PHIẾM LUẬN VỀ BẠN BÈ (56-63)
Nhớ chuyện ngày xưa, khi còn tiểu học, học Quốc văn Giáo khoa thư, có bài văn xuôi mà bây giờ vẫn còn nhớ: “Chim có đàn cùng hót, tiếng hót mới hay, ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới mạnh, huống gì là người học trò mà không có bạn để cùng nhau trao đổi văn chương tư tưởng, để cùng nhau chung vui chia buồn ư?“. Thú thật lúc đó còn bé quá, nên không hiểu được thế nào là văn chương tư tưởng, thế nào là chung vui chia buồn. Lại nữa, tôi lại có được mấy mấy năm học tiểu học tại Quảng Ngãi, cái xứ “hay co” (Theo thành ngữ châm chọc: Quảng nam hay “cải”, Quảng ngãi hay “co”, Bình định hay “lo”, Thừa thiên “ních” hết), nên đã trải qua một tuổi thơ rắn mắt và hiếu động. Giờ ra chơi, không thích đánh bi đánh đáo, mà đứa nào cũng ưa biểu diễn võ thuật, xuống tấn, vung tay, múa chân, rồi sau đó chia phe đánh lộn, mặc dù đã hứa với nhau là chỉ đánh chơi, không được đánh trúng, nhưng khi đã sôi máu rồi, “dao kiếm vô tình”, thế nào cũng có vài đứa u đầu lỗ trán. Hậu quả là sau giờ ra chơi nào cũng vây, có ít nhất bốn năm đứa phải nằm dài trên bục giảng, để thầy hiệu trưởng Nguyễn Huy Phái quất roi mây tét đít. Tuổi thơ hiếu động là thế. Chơi những trò chơi rắn mắt là thế, trong đầu luôn nghĩ chuyện ăn thua, nên rất ít bạn thân, chỉ vài ba đứa mà thôi. Bạn bè đã ít, mà bộ nhớ lúc đó lại chưa hoàn chỉnh, thao tác download, enter còn lúng túng, trật giuộc, nên bây giờ, có ai bảo tôi hãy mô tả hoặc kể về bạn bè lúc còn học tiểu học tại Quảng Ngãi thì tôi sẽ ú ớ, lắc đầu xin thua.
Nhưng bước vào trung học thì khác, được từ giả cái quần short với dây treo, để mặc vào chiếc quần tây xanh dài, áo sơ mi trắng tinh, như lớn hẳn lên, oai phong vô cùng. Sự oai phong được tăng gấp đôi khi được vào học Phan châu Trinh, một trường trung học công lập duy nhất và lớn nhất tại Đà nẵng. Nhớ lúc đó, có ai nói: “thằng nớ, con nớ là học sinh Phan châu Trinh đó ...”, thì chắc chắn lỗ mũi của con nớ, thằng nớ sẽ nở phình ra. Bây giờ tôi đã 76 tuổi rồi, mỗi lần soi gương, tôi thấy mũi của tôi quả thật hơi to, âu cũng là di chứng của những năm tháng được học Phan châu Trinh vậy.
