Nỗi Oan Công Chúa Ngọc Hân
Nghiêm Đức Thảo
Lê Thị Ngọc Hân, tức công chúa Ngọc Hân, là con gái thứ 21 của vua Lê Hiển Tông (1740-1786) với bà Chiêu Nghi (cũng gọi là Phù Nimh Từ Cung) Nguyễn
Thị Huyền, chánh quán làng Phù Ninh (tục gọi là Nành), huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Lê Hiển Tông ở ngôi vua 47 năm, chỉ lấy một niên hiệu là Cảnh Hưng.
Triều đại Lê Hiển Tông để lại trong lịch sử một dấu ấn thịnh trị, do sự tôn phò nhiệt tình của các chúa Trịnh, từ Trịnh Doanh (1740-1767) đến Trịnh Sâm
(1767-1782). Nhà vua sống nhàn hạ, phó thác việc an dân, triều chính cho các Chúa Trịnh định liệu. Ngay cả lúc Thịnh vương Trịnh Sâm lộ liễu lấn át quyền
bính, vua Lê Hiển Tông vẫn một mực bình thản. Nhà vua thường nói: ”Trẫm rủ áo chắp tay nhờ nghiệp đã có sẵn, cần gì đọc sách, chỉ múa hát, ăn chơi để
tiêu khiển mà thôi”. Chắc chắn ngoài bà Chiêu Nghi, nhà vua còn nhiều thứ phi khác nữa, nên công chúa Ngọc Bình được coi là một người em cùng cha khác
mẹ với công chúa Ngọc Hân.
Điều đáng nói là cả hai công chúa Ngọc Hân và Ngọc Bình của vua Lê Hiển Tông đã để lại trong lịch sử một nghi án: Công chúa nào là vợ của Bắc Bình
vương Nguyễn Huệ, công chúa nào là vợ của Gia Long Nguyễn Ánh, sinh ra hai hoàng tử Quảng Oai quận công và Thường Tín Quận Vương? Sở dĩ có nghi
án này là ở đất thần kinh Huế, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long, thì có một câu ca dao được truyền tụng trong dân gian với
nội dung có liên quan đến hai công chúa của vua Lê Hiển Tông:
Số đâu có số lạ đời,
Con vua mà lại hai đời chồng vua.
Trong khi đó, theo nhiều tài liệu lịch sử, Ngọc Hân công chúa (1770-1799) trở thành vợ của vua Quang Trung Nguyễn Huệ năm 1786, lúc mới 16 tuổi, và năm
sau 1787, được phong làm Bắc cung Hoàng hậu.
Không rõ vua Quang Trung Nguyễn Huệ có bao nhiêu bà vợ, nhưng chính sử thường nhắc đến Bắc cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân, con gái vua Lê Hiển
Tông và Chính cung hoàng hậu họ Phạm, người ở phủ Qui Nhơn, là chị cùng mẹ khác cha với hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhất và Thái sư Bùi Đức Tuyên.
Khi Nguyễn Huệ đăng quang năm kỷ dậu (1789) thì bà trở thành chính cung hoàng hậu của triều đình nhà Nguyễn Tây Sơn. Bà này sinh được 3 trai, hai gái.
Nguyễn Quang Toản là con trưởng làm thái tử, con thứ là Nguyễn Quang Thuỳ được phong làm Khanh công Lĩnh Bắc Thành, tiết chế thuỷ bộ chư quân, con
thứ ba là Nguyễn Quang Bàn, phong làm Tuyên công Lĩnh Thanh Hoa Đốc Trấn Tổng Lý Dân Sự. Tháng 5 năm tân hợi (1801), kinh đô Phú Xuân thất thủ
vào tay Nguyễn Ánh. Ngày 16 tháng 6 năm nhâm tuất (1802), Nguyễn Ánh tiến quân ra đánh Thăng Long. Quang Toản cùng hai người em là Quang Thuỳ và
Quang Bàn bỏ thành chạy về hướng bắc, bị thổ hào xứ Kinh Bắc bắt được, đóng cũi mang về Thăng Long giao nộp cho Nguyễn Ánh. Ngoài ra quân đội của
Nguyễn Ánh còn bắt được những người em khác của Quang Toản là Quang Cương, Quang Tự, Quang Điện, Quang Thất, Quang Duy… tất cả đã bị hành hình
trong lễ hiến phù do Gia Long tổ chức tại Tôn miếu ở Phú Xuân để ăn mừng chiến thắng.
