RƯỢU TẾT
Quý O50 thân mến, mới đọc cái tựa đề, chắc các O đang hình dung ra những chai rượu ngoại đắt tiền sang trọng thường được chưng bày vào dịp Tết như Hennessy, Whisky hoặc X.O gì gì đó ... phải không? Xin thưa, đây chỉ là loại rượu VN chính hiệu mà người dân miền Trung, đặc biệt là Huế và QNĐN thường rất ưa dùng vào mấy ngày xuân. Bây giờ đời sống kinh tế mọi người đã cao hơn lúc trước rất nhiều với đủ các loại bia rót tràn ly vào các ngày đầu năm mới. Nhưng dù gì đi nữa, đối với chúng tôi, ngày Tết mà không có loại rượu này thì vẫn cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì. Thôi, chẳng nói gần, nói xa chi nữa, tôi xin được giới thiệu luôn: đó là rượu nếp hay còn được gọi với cái tên rất ư là trang trọng - rượu bách nhật.
Gia đình tôi và một số người dân miền Trung tuy đã tha phương lập nghiệp nơi này suốt mấy chục năm ròng nhưng hầu như năm nào cũng vậy, cứ Tết đến, xuân về là nhà nhà ơi ới gọi hỏi thăm nhau đã làm rượu nếp dầm chưa.
Ngày trước, việc làm rượu cũng cầu kỳ và lắm công phu vì phải nấu xôi, ủ men xong bỏ vào chum, vại rồi đem chôn dưới đất ngay lối đi để rượu hút đủ khí âm dương đúng ba tháng mười ngày hầu bồi bổ thêm sức khoẻ cho người dùng nó sau này. Bây giờ hình như không mấy người chờ lâu như vậy, chỉ làm trước Tết một tháng là đã được thứ ruợu mà khi vắt ra có màu trắng đục như sữa, uống vào thì ngọt lịm, ăn được ngủ được, ngon tuyệt trần rồi. Sang hơn, người ta làm rượu bằng thứ nếp than, khi vắt rượu có màu tím đỏ trông rất ngon và đẹp mắt, gọi là rượu cẩm. Nhưng loại nếp này hiếm và đắt nên không mấy thông dụng bằng loại nếp thường trên.
Cũng như mọi khi, cứ cuối tháng mười một ÂL là gia đình tôi lại rục rịch chuẩn bị việc làm rượu nếp để kịp cho ngày Tết. Chồng tôi đem cái ché màu da lươn đang cất kỹ trong góc bếp ra chùi rửa cẩn thận. Cái ché này nguyên là ché làm rượu cần của một gia đình người dân tộc Êđê. Ngày ấy họ còn rất lạc hậu và giao lưu với người Kinh bằng cách trao đổi hàng hoá. Chiếc ché này, nếu nhớ không nhầm thì chúng tôi đã đổi mười ký gạo để lấy nó từ tay người chủ (hồi ấy, gạo đang là món hàng quý giá). Thời gian thật là phi mã, mới đó mà cũng đến cả mấy chục mùa xuân chiếc ché cùng vui buồn với chúng tôi.
Bây giờ thì những chiếc ché như vậy thợ gốm ở miền xuôi đã nung được và đưa lên bán đầy rẫy, nhưng lạ một cái là rượu làm trong ché mới không ngon và có mùi vị đậm đà như những chiếc ché cổ này.
