Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
SƯƠNG AN VÀ THẦY ANDREW
Sương An cho xe vào parking nhỏ ở dưới chân đồi. Từ đây, nhìn lên, không cao xa quá tầm mắt, nơi lưng chừng đồi, Sương An trông thấy ngôi nhà nguyện kiểu chapel màu trắng, với những bờ tường có dây cát đằng leo kín xanh rì, và hoa hồng tỉ muội nở đầy cả một khoảng sân nhỏ phía sau. Nơi đây mỗi chiều từng hồi chuông gióng giã ngân nga cho tâm hồn con người bềnh bồng êm ả. Còn những lúc khác thì khung cảnh rơi vào một nỗi yên lặng thần thánh. Yên lặng có khi nghe rõ tiếng lá rơi nhẹ trên mặt cỏ ướt sương đêm qua, hoặc là nghe luôn nhịp đập của trái tim mình. Sương An vẫn thích để xe ở đây rồi thong thả đi bộ lên, khoảng mười phút là đã đến bậc thềm đá xám, với cánh cửa có mái vòm hình bán nguyệt đỏ thẫm, và Sương An lắng nghe tiếng chuông reo trong nhà khi ngón tay mình vừa ấn nhẹ vào cái nút ở bên ngoài. Rồi thầy Andrew hiện ra sau cánh cửa mở:
- Hi Sương An. Hôm nay thế nào?
- Chào thầy ạ, thầy khỏe không, mẹ Sương An có gởi cho thầy một ít mầm giống của hoa thược dược, mẹ nói hoa nhiều màu lắm nên khi nở sẽ làm xinh xắn thêm cho sườn đồi này.
Thầy Andrew đỡ lấy cái giỏ nhỏ từ tay Sương An:
- Để thầy sẽ trồng chiều nay cho kịp tiết xuân, mẹ nói đúng, cây trồng khó nhọc một lần nhưng sẽ cho vẻ đẹp thật nhiều lần, nhớ chuyển lời cám ơn của thầy đến mẹ nhé.
Sương An bước vào phòng dương cầm và ngồi xuống ghế, nơi cây đàn màu nâu sẫm có cuốn tập nhạc đã được thầy Andrew mở sẵn từ trước, đó là thói quen của thầy khi bắt đầu vào giờ dạy đàn mỗi cuối tuần, cho những cô bé học trò như Sương An từ bao năm nay. Cũng như mọi lần, thầy tập lại bài Aline cho Sương An, với những ngón tay thon cho tiếng dương cầm dìu dặt, thánh thót vang xa bên ngoài khung cửa:
"Ngồi họa hình người tình vào bãi cát vàng
Hình dáng em ngoan nụ cười ôi mến thương
Rồi trời mịt mù...làm mưa rồi xóa nhòa
Hình dáng nên thơ chìm dần trong bão mưa...
Rồi tìm tìm hoài ,rồi trông ngóng đợi
Người hỡi có ai về tìm em giúp tôi...
Aline! Gọi tên người yêu ...
Aline!..."
- Hôm nay Sương An đàn hay lắm...
Sương An ngước đôi mắt đen ướt lên nhìn:
- Thầy biết tại sao vậy không?
Thầy Andrew nhướng mắt tỏ ý thay cho câu hỏi, Sương An cười:
- Tại vì tên của Sương An là Aline!
Thầy Andrew quay người đi vài bước rồi giọng trầm xuống:
- Sương An chuyển qua bài Giòng sông xanh đi thôi.
Sương An lại cúi xuống, ngoan ngoãn cho mười ngón thiên thần lã lướt trên phím ngà...
"Một giòng sông xanh xanh, một giòng tràn mong manh
Một giòng nồng ý biếc một giòng sầu mấy kiếp
Một giòng trời xao xuyến một giòng tình thương mến
Một giòng còn quyến luyến
Một giòng nhớ quay về đợi lúc mơ huyền...