Tương truyền Ngọc Hân là một giai nhân tuyệt sắc, lại giỏi thơ văn, có tài xướng hoạ, nổi tiếng nhất trong số năm, sáu công chúa khác của vua Lê Hiển Tông.
Vào năm bính ngọ (1786) nhà vua đã ở tuổi thất thập, thì triều đinh gặp biến cố phò Lê diệt Trịnh do Long Nhưỡng tướng công Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc,
đánh chiếm kinh thành Thăng Long. Với khí thế dũng mạnh như chẻ tre, quân họ Trịnh chạy tan tác. Khi Nguyễn Huệ đã lấy kinh thành Thăng Long, nếu muốn
đuổi vua Lê, chiếm luôn ngai vàng, chuyện dễ như trở bàn tay. Nhưng viên tướng trẻ Tây Sơn giữ đúng tuyên lệnh “phò Lê diệt Trịnh” lúc mới xuất quân.
Trong tình thế đó, vua Lê Hiển Tông phải nghĩ đến một chức tước cao nhất trong triều đình là “Nguyên Soái Phù Chính Dực Vận Uy Quốc Công” để ban
cho Nguyễn Huệ. Sau khi nhận sắc phong, Nguyễn Huệ nói riêng với Nguyễn Hữu Chỉnh: “Ta cầm vài vạn quân, đánh một trận mà bình định được Bắc
Hà, một tấc đất, một người dân đều là của Ta. Nếu muốn xưng đế hay xưng vương, việc gì mà ta không làm được? Còn như sắc mệnh Nguyên
Soái Quốc Công, đối với Ta thì có hơn kém gi? Bầy tôi Bắc Hà lại muốn dùng danh vị hảo để lung lạc Ta hay sao? Đừng tưởng ta là người mọi rợ
được chức tước ấy mà lấy làm vinh dự đâu”. Đón được ý, để làm vừa lòng viên tướng trẻ 34 tuổi thì ngọc ngà, châu báu, chức tước đâu bằng một giai
nhân. Nguyễn Hữu Chỉnh, nhân vật mưu sĩ của Bắc Hà lúc bấy giờ đã mau mắn thác lời vua Lê, hứa gả một công chúa cho Nguyễn Huệ
Với giọng hăng hái và đầy tự tin, Nguyễn Huệ đã nói với Nguyễn Hữu Chỉnh: “Xưa nay, những khách chinh phu xa nhà, tình khuê phòng rất cần thiết.
Hoàng thượng mà cũng nghĩ đến tình cảnh này sao. Thì em vua nước Tây, làm rể vua nước Nam, môn đăng hộ đối như thế, tưởng không mấy
người có được”1. Biết Nguyễn Huệ đã lọt vào mỹ nhân kế của mình, Nguyễn Hữu Chỉnh liền tâu với vua Lê Hiển Tông nên chọn một công chúa cho xứng với
viên dũng tướng nhà Tây Sơn. Nghe Nguyễn Hữu Chỉnh trình bày xong, nhà vua cho là đắc sách, nhưng cẩn thận nói: “Con gái chưa kén phò mã của Trẩm
còn nhiều, nhưng chỉ mình Ngọc Hân là có nhan sắc. Tuy vậy, thói thường yêu con vẫn có thiên lệch, chẳng hay theo mắt người ngoài thì sao?
Ngươi hãy nán ở lại, trẩm cho đòi cả ra đây để ngươi tuỳ ý chọn, công chúa nào xứng đáng thì mau giúp cho việc ấy thành đi”. Sau khi đã tận mắt
chiêm ngưỡng nhan sắc các công chúa, Nguyễn Hữu Chỉnh thuận ý với vua Lê, chọn Ngọc Hân để gả cho Nguyễn Huệ với niềm tin, Nguyễn Huệ khó cầm
lòng được một khi đối mặt với đệ nhất mỹ nhân Ngọc Hân công chúa đất Thăng Long.
Theo sách Đại Nam Thực Lục lễ thành hôn giữa Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân được tổ chức trong tháng 6 năm bính ngọ, 1786 nhằm năm Cảnh
Hưng thứ 47 đời vua Lê Hiển Tông. Ngày 17 tháng 7 cùng năm, vua mất ở điện Vạn Thọ, ở ngôi 47 năm, hưởng thọ 70 tuổi. Mậu thân, 1788, Nguyễn Huệ lên
ngôi vua, lấy niên hiệu là Quang Trung. Ngọc Hân công chúa chính thức trở thành Bắc Cung hoàng hậu triều nhà Nguyễn Tây Sơn.
