Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Quà tặng của cuộc đời
Một chiều cuối tuần đầu tháng sáu, chuông điện thoại reo…
- Con rảnh không, chở Ba má đi shopping?
Tôi giật mình, suýt làm rơi cái điện thoại xuống đất. Thường thì Ba Má tôi nhờ chở đi Chùa, đi chợ hoặc đi bác sĩ. Tôi chưa bao giờ nghe Ba Má tôi muốn đi shopping. Tôi hỏi lại một lần nữa cho chắc ăn:
- Dạ, đi đâu Ba?
- Đi Mall.
Rồi không đợi tôi điều tra thêm, Ba tôi nhỏ nhẹ giải thích:
- Ba muốn đưa Má con đi Mall để mua tặng Má con món quà kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới.
Ôi, đúng là Ba tôi, môt người đàn ông Việt Nam vô cùng lãng mạn, dù tuổi đời đã tám mươi.
Cuộc hôn nhân kéo dài năm mươi năm với tám người con, bốn trai, bốn gái của Ba Má tôi dĩ nhiên cũng trải qua những cơn sóng trong gia đình, cũng trải qua bao thăng trầm của thế cuộc nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, tận đáy lòng tôi, Ba vẫn là một người dàn ông mẫu mực tuyệt vời.
Mười môt năm trong trại cải tạo đã biến Ba tôi từ một người đàn ông trung niên đầy sức sống, đang thăng tiến về mọi mặt trong đời sống trở thành một ông già sáu mươi ốm yếu, bệnh hoạn. Tài sản trong nhà lần lượt ra đi vì vợ con không có cơ hội để kiếm được một công việc làm ổn định. Tôi, đứa con gái lớn của Ba, sau một cuộc tình duyên dang dở thì cũng đang vất vả nuôi một đứa con gái nhỏ không có quê nội để về. Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt của Ba nhìn tôi ngày ấy. Ánh mắt ấy đã theo tôi suốt những tháng ngày còn lại trong đời. Vừa xót xa và tràn đầy thông cảm. Ba đã nói: “Con gái, khi chúng ta không thể nào thay đởi được hoàn cảnh thì nên vui vẻ chấp nhận nó, biết đâu…trong cái rủi còn có cái may, con à!”
Câu nói của Ba như một lời tiên tri. Cùng với nước mắt của hai mẹ con và lời khai theo sự hướng dẫn của Ba, tôi và đứa con gái nhỏ đã may mắn được chấp thuận của phái đoàn phỏng vấn cho đi định cư tại USA theo diện Nhân đạo (H.O) cùng với Ba và mấy người em vào năm 1994. Lúc đó tình hình phỏng vấn rất căng thẳng cho con em của cựu tù nhân trên 21 tuôỉ. Năm đó tôi đã ba mươi sáu tuổi, trường hợp của hai mẹ con tôi được xem như là một kỳ tích.
Những tháng ngày đầu tiên trên đất Mỹ thật gian nan, Má tôi vì lý do sức khoẻ đã không cùng đi với gia đình vào năm đó. Dưới sự dìu dắt của Ba, tôi vừa làm chị vừa quán xuyến việc nhà thay cho mẹ. Tôi đã phải vật lộn với cơm áo và ngôn ngữ để vươn lên và tồn tại trong xã hội mới này. Mỗi ngày tôi đã phải làm việc 12 tiếng đồng hồ, lái xe đi và về gần 3 giờ. Ba tôi dù tuổi đã cao, cũng kiếm được một việc làm gần nhà. Những lúc rảnh, Ba còn giúp tôi chăm sóc đứa cháu ngoại. Vốn thấm nhuần giáo lý nhà Phật, Ba dạy cho con gái tôi nên làm điều thiện, tránh điều ác; giảng cho cháu thế nào là nhân quả, luân hồi và lòng vị tha. Sau này, cả hai mẹ con tôi đều chịu ảnh hưởng quan niệm sống của Ba tôi rất sâu đậm.
Chúng tôi cùng nhau sinh hoạt cộng đồng, hội đồng hương…và Ba tôi luôn luôn có những ý kiến mới lạ, những nhận xét rất sâu sắc hữu ích. Ba cũng khuyến khích chúng tôi tham gia những công tác từ thiện. Ba tôi thường nói: “Điều quan trọng là cái tâm, là tấm lòng. Khi mình có lòng thì không có việc gì khó cả”.
Trong đời sống hằng ngày, khi tôi có những bất trắc về bất cứ lảnh vực nào, Ba tôi cũng là người đầu tiên để tôi chia sẻ và hỏi ý kiến vì Ba tôi lúc nào cũng tỏ ra rất tế nhị và tinh tế trong việc giải quyết những vấn đề khi cần đến.
Ngày tôi còn bé và cả khi tôi đến tuổi cần để xây dựng hình tượng một người đàn ông cho đời mình, tôi vẫn mong ước đó sẽ là một người chồng, một người cha giống hệt Ba tôi vậy. Tôi nhớ những khi Ba Má tôi có chuyện cải nhau, Má tôi lúc nào cũng nóng nảy hay hờn giận; trong khi Ba tôi lúc nào cũng nhỏ nhẹ, ”Mình ơi, mình hởi” ngọt xớt.
Ngày Ba Má tôi có cơ hội đoàn tụ thì tuổi đã cao, sức khỏe cũng theo thời gian mà giảm sút nhưng tình yêu của Ba dành cho Má vẫn tràn đầy, ấm áp. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt long lanh niềm hạnh phúc của Má khi nhận món quà kỷ niệm ngày cưới từ người chồng năm mươi năm mà Má thường đánh giá là “xấu trai, con nhà nghèo nhưng...học giỏi”.
Tôi không là một phụ nữ may mắn về đường tình duyên nhưng tôi cảm nhận mình là một người hạnh phúc. Và lẩn lộn trong vùng trời kỷ niệm của đời mình, tôi chợt nhận ra hình ảnh của Ba tôi lúc nào cũng hiện hữu bên cạnh tôi như một cái bóng...cùng tôi đi du lịch, cùng ngồi xem giải vô địch bóng đá, cùng bàn bạc chuyện nhân tình thế thái, chuyện thời sự đó đây…
Ba tôi là thế, đơn giản mà gần gũi. Thế nhưng chiếc bóng của Ba đã phủ trùm lên cuộc đời tôi mãi mãi và duy nhất, không có gì thay thế được.
Cám ơn Ba, cám ơn cuộc đời đã cho tôi một món quà vô giá mà không phải ai ai cũng may mắn có được. Tôi biết rằng không có ngôn từ nào có thể diễn tả đầy đủ về lòng biết ơn của con cái đối với bậc cha mẹ, cũng không có tặng phẩm vật chất nào xứng đáng, có đủ ý nghĩa để tặng cha mẹ trong các ngày Lễ Trọng. Tôi cầu mong cho Ba Má tôi luôn khoẻ mạnh, vui vẻ trong những tháng năm còn lại. Và điều gì làm cho Ba Má tôi hài lòng thì tôi nguyện sẽ hết sức mình để được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, nhân ái trên khuôn mặt những người tôi hằng kính thương.
Nguyễn Diệu Anh Trinh