Sau giờ học đàn ra, Sương An chầm chậm lái xe rời khỏi con dốc yên tĩnh, rẽ vào lối nhỏ Dunaire để về nhà, lại phải qua một con dốc nữa. Mẹ Sương An bảo thành phố Charlotte này có nhiều nét từa tựa như Đà Lạt thơ mộng của mẹ ngày xưa. Hết lên dốc lại xuống dốc và nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc Âu châu với những bờ tường đỏ sậm cổ kính và trầm mặc. Mẹ Sương An vẫn thường nói nhà mình rất giống ngôi nhà của ông bà ngoại Sương An ở Việt Nam, chỉ khác nơi chốn mà thôi. Mùa hè ở đây nóng kinh khiếp, mỗi sáng sớm còn được nghe bầy ve sầu cuống quít, kêu vang trên cành cây cổ thụ còn sót lại đằng sau khỏang sân nhà Sương An. Nơi cửa sổ phòng Sương An nhìn xuống, rực lên màu hồng đậm nhạt của các loài hoa.
Xa hơn là mặt hồ nhỏ xanh êm, soi bóng hàng dương liễu rủ mềm những nhánh dài tha thướt, lâu lâu có vài chiếc canoes nhỏ chạy vút qua, để lại vô số đợt sóng trắng xóa dạt ầm ầm vào bờ, làm bầy bồ câu hiền lành đang ăn những hạt cỏ gần đó hoảng hốt vỗ cánh bay đi. Thuở nhỏ, khi Sương An đang còn ở lớp tiểu học, vào những ngày hè rãnh rỗi, đôi khi hai mẹ con Sương An theo ông già bản xứ David bên hàng xóm, mà Sương An thường gọi là ông nội, cùng nhau ra tới gần cây cầu ngắn nhô ra nơi mé hồ, đặt xuống nước những cái giỏ bằng nhựa có ô cửa mở sẵn, ở trong giỏ ông đã cài vào vài con tôm nhỏ làm mồi, rồi cả ba người ngồi bệt trên cầu hóng từng cơn gió mát, nói về những tin tức thế giới hoặc về thời tiết sắp tới. Hoặc mẹ Sương An gọi nói chuyện với một vài người bạn thân ở Cali cho qua nhiều giờ chờ đợi, trong khi con gái nói đủ thứ chuyện với ông già tính tình rất dễ thương. Sương An thích thú nhất là khi ông kéo những chiếc giỏ lên, bên trong có vài ba con cá bass dãy dụa vì bị mắc vào cái lưỡi gắn mồi bên trong giỏ. Những chiếc giỏ còn lại có những con tôm càng không lớn lắm, vỏ tôm xanh rì, ông đưa tất cả cho Sương An và nói:
- Như thế cũng khá nhiều rồi, chỉ là cho vui thôi...
Sương An nói:
- Cám ơn ông nhiều lắm, mẹ cháu sẽ nấu chúng thành những món ăn rất ngon để mang qua tặng ông, lần khác mình còn tới đây nữa không hả ông? Cháu rất thích.
- Nếu cháu thích thì sẽ có những lần sau nữa...
Nhưng rồi những mùa hè tuổi nhỏ cũng trôi nhanh, Sương An không còn thích đi bắt tôm cá ngoài bờ hồ nữa, và ông già cũng qua đời cách đây mấy năm, ngôi nhà đã có người chủ khác dọn tới và có vẻ không mấy thân thiện với hàng xóm nên Sương An thường cùng mẹ tới nhà nguyện giúp thầy Andrew trồng hoa. Ngoài giờ dạy đàn piano ra, thầy còn dạy thêm phần đọc và viết tiếng Việt cho Sương An nữa.
Ở tuổi vừa lớn, Sương An mỗi tuần tới học đàn với thầy Andrew, nghe xôn xao trái tim con gái khi thầy vừa dạo đàn vừa cất tiếng hát, mỗi lần đến câu "Aline!... Aline!" thì Sương An cảm thấy rung động như thầy đang gọi chính mình...
- Tại sao lần nào thầy cũng khen Sương An vậy hả?
- Tại vì Sương An rất dễ thương...
Những buổi học đàn mỗi thứ bảy rồi cũng trôi qua nhanh chóng, đã vào Mùa Chay, tuần đầu tiên thầy Andrew nói với Sương An:
- Sau lễ Phục Sinh thầy được thụ phong linh mục rồi Sương An à...
- Vậy hở, khi đó Sương An sẽ gọi thầy là Cha phải không?
- Đúng rồi, nhưng...
Sương An nghiêng đầu:
- Thầy nói nữa đi.
- Sương An đàn điêu luyện lắm rồi, có thể chưa qua hết mùa xuân, trước tuần thánh là thầy không còn dạy Sương An được nữa. Sau khi thầy thụ phong, chắc gì Sương An còn gặp lại thầy, cho nên Sương An phải hoàn tất chương trình ngay bây giờ thì mới kịp. Có gì chưa hiểu nên hỏi thầy liền nhé, bé con!