Theo chồng vào Phú Xuân, Ngọc Hân ở với Quang Trung có hai con, một trai là Nguyễn Văn Đức, một gái là Nguyễn Thị Ngọc. Vua Quang Trung yêu quí
Ngọc Hân không chỉ vì sắc đẹp, nết đoan trang, mà còn trọng nàng về tài văn chương xướng hoạ cùng cả kiến thức mẫn tiệp của một bặc mẫu nghi trong triều
đình. Nhưng hương lửa chưa tròn 7 năm, Quang Trung đột ngột lâm trọng bệnh, qua đời năm 1792, để lại cho Ngọc Hân một nỗi tiếc thương khôn nguôi. Rồi
thế cuộc dồn dập xảy ra. Nguyễn Ánh từ Gia Định tiến quân ra diệt nhà Nguyễn Tây Sơn. Phú Xuân thất thủ nhằm ngày 3 tháng 5 năm tân dậu 1801. Nguyễn
Ánh lên ngôi vua tháng 5 năm nhâm tuất 1802, lấy niên hiệu là Gia Long, ý nói đã thống nhất từ Gia Định miền Nam, đến Thăng Long miền Bắc về một mối,
dưới triều đại họ Nguyễn đất Gia Miêu.
Trong cơn binh lửa dồn dập như ác mộng, nếu sống sót đến năm 1802, Ngọc Hân hay Bắc cung hoàng hậu triều Tây Sơn mới 32 tuổi, và hẳn là một giai
nhân tuyệt sắc giữa chốn cung đình phong kiến Việt Nam. Trước cảnh mất còn chưa tàn cơn nước sôi, lửa bỏng. Bổng trong dân gian xuất hiện một câu hát ví
von:
Số đâu có số lạ đời,
Con vua mà lại hai đời chồng vua !
Câu hát nhằm vào ai đây? Khi văn chương truyền khẩu chưa có câu trả lời, thì Tạp Chí Đô Thành Hiếu Cổ tức Bulletin Des Amis du Vieux Hué, số 3 năm
1921 đã có một bài báo đề cập đến vấn đề này (bằng Pháp văn). Ông Phạm Khắc Hòe trong cuốn sách Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn đã dịch bài báo
nói trên với nhan đề “Ông Tơ bà Nguyệt đa đoan hay là duyên số kỳ lạ của Công chúa Ngọc Hân”. Nội dung như sau:
“Một đêm dưới ánh sang ngọn đèn lờ mờ của mình, Ngọc Hân thấy một người đàn ông tráng kiện và uy nghi tiến về phía mình rồi cúi chào. Ngọc
Hân run lên và đánh liều hỏi:
- Này võ tướng NGUYỄN QUÂN, ngươi muối gì ta?
- Không can chi đâu! Bà đừng sợ! Võ tướng Nguyễn quân cũng là người, có lẽ còn nhân từ hơn một võ tướng Tây Sơn. Thấy Ngọc Hân vẫn im
lặng, người ấy nói thêm:
- Thưa Hoàng Hậu, dù việc xảy ra như thế nào, thì cung điện này vẫn là của Bà.
- Nhưng thưa tướng quân, đối với tôi, cung đìện này chỉ là một nhà tù! Ngọc Hân đáp rồi oà lên khóc. Trong cơn đau khổ của mình, Ngọc Hân
càng làm cho vị võ tướng thêm yêu quí nhan sắc tuyệt vời của Bà. Và để tỏ lòng tôn kính nỗi đau khổ của Ngọc Hân, vị võ tướng nói mấy lời an ủi
rồi lui ra. Sau một đêm thao thức không ngủ, Ngọc Hân ngồi dậy, uể oải cả người giữa những tiếng chim kêu vui bên ngoài, lẫn tiếng gào thét của
quân lính đang tràn ngập kinh thành Phuí Xuân. Nàng buồn phiền, không muốn trang điểm gì cả. Bổng nàng thấy một người mang huy hiệu đế
vương đang đi tới phía mình. Nàng chợt nhận ra người ấy chính là khách lạ đêm qua. Đích thân Nguyễn Ánh đang đứng trước mặt mình. Ngọc
Hân đứng lên, xin lỗi về sự lầm lẫn đêm qua. Nguyễn Ánh mĩm cười và nói:
- Hôm nay Bà dậy sớm quá!
