Ba
Khi cưới nhau rồi thì chị lại không thể giữ cái thai. Đứa bé là con gái, sáu tháng rồi vẫn đành chết trong bụng
mẹ. Giai đoạn ấy thân phận con người rẻ như bèo nên chị đau đớn khi bệnh viện báo thai của chị xấu nhưng
chẳng có một biện pháp nào giúp chị giữ bé. Vậy là đành bất lực, cuốn theo số phận, nhìn con rời bỏ mình khi
chưa trọn vẹn hình hài. Đó là một mất mát sau này nghĩ lại, chị không biết tại sao ông trời lại đưa đẩy chị vào
một tình thế oái ăm như vậy. Nếu chị không có thai, chưa chắc chị và anh đã nên duyên chồng vợ, thì chưa
chắc chị có cuộc sống chán nản như bây giờ. Có thể người đời với miệng lưỡi ưa chỉ trích sẽ trách chị sống ít
tình ít nghĩa, nhưng mấy ai trải qua năm năm như chị, để hiểu ngày dài lê thê và biết bao lo lắng mà chị trải qua
nó kinh khủng dường nào. Mà những ngày như thế, sẽ còn kéo dài bao lâu nữa cũng chẳng thể biết được.
- Mẹ ơi, tối nay con về muộn.
Con trai trước khi dắt xe ra cổng ngoái đầu lại nói với chị. Vũ thông minh, học giỏi, tốt nghiệp đại học kinh tế
ngành tài chính ngân hàng, hạng khá, nhưng chưa có việc làm. Nó đành phải cùng bạn bè mở một quán cafe.
Năm đứa hùn hạp, mỗi đứa mỗi tính, nên có lúc nó về nhà bực dọc, giận dỗi lây cả mẹ. Coi như một dịp để trải
nghiệm cuộc sống, chị khuyến khích con, dỗ dành con mỗi khi thấy con nản chí.
Ngày Vũ tốt nghiệp đại học, hăng hái làm một lần mười bộ hồ sơ xin việc. Nó xục xạo trên mạng để tìm một
công việc hợp với chuyên ngành. Nhưng hồ sơ gởi đi không thấy hồi âm. Người quen là giám đốc một ngân
hàng nơi nó có gởi hồ sơ xin việc đã lắc đầu nói rất tiếc khi chị muối mặt đến nhà riêng mong giúp đỡ. Nhưng
một đứa bạn của Vũ thì đã được nhận vào làm với mức chi phí xin xỏ hai trăm triệu đồng. Chao ui, chị nghe
mà giật cả mình. Lấy đâu ra hai trăm triệu trong lúc này để lo cho con. Hai trăm triệu thì không phải là chị không
có, nếu thiếu cũng có thể vay mượn thêm. Nhưng đó là tất cả gia tài của cả gia đình để phòng khi đau ốm. Nếu
chi ra hết để xin việc cho Vũ thì quá mạo hiểm. Lỡ bệnh của anh xấu đi thì tiền đâu lo thuốc thang.
Chị hỏi ý kiến anh:
- Anh à, hay mình gởi thư qua bên đó kể chuyện, nhờ mấy cô chú cho mượn tiền lo cho con được không anh.
Chị cũng như nhiều người ở trong nước nghĩ, đối với cô chú bên ấy thì chừng đó tiền cũng không là lớn. Hơn
nữa cả gia đình chỉ còn một mình anh ở lại, cần giúp đỡ thôi. Năm cô chú đều có việc làm ổn định, thu nhập
của mỗi người nghe nói tính ra tiền VN có khi cả trăm triệu mỗi tháng. Nhưng anh cương quyết lắc đầu:
- Thôi, bên đó tụi nó cũng đâu phải in tiền ra, cũng làm lụng cực khổ lắm chớ, cũng đủ thứ phải chi...