Sương An sa sầm nét mặt, thầy Andrew lạ ghê chưa, trước hay sau lễ thụ phong của thầy thì cũng giống nhau, có gì khác lạ đâu mà thầy nói như không còn cơ hội gặp Sương An nữa, có khác chăng thì chỉ là Sương An phải gọi thầy là Cha thôi, thầy vẫn là thầy Andrew thân ái của Sương An mà.
Ngẩng lên nhìn thầy Andrew, Sương An cố gắng hình dung ra sau lễ thụ phong, thầy sẽ khoác áo chùng dài màu đen của vị linh mục, với đôi kiếng trắng, cử chỉ thầy rất dịu dàng, nhưng mà Sương An không biết là thầy có khó tính hơn sau lớp áo khả kính kia không nữa.
Nhớ lại trước đây khoảng hơn ba năm, vừa qua sinh nhật tuổi mười tám, khi Sương An chuẩn bị vào UNCC để học năm đầu tiên thì thầy Andrew, lúc này đang là thầy sáu, được bổ nhiệm về giáo xứ Charlotte, phụ giúp cử hành thánh lễ cùng với linh mục chánh xứ. Ngoài ra, mỗi thứ bảy hàng tuần thầy còn có lớp dạy piano mà Sương An là một trong những cô học trò nhỏ dễ thương nhất của thầy.
Thỉnh thoảng trong tuần mẹ Sương An thường nhờ cô con gái mang những ổ bánh nhỏ xinh tự tay mẹ làm để biếu thầy Andrew, hoặc mẹ nhờ Sương An ra những nurseries tìm các giống hoa lạ đem đến trồng quanh ngôi nhà nguyện trắng, là nơi các giáo dân cũng thường đến đọc kinh và cầu nguyện mỗi chiều, phía sau có căn nhà nhỏ xinh cũng màu trắng, là nơi ở của thầy, cũng vừa là lớp dạy đàn cho bầy trẻ ríu rít bước chân chim sẻ...Mẹ thường nói với Sương An là cuộc sống của con người sẽ đẹp hơn nếu chung quanh mình nở rất nhiều hoa.
Nhiều năm trước, khi gần hết mùa Chay, qua khỏi Chúa nhật Lễ Lá, đầu tuần thánh Sương An giúp mẹ chuẩn bị nhiều vật liệu như trứng gà, phẩm màu, những chiếc giỏ nhỏ đan bằng tre dùng đựng trứng xinh xắn, sẵn sàng để mẹ luộc và nhuộm, trang trí trong buổi Easter Egg Hunt cho thiếu nhi vào ngày Chúa nhật Phục Sinh sắp tới. Sương An mê ơi là mê những quả trứng đủ màu do mẹ làm, thay vì đi nhặt trứng ngoài park với đám bạn cùng lớp giáo lý thời bé, Sương An được mẹ ưu ái dành riêng cho một giỏ đầy trứng và một bầy thỏ màu hồng tuyệt đẹp. Nhưng bây giờ Sương An không háo hức như thời còn nhỏ nữa, Sương An đã lớn rồi mà. Điều bây giờ Sương An bận tâm nhất là thầy Andrew sẽ được thụ phong.
Nghĩ đến thầy Andrew, Sương An nhẩm tính, như thế là mình chỉ còn học đàn với thầy vài ba buổi nữa thôi, như thầy đã nói, sau Phục Sinh thầy không còn dạy đàn cho học trò, Sương An nghĩ chắc là thầy sẽ bận rộn hơn với chức vụ quan trọng mới của đời tu sĩ. Đột nhiên Sương An cảm thấy hụt hẫng, nếu sau này mình không còn học đàn, không còn gặp thầy Andrew như trước đây nữa thì mỗi chiều thứ bảy mình sẽ sống ra sao, nếu như mà...
Mang tâm trạng như vậy vào lần học cuối, ngập ngừng mãi rồi Sương An hỏi thầy Andrew:
- Thầy ơi, rồi sau này Sương An học đàn ở đâu, Sương An chỉ muốn học với thầy thôi à...