-Thưa Hoàng Đế, suốt cả đêm qua tôi không ngủ!
- Bà là một Hoàng Hậu anh minh. Bà nên biết rằng mặc dù có những cuộc đổi thay, nhưng nước Nam vẫn nguyên như cũ. Bà hãy khuây khoả,
dẹp mọi ưu phiền. Cung điện, lâu đài này vẫn luôn là của Bà.
- Tâu, chúng tôi xin cảm tạ lời vàng ngọc của Ngài, nhưng…
Ngọc Hân nghẹn ngào giữa những tiếng nấc và nước mắt, đành bỏ dở câu, không nói hết lời!
Một hôm trong buổi thiết triều, đại thần Lê Văn Duyệt đã tâu với Nguyễn Ánh:
- Chúng ta đã chiến thắng, nhưng kẻ thù chưa chịu nhận là thua. Chúng tôi không thể nào để bệ hạ bị một người đàn bà mê hoặc đến mức
phải bỏ dở một sự nghiệp to lớn đã tốn công sức hàng mấy chục năm nay. Xin bệ hạ tha lỗi cho chúng tôi, dù người ấy nhan sắc tuyệt vời,
nhưng đã là vợ của kẻ thù nghịch. Gái đẹp không thiếu gì, bệ hạ không nên làm hoen ố vì một mỹ nhân. Xin bệ hạ suy nghĩ lại.
Nguyễn Ánh mĩm cười. điềm tĩnh đáp:
- Khanh nói đúng, đàn bà đẹp có nhiều thật, nhưng không có người nào vừa ý Trẩm thì sao? Ngọc Hân là vợ kẻ phản nghịch. Đó là một kết
án tàn nhẫn. Ngọc Hân là một người đàn bà đáng yêu, đáng kính mà Trẩm tin chắc không ai có thể tìm được một người đàn bà thứ hai như
thế. Sau khi gặp Ngọc Hân, Trẩm không muốn yêu một người phụ nữ nào khác nữa! Trong 24 năm chiến đấu vào sinh ra tử, Trẩm không
xao lảng trách nhiệm. Khanh hãy tin chắc rằng, ngày nay không vì một người đàn bà nào làm Trẩm từ bỏ sứ mệnh của mình. Nhưng ái tình
là ái tình, nó không liên quan gì đến mục đích cao cả mà Trẩm đã theo đuổi, nó cũng không cản trở được ý chí sắt đá mà Trẩm quyêt bảo vệ.
Hậu thế sẽ không chê trách một một ông vua biết yêu và chắc khanh với triều thần cũng vậy”.
Trước ý chí cương quyết của Nguyễn Ánh, triều đình đành bó tay, mặc cho Nguyễn Ánh cùng Ngọc Hân vui vầy duyên mới, quên hẳn chuyện binh
đao vừa mới xảy ra.
Lúc sinh thời vua Lê Hiển Tông có đặt mua tại Trung Hoa một nếp nhà bằng loại gỗ quí, để xây thành một biệt điện dành cho Quang Trung-Ngọc
Hân. Khi gửi sang thì vua Hiẻn Tông đã không còn. Tình thế đã đổi khác. Người thầu bèn gửi thẳng vào Phú Xuân. Gia Long muốn làm vui lòng
Ngọc Hân, cho xây ngôi biệt điện bằng gỗ quí ấy, lấy tên là điện Cần Chánh, mang dấu tích mối tình vương giả giữa chốn kinh thành.
Ngày nay, những khách qua đường hiếm hoi dừng lại trước đền thờ Quảng Oai Quận Công và Thường Tín Quận Vương. Với thời gian và tình
người thay đổi, đền thờ xưa, nay đã thành hai cái chòi trơ trụi, làm nơi nương bóng vong linh hai người con của Nguyễn Ánh và Ngọc Hân”.3
Tin hay không tin câu chuyện huyền sử này thì nó đã có thời gian tồn tại hơn hai thế kỷ (1802-2013), và cũng đã hơn 90 năm (1921-2013) từ bài báo của Tạp
Chí Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis du Vieux Hué) ra mắt độc giả, nói về mối tình hy hữu giữa Nguyễn Ánh Gia Long và Hoàng Hậu Ngọc Hân.
