Tâm sự của người bỏ cuộc chơi
Trước khi quyết định làm đơn xin nghỉ hưu non, O 50 mấy hôm liền ngơ ngẩn. Đắn đo, cân nhắc và tiếc nuối. Nghề dạy học vốn đối với o có nhiều niềm vui. Nhớ ngày mới tốt nghiệp trường Sư Phạm, O được phân công về trường cấp hai Hoà Hải. Ngôi trường nằm trên ngọn đồi đối diện với đường dẫn lên chùa Non Nước. Ngôi trường làng ấy là nơi O đã có biết bao cảm xúc những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng. Học sinh lớp chín ở đó chỉ thua cô giáo chừng năm bảy tuổi, chúng cực kỳ ngoan và chân chất dễ thương. Đối với chúng, cô giáo trẻ như người chị cả khéo léo, gần gũi, sẻ chia. O đã có nơi ấy những đứa học trò hằng mấy mươi năm rồi vẫn ghé thăm cô những khi lễ tết.
Ngày ấy, tuy khoảng đường dài ba mươi cây số đi về bằng đủ loại phương tiện đã ngốn của O sáu ký lô chỉ sau một năm học, nhưng đó chính là nơi O cảm thấy nghề dạy học thực sự đem lại niềm vui cho đời mình. Và cũng chính nơi ấy, O đã quyết định bắt đầu một mối tình với người đàn ông đeo đuổi O từ những ngày O còn là cô sinh viên trường Sư Phạm. Người đàn ông ấy không đẹp trai, không giàu có, chỉ có vẻ chân thật nơi anh ta là O cảm thấy tin cậy và gần gũi. Rồi O xách va ly đi theo anh ta về nơi ở chỉ hai chục mét vuông, và như cô bạn hay nói vui, nhà mi ngày đó có phòng ở là trung tâm, nhà tiêu bên phải, nhà bếp bên trái, cả ba cách nhau đều mười mét. Những ngày tháng ấy cực khổ vật chất thiệt, nhưng O có niềm vui từ nghề nghiệp của mình. Vui thật vui khi vây quanh mình là những gương mặt ngây thơ, trong sáng. Các em nghe lời thầy cô, chăm chỉ học hành, và tuy là ở nông thôn, nhưng có em học giỏi không kém chi dân thành phố. Thời ấy mỗi năm một lần, các huyện tổ chức thi học sinh giỏi để chọn “gà” đem thi tỉnh. Trường O chọn ra gần mười em, tập trung các em trước ngày thi, không phải để dạy tủ như bây giờ, mà để sáng hôm sau cả đoàn lên đường từ năm giờ sáng, cho kịp giờ thi ở nơi xa mấy chục cây số. Các em râm ran nói chuyện rất khuya dù cô thầy nhắc ngủ lấy sức không biết bao lần. Có lẽ do háo hức, nôn nao nên các em khó ngủ. Cậu học trò cưng của O một hai đòi ngủ chung giường với cô giáo, và vô tư gác chân lên người cô khi đã ngủ say. Cậu đã để lại trong O nhiều cảm xúc một thời làm cô giáo trẻ, được học trò thương yêu. Cậu bé ấy thương O với tình cảm đặc biệt. Sau khi O chuyển trường về thành phố, em tìm đến nhà rồi giữ liên hệ với O cho đến bây giờ dù cô trò đã trải qua bao thăng trầm. Em là học sinh giỏi trong lớp O chủ nhiệm, tốt nghiệp trường đại học kinh tế nhưng không có việc làm, lận dận lao đao vì “không biết bải buôi để mua lòng người khác. Nên thua thiệt một đời vì không thể dối lừa ai” (thơ Hoài Tường Phong). Em vào đời bằng nghề tay trái. Đó là nghề đẻo đá nuôi sống dân Hoà Hải. Nhiều thương nhân lập nghiệp với nghề này đã trở nên giàu có. Cậu học trò giỏi chữ nhưng không giỏi việc đời của O cuối cùng cũng làm nên cơ nghiệp khi cưới được cô vợ nhanh nhẹn, tháo vát. Ngày vợ chồng em mời tiệc nhà mới, O đén dự, chia vui thật lòng như với người thân.