Thầy Andrew quay đi, lãng tránh đôi mắt rưng rưng chứa đẫm nước của Sương An:
- Ở thành phố này có nhiều lớp dạy đàn lắm mà, Sương An hãy ghi danh vào đó học, học ở đâu thì cũng vậy thôi...
- Khác nhau nhiều chứ, Sương An không muốn đâu, tại vì...vì...Sương An biết sau này Sương An sẽ nhớ thầy nhiều lắm.
Thầy Andrew thoáng chút bối rối:
- Đừng nói vậy mà Sương An, ngoan nhé...
Sương An cúi đầu, nghẹn ngào:
- Thầy Andrew...
Thoáng bối rối qua thôi, rồi thầy Andrew nhìn Sương An bằng đôi mắt cương nghị của một người lớn hơn Sương An mười mấy năm:
- Sương An còn rất trẻ, rồi Sương An sẽ tìm thấy một tình yêu thích hợp cho mình, hãy quên thầy đi, Sương An!
Từng giòng nước mắt tiếp nối rơi rơi trên khuôn mặt của Sương An, gần như thay thế hàng vạn lần câu trả lời. Thầy Andrew lại nói, âm vực trầm xuống bởi ân hận xót xa, là một lời thú tội:
- Sương An à, xin lỗi, cho thầy ngàn lần được xin lỗi, vì thầy...vì tôi...cũng bởi vì tôi không thể, tôi không thể nào mà Sương An, cuộc đời tôi đã dành cho Thiên Chúa rồi, lòng tôi đã quyết, mong Sương An hiểu, và thông cảm cho tôi. Cho tôi được ngàn lần xin lỗi, và ngàn lần cám ơn Sương An...
Tai Sương An ù đi như có hàng ngàn con ong đang hợp đàn bay quanh trong đầu. Sương An bước nhanh ra cửa, chạy nhào xuống con dốc lá cuốn lao xao bước chân, rời khỏi ngôi nhà nguyện có tiếng cầu kinh rì rầm, và gục đầu hồi lâu vào tay lái trong xe. Cuối cùng Sương An cho xe chạy đi, xa dần ngọn đồi nhỏ, xa dần ngôi nhà nguyện quá đỗi thân yêu của tuổi vừa lớn đầy mộng mị thần tiên, có nhiều ánh sáng của ảo tưởng mơ hồ phản chiếu lấp lánh...
Những ngày tiếp theo, Sương An thẫn thờ bỏ bê mọi việc học hành, khi vào lớp, Sương An không thể nào tập trung trí óc để làm bài như trước nữa. Sương An lái xe vòng vòng quanh thành phố lúc này hoa đào và hoa mơ đang tiết nở trắng xóa hai bên đường, nơi Sương An đang thẫn thờ ngang qua, rồi theo thói quen, Sương An lại thấy mình đang lần về con dốc dài dẫn lên ngôi nhà nguyện nhỏ, nơi Sương An có biết bao nhiêu là vui buồn thời mới lớn. Đứng ngơ ngẩn một lúc dưới chân đồi, Sương An lại buồn bã lên xe quay về nhà. Cho xe vào garage, khi ngang nhà bếp, Sương An thấy mẹ đang sửa soạn cho bữa cơm tối, vừa cất tiếng chào mẹ đã về là Sương An chạy vội vào phòng, vùi đầu trên gối khóc mùi mẫn. Mẹ hốt hoảng bỏ hết tất cả chạy theo con gái:
- Có chuyện gì kinh khủng vậy hả con?
Sương An nói trong tiếng nấc:
- Con khổ quá mẹ ơi, mẹ cứu con với mẹ!
- Con phải nín khóc, nói từ đầu thì mẹ mới giúp con được chứ, ngoan nào, nói đi con.
Cô con gái yêu quý nói từng chữ một:
- Thầy Andrew không có thương con mẹ à...
Lạy Chúa tôi! Con gái tôi làm sao thế này. Mẹ Sương An choáng váng như vừa nghe tiếng sét đánh bên tai:
- Sương An! Con nói sao? Con đã làm gì, con có biết vậy là không thể được hay không?
- Nhưng chuyện này đến với con tự nhiên mà mẹ, con không ngăn được chính con, bây giờ con phải làm sao?
Sương An lại ôm mặt khóc từng cơn, mẹ đau đớn nhìn Sương An:
- Thầy Andrew sắp thụ phong linh mục rồi, con nên hiểu điều này chứ.
