Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Những ngày còn bé, sau những lần mưa bão lớn, tôi vẫn thường hay xuống cái bến con cuối đường, nhìn giòng sông cuồn cuộn chảy, đem theo phù sa từ thượng nguồn về. Thỉnh thoảng tôi thấy những thân cây, những cành cây lớn nhấp nhô giữa sông, có một, hai con chim quạ lớn đứng chông chênh trên cái rễ cây còn bám đầy đất bùn của núi. Áo len, mũ len, khăn quàng cổ dưới chiếc áo mưa, tôi và chiếc bánh dừa nóng dòn trên tay, đứng nhìn giòng nước lũ dưới bầu trời còn sũng ướt mây đen...Gió lạnh vuốt ve trên trán, trên má, mùi đất ẩm nồng nàn xông vào mũi, chất ngọt của dừa trên lưỡi, trên môi...những phút giây thật huyền diệu mà câu thơ của DTL là một lời nhắc nhở, cứ làm lao xao tâm trí cho đến bây giờ, mỗi khi nghe lại: "Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi, từ những ngày con nước về..."
Dạo đó, nhà tôi ở một ngã tư, hông nhà nằm trên một trong những con đường chính của thành phố, bên hữu ngạn của con sông. Con đường có những cây long não với vòm lá xanh rì, hôn nhau trên ngọn. Cứ chiều đến, những tà áo dài trắng như bươm bướm đổ ra đường từ cổng trường vôi hồng. Cùng một giòng là những chiếc xe đạp của ngôi trường nam bên cạnh, chạy ồ ạt ngược chiều là những xe gắn máy của các anh lớn từ các phân khoa đại học. Nón nghiêng, mắt liếc, tiếng cười nói tíu tít, tiếng xe máy gầm gừ thay số, cả con đường xinh êm trở nên linh động...nhưng sự nhộn nhịp chỉ trong một khoảnh khắc ngắn, tĩnh lặng trở lại khi đàn bướm trắng qua cầu, hay bay về đập đá...
Mặt tiền nhà tôi nhìn ra một con đường nhỏ hơn, ngắn hơn, cắt ngang bởi con đường chính, chia khu xóm ra làm đôi, xóm trên của tôi chỉ có ba ngôi nhà, đối diện ty công chánh. Xóm dưới, bên kia đường, ngoài nhà của tư nhân, còn có những công sở, và cuối con đường là đài truyền hình. Tôi vẫn theo me tôi đến trường trên khoảng đường đó, nhưng tôi không để ý nhiều những căn nhà ở khu vực này. Sau buổi học, sân chơi của tôi là vùng đất nhỏ gần nhà, bên cạnh giòng sông. Từ cái bến con cuối đường nhà tôi, chạy dọc bờ sông đến chiếc cầu "sáu-vài-mười-hai-nhịp" là một con đường ngắn, rải sỏi vụn, đầy hoa hổ ngươi nằm hai bên lề. Những lúc đi bộ, tôi vẫn hay đưa chân đá vào những nhánh lá, thích thú nhìn nó khép lại như những làn mi cong của mắt ai khi thẹn thùng. Một công viên nhỏ nằm trên đường, giữa hai công sở lớn, giữa công viên có bốn con voi đồng phun nước, có cầu tuột, có xích đu. Lớp mẫu giáo của tôi vẫn thường đến đây chơi đùa mỗi tuần. Cây phượng lớn ở chân cầu nhìn vào đài phát thanh, và đài tưởng niệm những người trẻ, những người được gọi là "thánh tử vì đạo", bị sát hại ở đấy, trong một cuộc xung đột giữa cảnh sát và những người biểu tình chống đối sự đàn áp tôn giáo của chính quyền lúc đó, vào mùa Phật Đản năm tôi lên tám. Con đường bờ sông rất vắng, không xe cộ, không người đi, chỉ có lũ trẻ con chúng tôi trong xóm, xuống đó tập đi, rồi tập đua xe đạp.
Dần hồi qua ngày tháng, chúng tôi vào trung học, người bạn nhỏ láng giềng cùng gia đình dời đi đến thành phố khác, những chiếc xe đạp bé tí bỏ lại đằng sau vườn. Cỏ dại trong công viên chúng tôi thường đến, mọc đầy, không dấu chân dẫm lên, một hai đầu voi ở đó cũng ngừng phun nước. Tôi vẫn ra bến nhìn con nước từ nguồn về trong những lần lũ lớn. Một ngày lạnh sau cơn lụt, tôi thấy người ta xuống bến nhiều hơn, thầm thì nhỏ to, nhìn lên phía núi. Một xác chết của ai đó trôi về và tấp lại gần câu lạc bộ thể thao, cạnh căn nhà cuối đường. Tôi không được xuống bờ sông trong ngày đó vì ba me tôi không muốn tôi nhìn thấy thi hài khi người ta đến vớt lên. Cơn mưa lớn đã tạnh, nhưng tôi bó gối ngồi trong hiên, nhìn bầy chim sẻ, ốm o, ra kiếm ăn trên mái nhà rêu phủ. Tôi cứ nghĩ đến người đã mất trên giòng sông, nghĩ đến gia đình của người đó, đến một cái chết cô quạnh, kinh hoàng ... con nước lô nhô, sậm màu vàng đất ngoài kia cứ ám ảnh tôi, theo tôi vào giấc ngủ. Một thời gian dài, tôi chỉ nhìn giòng sông từ cửa ngõ của nhà mình...mưa hay nắng.