Bây giờ O không còn đi làm bằng xe lam hay xe đạp nữa. Ngôi trường O dạy học nằm ngay trung tâm thành phố, và O có xe máy vi vu chỉ mươi phút là đến nơi. Nhưng thời gian trôi đi nhiệt tình trong O càng vơi bớt. Học sinh bây giờ đa số không còn kính trọng thầy cô giáo, không còn chăm chỉ học hành. Các em đến lớp không còn để học. Quan tâm của các em hình như đã ở bên ngoài cửa lớp. Một ngày O kinh hoàng nhận ra rằng nhiều em đi học nhưng không hề chép bài, không hề học bài, và vào lớp chỉ nói chuyện riêng. Các em ngông nghênh không biết sợ thầy cô vì các em hiểu ra rằng, rồi thì cô thầy cũng cho em đủ điểm lên lớp. Vì đó là chỉ tiêu phải đạt bằng mọi giá của trường. Vì đó là ngôi trường thân thiện, nơi không được xúc phạm nhân cách học sinh, nơi không thể vì bất cứ lý do gì em bị đuổi học. O ngẩn ngơ khi thấy có em vừa mới bị kỷ luật buộc thôi học, vài hôm sau được đoàn phường ân cần dẫn trở lại trường. Học sinh ấy vào lớp phá tanh bành nề nếp lớp, là nơi em đã phải ra đi như đành phải hy sinh em để những em còn lại có được một môi trường giáo dục tốt. Làm sao có thể tồn tại một nơi hai môi trường giáo dục? Không thể để học sinh bình thường sinh hoạt cùng với học sinh cá biệt mà lớp học vẫn sẽ là một lớp học thân thiện. Cái xấu làm trì trệ cái tốt, vì các em đang trong lứa tuổi ưa bắt chước, hay a dua. O cảm thấy mệt mỏi quá chừng, khi vào lớp,học sinh như không muốn đứng dậy chào cô giáo. Và khi phải miễn cưởng đứng lên, thì không khí lớp không còn vui vẻ, cởi mở nữa rồi vì cô giáo đã buộc lòng tạo cho mình vẻ mặt lạnh như băng. Rồi thì bài học cứ trôi tuột đi, không còn gì trên những gương mặt vô hồn ngồi đó, có lẽ các em đang nghĩ đến những hấp dẫn bên ngoài lớp học; là trò game online, là công viên, rạp chiếu bóng, là buổi rong chơi không mục đích, hay mục đích chỉ là tụ tập để khích bác, đánh nhau, có khi chỉ vì một nguyên nhân vô cùng nhỏ, các em đã dùng dao, gậy giải quyết vấn đề, hoặc bỏ cả thời gian dài ngồi trước máy vi tính tán gẫu với người dù chưa từng biết họ là ai. Ngày trước, học sinh yếu kém, lười nhác tính trên đầu ngón tay, còn bây giờ, vào lớp tìm ra những học sinh lấy sự học làm vui chỉ còn năm bảy em một lớp. Ngày trước, gia đình dù khó khăn cách mấy, cha mẹ cũng vẫn cố gắng tạo thuận lợi cho con đi học, vì họ nghĩ con đi học không thành thân thì cũng thành nhân, còn bây giờ, cha mẹ chạy theo cơm áo gạo tiền, ý thức về nhân sinh quan thay đổi, đứa trẻ trong những gia đình ấy lớn lên như rong rêu, nên có lẽ các em mất phương hướng trong khi tìm cho mình một lối đi trên đường đời xô bồ, tấp nập. Mà thật ra muốn học hành đàng hoàng cũng không dể dàng gì, áp lực bài học quá sức từ năm này qua năm khác là nguyên nhân sâu xa khiến các em có sức học trung bình không còn ham thích học. Đa mang nghề giáo nên O thưong học trò mình, những đứa trẻ bất hạnh phải sống trong thời điểm khó khăn, nhưng con én chẳng làm nên mùa xuân, O đành ngậm ngùi nhìn thời thế thay đổi. Cứ mỗi năm học qua đi, O thẩn thờ tự nhũ O chưa bao giờ gặp học sinh có học tập và hạnh kiểm yếu bằng năm nay. Nhưng rồi năm sau, O lại so sánh và thấy ...
O 50 cảm thấy công việc quá nặng nề nên làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Trăn trở bao đêm để có quyết định cuối cùng. Ngày 20/11 đầu tiên O từ chối không đến trường dự lễ theo thư mời, vì O biết, tất cả ngọt bùi, cay đắng của nghề dạy học O đã để lại sau lưng. Đôi khi O nhớ vô cùng ánh mắt trẻ thơ nhìn O tin cậy, hay những câu chuyện gia đình buồn em tâm sự với O, những giờ học cô trò vui vẻ bên nhau. Nhưng thôi, chọn lựa nào mà không mất mát, O vỗ về mình hãy nhìn phía trước, dẫu sao thì O cũng đã làm công việc vốn ưa thích của mình hơn ba mươi năm rồi. Cuộc sống mới cũng vô cùng hấp dẫn, với lứa tuổi o 50, O thảnh thơi tận hưởng hương vị của cuộc đời bình lặng, nhưng vẫn nồng nàn, da diết thương yêu. O sẽ bắt đầu những chinh phục mới.
Có sự động viên của ông xã, O hăng hái tìm mua một cây đàn Organ giá bèo, rồi đăng ký học đàn với các souer ở nhà thờ. Dù bạn O đã nhắn nhủ mi liệu chừng có là Đặng Thái Sơn hay chỉ là Đặng Thái Giám thôi rồi hãy mua đàn, nhưng O vẫn hạ quyết tâm. Dĩ nhiên không thể là Đặng Thái Sơn, O đâu còn mơ chuyện hái sao trên trời như những ngày thơ trẻ, nhưng O sẽ là một O 50 có thể tự đệm đàn ì xèo cho mình hát, những bài tình ca bô lê rô một thời O hay lẩm bẩm hát không đầu không đuôi một mình khi nấu ăn hay quét dọn. Chà, một đỉnh cao không dễ gì vươn tới, vì O chợt nhận ra không những mình muốn trở thành một nhạc công, mà còn muốn sẽ là một ca sĩ nữa mới là ghê. Hì hì, nhưng sống là không chờ đợi, đời đã qua hơn nữa rồi, nói như NA thì mỗi ngày đi qua là tiếc một ngày, nên ...
Định tắt đèn đi ngủ, O bèn đổi ý lọ mọ ra mở đàn đồ rê mi ... Chỉ thương ông xã bị tra tấn bởi nhạc công thứ … thiệt chơi đàn về khuya.
Huyền Tôn Nữ Tuyết Hằng
Cuối tháng 03/2010