Quán bạn tôi

Niên khóa 1974-1975 trường chúng tôi có tổ chức ngày hội truyền thống HỒNG ĐỨC. Tôi đang học lớp 10B2 do thầy Nguyễn Viết Tường làm chủ nhiệm. Ký ức của những năm cấp hai lấn áp quá nhiều nên tôi không nhớ được là dân chín4 của chúng tôi đã di cư đến 10B2 là bao nhiêu mạng. Ngày hội truyền thống năm ấy tổ chức rất lớn. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu ngày, nhưng ít nhất cũng được hai ngày, lớp 10B2 chúng tôi không biết đã nhận bao nhiêu gian hàng? Tôi chỉ nhớ Kim Anh đảm nhiệm gian hàng trò chơi, còn Nguyệt Thu và Nguyễn thị Nguyệt lo cửa hàng phục vụ ăn uống.

Gian hàng trò chơi của Kim Anh gồm có ném bóng rỗ, giống như bóng rỗ bình thường nhưng ở đây dùng banh tennis và ném tiền lên mặt kính, một mặt bàn có hình bầu dục bằng kính để chiều ngang theo hướng khách hàng. Tôi được phân công ở gian hàng trò chơi của bà chủ Kim Anh. Phụ trách bán vé và trông coi gian hàng bóng rỗ. Lúc đó tôi chỉ biết sai đâu làm đó, còn Kim Anh y chang một bà chủ thật sự, vừa chỉ huy vừa quán xuyến, lo toan mọi việc. Gian hàng chúng tôi có rất nhiều quà trúng thưởng, nào là bàn ủi, quạt máy, casset xách tay, đồng hồ treo tường ... xen lẫn vào đó là những con gấu bông, búp bê và những gói bánh kẹo rẻ tiền. Thiệt tình thì tôi bán vé không rãnh tay, khách mua vé ào ào nhưng sao tôi thấy xót ruột và lo lắng quá! Trò chơi bóng rỗ bằng loại banh tennis này rất khó vậy mà sao khách hàng của tôi cứ từ từ nhận máy quạt rồi bàn ủi rồi casset ... Tôi không nhớ rõ một vé giá bao nhiêu nhưng trong trí tôi vẫn còn nhớ quà tặng là bàn ủi hay máy quạt gì cũng gấp cả trăm lần cái vé. Tôi lo lắng thật sự quay lại nhìn Kim Anh, sao cô nàng không những vui vẻ khi trao quà tặng cho khách hàng mà hình như cô nàng còn có vẻ phấn khởi nữa là đằng khác, tôi nghĩ lạ quá! Một người sành soải như Kim Anh tại sao không nghĩ tới sự thua lổ của gian hàng mình đang ào ào kéo đến?

Tôi thắc mắc và để ý ... Trên bàn của bà chủ KA ngồi, sau tấm bảng ghi thể lệ chơi, có hai cái rỗ màu đỏ, cùng màu và cùng kiểu. Trong hai cái rỗ ấy là những tờ giấy được gấp lại cẩn thận và ghi số đầy đủ để khách hàng nào ném banh trúng thì bốc số nhận thưởng. Thì ra những khách hàng trúng thưởng bàn ủi hay quạt máy đó chính là những người anh em quen biết với KA đến làm cò mồi. Khi những người này ném banh trúng KA sẽ mang cái rỗ phía trong ra cho họ bốc, còn khách hàng thì mang rổ phía ngoài, rỗ phía ngoài toàn những số trúng bánh kẹo và một ít đồ chơi rẽ tiền ... Bây giờ tôi mới thở phào nhẹ nhổm và quí vị cũng đã hiểu vì sao khách hàng xách đi mấy cái bàn ủi và máy quạt mà KA rất vui vẻ và nhiệt tình trao tặng rồi chứ gì! Cô nàng KA khôn thiệt, nhờ như vậy mà những người đứng xem mới thấy ức, có người ném cả năm sáu chục trái mà chẳng vô được trái nào. Nhiều lúc đứng rãnh cũng cầu nguyện cho họ vô được một trái để có gói bánh hay gói kẹo mang về cho đỡ buồn, cũng có một số hên hên nên cũng ôm được một ít bánh kẹo về nhà khoe tài ...

Ngày hôm sau, hay buổi chiều hôm đó tôi không nhớ rõ, Nguyệt Thu ơi, nhắc giùm QA với nghe! Do thiếu người hay thêm tiết mục tôi không rõ, bà chủ bếp Nguyệt Thu nhờ thầy Tường điều tôi về đảm nhiệm khâu phục vụ trà đá cho bà con. Mới đầu, tôi nấu một nồi nước sôi thật bự để nguội hẳn hoi, pha một nồi nước trà thật đậm, tôi lại cũng không nhớ rõ là bao nhiêu tiền một bịch nước trà đá. Hình như hồi đó tôi nhớ tôi chỉ pha nước vào bịch và đưa cho khách hàng còn có bà chủ nhỏ nào đó thu tiền thì phải. Tôi nhớ tôi chỉ pha nước không mà thấy không kịp tay. Lúc đầu tôi pha . . . một cục đá, một ly nước sôi để nguội, một phần tư ly nước trà, rồi dần dần ... một cục đá, một ly nước sôi để nguội. Xin quí khách thông cảm vì không thể pha trà kịp. Rồi ... một cục đá, một ly nước ... lạnh, rồi ... nước lạnh không có đá ... Dạ kính thưa quí vị ... giá tiền vẫn như nhau và nếu có đau bụng mời quí vị ra phía đường Lê Lợi đối diện cổng sau của trường có tiệm thuốc tây sẳn sàng phục vụ quí vị ...

