San Francisco trip (tiếp)
Sau khi tìm được một chỗ đậu xe như ý, cả nhóm rảo bước theo Willis, những món ăn vặt đã hết, và tour guide của chúng tôi đang thèm một ly cà phê. Lang thang qua nhiều con đường, Oanh giới thiệu đây là phố Ý, qua đường kia là phố Nga, có phố Germany nửa. Mỗi dãy phố có một lối kiến trúc theo phong cách riêng.
- “Cô Trinh thích hoa, con nghĩ mình nên đi ngắm "con đường ngoằn ngoèo" đi, chú Willis!”
Tôi nghe Oanh nhắc đi nhắc lại hai ba lần, trong đầu tôi hình dung đó là một con đường đất đỏ vòng vèo, lên đồi, xuống dốc quanh co, hai bên vệ đường trồng nhiều loài hoa đẹp, phong cảnh hữu tình nên thơ. Cũng có thể là một con đường mòn, dọc theo vách núi cheo leo, hoa thơm cỏ lạ dưới chân du khách ... Hoàn toàn sai! Con đường ngoằn ngoèo mà tôi được đi hôm nay có tên là: Lombard street. Một con đường lát gạch đỏ, giống như đa số đường làng ở phố cổ Hội An. Lối giữa dành cho xe hơi và xe máy, hai bên là hoa đủ loại, nhiều nhất là Hồng tú cầu. Sát dãy nhà, có hai lối đi trên bậc tam cấp, dành cho khách bộ hành. Lombard street nguyên thủy là một dãy phố, nằm trên con dốc cao chót vót chạy theo hướng Đông Tây của thành phố San Francisco. Để tăng tính thẩm mỹ và giảm bớt tốc độ của xe cộ lưu hành, vào năm 1922, người chủ đất vùng này, ông Carl Henry đã đề nghị thiết kế con đường từ đỉnh dốc đổ xuống, một chiều, xuyên giữa hai dãy phố theo hình chữ Z ngoằn ngoèo. Dốc, đường đồi, tạo ra những đường cong sắc nét, hai bên là những ngôi nhà tuyệt đẹp. Mỗi phần sân nhỏ phía trước nhà cũng nhấp nhô theo độ cao con dốc và cỏ cây hoa lá được chăm bón cắt tỉa vô cùng hoàn mỹ. Đây cũng là khu phố có bất động sản đắt đỏ nhất San Fran.
Nếu đứng từ đỉnh cao của con phố, tôi có thể nhìn thấy một phần của vịnh San Fran và thành phố bên dưới. Thong thả đi theo bậc thang hai bên đường, ngắm hoa nở bạt ngàn tứ phía, xuống tới bậc dưới cùng nhìn lên, càng tuyệt vời hơn nữa. Tôi đếm được tám chữ Z nối tiếp nhau tạo nên một con đường hoa tươi thắm dài khoảng 400 mét. Sinh động hơn với dòng suối dường như vô tận của xe ô tô chảy xuống. Đến với phố Lombard là đến với một không gian đầy màu sắc, nhiều loại hoa đẹp đang nở rộ như lạc vào cỏi thần tiên. Con đường ngoằn ngoèo nhất Hoa kỳ không những cho tôi cảm giác thú vị mà còn khoan khoái tâm hồn, hít thở không khí trong lành và chụp được vô số ảnh đẹp. Xa xa đàng kia, giàn hoa giấy màu tím nhà ai đầy hoa, che lấp nguyên một mảng tường phía mặt tiền căn nhà, khiến cô nàng Thu Vân thắc mắc hoài: Vì răng mà hoa giấy nhà tui trồng, chỉ có lá, không có hoa hè? Nguyệt Nga thì chăm chú chụp ảnh hoa cận cảnh, như một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp! Tội nghiệp bé Oanh đi theo tôi chụp ảnh, làm đạo diễn cho tôi khi người mẩu uốn éo … không đúng điệu.
Đi bộ một hồi lâu, cả bọn đều đã đói bụng nên vợ chồng Thu Vân mời đi ăn trưa. Tôi ưu tiên được chọn sẽ dùng món ăn Ý, Thái Lan hay Tàu, Việt …? Thật tình tôi không biết, đang phân vân thì bé Oanh nói:
- Còn phố Tàu mình chưa đi, cô Trinh!