Vậy là thôi, chị chẳng thể nghĩ đến chỗ dựa ấy nữa. Anh khác chị khi không muốn nhờ vả các em, vì lòng tự tôn
của anh. Còn chị, chị nghĩ đến hạnh phúc của các con trước khi nghĩ đến cảm xúc của mình. Nên thật bụng, chị
thầm trách anh. Khi Vũ mười tám tuổi, học xong phổ thông, cô chú bên đó cũng có nhã ý đưa Vũ qua học đại
học, dù họ không hứa hẹn gì ngoài việc đồng ý bảo lãnh về tài chính trong đơn xin học của Vũ, nhưng chị ngầm
hiểu là nếu Vũ qua được bên đó thì các cô chú cũng sẽ lo cho cháu. Nhưng lạ chưa, anh ngày ấy còn khoẻ
mạnh, đã không đồng tình khi chị đề cập chuyện này.
- Không đi đâu hết. Có hai đứa con, cho đi vậy thì ở đây sống với ai. Em thì cứ đứng núi này trông núi nọ. Bộ
em tưởng nhờ vả người khác dễ lắm hả? Nó ở đây có thua kém ai…
Chị đành dập tắt ước mơ được thấy con đi du học. Nhưng xã hội ngày càng đảo điên, mọi thứ hầu như đều chỉ
giải quyết được bằng tiền. Bước ra khỏi gia đình thì không tình, không nghĩa, không đạo làm người nếu không
có tiền. Đạo đức thì suy đồi, môi trường sống thì ngày càng bất an nên chị tiếc cho con trai bỏ lỡ một cơ hội có
thể thay đổi cuộc đời. Còn Vũ, nó bất mãn cha. Nó thích được qua Mỹ du học, đó là mộng ước của đa số học
sinh giỏi năm cuối cấp, nhưng vì cha không đồng ý nên giấc mơ của nó đành tan vỡ. Phận làm con, nó không
dám cải lại cha mình, nhưng từ đó cha con xa cách nhau. Khi anh bị ốm thì ngăn cách càng thêm rộng. Nằm
một chỗ nên khó tính, và trở nên ích kỷ với cả con, anh nạt nộ khi Vũ mở volume nhạc hơi to tiếng. Mỗi khi thấy
hai mẹ con nói chuyện vui vẻ là anh kiếm cớ bắt chị chăm sóc này kia cho mình. Một lần, hai lần thì Vũ không
để ý, nhưng nhiều lần thì thằng bé hiểu. Riết rồi nó bất đắc dĩ mới vào phòng của cha.
- Nếu hồi đó ba để con qua với mấy cô chú, thì bây giờ con đâu có cà lơ phất phơ vầy.
Đó cũng là suy nghĩ thầm kín của chị, mà đâu dám đồng tình với con. Dầu sao thì nhà cũng phải có nóc, con
cái không nể trọng cha thì khó nên người.
- Ba đau ốm nên vậy. Con thương ba không hết, đừng bắt lý ba làm chi con à.
Con trai im lặng. Nó dĩ nhiên cũng thương cha lắm. Anh bây giờ đã không thể nhìn mọi vật cách xa hơn nửa
mét. Tất cả lờ mờ như trong màn sương. Không thể cười vì cơ mặt đã liệt. Tiếng nói thì chỉ vợ con có thể hiểu.
Nhai nuốt vô cùng khó khăn. Chỉ một bàn tay phải còn có thể động đậy, nhưng run rẩy như lá trước gió mùa.
Vậy mà lạ, anh rất sợ khi nghĩ đến cái chết. Bạn bè gặp anh phải nói lời lạc quan, nếu ai tỏ thái độ xót xa là anh
càu nhàu với vợ khi bạn ra về:
- Đã chết đâu mà tiếc thương.
Chị sợ nhất là anh hay cố kéo tay chị bằng bàn tay run rẩy, yếu đuói như sợi bún của mình:
- Anh mà chết là nhất định kéo em theo. Anh sống là em sống, anh chết là em cũng chết theo anh.