Quay sang gian hàng của NT và NTN phụ trách các bạn còn nhớ QUÁN BẠN TÔI không nhỉ? đó đó của 10B2 đó. QUÁN BẠN TÔI phục vụ quí khách 24/24, bán hàng ăn, hàng uống giá cả phải chăng, chúng tôi không thiên vị cô, thầy giáo hay học sinh. Ai ai chúng tôi cũng chỉ phục vụ một giá. Ban đầu chúng tôi bán một tô bún hai con tôm, hai lát thịt nhưng khách vào ăn tấp nập quá, sợ rằng cô thầy hay những học sinh đi sau sẽ không còn gì nên chúng tôi bán lại: Một tô bún hai con tôm, một lát thịt hoặc hai lát thịt một con tôm. Sau đó, nhìn tình hình chung và nồi nước nhân chúng tôi lại xin phép thay đổi tiếp: Một tô bún một con tôm, một lát thịt ... nấu hết nồi nước lèo này đến nồi nước lèo khác. Bán hết chục cân bún này lại mua thêm chục cân bún khác, nhưng mà chúng tôi vẫn thấy thương những người đi sau, đi trể sẽ không có gì để ăn, thôi thì ... một tô bún một lát thịt không có tôm hoặc có tôm không có thịt ... Quán đang tấp nập và chúng tôi cũng đang phục vụ thật ân cần và chu đáo, bỗng dưng thầy Tường bước vào:

- Kéo tấm bảng xuống đi quí vị.

Nguyệt Thu quay lại:

- Vì răng rứa thầy?

- Bà Hiệu Trưởng nói quán mình là QUÁN BẠN TỒI chứ không phải QUÁN BẠN TÔI nên bà bắt dẹp xuống, nếu tiếp tục bán phải chia cho trường 2/3 số tiền lời, quí vị tính sao?

- Thôi nghỉ bán đi thầy! Mình bán như ri cũng có lời rồi, với lại chừ cũng mệt quá rồi.

Nguyệt Thu nhanh nhẩu nói với thầy, nhưng khi quay qua rỗ bún ...

- Mà chừ mình mới mua 10kg bún về đó thầy.

Suy nghĩ thật nhanh thầy nói:

- Thôi cứ để mình ăn đi, được chưa? Tui lên văn phòng báo lại với bà Hiệu Trưởng nè.

Tất cả đều đồng thanh:

- Dạ! Được đó thầy, nghỉ đi thầy ...

Thầy Tường lên trao đổi với bà Hiệu, khoảng 30 phút sau trở về thông báo cho chúng tôi biết để kéo bảng hiệu QUÁN BẠN TỒI xuống (bà Hiệu Trưởng gọi như vậy), đang nói chuyện huyên thuyên về sự buôn bán đắt đỏ của lớp cho thầy nghe, bất chợt thầy nói:

- Tôi đói bụng quá, còn cái chi cho tui ăn không?

Cả bọn ......... Nguyệt Thu ơi! đoạn ni cứu QA với. Tau không còn nhớ vì răng mà lúc nớ hết sạch sành sanh, chẳng còn cái chi để mời thầy cả, các bạn chin4 mình đã từng học thầy rồi đúng không? Hãy tưởng tượng ra gương mặt thầy lúc đó, trời ơi! Sao tôi thương thầy quá chừng đi thôi, bây giờ tưởng tượng ra tôi đã ứa nước mắt khóc thương thầy. Thầy cười bao dung với ánh mắt hiền hòa rộng lượng, thầy đã trao cho chúng tôi tất cả những tình thương của một người cha cho các con, tôi đứng lặng nhìn thầy thật sự nghẹn ngào ... đúng là nước mắt chỉ có chảy xuống ... Dự định của thầy và các bạn là khi nhận làm những gian hàng này, chủ yếu kiếm một số tiền kha khá để mua cho những bạn khó khăn trong lớp một bộ áo dài và một ít sách vở để gia đình có thể yên tâm hơn cho niên học sắp đến.

Ngày HỘI HỒNG ĐỨC đang còn dang dở thì loạn lạc lại ập đến, dân ở Quảng Trị, Thừa Thiên ào ào tản cư đến Đà Nẵng và trường chúng tôi đã mở rộng cửa để đón những người dân tỵ nạn này ... trong tình cảnh hỗn loạn đó, ai ai cũng đều lo nghĩ đến sự sống còn của đất nước thời ấy và thực tế hơn là sự sống còn của chính những người thân trong gia đình mình, vậy mà … tôi đã cầm trên tay một bộ áo dài và một ram vở từ tay Mẹ tôi, không biết là của ai đã vội vã đưa đến, người bà con ở xa đến tỵ nạn tại nhà tôi đã trao lại cho Mẹ tôi. Tôi đã khóc, khóc thật to, khóc thật nhiều … khóc để ghì giữ lại những tình cảm của thầy và bạn đã dành cho tôi. Tôi có cảm giác rằng chiến tranh hỗn loạn như thế này nó sẽ cướp đi cái tình cảm ấy của riêng tôi …

QA 20-09-2010