Nhưng có một điều, hoàn cảnh khắc nghiệt của Ngọc Hân đã nói lên số phận và thực trạng của nàng qua hai tác phẩm Văn Tế vua Quang Trung và Ai Tư
Vãn do Ngọc Hân sáng tác. Bỏ qua bài Văn tế, vì trường hợp cấp thời, khi Quang Trung mất ngày 29 tháng 5 năm nhâm tý nhằm ngày 16-9-1792. Riêng bài
Ai Tư Vãn là tiếng kêu khóc thương tiếc của Ngọc Hân đối vói Quang Trung, là chuổi ngày đau buồn nhất mà Ngọc Hân phải sống trong cô đơn, đau khổ,
nghiền ngẫm sự đời, ít ra là 7 năm trời (1792-1799) thăm thẳm. Trong Ai Tư Vãn, khách quan có thể thấy thái độ của Ngọc Hân đối với thế sự, một thế sự bấp
bênh khi quyền lực giày xéo nhau, bên chiếc ngai vàng có thật, nhưng cũng mau chóng tiêu tan trong cảnh mạnh được yếu thua như lẽ thường tình đã từng xảy
ra trong lịch sử. Ai Tư Vãn, viết theo thể song thất lục bát, dài 164 câu, là tác phẩm của Lê Thị Ngọc Hân (1770-1799). Không ai biết đích xác Ai Tư Vãn
xuất hiện năm nào, nhưng từ 1792 đến năm 1799 là khoảng thời gian Ngọc Hân Hoàng Hậu sống trong cảnh goá bụa, cô đơn bên cạnh hai người con nhỏ của
nàng. (Trích Ai Tư Vãn, câu 61 đến câu 80):
61.Nẻo u minh khéo chia đôi ngã
Nghĩ đòi phen nồng nả đòi phen,
Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
Uớc xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.
65. Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,
Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao,
Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước ấy bao công trình.
Nghe rành rành trước vua Nghiêu Thuấn,
70. Công đức dày, ngự vận càng lâu,
Mà nay lượng cả ơn sâu,
Móc mưa trước khắp chin châu đượm nhuần.
Công dường ấy, mà nhân dường ấy.
Cõi thọ sao hẹp bấy hoá công?
75. Rộng cho chuộc được tuổi rồng
Đổi thân ắt hẳn bỏ lòng tôi ngươi.
Buồn thay nhẽ sương rơi gió lọt,
Cảnh đìu hiu thảnh thót châu sa,
Tưởng lời di chúc thiết tha,
80. Khóc nào lên tiếng, thức mà cũng mê.
Càng về sau này, một vài tài liệu nói cách khác chuyện mẹ con Ngọc Hân. Tác giả Tập Thi Văn Bình Chú4 thuật rằng khi Tây Sơn mất vào tay Nguyễn
Ánh, Ngọc Hân phải đổi họ tên, sống lẫn vào một làng ở Quảng Nam. Chẳng bao lâu tông tích bị phát giác, Ngọc Hân đã uống thuốc độc quyên sinh, hai con
cùng chết theo mẹ. Nghe tin đau đớn này, thân mẫu là bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền đã thuê người vào tận Quảng Nam, lấy trộm xác con gái và hai cháu
ngoại, đem về chôn cất tại làng Phù Ninh (tục gọi là làng Nành) cùng xây một gian miếu nhỏ làm chỗ hương khói cho ba mẹ con Ngọc Hân. Nhưng chuyện bi
thảm đã không dừng lại ở làng Nành. Khoảng 50 năm sau, cái gian miếu nhỏ nhoi thuở nào đã đổ nát. Thấy vậy, một ông tú ở làng Nành, nhớ ơn bà Chiêu
Nghi, nên đã vận động bà con góp công của tu sửa lại gian miếu cỗ. Chuyện này đến tai một tên phó tổng, vốn có ác cảm với ông Tú làng Nành. Y khăn gói
vào tận Phú Xuân tố cáo chuyện ông Tú làng Nành dựng miếu thờ nguy Huệ. Lập tức, Minh Mạng liền ra lệnh phá huỷ gian miếu, đào mồ ba mẹ con Ngọc
Hân, lượm hài cốt vứt xuống sông. Ông Tú làng Nành bị bắt và bị trị tội. Quan Tổng Đốc Bắc Ninh lúc bấy giờ là Nguyễn Đăng Giai, người Quảng Bình cũng
bị liên hệ giáng chức.