Cái rùng mình chạy suốt sống lưng chị. Gương mặt anh đang cố nhìn chị trân trân bỗng trở nên dị thường một
cách kinh khủng, dù chị đã quen nhìn sự méo mó của nó. Và trong giây lát, chị cảm thấy lửa giận phần phật
cháy trong long. Ui chao ơi là anh. Là người chồng yêu thương chị hết lòng đó sao? Yêu, thương là muốn
người kia sống hạnh phúc. Muốn người kia đạt được ước mơ của họ. Chớ yêu, thương đâu phải muốn người
kia là vật sở hữu của riêng mình, lệ thuộc vào cảm xúc của mình. Anh có bao giờ nghĩ những đắng cay chị phải
gánh trong những tháng năm phải vừa bươn chải mưu sinh, vừa chăm sóc anh bịnh tật? Để bớt ích kỷ, để bớt
dằn vặt chị về mặt tinh thần như lúc này không?
Bốn
Con gái lấy chồng, ra riêng nhưng ngày nào vợ chồng nó cũng về nhà ăn cơm trưa cùng gia đình chị. Hai đứa
cùng làm trong một công ty nước ngoài. Nơi mà năng lực là niềm tin duy nhất khi nộp đơn xin việc. Lương cao
nhưng chúng phải làm việc nhiều. Tám tiếng lao động là y tám tiếng. Chưa kể đôi khi làm thêm. Mấy tháng nay
Huệ mang bầu nên mệt mỏi lắm. Vậy là chị kiêm luôn việc cơm nước cho con gái. Buổi trưa vợ chồng nó vội
vàng chạy xe về nhà chị ăn cơm, nghỉ ngơi dăm bảy phút rồi lại chở nhau đi làm. Vất vả hơn nhưng chị thích,
tình nguyện giúp đỡ con. Mong cho con gái mai này được mẹ tròn con vuông, chứ không như chị kém may
mắn về đường con cái. Sau lần hư thai ấy, mãi tới bốn năm sau chị mới sinh con gái đầu lòng. Bốn năm ấy
anh chị trông con như trông bạc trông tiền. Cứ sau lúc vợ chồng vui vẻ, anh hay hỏi:
- Có thấy khác không em?
- Khác chi? Hỏi nghe bắt mệt. Khác chi mà khác...
- Thì…có thích hơn mọi lần không?
Chị hiểu anh hỏi vậy để xem hy vọng có thai không đó mà. Ui dà, vô duyên. Lúc ấy chị mới đôi mươi, nghe anh
nhắc đến chuyện ấy trơ tráo vậy là lẹt lẹt quay đi dấu gương mặt đang đỏ lựng. Thời ấy anh mạnh mẽ, bền bỉ
lúc yêu. Trong vòng tay anh, chị thấy mình như một cô công chúa được nâng niu, trân quý. Chính điều đó đã
giúp cuộc sống gia đình của anh chị thời ấy luôn hạnh phúc. Anh có ngang ngạnh cách mấy, có gia trưởng
cách mấy, có làm chị khóc thầm cách mấy thì khi anh ôm chị vào lòng, là chị quên tất cả, và tha thứ cho anh tất
cả. Chứ nếu không, hai con người không ruột thịt, với hai tính cách hoàn toàn khác nhau sao có thể chung sống
cùng nhau dưới một mái nhà.
