Tay đau ... Tau đây
Sức khỏe là vốn quí mà mình ít khi nhận ra, mình coi đó là bình thường, tới một ngày mình bị đau một bộ phận
thân thể nào đó, lúc bấy giờ mình thiết tha mong được trở lại như xưa. Lần này tôi sẽ kể cho bạn nghe cái vai bị
đau của tôi tiến triển như thế nào nhé.
Bác sĩ chuẩn đoán cái vai của tôi đã bị frozen. Tôi hiểu sơ sơ là cái khớp nối giữa cái tay và cái vai của tôi đã
bị dính chặt lại bởi vô vàn sợi tơ mới hình thành nên tôi không cử động được. Trong sinh hoạt hàng ngày tôi
không thể tự gội đầu, chải tóc, hay mang áo tròng đầu được ...
Bác sĩ khám rồi yêu cầu phải chụp X-rays và chích thuốc sau đó làm vật lý trị liệu. Tôi nghĩ là mình không bị té,
không làm gì mạnh đột ngột thì không thể bị gãy hay rạng nứt xương ... Tôi cho qua phần chụp X-rays. Chích
thuốc thì có nguy cơ làm yếu gân hơn trước, mà nó cũng chỉ hỗ trợ cho mình tập thôi, thành ra tôi cũng không
quyết định. Tôi tự cho phép mình chọn cách thứ ba là làm vật lý trị liệu.
Qua hai lần làm vật lý trị liệu, tôi thấy khi ngủ, nằm nghiêng đè lên vai không bị đau như trước, tôi hớn hở, nghĩ là
chắc tay mau lành. Nhưng không! Cái tay thì vẫn không đưa lên cao được, lỡ đưa ra đột ngột nó cũng đâu nhói
tận tim.
Tôi về than thở với bạn bè thì TV cho tôi một cái đĩa dạy cách tập thể dục với gậy. Tôi lại cố tập cho được,
ngoài ba động tác của BS hướng dẫn ngày nào tôi cũng tập thêm những động tác khác, tới chỗ nào không đưa
lên được thì tôi đưa tay vô cái vòng cao su mà chồng tôi cột vào một cành cây. Khi nhích cái tay lên không được
thì tôi hạ người xuống, miễn là cái tay đau phải cử động càng lúc càng cao, càng xa ra các hướng.
Theo kinh nghiệm của một người từng đau tay, Hương bắp chữa lành tay nhờ châm cứu. Tôi nghĩ trong đầu sẽ
thử châm cứu nếu chưa lành.
Lên mạng click vô “thoái hóa khớp vai” thì chỉ ra nào là nguyên nhân, nào là cách chữa. Với một bịnh, nếu gặp
BS mổ xẻ, họ sẽ nói mình nên phẫu thuật, mà đến BS vật lý trị liệu thì họ nói cần gì mổ, tập là hết thôi. Nếu bịnh
nhân đến phòng châm cứu thì sẽ nghe, "Sao để lâu quá vậy. Bây chừ phải châm cứu mới lành mà phải cần thời
gian khoảng năm bảy tháng …".
Cuối cùng thì mình chọn cách trị bịnh nào cho phù hợp với mình, rồi kiên trì tập. Lúc tập đưa tay, tôi kết hợp với
cách thở 1:4. Một là hít vào một hơi, giữ lại hơi thở một thời gian lâu gấp bốn lần thời gian hít vào, sau đó thở
ra từ từ. Lúc giữ hơi thở là lúc tôi ráng vươn cái tay cho cao hơn, xa hơn. Vậy rồi tôi thấy khá hơn. Những động
tác làm cho mạnh cơ như kéo căng sợi cao su, theo kiểu giật khuỷu tay ra sau hay đưa tay ra sau lưng, dùng
tay mạnh kéo cái tay đau, cũng phải tập hàng ngày.
Bây giờ có ai kêu tôi để nhờ làm chi thì tôi sẽ không nói, "Tay đau ...Tay đau " nữa mà tôi sẽ nói, "Tau đây ...tau
đây".
Và chúc các bạn luôn mạnh khỏe nhé!
Thu Sương
15 Tháng 10, 2014