Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Nó và Tôi                             Nguyễn Diệu Anh Trinh
Chin Bon
Chin Bon
Không biết nó học tiểu học ở trường nào của thành phố Đà Nẵng, khi tôi vào lớp 6/4 trường Nữ Trung Học Đà Nẵng niên khóa 70-71 thì tôi và nó trở thành đồng môn.

Lớp 6/4 là lớp đầu tiên của khối Anh Văn. Có nghĩa là những em thi đổ vào lớp sáu của trường theo thứ thự từ thủ khoa cho đến sáu mươi mấy, nếu chọn Anh Văn là sinh ngữ phụ thì được xếp vào chung một lớp. Lớp 6/4 có Trần thị Kim Anh là thí sinh đổ thủ khoa năm đó. Kim Anh vừa đô con vừa là thủ khoa nên năm đầu tiên vào trung học Kim Anh đã được bầu làm trưởng lớp. Tôi xếp hạng 23 trong kỳ thi nên khi được vào lớp 6/4, suốt bao nhiêu năm vị thứ của tôi cứ tà tà hai mươi mấy, tháng nào hên lắm tôi leo lên được mười mấy.

Nó học giỏi hơn tôi, có lẻ lúc thi vào lớp sáu nó đổ cao hơn, đặc biệt là nó viết chữ đẹp hơn. Nó nói giọng Huế đặc sệt, còn tôi là dân Quảng Nam. Tên của nó có hai cái dấu nặng chình ịch, còn tên của tôi thì hai chữ không có dấu nào. Suốt mấy năm học chung lớp nó ngồi ở dãy bàn giữa, còn tôi thì hay ngồi dãy bàn trước mặt thầy cô. Hai đứa ít khi nói chuyện lắm. Đến năm lớp bảy, khi Huyền Tôn Nữ Tuyết Hằng, trưởng ban Văn Nghệ lớp, chọn một số vào vai thỏ con để tập dượt cho hoạt cảnh “Thỏ Bạch Dưới Trăng” thì tôi và nó đều đóng vai thỏ. Nhờ sự góp mặt của hai đứa tôi nên hoạt cảnh này đã được giải nhất Văn Nghệ toàn trường năm đó. Hình như sau đó chúng tôi được chị Sương của Tuyết hằng dắt đi ăn bánh bèo Trường Nam.

Có duyên với văn nghệ nên đến năm sau khi cần tuyển chọn một số nhân vật vừa lùn vừa ngộ nghĩnh để vào vai chú lùn. Chà, nan giải à nghe! Bạch Tuyết thì do Tuyết Hằng dành rồi, chắc là vì tên của nó có sẵn chữ “Tuyết”, hơn nữa Hằng có làn da trắng trẻo, dáng dấp mảnh mai, giống y như tiểu thơ đài các. Nó vào vai này cũng không có ai kiện thưa gì. Bà phù thủy ác độc được giao cho Trần thị Lễ Trinh, cô nàng này tướng tá phì nhiêu, đôi mắt hơi nhỏ nên khi vào vai này, chị Sương phải hóa trang thật kỹ để tăng phần … ác độc! Lớp tôi thuở đó có Lê thị Bạch Huệ nước da ngăm ngăm, hay mang giày bata và mặc loại váy đầm y như quần short đi học, anh chàng này được chọn đóng vai Hoàng Tử. Khi tập dợt, tới đoạn Hoàng Tử hôn Bạch Tuyết là nó mắc cở, đỏ mặt thấy thương lắm, cứ năn nỉ “Cho ngưởi sơ sơ thôi, chừng nào lên sân khấu rồi làm thiệt”.

Khó khăn nhất là kiếm sao cho ra bảy Chú lùn đây. Các bạn thấy không, có Bạch Tuyết, có Hoàng Tử, có phù thuỷ mà không có bảy chú lùn thì làm sao cho ra một hoạt cảnh để đời? Đến đây tôi chợt nhớ đến câu nói của người xưa ”Mưu sự tại Bạch Tuyết … thành sự do Chú Lùn”. Ha … ha … Khó khăn quá, sau cùng chị Sương và chị Cẩm Lai là 2 vị đạo diễn đã quyết định chọn ba chú Lùn đẹp nhất lớp, may ra mới giật giải được. Nguyễn thị Thu Sương ngồi bàn đầu, gần Thu Ngọc là một, còn tôi và nó cùng chung duyên số, vừa lùn vừa đẹp gái được tuyển chọn là cái chắc. Mỗi chú lùn được vẽ râu mỗi kiểu, mỗi đứa mặc một cái quần đùi tới đầu gối xé te tua dưới lai, áo thun cũng dài (để tăng phần … lùn í mà). Hoạt cảnh Bạch Tuyết và ba Chú Lùn có sự tham gia của hai đứa tôi đã mang vinh quang về cho lớp năm đó. Hôi diễn Văn Nghệ bên trường Phan châu Trinh cũng mời chúng tôi tham dự mới oai phong chứ.

Không biết nó và Thu Sương có kỷ niệm gì không, chứ tôi thì cứ bị mấy thằng trong xóm, dân Phan châu Trinh gặp đâu ở ngòai phố là réo ”Ê, chú lùn … chú lùn”. Thiệt là mắc cở đó nghe.