Bây giờ, có đêm chị nằm bên anh, ham muốn đàn bà trổi dậy khiến chị trằn trọc mãi không ngủ được. Chị thèm
một vòng tay ôm, nụ hôn gợi dậy ham muốn, một thân thể ấm áp đàn ông mạnh mẽ. Nỗi thèm khát cứ quống
quýt mãi không rời, cho đến khi chị phải vùng dậy, xuống bếp mở tủ lạnh lấy thỏi chocolates ra nhai ngấu
nghiến. Lúc ấy cảm giác khao khát mới chịu lui. Chị quay về phòng, nằm xuống bên chồng, nhìn thân thể anh
ốm chỉ còn da bọc xương, bất động. Chị trào nước mắt vì thương anh, thương thân mình. Nếu ai đó chỉ trích
chị người ta ở vậy nuôi con khi chồng chết trẻ biết mấy đó kìa, sao chị không được như người ta thì chị cũng
đành im lặng không cải lại. Biết cải sao đây, đôi khi chị cũng sợ bản năng yêu đương của mình.
Chiều nay anh tỏ ý muốn được ra ngồi trước hiên nhà sớm hơn mọi ngày. Kéo chiếc xe lăn đến sát giường
anh, chị giúp anh ngồi dậy rồi ráng hết sức nhấc bỗng anh đặt qua xe, tựa đầu anh lên chiếc gối nhỏ. Cảm giác
như hụt hơi. Ngày anh mới bị bệnh, chị xăng xái bế anh đặt chỗ này chỗ kia, cũng mệt vì lúc ấy anh còn nặng,
nhưng không có cảm giác hụt hơi như bây giờ, dầu anh chỉ còn da bọc xương. Vậy là chị biết, sức khoẻ mình
không còn được như ngày trước. Một mình gánh vác gia đình, lo cho con cái, chăm sóc anh ốm đã dần lấy đi
nguồn sinh lực của chị. Có khi nằm xuống với thân thể rả rời, chị thảng thốt nghĩ nếu chị là người đi trước, thì
sao có thể yên lòng nhắm mắt để anh ở lại nơi này.
- Anh muốn nghe nhạc không? Tuấn Ngọc, hay Khánh Ly...
Anh thích nghe hai ca sĩ này nhất, vẫn hay yêu cầu chị mở đĩa của họ.
Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi…
Đời như vô tận,một mình tôi về, với tôi...
(Lặng lẽ nơi này - TCS)
Đột nhiên anh hấp tấp yêu cầu chị tắt máy nửa chừng bài hát anh rất thích nghe. Bàn tay run rẩy của anh quờ
quạng tìm tay chị. Vậy là chị biết anh sẽ lại nói gì rồi.
- Nếu có em cùng đi, anh không sợ chết đâu Lan à.
- Thì đi. Anh cứ yên tâm.
Anh không hiểu, cứ mỗi lần nói với anh câu ấy, nỗi sợ hãi trong lòng chị có thể cũng lớn bằng nỗi sợ hãi cái
chết của anh. Con gái có khi lo cho chị.
- Mẹ đừng chiều ba vậy. Lỡ như ba kéo mẹ theo thiệt thì sao...
Thì sao? Chị cũng không biết chị có oán hận anh không nếu điều đó xảy ra như anh mong muốn. Chỉ biết cứ
mỗi lần anh nói ra câu ấy, thì chị lại cảm thấy bứt rứt, nóng nảy trong lòng như đang đang bị đau dạ dày vậy.
Cơn bứt rứt ấy có khi kéo dài cả ngày hôm sau mới dịu xuống. Bạn chị hay nói mi bị stress rồi. Ừ, stress rồi,
cũng là phải vậy, với cuộc sống của chị bây giờ.