Cảm giác lớn hẳn lên không những chỉ do bộ đồng phục mà còn do cách xưng hô. Ngay từ năm đệ thất, giáo sư hướng dẫn đã dặn đi dặn lại: “Các em tuyêt dối không được xưng “con” với bất cứ thầy cô nào, kể cả thầy hiệu trưởng, các em chỉ được xưng “tôi” hoặc xưng “em” mà thôi”. Từ “con” của thời tiểu học dược chuyển qua “em” hoặc “tôi” của thời trung học, đã trở thành bước ngoặc trong tâm tư tình cảm của đời học trò chúng tôi. Việc xưng hô với bạn bè trong lớp cũng có chuyển biến. Mới vào năm đệ thất, chưa quen biết nhau, nên đa số đã sử dụng ngôn từ miền Bắc, “cậu cậu. tớ tớ” để nói chuyện với nhau cho nhẹ nhàng lịch sự, nhưng chỉ vài tháng sau, tất cả đều chuyển sang “tau tau, mi mi”, nghe sướng lỗ tai vô cùng. Riêng bản thân tôi, thì gần như suốt đời, rất khoái hai chữ “tau mi”. Tôi khoái đến nỗi mà trong Đặc san CHS Phan châu Trinh tại hải ngoại 2014, tôi đã viết bài “Tau Mi”, để nói về tình bạn của tôi với anh Võ văn Lượng, mặc cho ai đó chê tôi là “già mất nết”, cũng đành chịu thôi, gẩm cuộc đời tôi, từ nhỏ đến lớn, có nết đâu mà mât. Cứ tưởng chỉ một mình tôi là “ông già mất nết”. Nhưng vừa rồi tôi lại phát hiện thêm một “bà già mất nết” nữa. Chuyện là, đầu tháng tư vừa rồi, chị Nguyễn thi Phương Nga từ Houston, Texas về Đà nẵng thăm bà con bạn bè để rong chơi hội hè. Mới đầu gặp nhau, ai cũng anh anh, chị chị, tôi tôi, nghe sao mà chững chạc và lịch sự quá chừng, nhưng chị Phương Nga lại gạt ngang và xổ ra một tràng ”tau mi” ngọt xớt. Mới đầu, một thoáng giật mình, rồi tất cả như vỡ òa ra, chuyện nổ bắp rang, tau mi loạn xạ. Tôi có cảm giác hai từ “tau mi” như có ma lực cuốn hút chúng tôi trở lại sân trường vào giờ ra chơi ngập nắng để tắm mình trong những kỷ niệm ngày xưa. Ôi tau mi tuyệt vời.
Tau Mi là hành trang, diềm mối để chúng tôi kết bạn với nhau. Trong tinh thần phiếm luận, nói chuyện tào lao cho vui. Và để chứng tỏ là đã được Thầy Trần Đại Tăng dạy toán, và Cô Phan Thanh Gia Lai dạy triết, nên tôi xin phân tích, có chứng minh, lý luận hẳn hòi, về tình bạn Phan Châu Trinh. Trong phạm vi bài nầy, tôi xin giới hạn trong khóa 1956-1963, mà không dám lạm bàn về các khóa đàn anh và đàn em. Vì lúc đó, chúng tôi xem khóa đàn anh là thần tượng, là bậc trưởng thượng, nên không bao giờ dám hó hé kết bạn, (ngoại trừ một vài trường hợp đăc biệt như cùng là đoàn viên Hướng đạo hay Gia đình Phật tử). Riêng bản thân tôi, sau khi đã lớn lên, bôn ba giao tế trong đời, đã có cơ duyên được giao tiếp, nói chuyên, tán gẩu với lớp đàn anh, như anh Võ Ý, chị Nguyễn thị Tố Liên, anh Phan Nhật Nam, chị Như Hảo, anh Trần gia Phụng, anh Phan Ứng Thời ... Có lẽ các anh chị ấy thấy tôi khù khờ mà dễ thương, nên đã hạ cố xem tôi là bạn. Tôi rất thích thú khi được làm bạn với các anh chị ấy, nhưng bao giờ cũng kính trọng như bậc trưởng thượng, không dám “tau mi”, nên không sướng miệng như đối với bạn bè cùng khóa. Nhưng đối với khóa đàn em thì ngược lại, bao giờ chúng tôi cũng vênh váo, kên kên, ngước mặt lên trời, mặt lạnh như tiền, giữ phong cách trưởng thượng, đàn anh, không thèm kết bạn với khóa đàn em. Tuy nhiên, vẫn có vài đứa, vì âm mưu riêng mà xé rào, xuống lớp dưới để kết bạn, nhưng tình bạn đó không được bao lâu, đã thăng hoa và biến tướng qua những câu thề non hẹn biển, đầu bạc răng long, và cuối cùng là nhận bản án chung thân. Đó là: Nguyễn vạn Hồng-Phạm thị An. Đặng văn Vững-TN Liên Hồng, Trân Thể Thành-Đoàn thi Xuyến, Nguyễn Đức Bông-Cẩm Nhụy, ....