- À, rứa thì sẳn đây mình kiếm nhà hàng Tàu đi.
Cả bọn vào một nhà hàng khá lớn, đang đông khách, hy vọng còn có món “điểm sấm”. Nhìn đồng hồ thì đã 3 giờ chiều, điểm sấm chỉ còn vài ba món nên chúng tôi gọi thêm món cải làn xào và súp hải sản. Tuy vậy, đang đói bụng nên chúng tôi thưởng thức khá hào hứng. Nhắp vội chén trà nóng, Willis vội vàng dắt cả nhóm ra phố tiếp, Oanh đề nghị ghé qua một tiệm bánh ngọt, chúng tôi hưởng ứng liền. Món bánh trứng custard Oanh giới thiệu thật tuyệt, là bánh nướng có vỏ giòn, phần trứng ở giữa không ngọt lắm, béo và thơm lừng. Thoang thoảng đâu đây mùi cà phê, à thì ra Willis đã tìm thấy …“chân lý”. Chúng tôi vào quán cà phê, Oanh và Willis được thưởng hai ly cà phê trông rất hấp dẩn vì người pha chế bằng cách nào đó, đã pha hai ly cà phê có hình lá và hình trái táo nổi trên mặt, trông rất đẹp mắt. Rời quán cà phê, chúng tôi lại lang thang trên phố, đây là phố Tàu đúng y, từ xa đã thấy hai hàng lồng đèn đỏ lủng lẳng, bên tai nghe tiếng xí lô xí la ồn ào, hàng hóa bày hai bên đường lộn xộn, mùi rác thải hôi nồng. Nghe nói, Phố Tàu ở San Francisco tấp nập nhất thế giới, chỉ nhỏ thua phố Tàu ở bên Tàu mà thôi. Đây là một khu dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất, nếu khi đi du lịch mà bạn lở quên hay thiếu bất cứ món gì, hảy ra phố Tàu, có tất cả, kể cả những hoạt động mờ ám, như cờ bạc hay hàng hóa giả mạo.
Willis đã được chích một liều cà phê nên tỉnh táo hẳn, anh hăng hái đi trước để tìm xe. Còn lại bốn cô nương tiếp tục lê bước qua những con dốc cao, đến một ngả tư đường, chúng tôi bị chặn lại vì … đàng kia, một nhóm làm phim đang diễn một cảnh bạo lực. Hèn gì giữa phố xá tân thời lại thấy mấy chiếc xe cổ lổ sĩ nằm ngang, nằm ngửa, cây cối trốc gốc từ đâu ngã nghiêng bên đường … đóng phim mà! Sức người có hạn, đi một hồi lâu, chẳng thấy ôn đâu, cả bọn mệt nhoai nên rủ nhau ngồi lại ở một dãy ghế bên đường, Williss lái xe ghé vào đón. Chợt nhớ ra mãi ăn nhậu, chưa có tấm ảnh nào ớ phố Tàu, thế là tài xế phải chịu khó dừng xe để bốn O nhảy xuống chụp ảnh. Oanh đúng là liều mình vì nhiệm vụ, cô bé ngắm một đoạn đường vắng, bắt tôi ra đứng giữa phố để chụp hình hai dãy nhà cao hun hút, nằm sát vách nhau trên một con phố cũng cao ngất, Oanh nói, đó là biểu tượng nhà cửa của thành phố San Francisco.
Khi Willis đưa chúng tôi về đến Alameda thì ánh nắng chiều đã dịu, anh chạy xe loanh quanh cho chúng tôi thăm thành phố Alameda, nơi anh và Vân đã xây tổ ấm từ ngày thành hôn đến nay. Thành phố nhỏ êm đềm này thật dể thương với những con đường êm đềm, có hai hàng cây già nhưng không cao lắm, cành lá giao vào nhau, gió đưa rì rào. Những hạt nắng chen vào kẻ lá, rơi xuống mặt đường như những bông hoa nắng, hình ảnh này khiến tôi chợt nao nao nhớ đến đoạn đường Quang Trung, ngang qua trường Bồ Đề Đà Nẵng với hai hàng kiền kiền, ngày xưa tôi và Thu Vân, Thu Hà đã từng đếm bước. Bé Oanh thích quá, đến một ngả tư, xe phải ngừng chờ đèn đỏ, Oanh hối hả:
- Chú Willis! chờ cho con nhảy xuống chụp tấm hình con đường này nghen.