Trước đó, tôi đã đi chợ để mua nguyên liệu là gạo nếp và một loại men dành riêng cho việc làm rượu gọi là men ngọt. Năm nào chúng tôi cũng làm khoảng bảy, tám ký, tức là chừng ba mươi lon nếp. Lúc này thời tiết rất thất thường và hay có gió to. Có khi mua nếp về rồi mà phải đợi cả mấy ngày, chờ cho lặng gió, trời quang mây tạnh mới thực hành nấu xôi ủ men vì sợ gió lạnh sẽ làm rượu bị chua, hư. Qúa trình nấu xôi để làm rượu cho ngon thật không đơn giản chút nào. Làm sao cho ba mươi lon nếp kia được chín đều, mướt rượt không bị khô, không bị nhão. Nếu xôi nhão sẽ vô men không đều, rượu mất ngon, còn xôi khô quá thì sau này nếp sống lại, vắt không ra nhiều rượu, uổng phí. Sơ hở một chút là bạn sẽ có một tác phẩm ''trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhẹt'' thì coi như xôi hỏng bỏng không. Ấy thế mà nhờ trời, tuy không tự hào lắm về nữ công, nữ hạnh nhưng năm nào cái nồi xôi nếp của tôi cũng chín đều, thơm ngon và đạt điểm chín, mười (Hichic, lại mèo khen mèo rồi). Còn cái người vô men là ông xã tôi cũng quan trọng số một đó các bạn à, vì nếu ít men thì rượu sẽ chua lè chua loét, mà nhiều men quá thì đắng nghét, đắng ngơ. Hihi, cho nên việc làm rượu cũng như một bài hát hay, phối hợp giữa ca sĩ là tôi -nấu xôi- và người đệm đàn là ông dôn -vô men-, sơ xuất một trong hai thì coi như ... bể dĩa.
Bây giờ nồi xôi cũng vừa chín tới. Chồng tôi đã giã mịn sẵn những viên men ngọt để ủ rượu, tôi ra vườn cắt mấy tàu lá chuối to, lau sạch sẽ và trải lên mấy cái mâm. Nào một, hai, ba ... Cả hai cùng khệ nệ khiêng cái nồi xôi to đùng vừa nấu chín vào đặt cạnh mâm. Tôi và ông xã phụ bới xôi ra, mùi nếp mới thơm ngào ngạt hấp dẫn lạ kỳ. Lớp xôi trên đã được đơm ra hết và dàn mỏng cho mau nguội, còn lại lớp cháy giòn tan ở dưới đáy nồi. Xong việc, tôi sẽ dùng cái vá nhôm cẩn thận cạo lóc cháy ra bằng hết, và một món ăn hấp dẫn được chế biến. Tôi sẽ cho từng mảng cháy giòn tan đó vào chảo dầu và chiên phồng lên, khi ăn chỉ cần chấm với xì dầu ớt tỏi. Ôi, món ngon đặc biệt mà mỗi năm chỉ thưởng thức được một lần nhân dịp làm thứ thức uống đặc biệt này đó các bạn à ...
Ồ, đi lạc đề rồi, tôi xin kể tiếp chuyện làm rượu. Lúc xôi vừa bốc hết hơi nóng - đừng để nguội quá xôi sẽ không ''ăn'' men-, ông xã tôi nhẹ nhàng đưa cánh tay mềm mại như nghệ sĩ múa rắc đều men lên khắp bề mặt xôi rồi trộn chúng lại với nhau thật kỹ. Xong xuôi, ông vốc từng mảng xôi đã trộn men ấy bỏ vào chiếc ché. Tới đây công đoạn làm rượu coi như đã hoàn thành, chỉ còn việc dùng lá chuối bọc bao nylon cẩn thận cột kín miệng ché cho khỏi hở gió để rượu mau lên men. Hai vợ chồng lại khệ nệ khiêng chiếc ché vào góc bếp cho ấm và yên tâm ... đợi. Trong khi chờ đợi, tôi xin được tản mạn đôi điều về việc đón Tết ở đây. Có lẽ các bạn ở thành phố với cuộc sống xô bồ, bận rộn thì việc đón xuân cũng phần nào đơn giản vì nơi ấy chợ búa, siêu thị hàng hoá tràn ngập, chỉ chờ đến giáp Tết là đi một vòng, cái gì cũng có. Còn nơi tôi ở là vùng nông thôn nên ít ra vẫn có một chút thời gian để chuẩn bị cho cái Tết quê tuy không sang trọng như phố phường nhưng cũng mang đầy ý nghĩa.