Sau khi gột dũa sạch sẻ phần râu ria, tôi xin lạm bàn về tình bạn PCT 56-63 của chúng tôi. Có quá nhiều chuyện để nói, không biết nên nói chuyện gì cho phù hợp với Đặc san của Đại hội đây. Hơn nữa, tôi rất e ngại về bản chất “nói dai”, “nói dài”, “nói dỡ” của tôi, mỗi lần đăt bút viết về một chuyện gì, nhất là viết về bạn bè Phan châu Trinh, tôi thường bị “nhây” và “sa đà”, mà không dứt ra được. Thực vậy, khi viết về người bạn quá cố Hồ Dương Minh (THẰNG MINH TRỊT, Trường xưa 1 -2007), tôi đã “phịa” hơn 11 trang. Khi viết về bạn Võ văn Lượng (TAU MI. Đặc san CHS PCT Hải ngại - 2015) tôi đã thêm mắm dặm muối đến 13 trang. Khi viết về bạn bè cùng lớp ở Xóm Trẹm (BÈ LŨ XÓM TRẸM. Trường xưa 2, 2017), tôi cũng đã lê thê hơn 11 trang. Thôi thì, để tránh tình trạng “chật đất” của Đặc san kỳ nầy, tôi xin chấm phá bằng những gạch đầu dòng vậy:
+ Chúng tôi vào trường năm 1956, khi đó có 4 lớp đệ thât, sỉ số tròm trèm hai trăm. Qua năm đệ tam, lại có khoảng ba mưoi tên từ các trường Bán công, Tây hồ, Phan thanh Giản, Nguyễn công Trứ mới chuyển sang, sau khi trải qua một cuộc thi tuyển gay go. Vị chi là hai trăm ba chục đứa.
+ Mùa hè 1962, sau khi đậu Tú tài đơn, chúng tôi chuẩn bị “bỏ trường mà đi” theo đúng nội dung vỡ kịch mà cách đó hai năm, khóa đàn anh đã dàn dựng trong đêm lửa trại tại sân trường. Những câu đối thoại bốp chát giữa Bác cai trường (Võ Ý) và Học sinh (Phan nhật Nam) đã khiến cho đôi mắt của Thầy hiệu trưởng Nguyễn đăng Ngọc đỏ hoe, và Cô Đặng thị Liệu không cầm được nước mắt. Chúng tôi thì nuốt từng chữ, từng lời mà trong lòng xốn xang. Bây giờ thì chúng tôi chuẩn bị theo gót đàn anh, mà trong lòng đang có cảm giác hụt hẩng và hoang mang, không biết phải đi đâu, tiếp tục học ở trường nào, thì tin vui lại đến bất ngờ: Bộ Quốc gia Giáo dục quyết định cho Trường Phan châu Trinh mở thêm ba lớp đệ Nhất, (hai B và một A, tội nghiệp những đứa học ban C phải ra Huế hoặc vào Hội An,). Sướng quá đi thôi, như vậy là chúng tôi được ở lại trường thêm một năm nữa để “dồi mài kinh sử”, để làm ông, bà “Tú kép”. Và như vậy là khóa 56-63 của chúng tôi là khóa đầu tiên được học ở trường Phan châu Trinh lâu nhất, đến bảy năm. Bây giờ, nghĩ đến chuyện nầy, mà trong lòng vẫn còn thấy sướng.
+ Hai trăm ba chục đứa, bảy năm chung một mái trường, tình bạn của chúng tôi ngày càng thắm thiết, cùng nhau “chia ngọt xẻ bùi” theo đúng nghĩa đen, nghĩa là cùng chia nhau cây cà rem, hột ô mai, trái me dốt, trái xoài xanh, cái bánh tiêu, ...để cùng nhau ngấu nghiến, sao mà ngon lạ lùng. Bây giờ dù mà có con tôm hùm Canada được ăn tại Mỹ, thì cũng không có được cảm giác và hương vị như ngày xưa nữa. Càng ngày chúng tôi càng khắn khít bên nhau, chuyện gì cũng có nhau, nhiều lúc bị ông già bà già la: “Mấy con học không lo học, chỉ biết ăn chơi đàn đúm.”, bị la như vậy, chúng tôi chỉ biết gải đầu cười trừ, nhưng trong lòng vẫn ấm ức và muốn biện hộ, “Học Thầy không tầy học Bạn”. Nói cho ngay, chúng tôi cũng cùng học với nhau đấy chứ, nào cùng đến nhà của nhau để giải bài toán khó của Thầy Tấn, Thầy Tăng, nào cùng nhau soạn bài thuyết trình của Cô Quỳnh, Thầy Quế, nào cùng chở nhau lên Chùa Bà Quảng để ôn bài, hoặc lợi dụng nơi hoang vắng nầy, để uốn lưỡi, trẹo họng, để phát âm tiếng Anh theo đúng giọng Thầy Tòng, Cô Liệu, Thầy Lan và Thầy Kỳ. Nhưng học thì ít mà chơi thì nhiều. Trò chơi của chúng tôi mang phong cách của “đệ tam anh hào”, đàn em của “Quỷ”, “Ma”. Chúng tôi cũng đã đầu tư trí tuệ để “Chọc Thầy, Trêu Bạn” mà hậu quả là đứng dang nắng dưới cột cờ. Đến đây, chắc các chị cùng lớp sẽ cho rằng: “Quỷ ma là chuyện của bọn con trai, còn bọn con gái tụi tui thì hiền khô hà”. Không dám đâu, qua trò chơi rắn măt của cát mít nương (quatre miss nương = xin xem Trường xưa 2) thì bọn con trai chúng tôi cũng xin ngã nón chào thua. Tiếng dữ dồn xa, thật là lưu danh muôn thủa.
