mà mỗi ngày đứng trong cửa tiệm làm việc, tìm thấy niềm vui nho nhỏ mỗi khi mở miệng nói hello, nhoẻn một nụ cười với bao người không đồng chủng với mình, vẫn thấy lòng âm ỉ một nỗi đau nào đó, không diễn tả được nhưng vẫn ngấm ngầm lớn mãi với thời gian. Lần lần nó biến thành nỗi hiu quạnh không lời để rồi sống với nó như sống với người thương quen thuộc, để đêm đêm có dịp thả hồn về quá khứ tìm an ủi. Quá khứ đó đầy ắp những tiếng cười hồn nhiên thời thiếu nữ, những bạn bè thân sơ cận kề nhau bao nhiêu năm dài đăng đẳng của thời đi học. Tôi chắc chắn, lũ chúng tôi, bây giờ đầu đã hai thứ tóc, có đứa đã lên chức bà nội bà ngoại rồi, đã có lúc nào đó trong cuộc sống bôn ba chỉ mong có dịp ôm chầm được đứa bạn cũ, kể lễ cho nhau bao nỗi niềm vướng bận, bao hạnh phúc bao khổ đau, bao tâm sự ngỗn ngang; những lúc mà chỉ cần có một đứa bạn tri kỷ là mọi trắc trở buồn vui đều có câu giải đáp. Vậy đó mà vẫn không có được...
Như hôm nay tình cờ được HT cho biết tin T.T.T đã qua đời trong hoàn cảnh khá bi thảm. Tôi đã đứng lặng người, nước mắt chảy dài. Thời đi học, T. không phải là bạn thân của tôi, nhóm tụi tôi vốn dĩ chỉ có mấy đứa mà thôi. Vậy mà tôi vẫn nhớ rỏ hình ảnh của T. ngày xưa; T. giản dị hiền lành, tròn trịa, có nút hột ruồi ở cửa miệng, đứa bạn mà nhìn theo tướng số, chắc chắn là sẽ có được một đời sống sung sướng, không âu lo và thật nhiều hạnh phúc (T. khác với N.T.M, rất mảnh mai, yếu đuối, đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt buồn, và cũng đúng như những gì chúng tôi đã nghĩ, N.T.M đã tự tìm đến cái chết trong một lúc quá tuyệt vọng, như lời kể lại của một số bạn bè). Với T. thực tế đời sống đã đi ngược lại những luận cứ của khoa tướng số, đã cướp đi cuộc sống an lành hạnh phúc của T., đã khiến T. chấp nhận hy sinh, cam chịu căn bệnh hiểm nghèo, dành tiền chạy chữa thuốc men cho chồng cũng đang mang bệnh nặng, và cuối cùng T. đã chết để cho chồng được sống. Bao nhiêu đứa bạn bè trong lớp học chúng tôi đã chịu chung số phận như T.? Lũ chúng tôi, ngày còn ngồi chung ghế nhà trường có bao giờ nghĩ đến lúc mình sẽ phải chọn lựa như vậy, cái chọn lựa buồn bả và nghiệt ngã giữa bản năng sinh tồn và ước muốn hy sinh cho người khác được sống, cái chọn lựa trong âm thầm cô đơn và chắc hẳn là gây nhiều nhức nhối. Tôi nhớ đã nói với HT, tại sao T. không lên tiếng kêu cứu, bao nhiêu đứa bạn chẳng lẽ không giúp được T. sao? Hỏi và cũng để tự trả lời. Rằng chúng tôi lớn lên trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, chưa bước chân ra khỏi ngưỡng cửa nhà trường đã tập tểnh gánh vác việc nhà, có khi là một đàn em dại Mẹ mất sớm, có khi là nạn nhân bất đắc dĩ của thời cuộc, không kinh nghiệm chỉ đường, chỉ có tấm lòng chân thật, trái tim vị tha, và một ý muốn duy nhất là phải đạt tới mục đích cuối cùng cho dầu phải chấp nhận làm "kẻ tuẩn đạo". Bao nhiêu đứa chúng tôi, trong nước và ngoài nước đang chọn lựa cách sống và suy nghĩ như thế: chọn lựa không đắn đo, không tính toán để mưu tìm hạnh phúc cho người thân, âm thầm không than van và không cần được cảm thông. Chỉ có thời đại chúng tôi mới sản sinh được cách nhìn và cách sống như thế, cái thời đại của cuộc chiến dai dẳng đầy bất trắc đã khiến chúng tôi chỉ dám ôm ấp một tương lai thật gần và tìm đủ mọi cách để thực hiện được tương lai ấy cho dù phải coi nhẹ bản thân mình. Giáo dục học đường ngày đó đã trang bị cho chúng tôi một hành trang thật nhẹ mà cũng thật đầy, "hạnh phúc của mình là niềm vui của kẻ khác", và chúng tôi những thiếu nữ hồn hậu ngày xưa đã không ngần ngại thắp sáng chân lý đó:sự ra đi của T. là một bằng chứng cho thấy cái đạo đức chuẩn mực cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng tôi đã không thoát khỏi chân lý đó. Không biết sẽ có bao nhiêu người của những thế hệ kế tiếp hiểu được, tán đồng và thực hiện cái đạo đức luân lý đó?
Phải chi không gian không xa cách, phải chi còn giữ được liên lạc với bạn bè cũ, biết đâu một con én cũng có thể làm được mùa Xuân. Phải chi T. bày tỏ nỗi niềm riêng, biết đâu đám bạn bè chúng tôi đã không mất T.
Gửi đến T. bài này như một lời vĩnh biệt muộn màng. Hãy an nghĩ đời đời T. nhé!
Texas, tháng 4, 2010
Thương Thương