Tết đến, hầu như nhà nào cũng gói bánh, người miền Bắc thì gói bánh chưng xanh với lá dong trồng được trong vườn. Người miền Nam lại thích gói bánh tét bằng lá chuối, tuy lúc chín vớt ra không có màu xanh ngắt nhưng bù lại là để được lâu và khi ăn đem tét ra từng khoanh rất dễ bằng sợi lạt tre thanh mảnh. Bánh tét, bánh chưng thì phải ăn với dưa món mới hợp khẩu vị, do đó, những ngày này, nhà nào cũng tranh thủ tiết trời nắng ráo đem phơi những chiếc nong to, trên đó có đủ loại như củ kiệu, hành hương rồi đu đủ, su hào, cà rốt đã chấn từng lát mỏng trông rất vui mắt. Rồi người ta trồng gừng để làm mứt, mứt nhà tuy không đẹp bằng mứt bán ở chợ nhưng bảo đảm là không có thuốc tẩy trắng. Ăn lát mứt gừng nồng ấm vào mấy ngày xuân có thể ngừa được việc đau bụng vì ba ngày Tết có quá nhiều thức ăn nhiều đạm, nhiều dầu mỡ ... Có nhà lại làm bánh thuẩn, bánh in, vẫn biết là không ngon, không đẹp như các loại bánh hộp nhiều mẫu mã ở chợ, nhưng không làm thì cảm thấy hình như thiếu đi không khí Tết.
Còn thực phẩm cũng rất đa dạng. Gà nuôi được, khi cần chỉ việc bắt làm thịt, mà lại là gà ta chính hiệu, thịt chắc, thơm ngon. Gà luộc xé phay chấm với muối tiêu rau răm kèm vài xị rượu nếp là đủ sảng khoái trong mấy ngày xuân lắm rồi. Nhà nào ở gần mặt nước thì đào ao thả cá, ngày Tết chịu khó giăng lưới là có cá tươi để nấu canh, làm lẩu ăn đổi món rồi, rất tiện. Người thì lo xa hơn, mới đầu tháng mười một đã vào các buôn làng dân tộc hỏi mua heo thượng. Loại heo này màu đen, người nuôi hay thả rong, không cho ăn cám công nghiệp nên trọng lượng không lớn và thịt rất ngon. Mua về chịu khó chăm heo vài tháng nữa là Tết, lúc đó sẽ gọi thêm anh em, bè bạn tới chung làm thịt rồi chia phần với nhau. Còn bộ lòng heo đem nấu cháo và cùng nhau nhậu một bữa cuối năm, chuyện trò rôm rả càng thêm mặn mà tình làng nghĩa xóm, vui thật là vui. Lan man nãy giờ hơi nhiều rồi, thôi, tôi xin kể tiếp chuyện rượu đây ...
Với chừng đó nếp và trước khi vắt độ tuần lễ, chồng tôi đổ thêm vào ché ba lít rượu trắng nữa, khi vắt, ché rượu sẽ cho chúng tôi hơn mười lít rượu có màu đục như sữa và thơm nồng dịu ngọt. Chắc mấy O đang tự hỏi làm rượu chi mà nhiều dữ vậy? Âỵ, lần làm lần khó mà, làm nhiều luôn thể để biếu người thân một ít, rồi dùng trong buổi tất niên, mấy ngày tân niên và lai rai ra tháng giêng nữa chứ! Đây là rượu bổ mà...
Rượu ngọt rất dễ uống nên phụ nữ cũng có thể nhâm nhi được vài ly. Nhưng đàng sau vị ngọt đó là cái say ngầm chết người khi nào không biết. Có người lúc ngồi trong bàn tiệc thì nâng ly 100% dzô...dzô... rất tỉnh táo, vậy mà vừa bước chân về nhà là lăn quay ra ngáy khò khò quên trời, quên đất. Nhưng sau giấc ngủ li bì đó, tỉnh dậy bạn sẽ cảm thấy khoẻ hơn, phấn chấn hơn chứ không mệt mỏi đau đầu như những cơn say rượu khác.
Trên đây chỉ là đôi chút tản mạn ngẫu hứng của tôi về ly rượu đầu xuân thôi. Nào, thay mặt ông dôn - người đệm đàn của tôi - mời các O cùng nâng ly và say một lần với tôi qua Rượu Tết.
TN 17 tháng chạp