Tấm Bưu Ảnh
Từ chỗ làm về đến nhà, như thường lệ, tôi ngừng xe, bước đến thùng thư trước nhà nhặt mấy phong bì. Thường là các hóa đơn gas, điện …vài tấm giấy quảng cáo … Ánh mắt tôi dừng lại ở một tấm bưu ảnh. Tôi lật qua lật lại, ngắm nghía trước khi đọc những dòng chữ trên bưu ảnh. Đó là tấm ảnh gởi qua bưu điện, lớn bằng hai bàn tay. Một mặt là phong cảnh vịnh Hạ Long, trên góc phải có dòng chữ Thắng cảnh Việt Nam. Mặt kia là tên họ và địa chỉ của tôi được viết cẩn thận và khiêm tốn ở góc phải, hai con tem đóng dấu Bưu Điện Hùng Vương - Đà Nẵng ở phía trên. Phần còn lại, hơn phân nữa tấm bưu ảnh đầy những dòng chữ nhỏ, nét nghiêng nghiêng, đều đặn. Chắc chắn là nét chữ của người lớn tuổi. Tôi ngẩm nghĩ hoài vẫn không đoán ra người gởi là ai, lòng đầy thắc mắc, ánh mắt tôi lướt vội …
“ Đà Nẵng ngày 12 tháng 10 năm 2011
T thân mến
Tôi muốn viết thư thay vì gởi email (tiện lợi hơn nhiều) nhưng thư gởi qua bưu điện lúc này thất lạc nhiều quá nên tạm gởi cho T một bưu ảnh vậy. Bài viết của T trên internet sau ngày ra đi của cô Khuê đã làm tôi xúc động rất nhiều nhưng đó cũng là một niềm an ủi. Cám ơn những hồi tưởng của em về trường Hồng Đức đã làm tôi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm của trường xưa, mà tôi và cô Khuê đã sống những tháng ngày thật vui vẻ, đầm ấm.
Tháng bảy vừa qua, nhiều cựu nữ sinh Hồng Đức và tôi đã làm lễ giỗ một năm ngày mất của cô Khuê. Thời gian qua nhanh nhưng chưa đủ làm vơi đi nỗi buồn đau quá lớn. Nhưng dĩ nhiên là chuyện gì cũng phải tự giải quyết vì ai cũng phải đương đầu với cuộc sống hiện tại. Sức khỏe của tôi vẫn bình thường. Cho tôi gởi lời mến thăm đến em và gia đình. Mong có dịp gặp lại em tại Việt Nam trong thời gian không xa. Thân chúc em mọi điều tốt lành.”
.........
Lòng tôi reo vui. A... là của Thầy Nguyên. Tôi ngắm nghía tấm bưu ảnh. Nghiêng qua một góc nhỏ khác là tên người gởi viết bằng nét chữ in hoa, “Đỗ Nguyên” và địa chỉ. Tôi đọc một lần, rồi hai ba lần nữa. Từ thắc mắc sang đến ngạc nhiên xen lẫn với muôn vàn cảm động. Những dòng thăm hỏi ngắn trên tấm bưu ảnh gói ghém biết bao tình cảm quí báu khiến tôi bỗng tham lam ao ước, phải chi thấy viết nhiều hơn chút nữa.
Thầy Nguyên là người gắn bó với nhiều thế hệ học sinh trường Nữ trung học Hồng Đức một thời yêu dấu của chúng tôi, từ trước đến nay. Thuở ấy, thầy là giáo sư dạy Sử Địa của trường và được chúng tôi biết nhiều hơn với vai trò một Quản thủ Thư Viện. Ngày nay con đường ngang qua trường đã đổi tên, hai hàng kiền kiền cũng đã bị đốn mất nhiều do mở mang đường sá. Sân trường có thêm nhiều xây dựng khác, từ dãy lầu chính nằm ngang nhìn ra đã không còn thấy Thư Viện của trường xưa nằm dựa lưng với phòng Nữ Công Gia chánh và một khoảng trời rợp lá bạc hà xanh mướt. Trường Nữ đã hoàn toàn biến mất dưới một tên gọi mới. Không còn dạy học nữa nhưng thầy Nguyên vẫn thường xuyên gặp gở nhóm cựu thầy cô và nữ sinh của trường dưới mái nhà của cô thầy. Nhiều tài liệu lịch sử, những cuốn sách hiếm đã được thầy cô gìn giữ, nâng niu qua nhiều năm tháng. Do vậy, căn gác nhỏ của cô thầy cũng như một thư viện be bé mở cửa đón nhóm học sinh cũ có tâm hồn hoài niệm. Cũng là nơi chất chứa bao kỷ niệm thầy trò, chia chia sẻ bao kinh nghiệm về giáo dục cũng như quan niệm sống, thể hiện mối quan hệ tôn sư trọng đạo thật hiếm có trong xã hội đương thời.