Bạn chị khuyên chị nên lập một trang facebook để có thể kết nối với bạn bè, với cuộc sống chung quanh. Thế
giới ảo với những mối quan hệ gần gũi có thể giúp người ta bớt cô đơn. Chị không thể đi đây đi đó, thì có thể
gặp bạn bè qua fb. Nơi ấy cũng rộn ràng, cũng nhiều sắc màu như cuộc đời thực vậy. Chị có thể lên đó xem tin
tức khắp nơi trên thế giới thông qua các trang báo mạng, trò chuyện với bạn bè, cùng họ chia sẻ những chuyện
buồn vui. Người ta ít khi lên fb tâm sự chuyện riêng tư của mình, phần nhiều chỉ là những chia sẻ vô thưởng vô
phạt, như đi chơi chỗ này chỗ nọ, gặp người này người kia, con mèo mới đẻ, hay con chó bị bọn trộm chó bắt
mất rồi. Phần nhiều chỉ là vậy, kèm theo hình ảnh minh hoạ. Ban đầu cũng thấy ngại ngùng, nhưng dần dà chị bị
cuốn theo thế giới ảo ấy. Cứ khi rảnh rỗi, dù chỉ năm mười phút, là chị online. Và thấy lòng mình đỡ trống trải
nhiều.
Anh đã ngủ gật trên xe lăn. Chị đưa anh trở lại giường rồi nhân lúc quán vắng khách chị xuống bếp nấu cơm.
Có khi khách đến chơi đông chị phải vừa coi ngó quán vừa nấu cơm. Và nếu chẳng may lúc đó anh gọi yêu
cầu chị giúp gì đó, thì chị tất bật chạy lên chạy xuống, chạy ra chạy vô không khác rô bốt là mấy. Không còn thời
gian để mà thở một hơi dài cho đỡ mệt.
Năm
Một ngày, tôi nhận được điện thoại của chị. Tiếng nức nở không ngăn được của chị trong ống nghe cứ trào ra,
trào ra làm tim tôi cũng thắt lại:
- Sao vậy chị, có chuyện chi vậy chị Lan?
- Em ơi, chị không ngăn được Vũ. Nó đã đăng ký nghĩa vụ quân sự rồi. Nó tình nguyện.
- Chị bình tĩnh, có gì từ từ mình tính...
Mấy hôm rày ngập tràn trên các báo giấy, báo mạng, trên facebook một không khí rực lửa trước việc bọn tàu
đặt giàn khoan HD981 trên vùng biển VN. Tình hình biển Đông đang nóng bỏng, chiến tranh với bọn tàu có thể
nổ ra bất cứ lúc nào. Đây là lần đầu tiên chính quyền bật đèn xanh cho người dân xuống đường biểu tình chống
Trung Quốc, dù có rất nhiều nhân viên an ninh bám theo. Khác với trước đây mấy năm, biểu tình còn bị đàn áp.
Dầu sao thì giặc ngoại xăm vẫn là kẻ thù lớn nhất nên có hàng ngàn người dân đổ ra từ mọi ngóc ngách của
các thành phố lớn, nhỏ không phân biệt quan điểm chính trị tham gia vào đoàn người biểu tình. Tôi cùng đoàn
người đi một đoạn đường, cảm thấy phấn chấn trước tiếng hô to các khẩu hiệu của các em thanh niên. Có lẽ
Vũ cũng là một trong số thanh niên thấy được nhiệm vụ của tuổi trẻ khi tổ quốc lâm nguy.
Nhưng té ra không phải vậy. Chị sau đó kể với tôi rằng Vũ tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự vì giận chị.
Một ngày chị nhận được lời mời kết bạn của một người đàn ông lạ trên facebook. Ông ta tự xưng là bạn cũ
của Vĩnh thời trước bảy lăm, hiện nay đang ở trong miền Nam. Tình cờ biết được hoàn cảnh của gia đình chị
lúc này. Chị vui vẻ chấp nhận làm bạn. Bạn của anh thì nay cũng có thể là bạn của chị. Chỉ có điều chị không hé
răng nhắc đến người bạn này với anh vì anh quyết liệt cấm chị chơi facebook. Một lần con gái vô tình hỏi chị:
- Mẹ dạo này có hay online fb không? Bạn nhiều không mẹ?
thì anh đùng đùng nổi giận, hét to lên không đồng ý. Chị đành nói lấp liếm:
- Mẹ bỏ chơi cái đó lâu rồi, con nói vậy ba không thích đâu.