Nhật Thanh, viết ở Tập San Sử Điạ số 21, Sàigòn 1971, nói Ngọc Hân bị bắt với hai con, khi Phú Xuân thất thủ. Còn Lê Tư Lành, Ty Văn Hoá Thông Tin
Tỉnh Nghĩa Bình, 1978 thì nói Ngọc Hân mất ở Huế khi Phú Xuân chưa rơi vào tay Nguyễn Ánh, xác được đưa về an táng tại làng Nành.
Cuối cùng, chính sử triều Nguyễn cũng không quên ghi lại câu chuyện gian miếu cỗ của Ngọc Hân: “Tỉnh Bắc Ninh có dân xã Phù Ninh ngầm thờ nguỵ
quỷ, việc bị phát giác, vua sai huỷ bỏ đền thờ. Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền, làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có con gái là
Ngọc Hân, gả cho nguỵ Huệ, sinh được một trai, một gái. Ngọc Hân chết, trai gái cùng chết non cả. Khoảng đầu Gia Long, nguỵ Đô Đốc tên Hài
ngầm đưa hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở điạ phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền khắc bia giả, đổi lại
họ tên làm mất dấu tích. Tới đây, việc bị phát giác, vua ra lệnh huỷ bỏ đền thờ và đào bỏ hài cốt kẻ nguỵ đi”.5
Thông thường kể chiến thăng có hành động báo thù. Đến một gian miếu cỗ, một nấm mộ điêu tàn cũng chịu chung số phận phải tiêu diệt. Ngọc Hân có cái
may là không bị bức tử bởi Nguyễn Ánh Gia Long, càng không phải là người tình bất đắc dĩ của Nguyễn Ánh như Tạp Chí Đô Thành Hiếu Cỗ tuởng tượng.
Bảy năm sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ mất, Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân qua đời ngày 8 tháng 11 năm kỷ mùi, nhằm ngày mồng 2 tháng 12 năm 1799,
hưởng dương 29 tuổi.
Rõ ràng, chuyện huyền sử thông qua câu hát ví của dân gian “Số đâu có số lạ đời, Con vua mà lại hai đời chồng vua”, được gán cho Ngọc Hân, nay đã
có lời giải đáp. Nhưng chuyện trớ trêu là Hội Đồng Hoàng Tộc Hải Ngoại, trong tập Nguyễn Phước Tộc Lược Biên xuất bản năm 1995 tại Hoa Kỳ, có thêm
phần Anh Ngữ, người ta đọc thấy ở trang 23, số Vll “Ngài Quảng Oai Quận Công hoàng tử thứ 10 của Đức Gia Long”, rồi ở cuối trang trong ngoặc đơn
cước chú ghi rõ: “Đức Ông này là con của Ngọc Hân công chúa”. Cũng vậy, ở trang 24, số Vlll, viết: “Ngài Thường Tín Quận Vương, hoàng tử thư 11
của Đức Gia Long”, và cuối trang trong ngoặc đơn cước chú ghi rõ: “Đức Ông này con của Ngọc Hân công chúa”.
Hội Đồng Hoàng Tộc Hải Ngoại, ấn hành cuốn Nguyễn Phước Tộc Lược Biên đã viết rõ trên văn bản như vậy, liệu có phối kiểm các sử liệu cần thiết không?
Bởi vì trong số các bà Hậu và Phi của Gia Long không thấy có tên Lê Thị Ngọc Hân mà chỉ có tên Lê Thị Ngọc Bình. Vả lại, câu chuyện Lê Thi Ngọc Bình
xuất hiện trong triều đình Gia Long là một nghi án khác của lịch sử, cũng cần được làm sáng tỏ.
Grand Prairie, TX. Tết Đoan Ngọ 2013
Nghiêm Đức Thảo
Chú thích: 1. Nhà Nguyễn Tây Sơn, có Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Nguyễn Nhạc xưng Tây Sơn Vương năm 1776. Nguyễn Lữ làm Thiêu
phó, Nguyễn Huệ làm phụ chánh, cũng gọi là Long Nhưỡng tướng quân.
2 Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện Sử Học, Nxb Hà Nội, 1998, tr 789.
3. Phạm Khắc Hòe, Kể chuyên vua quan nhà Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, 1945, tr 21.
4. Lược sử công chúa Ngọc Hân (Tập Thi Văn Bình Chú), quyển thứ 1, Hà Nội, tái bản 1952.
5. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Tập XXlll, đệ lll kỷ, Nxb Khoa Học, Hà Nội, 1978, tr 183.