Tôi là học trò của cô Ngọc Khuê, vợ thầy. Cô vừa qua đời cách đây hơn một năm. Cô ra đi trong thanh thản ở tuổi bảy mươi, trước khi tôi có dịp về thăm cô một lần. Nỗi nhớ thương và những kỷ niệm về cô đã được tôi bày tỏ qua bài viết ngắn đong đầy nuối tiếc, trong ràn rụa nước mắt. Bài viết được gởi lên trang web trường xưa nên cuối cùng đã đến với thầy.
Năm trước có người bạn về Đà Nẵng, thầy Nguyên đã gởi cho tôi tấm ảnh của thầy và cô Khuê chụp ở Sài Gòn trước khi cô qua đời chừng vài tháng. Vẫn là hình ảnh một cô Ngọc Khuê nhỏ bé, dịu dàng. Cô mảnh mai, nhỏ bé hơn ngày xưa vì trải dài những ngày tháng sau cùng với căn bệnh nan y nhưng nét mặt cô vẫn tươi tắn. Cô mặc sơ mi hoa đỏ li ti và quần tây màu trắng đứng khép nép bên thâỳ như thuở nào. Tóc cô chưa thấy bạc, vẫn còn nhiều lắm, đen và mượt được thả dài chấm vai với nụ cười quen thuộc làm khuôn mặt cô rạng rỡ. Ánh mắt sau làn kính lão vẫn tươi vui, không giống là một bệnh nhân nan y chút nào. Thầy Nguyên tuy tóc đã bạc trắng nhưng dáng dấp còn khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, miệng cười rất tươi. Phía sau lưng thầy cô tôi có thể nhìn thấy mùa xuân Canh Dần đang nở rộ với những chú cọp, câu đối viết bằng thư pháp. Hoa xuân rực rở khoe sắc khắp lối đi. Tôi trân trọng đặt tấm ảnh thầy cô vào cái khung nhỏ đặt ở bàn, nơi tôi vẫn thường ngồi viết lách mỗi ngày.
Hôm nay, tấm bưu ảnh mang thắng cảnh quê nhà và những dòng chữ nghiêng nghiêng của thầy Nguyên đã vượt đường xa đến với tôi, mang theo tình cảm của vị thầy đáng kính nay đã lẻ bạn, sống cô đơn thầm lặng trong căn nhà ngập tràn kỷ niệm. Niềm vui và nguồn an ủi duy nhất là tình cảm chân thành và trân trọng của đôi người bạn cũ cùng nhóm học trò ngày xưa. Đọc những dòng chữ của thầy nhiều lần mà tâm tư tôi vẫn tràn xúc cảm. Sâu xa hơn hết là sự cảm phục về mối tình phu thê gắn liền với tình đồng nghiệp, tính lạc quan. Cuộc sống êm đềm của thầy cô là bức tranh vẽ nên niềm hạnh phúc trong an nhiên tự tại. Trải qua bao nhiêu thăng trầm trong đời sống và sự nghiệp, hình ảnh cô thầy mãi là tấm gương cho thế hệ sau học hỏi và noi theo. Riêng tôi, vô cùng hãnh diện khi viết nên những dòng chữ về cô thầy. Tôi nguyện cầu cho thầy Nguyên luôn khỏe mạnh, vui vẻ để cô Khuê ở bên kia thế giới luôn nở nụ cười tươi và thanh thản như những ngày cô sống bên cạnh thầy.
Đời sống sẽ nở hoa, thật tươi đẹp biết bao khi tôi còn cơ hội nhận được những tấm bưu ảnh với dòng chữ nghiêng nghiêng, đã trở nên thân thuộc.
Atlanta ngày 10 tháng 12 năm 2011
Nguyễn Diệu Anh Trinh