+ Tôi viết nhận xét về lớp chúng tôi sợ sẽ không tránh khỏi chủ quan và phiến diện, nên tôi xin cầu cứu thầy Hiệu trưởng Nguyễn đăng Ngọc vậy. Trong lần tiếp đón Thầy Cô Hiệu trưởng ở nhà anh Phùng Ngọc Thọ tại Cali, Thầy đã phát biểu: “Hôm nay, tại đất khách quê người, các anh chị khóa 56-63 tập họp đông đủ như thế nầy là tôi vui lắm. Âu cũng là cái duyên, Tôi làm hiệu trưởng đúng khoảng thời gian mà các anh chị vào trường và ra trường, nên tôi nhớ rất nhiều, và có rất nhiều kỷ niệm với lớp nầy ...” Rồi thầy kể tên mấy đứa học rất giỏi như Lương mậu Dũng, Nguyễn Tùng, Thái Thanh, Ngô phước An, Ái Liên, Hoàng đại Đồng, Võ Công, Phạm sĩ Liêm, Võ văn Hoàng ...Thầy cũng không quên những đứa học được nhưng quậy phá, thường xuyên đứng cột cờ, như Hồ dương Minh, Đỗ Bá, Phan Độ, Nguyễn văn Phước, Trần Đạo ... Cuối cùng Thầy kết luận: “ Từ khi ra trường, Tôi đã đi dạy nhiều nơi, làm việc nhiều nơi, nhưng có lẽ thời gian bảy năm tại trường Phan châu Trinh đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp nhất, mà chính các chị các anh ở đây đã cho tôi những kỷ niệm đó”. Các anh chị em đồng môn có thấy chưa? Nói có sách, mách có chứng. Ngay bản thân tôi, được Thầy Hiệu trưởng xếp loại là quậy phá mà cũng được Thầy nhớ thương như vậy, thì phải hiểu, Thầy đã thương nhớ khóa 56-63 chúng tôi biết nhường nào.
+ Mùa hè năm 1963, chúng tôi ra Huế thi Tú tài kép, đậu rớt thì chưa biết, nhưng chắc chắn phải “bỏ trường mà đi”. Chúng tôi phải lìa đàn rẻ nghé, mỗi đứa đi một phương. Đứa thì theo nghiệp đao binh cho phỉ chí tang bồng hồ thỉ, Đứa thì vào đại học để quyết chí làm Bà Cử, Ông Nghè, đứa thì thèm cơm lấy vợ, đứa thì mê xe hoa, theo chồng bỏ cuộc chơi. Trong môi trường mới, chúng tôi cũng có nhiều bạn mới. Nhưng sau nầy, khi có dịp gặp nhau, chúng tôi đều thú nhận: “Không có tình bạn nào thú vị và dai dẳng bằng tình bạn Phan châu Trinh”. Để lý giải “hiện tượng” nầy, chắc tôi phải nhắc lại bài giảng vạn vật của Cô Kim Đính. Vào năm đệ ngũ, khi giảng về Tủy sống và Não bộ, Cô đã nói: “Ở tuổi của các em bây giờ, não bộ đã phát triển hoàn chính, đã có đầy đủ 100 tỷ tế bào nơ - ron., Những điều các em được học, những diễn biến tâm tư tình cảm, sẽ được ghi sâu vào não bộ của các em, đó là trí nhớ.” À ra thế. Bảy năm bên nhau, kỷ niệm thân thương quá nhiều và ghi quá đậm nét. Một trăm tỷ tế bào nơ -ron cũng phải hao mòn hết một nữa, download nhiều cũng sẽ bị overload mà thôi. Khi não bộ đã bị overload thi những sự kiện xẩy ra sẽ được ghi lại bằng những nét mờ nhạt. Điều nầy lý giải tại sao ở tuổi cổ lai hy của chúng ta bây giờ, kỷ niệm xưa thì nhớ mãi, có đuổi cũng không đi, còn chuyện bây giờ thì nhớ trước quên sau, lẩm ca lẩm cẩm.
