Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Tản mạn mấy ngày Tết
Hình như dạo này ai cũng than: Tết càng ngày càng nhạt...
Thật vậy, một năm trôi qua nhanh quá! Chẳng chờ chẳng đợi, năm hết Tết đến hồi nào không biết. Rồi cũng lo dọn dẹp lau chùi trong ngoài, mua mua sắm sắm thứ nọ thứ kia. Lo lễ lạt cúng bái ông bà tổ tiên, lo áo mới quần mới cho con cái, lo trang hoàng nhà cửa... trăm thứ bà giằng. Đôi khi mệt quá phải kêu lên: Tết ơi là Tết, Tết làm chi, chỉ mấy ngày thôi mà như đảo lộn cả cuộc sống thường ngày, lo, lo và lo đủ chuyện.
Rồi phiền phức nhất là chuyện ăn uống. Dường như tâm lý ăn sâu vào hết thảy mọi người: Tết là phải dự trữ thức ăn, dẫu biết thời nay hàng hóa tràn ngập thị trường. Chợ búa mùng một Tết có nơi đã họp nhưng người ta vẫn tha về cơ man nào là kể, thịt thà, cá mú, bánh trái... để chật tràn tủ lạnh, mà khả năng cao là sau Tết không ít thứ phải bỏ đi vì không dùng tới. Bây giờ đâu còn đói khổ như thời xưa nữa, biết vậy nhưng sắm Tết hình như đã là thói quen mất rồi.
Cỡ hăm ba trở đi, cúng đưa ông Táo về trời xong là bắt đầu râm ran tiệc tất niên. Mời qua mời lại hàng xóm láng giềng, anh em bà con, thôi thì dô dô chúc tụng tưng bừng. Mấy năm nay karaoke dùng loa kẹo kéo lên ngôi. Khắp hang cùng ngõ hẻm mấy ngày này đâu đâu cũng xập xình tiếng loa, tiếng nhạc đến độ lên facebook bạn bè tôi nói vui: "dân xóm tui hắn đắp miết mà chưa xong mộ". Nghĩa là đi đâu cũng nghe hát bài hát bolero rất đang thịnh hành "đắp mộ cuộc tình"
Giàu nghèo chi rồi cũng phải lo Tết. "Đói cũng ba ngày Tết, chết cũng ba ngày mùa "mà... Giàu ăn tiêu theo kiểu giàu, nghèo cũng phải lo chắt bóp, dành dụm hoặc vay mượn để sắm sửa cho có bộ mặt với người ta, nên chi có câu nói để đời: "gạo tháng giêng, tiền tháng chạp ". Tháng chạp tiêu tiền như nước, mấy cũng không đủ, ra giêng thì phải đi đong từng lon gạo, ô hô... Mọi lo âu, phiền não trong cuộc sống thường ngày dường như được gác lại hết, nhường chỗ cho việc chuẩn bị điều to tát: Tết.
Riêng tôi năm nay có vợ chồng thằng út về ở chung nên đỡ phần vất vả hơn mọi năm. Bà nội chỉ lo giữ cháu để tụi nó làm hết mọi việc trong nhà. Chỉ riêng chuyện cúng cấp, hoa quả trên bàn thờ gia tiên là tôi phải tự tay đi chợ sắm sửa đồ lễ cho vừa ý.
Rồi cũng chung nhau mấy nhà gói bánh tét cho có không khí Tết, dù bây giờ chợ bán bánh đầy rẫy nhưng cứ sợ nguòi ta nấu bằng pin độc địa hoặc bỏ thuốc nhừ cho mau chín. Thôi thì chịu khó tự gói cho lành và cái cảm giác ngồi canh bánh bên bếp lửa hồng thấy cũng hay hay. Mai vàng Tết nào cũng nở hoa đúng dịp rất đẹp nhưng cậu út cứ rinh về một chậu cúc hoặc quất để trước cửa bảo là: cho có lộc. Vậy là thấy Tết về rồi...
Tối ba mươi năm nào tôi cũng chịu khó thức cúng giao thừa. Không gian đêm trừ tịch se se lạnh và đâu đó bỗng đì đoàng vang lên vài tiếng pháo. Vùng tôi ở là nông thôn xa thành phố nên không thể thiếu cái khoản pháo nổ giao thừa này vì ít bị quản lý. Rồi chỉ tầm chừng năm phút nữa là tới lúc không giờ thì đồng loạt tiếng pháo vang lên như súng bắn liên thanh và lóe sáng trời đủ sắc pháo hoa. Giây phút này lòng chợt thấy nao nao, trào dâng chút cảm xúc của đêm thiêng liêng trừ tịch.
Rồi những ngày mùng của Tết cũng qua đi trong tiếng chúc tụng đầu năm. Hình như mình lớn tuổi rồi nên không ham hố lắm chuyện đi chơi chỗ nọ, chỗ kia. Hơn nữa mấy ngày Tết trời sao mà nắng gắt, nhìn ra đường hoa cả mắt hết muốn đi.
Thôi thì an phận thủ thường, chấp nhận bước vào mùa thu cuộc đời, Tết nhạt dần là phải, các bạn nhỉ?
TN
Tháng giêng Kỷ Hợi