Dòng đời trôi như dòng sông, trước khi ra biển cả thì phải trải qua nhiều thác ghềnh. Cuộc đời tôi và nó cũng trải qua lắm nỗi long đong. Rời mái trường sau năm 1975, chúng tôi cùng số phận không được vào đại học như mơ ước. Nó lặn lội buôn bán ở chợ trời, tôi cũng bôn ba nhiều nghề không có gì là căn bản. Thỉnh t thoảng hai đứa gặp nhau ngay quầy sách của Quang Ấn, hỏi thăm nhau như một lời xã giao qua đường vì cả hai đều canh cánh trong lòng nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, con mi, chồng tau … đầu óc đâu mà nhắc đến chuyện ngày xưa.

Nghe đâu nó đã lập gia đình với một anh sinh viên theo nó thời còn lam lũ ngoài chợ trời, sau đó anh chị vào Quảng Ngãi theo cơ quan của anh, đời sống của một công nhân viên chức thời đó cũng không có gì khả quan lắm. Tôi thì quá bi quan cho mối duyên tình trắc trở nên gặp bạn củ không dám kể lể nhiều, chỉ ngại không ngăn được dòng nước mắt, mà nuốt vào thì mặn đắng, nên đành lặng yên thôi.

Năm 1994 tôi may mắn được định cư ở nước ngoài. Long đong nhiều năm cho việc định cư nơi quê hương mới. Tình cờ qua một người bạn cũng chung trường năm xưa (Ngọc Nga), tôi và nó bắt đầu liên lạc lại. Thì ra nó có con trai đang du học ngay tại tiểu bang tôi đang sống. Hai cô cháu gặp nhau lần đầu tại nhà tôi với một chầu “Bánh tráng cuốn cá nướng”. Như y nó, thằng con nó cũng chân chất thật thà như mẹ. Tôi thương cái tính chăm học, thật thà, có gì nói nấy của nó. Nghĩ đến hoàn cảnh đi học xa nhà, thiếu thốn tình cảm, thiếu từ lờì rầy la, câu dặn dò đến vòng tay âu yếm của ba mẹ. Tôi giúp thằng con nó với tất cả những gì tôi làm được. Tôi la rầy nó khi thấy nó chỉ lo học mà không lo chơi (??). Không phụ lòng ba mẹ và sự quan tâm của tôi, thằng con nó tốt nghiệp với số điểm danh dự và đã ổn định cuộc sống ở đây.

Có lần tôi kể cho thằng con nó và con gái tôi nghe kỷ niệm của hai đứa bạn già làm văn nghệ. Hai anh em ngạc nhiên lắm, hình như chưa bao giờ tụi nó tưởng tượng là lứa tuổi chúng tôi cũng có một thời oanh oanh liệt. Con gái tôi hỏi:

“Má với má anh Hải đóng vai gì?”

Thằng con nó lanh chanh:

”Chắc một người làm Bạch Tuyết, một người làm Hoàng Tử phải không?”

“Đâu có, hai người đóng vai chú lùn”.

Trời đất ơi, hai đứa nhỏ cười bò lăn.

“Má ơi, hết vai đóng hả, làm chú lùn hèn gì hai má đẻ ra tụi con hổng cao gì hết trơn!”

Năm 2006 nó đi U.S.A du lịch thăm con và ở lại nhà tôi mấy tuần lễ, tôi và nó ngủ chung một giường, chuyện xưa chuyện nay, nói hoài không hết. Nó nay là một đại gia ở Đà Nẵng nhưng đi xe hơi vẫn còn bị chóng mặt, tôi thường giởn cho ‘’cốt cách bần cố nông” của nó. Nó phản đối:

“Mình mô có phải đại gia, trời thương mình làm ăn chăm chỉ đó mà”.

Đại gia trổ tài nấu nướng nhiều món cũng độc chiêu lắm nghe. Nó về lại Việt Nam vẫn gọi cho tôi thường, giờ này hai đứa bạn già nói chung đã yên ổn, nó hay tản bộ mua vải áo dài may và gởi cho tôi. Tôi thì quà cáp cho nó chẳng biết gì cả vì nó là đại gia mà, đâu có thiếu thốn gì đâu!

Mỗi đứa một phương trời, từ nhỏ học cùng lớp, lớn lên cùng một hoàn cảnh, ba nó cũng từng bị cải tạo nhiều năm như ba tôi nên con đường sự nghiệp của hai đứa cũng gặp nhiều trắc trở. Hai đứa phải phấn đấu để sinh tồn bằng những cách khác nhau.

Tôi thì đang định cư tại quê người, môt xứ sở ai cũng bảo là thiếu tình người nhưng không ai dám bỏ về vĩnh viễn. Nó thì đang sống trên quê hương, đang thưởng thức chùm khế ngọt ngào, thế mà từ quê nhà vẫn có lắm người ao ước ra đi. Tôi và nó đang hít thở hai bầu không khí khác nhau nhưng dù gì đi nữa, tôi vẫn nhớ đời đời. Nó và tôi là bạn đồng môn.
                                                          
Viết tặng nó, quà đầu năm.