Chị biết, đó chỉ là phản ứng của anh sợ bị chị bỏ rơi, sợ bị chị lãng quên khi có niềm vui mới. Chỉ có điều anh
không biết là mình đã đẩy chị mỗi ngày càng xa anh khi có những phản ứng ích kỷ như vậy. Bạn của anh kết
bạn với chị khá nhiều. Qua facebook họ biết được tình trạng sức khoẻ của anh. Thỉnh thoảng trò chuyện với
chị, nhưng tuyệt nhiên những lần đến thăm bạn, họ đều giả lơ, chỉ hỏi vài câu xã giao với chị thôi. Vì anh đã
từng tỏ thái độ, quay lưng không tiếp bạn khi chị được người ấy ân cần hỏi han. Chị thật là xấu hổ thay cho
anh. May mà rồi ai cũng thông cảm, không ghét anh và càng thương chị. Chỉ là thương hại thôi nhưng cũng an
ủi được chị đôi phần qua những câu thăm hỏi tình cảm trên fb.
Lần này chị cũng đón nhận tình cảm của người đàn ông chưa gặp mặt lần nào. Ông ta lớn hơn Vĩnh hai tuổi,
gương mặt to, nụ cười cởi mở. Ngắm nghía tấm ảnh đại diện của ông, chị thầm công nhận đây là một người
đàn ông phong độ. Ông ta rất tình cảm với Vĩnh trong những câu thăm hỏi, nhắc lại nhiều kỷ niệm ngày xưa. Từ
những quen biết sơ giao ban đầu, dần dà chị cảm mến ông ta qua những lần trò chuyện. Ông ta biết an ủi, biết
cảm thông mỗi khi chị tỏ ra chán nản. Lâu dần chị có thiện cảm sâu đậm với người đàn ông này. Mỗi ngày anh
càng đẩy chị dần xa anh vì những khó khăn trong bệnh tật, trong sự ích kỷ, sợ hải của anh về chị, thì ông ta cứ
như những hạt mưa xuân mềm mại thấm dần, thấm dần ấm áp. Mỗi ngày không thấy ông online, trò chuyện
cùng chị ít câu thì cảm giác mong ngóng bắt đầu dày vò chị. Cũng từ đó, chị bắt đầu để ý đến bản thân, ăn
kiêng và cố gắng từ bỏ món ăn ưa thích chocolates. Mấy xấp vải các con mua tặng chị những lần sinh nhật bấy
lâu xếp xó được chị lôi ra, lén anh đi may. Những bộ đồ mới, đẹp ấy giúp vẻ ngoài của chị khá hơn nhiều. Chị
làm những điều ấy theo bản năng. Nếu nói là vì ông ta thì ông ta đâu phải là người thực, ông ta ở xa chị cả
ngàn cây số, và chị chưa một lần gặp gỡ.
Nhưng rồi một ngày, cái ngày chị không mong nó đến vì cảm giác tội lỗi nhen nhúm trong lòng, và dù không
mong thì nó cũng đến. Ông báo tin đã đến thành phố chị ở, sẽ đến nhà thăm Vĩnh vào buổi chiều. Rồi sau buổi
chiều đó, ông hẹn chị ở một quán cafe xa nhà. Ai đã từng làm điều mình biết là sai nhưng không thể dừng mới
hiểu tâm trạng chị lúc này. Nhận lời, không nhận lời, nhận lời..., suốt cả buổi tối hôm đó chị trằn trọc không ngủ
được. Chị biết, nếu nhận lời là bước qua lằn ranh cuối cùng của một tình bạn, thì chị sẽ trượt dài trong thứ tình
cảm có thể đắm say nhưng đầy tội lỗi. Mặc cảm hư hỏng choáng ngợp dằn xé chị ngay cả trong giấc ngủ
muộn.