Các cô con gái ở căn nhà cuối đường, cạnh giòng sông, đến tuổi dậy thì, xinh xắn và đảm đang. Họ học làm bánh ngọt, bánh pâté chaud, rồi mở một quầy bánh nhỏ, bày ngay ở góc đường trước mặt nhà của tôi. Bánh ngon và cô bán bánh dễ nhìn, nhanh mồm, nhanh miệng nên chiều nào xe cộ cũng ghé lại tấp nập. Nhiều lần, không muốn ngồi ở hiên nhà, "đếm" xe đến, xe đi ở quán bánh, tôi tìm lại con đường cạnh giòng sông như nơi "nương náu" cho những buổi chiều sau giờ tan trường. Cũng thời gian đó, bạn tôi và tôi tình cờ gặp một nhân vật thật dễ thương, từ một hành tinh thật xa vời, có chiếc khăn quàng cổ cũng vàng hoe như mái tóc, cử chỉ rụt rè nhưng dịu dàng, và đầu óc thánh thiện đầy những câu hỏi: chàng Hoàng Tử Bé (của Saint Exupéry). Tôi không biết mình gặp chàng HTB vào dịp nào, trong lớp, giờ Pháp Văn, hay trong một tiệm sách ở phố, nhưng chẳng mấy chốc, Hoàng Tử Bé, con chồn mà HTB "thuần dưỡng", đóa hoa HTB để lại ở một vì sao thật xa, cái rọ HTB muốn buộc vào miệng con cừu để bảo vệ đóa hoa...là đề tài chúng tôi thường bàn đến mỗi khi đi dạo bờ sông, nơi mà chúng tôi gọi là Con Đường của HTB. Đó là những giây phút chúng tôi cho phép mình quên đi những phiền muộn ở chung quanh, những khoảnh khắc chúng tôi để trí tưởng tượng mình bay theo mây, theo gió. Trong cuộc sống bấy giờ, những lo âu đến từ những đêm nằm nghe pháo kích ở đâu đó rất gần, những ngày đến trường thấy những chiếc xe tang đi chậm trên đường, người đàn bà đội khăn sô khóc vật vã bên chiếc quan tài, đám trẻ con ngồi trên xe nhìn quanh ngơ ngác, những buổi chiều nhìn khuôn mặt đăm chiêu của ba tôi trở về từ sở làm, những môn học cho kỳ thi khó khăn cuối năm...giòng sông linh động và con đường sỏi vụn như một cái giếng trong sa mạc, làm dịu xuống sự khát khao cho một cuộc sống yên bình, không súng đạn, chết chóc.
Ngôi nhà của tôi bây giờ không còn nữa, thay vào đó là một tiệm sách và quán cà phê. Con đường của Hoàng Tử Bé nay đã được mở rộng, nối liền hai chiếc cầu lớn bắt qua con sông. Lần cuối cùng tôi trở lại, những bụi hoa hổ ngươi đã được dẹp sạch, nhưng chưa phải là phố đi bộ, chưa có những quán cà phê và các quầy hàng, chưa ồn ào, đông đảo như ngày nay. Tôi đứng ở bến cũ, nhìn xuống giòng sông...không phải mùa lũ nên nước sông xanh biếc bên cạnh con đường nhỏ tĩnh lặng không một bóng người. Cỏ ở công viên (tứ tượng) nay đã mướt, nhưng chiếc cầu tuột không còn nữa. Cây phượng già ở chân cầu thả hoa đỏ thắm xuống mặt nước sông đang gợn sóng lăn tăn. Có ai đó hỏi tôi, chắc là nhớ thành phố một-thời-cổ-kính này nhiều lắm. Tôi chỉ cười, không trả lời, nghĩ đến câu nói của Sam Ewing, "khi bạn trở lại làng xưa, quê cũ, bạn mới hiểu rằng không phải bạn đã nhớ cái làng, cái quê của bạn, mà thật sự là bạn đã hoài mong và thương nhớ vô cùng cái tuổi thơ của bạn ở đó mà thôi".
16 tháng 10, 2017
Chin Bon
Chin Bon
Sân Chơi của Tuổi Thơ