+ Do tình bạn Phan châu Trinh là thú vị và dai dẳng, nên khi đã bước vào tuổi năm mươi, “nhi bất hoặc”, không còn sai lầm gì nữa, thì chúng tôi thường tìm đến nhau, cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa, để cùng nhau “tau tau”, “mi mi” cho thỏa lòng sướng dạ. Ở hải ngoại thì tôi không được rõ. Ở Sài Gòn thì có khoảng 25 đứa, nhưng vì đi lại khó khăn nên chỉ họp nhau, gọi là họp lớp, vào những lúc cần thiết mà thôi. Riêng tại Đà Nẵng, chúng tôi có 45 đứa, nhớ nhau nên kiếm cớ họp lớp thường xuyên hơn, mỗi tháng đôi ba lần. Năm 2007, anh Phan văn Hoàng, trưởng tràng của nhóm Sài Gòn đã phân định rạch ròi. Nhóm Đà Nẵng là con cháu nội của Cụ Phan, còn các nơi khác đều là con cháu ngoại. Vì là con cháu nội, được giữ bát nhang bàn thờ, nên chúng tôi cũng đã cố gắng hết minh, làm được nhiều công chuyện, kể ra không hết. Ở đây tôi xin ghi lại những nét chính mà thôi:
- Tháng 7 năm 2007, Xuất bản Trường xưa 1, Kỷ niệm 50 năm vào trường.
- Tháng 12 năm 2013, Tổ chức Tuần lễ Hội ngộ sau 50 năm xa trường.
- Tháng 12 năm 2017, Xuất bản Trường xưa 2, kỷ niệm 10 năm phát hành Trường xưa 1.
- Tháng 2 năm 2018, Tổ chức Tuần lễ họp bạn, ăn chơi, du hí theo yêu cầu của chị Nguyễn Thị Phương Nga.
Riêng Tuần lễ Hội ngộ sau 50 năm xa trường đã tạo nhiều ấn tượng nhất. Ấn tượng về số lượng người tham dự, ở trong và ngoài nước đã lên đên 80 người. Ấn tượng về nội dung phong phú, mà đậm nét nhất là Đêm lửa trại đón Tết dương lịch tai Suối nước nóng Thanh Tân, Huế. Sau khi lửa trại tàn, anh Võ văn Hoàng đã quàng vai tôi và thốt lên: “Đả quá, sướng quá! Phước ơi. Chỉ thấy tội cho những đứa không được tham dự cuộc hội ngộ nầy”. Trong tinh thần lạc quan tếu, tôi đã trả lời Hoàng: “Mi đừng lo. Dân Đà Nẵng còn gân lắm, bọn tau sẽ tổ chức cuộc Hội ngộ sao 60 năm xa trường vào năm 2023, khi đó bọn mình đã tám, chín mươi tuổi cả rồi. Tau có ý đinh kêu gọi các đại gia hỗ trợ xe lăn và nha sĩ Nguyễn diệu Liên Hương hỗ trợ những hàm răng giả, để còn có thể “múm” thức ăn nữa chứ”. Hai đứa chúng tôi cùng ôm bụng cười trong cơn se lạnh của xứ Huế ngày cuối đông.
Đã hứa là sẽ viết ngắn, nhưng vẫn cầm lòng không đậu, nết cũ không chừa. Thôi xin nén lòng dừng ở đây, với ước mơ sẽ tổ chức “Hội ngộ 60 năm xa trường” vào năm 2023 với đầy đủ xe lăn và hàm răng giả.
Đà Nẵng, Ngày Chủ nhật, 13 tháng 5 năm 2018
Phước Râu