Vậy nhưng hôm sau chị vẫn lén trốn anh đến nơi hẹn. Một lần, hai lần và cuối cùng chị thật sự là một kẻ phản
bội người chồng đáng thương đang ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết khi đồng ý đến khách sạn cùng
ông. Bị thôi thúc vì nỗi ham muốn cứ âm ỉ nhưng không thể rủ bỏ, chị nghĩ thôi thì nhắm mắt đưa chân, chỉ một
lần thôi rồi sẽ không bao giờ tái diễn nữa, vì ngày mai ông ta trở vào nam rồi.
Ông ta sành điệu và chiều chuộng chị. Chỉ với những cái hôn và bàn tay mơn man, ông ta đã biến chị thành một
người đàn bà khác - không phải là chị, không còn là chị. Chỉ còn người đàn bà khát khao yêu đương đến độ u
mê. Chưa bao giờ chị vồ vập vậy, chưa khi nào trong cuộc yêu chị cất tiếng rên dài thoả mãn như lần này. Chị
tan chảy trong nỗi đắm đuối không có con đường thoát, tưởng như chỉ có thể hắt một hơi, lìa cõi này thì mới có
thể rời khỏi vòng tay ông ta.
Vậy nhưng khi cuộc yêu tàn, người đàn ông nằm bên im lặng vuốt nhè nhè cánh tay chị, khi tất cả cảm giác
cháy bỏng lắng xuống, thì chị trở lại là chị. Chị hoảng hốt, sợ hãi chính mình. Ước gì đây chỉ là giấc mơ. Lan ơi
là Lan, thật là xấu hổ, thật là cay đắng cho phận đàn bà. Vì sao chị trở nên xấu xa dường ấy. Vì sao chị để tình
cảm mông muội lấn át cả lý trí thế này? Giờ này có lẽ Vĩnh đã tỉnh giấc ngủ trưa, có lẽ đã biết chị vắng nhà. Anh
có đang la hét vì chị đi không nói một lời với anh? Anh có đoán ra mặc dù anh luôn muốn giữ chị lại, thì chị
cũng đã phản bội anh, đã lên giường với người đàn ông khác? Đâu phải vì yêu. Làm sao so sánh được chút
yêu đương bồng bột này với tình cảm gắn bó giữa chị và Vĩnh từ những ngày chị chỉ là con bé mười ba tuổi.
Chỉ là phút giây mù quáng không thể cưỡng lại sức quyến rũ của người đàn ông có lẽ cũng chẳng yêu thương
gì chị đâu.
Chia tay ông ta mà không nhìn thẳng vào mắt ông, chị nghĩ sẽ không bao giờ có một lần thứ hai nào nữa.
Nhưng oái oăm thay, ông trời không thương hại chị, nên một lần duy nhất ấy chị đã chạm trán với con trai khi
vừa từ khách sạn bước ra. Con trai giận chị không thèm ngó mặt, không thèm hỏi chị đó là ai. Mà biết giải
thích thế nào với con đây, chị cũng bẽ bàng không dám nhìn thẳng nó...
- Em ơi, có cách nào khuyên Vũ không em? Em nói chuyện với Vũ dùm chị với em ơi.
Tôi nghe tiếng khóc của chị trong ống nghe thấy thương chị quá. Chị hay tâm sự với tôi nên tôi hiểu nỗi khổ
tâm của chị, và thú thật, tôi thông cảm cho lỡ lầm của chị lần này. Con người mà, đâu phải thánh thần để có thể
hãnh diện rằng mình bao giờ cũng đúng. Nếu ai đã từng ở trong hoàn cảnh thiếu thốn tình yêu như chị dù vẫn
có chồng một bên thì sẽ hiểu thật ra con người ít sợ khổ vì những vất vả, lo toan trong cuộc sống, mà nỗi sợ
lớn nhất chính là sự cô đơn.
Bạn thì sao, bạn có lên án chị ấy không?
Tuyết Hằng
ĐN 18/5/2014