Mẹ yên lặng suy nghĩ một lúc, rồi mẹ cương quyết:
- Mẹ phải cứu lấy con, ngay bây giờ. Sương An! Hãy ngồi dậy cùng đi với mẹ ra nhà nguyện gặp thầy Andrew, mẹ rất muốn thầy cho mẹ lời khuyên, sau đó cả mẹ lẫn con phải vào cầu nguyện xin Chúa ban cho con nhiều nghị lực để vượt qua lần ngã đầu đời rất lớn này, nhanh đi con, để mẹ ra ngoài chuẩn bị.
Rồi hai mẹ con lại lái lên con dốc dài dẫn đến ngôi nhà nguyện trong nắng chiều đang buông dần. Mẹ Sương An bấm chuông, một người phụ nữ vẫn thường giúp nhà thờ những việc lặt vặt nhanh chóng ra mở cửa:
- Thưa bà cần gì ạ?
Mẹ nói:
- Xin bà làm ơn cho tôi gặp thầy Andrew, ồ xin lỗi, cha Andrew ạ.
Người phụ nữ lịch sự :
- Dạ thưa bà, theo lịch đã được sắp xếp để chuẩn bị cho việc quan trọng, thì cha Andrew sẽ cấm phòng từ đầu tuần thánh, không thể tiếp ai cả, rồi sau Phục sinh ngài sẽ sang Ý và cùng gia đình ở đó tham dự lễ thụ phong linh mục của ngài. Khi trở lại Mỹ, ngài sẽ nhận nhiệm sở mới, đến một giáo xứ xa xôi nào đó để chăm sóc, không trở lại đây nữa.
Sương An cơ hồ muốn khuỵu xuống, mẹ ôm lấy bờ vai của cô con gái nhỏ, Sương An nghe loáng thoáng tiếng mẹ:
- Cám ơn bà nhiều lắm, xin chào bà.
Sương An đi theo tay dìu đỡ của mẹ ra khỏi ngôi nhà nguyện một thời thân quen, mẹ nói như dỗ dành:
- Mình về thôi con, con cứ nhớ là lúc nào cũng có mẹ ở bên cạnh con để cho con tựa vào. Rồi hai, ba năm sau nữa con sẽ nguôi ngoai...
Sương An bật khóc không che dấu:
- Nhưng con yêu thầy Andrew...
- Mẹ biết, nhưng đâu thể được hả con, mới ngoài hai mươi, sau này khi quên được thầy Andrew rồi, con sẽ thấy rằng ngày hôm nay con đã làm một việc không đúng. Thầy đã có ngày đầu tiên đến đây thì thế nào cũng phải có ngày cuối cùng để thầy rời khỏi chúng ta, đó là qui luật của cuộc sống. Sương An, Aline của mẹ, hãy nghe mẹ, con nhé.
Sương An khóc sướt mướt:
- Bây giờ con phải làm sao hở mẹ?
Mẹ ôm lấy Sương An vỗ về, nói dịu dàng như nói với chính mẹ:
- Con nghe mẹ nói đây, hai mươi mấy năm trước, khi Hội Thiện Nguyện đưa gia đình mình về định cư ở Charlotte này, mẹ chưa hình dung ra được nơi sắp đến có nhiều con dốc như vậy, là vì thành phố được xây dựng trên một khu rừng lớn, rất nhiều ngọn đồi nhỏ, và đâu đó mặt đất trũng xuống thành hồ nước như đằng sau nhà mình. Mãi sau này thì mẹ thấy rằng cuộc sống của con người sẽ có những lúc thăng trầm tựa như mình phải hì hục leo qua nhiều con dốc, rồi lại xuống dốc, mà muốn vượt qua con dốc đó, con phải dùng đôi chân và sức lực của chính mình, chứ không ai giúp mình được đâu con!
Mẹ nói tiếp:
- Mẹ nhớ khi con ra đời, rồi tiếp theo ba con lâm bệnh, và bỏ đi vĩnh viễn , thì mẹ con mình cũng phải cùng nhau vượt qua con dốc lớn đó. Theo thời gian, mẹ cũng đi qua được. Nên nghe mẹ, Sương An, con còn mẹ để con tựa vào mà, con đang còn phía trước rất dài...
Aline của mẹ, hãy làm cho cuộc sống đẹp hơn bằng cách cùng với mẹ đi tìm những hạt giống của hoa...
Tammy Tran
3/2012