Anh Willis là gươm lạc giữa rừng hoa nên đâu nở lòng từ chối.
Về đến nhà, Willis lại đưa chúng tôi đi “thăm điền thổ”. Thật tuyệt vời, vòng ra ngã sau khu nhà Thu Vân, một bên là nhà một bên là mé sông, thì ra xóm nhỏ này tiếp giáp một cửa sông, gió từ dưới sông thổi lên mát rượi. Chúng tôi khoác tay nhau đi dạo dọc theo bờ sông mà nhớ đến dòng sông Hàn của Đà Nẵng dấu yêu. Gió chiều lồng lộng, man mát, ai nấy cảm thấy khoan khoái vô cùng. Vân nói, đây là cây cầu dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp, hiện nay thành phố đang khuyến khích đạp xe đạp để giảm bớt ô nhiểm. Bé Oanh nghe rất thích vì cô nàng này đang lên chương trình rủ Hải đạp xe mỗi cuối tuần để … giảm cân!
Chúng tôi vào nhà Thu Vân, hai ôn mệ cho chúng tôi thưởng thức những trái cam ngọt lịm và ngắm vườn hoa sau nhà. Chú Willis chu đáo pha cho Oanh một ly sửa nóng. Vân thì giới thiệu cho chúng tôi cái ly bé tí mà mấy đứa con tặng mẹ để uống cà phê, vì Vân không thể uống cà phê nhiều, chỉ một chung nhỏ xíu như ly rượu mà thôi. Trong khi Willis trổ tài đánh đàn piano thì các bà tám chuyện, câu chuyện lại xoay quanh viêc nuôi dạy con cái. Chúng tôi bàn về quan niệm chăm con của người Á châu, thời cha mẹ chúng ta là hy sinh tất cả vì con, hướng dẩn, hay nói đúng hơn là điều khiển mọi thứ để các con có một tương lai tốt đẹp như ý cha mẹ. Khi về già thì phải sống chung với con, mới ấm lòng. Người nào không ở chung với con thì cảm tấy tủi thân, cô độc. Trái lại, quan niệm của người bản xứ thì khác, có nhiều cụ ông cụ bà sẵn sàng dọn nhà đến ở gần nhà con để giúp đở chăm lo cho cháu, nhưng không thích ở chung. Họ quan niệm, mỗi thế hệ cần có một không gian riêng. Những dịp lễ, con cái chia sẻ thời gian với cha mẹ là một niềm hạnh phúc vô biên, có bao nhiêu vui bấy nhiêu, không đòi hỏi, không trách móc như người Á châu mình. Vân đã kể những kỷ niệm thật cảm động, thật đẹp về mẹ chồng mình và kết luận: Vân đã học được ở bà rất nhiều điều, qua cách bà biểu lộ tình yêu thương với con cái, với dâu, với cháu. Đó là thứ tình cảm đầy vị tha và trân trọng.
Chúng tôi chia tay vợ chồng Vân, ra về trong bịn rịn. Tôi hứa với Vân sẽ đưa Ba tôi sang thăm Cali một lần, để ông cụ được tận mắt ngắm cây cầu treo nổi tiếng. Ba tôi ngày xưa làm ở Ty Công Chánh thành phố Đà Nẵng, chuyên vẽ họa đồ về cầu đường nên đối với ông đây là một đam mê. Câu nói của Vân còn văng vẳng bên tai tôi: Nhớ nghe T, đi với Ba nghe, chuyện gì làm được cho cha mẹ thì mình cố gắng làm cho tròn.
Cám ơn Vân và Willis đã cho chúng tôi một ngày vui đầy ý nghĩa. Alameda là một thành phố dễ thương như tâm hồn đôi bạn tôi, lúc nào cũng an nhiên tự tại.
(còn tiếp)