Tết
Quy luật tạo hóa, vòng đời cứ vậy trôi qua, đông tàn xuân đến, thời gian không để ai đợi ai chờ.

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
(Thơ Ch
ế Lan Viên)

Năm hết Tết đến rồi...
Nghe thiên hạ than thở hình như mỗi năm cái Tết mỗi nhạt dần. Hồi xưa còn nghèo khổ chung cả nước, người ta dùng từ "ăn Tết", mới đầu tháng chạp ai ai cũng lo lắng dành dụm sắm sửa đủ vật thực cho ba ngày Tết, bảy ngày xuân.
Những bà mẹ tảo tần buôn thúng bán bưng đã chuẩn bị con heo đất từ giữa năm. Những tờ giấy bạc đẫm mồ hôi nhăn nheo được vuốt phẳng phiu cẩn thận nhét vào bụng heo đặng mong cuối năm đập ra sẽ thêm được ký thịt đặt trên bàn thờ gia tiên ngày tất niên, thêm tấm áo, đôi dép mới cho con trẻ ngày đầu năm.

Vụ mùa bội thu khấp khởi mừng: Tết ni ăn tiêu thoải mái rồi.
Có con heo, con gà đang lớn như thổi cũng: để dành Tết đó!
May được cái áo mới cũng chưa dám mặc: để Tết khoe cho đẹp.
Có vùng nông thôn đói kém, đến nỗi bọn trẻ mơ:
Mới tháng ba đã mong đến Tết
Để được ăn cơm no có thịt (thơ PQ)

Bây giờ cuộc sống tương đối hơn, từ "chơi Tết" được thay vào. Tết là dịp nghỉ dài ngày để xả hơi, du xuân, khoe hình ảnh đẹp. Cái ăn không còn đè nặng, mọi thứ đều có sẵn trong chợ, siêu thị. Giàu thì hàng ngoại cao cấp, trung lưu nghèo khổ hơn một chút cũng tha hồ chọn lựa, ngày giáp Tết chỉ việc ra chợ khuân về. Mai, đào, cúc, quất...đủ màu sắc tưng bừng nhà nhà cùng chưng bày đón Tết.

Haizzz, ấy là chỉ nói về dân thành thị cho xôm vậy thôi chớ vùng tôi ở thuộc dân huyện thì không khí Tết vẫn còn lãng đãng lan tỏa mọi ngóc ngách, đường làng ngõ xóm.
Này thì vườn nhà ai cũng sẵn gừng, khoai, bí... để làm mứt, hơn nữa đang lúc nông nhàn, rủ nhau nhà nọ í ới nhà kia làm cho có phong trào. Rồi tranh thủ trời nắng, chị em đi chợ sớm mua hành kiệu, cà rốt, su hào... về làm dưa món để dành ăn cùng bánh tét, bánh chưng. Những ngày giáp Tết, ngang nhà ai cũng thấy phơi những nong nia đủ màu xanh của su hào, đu đủ, đỏ của cà rốt, ớt trái nhìn vui mắt ra vẻ Tết ngay.

Riêng tôi năm nay thể theo lời yêu cầu của cậu con trai út, từ giữa tháng 11 tôi đã lôi chiếc ché cũ kỹ ra đong nếp về làm rượu dầm. Cu cậu bảo Tết thì mua vài thùng bia cũng được nhưng muốn có ít chai rượu nếp đậm đà , để nhớ một thời Ba mình còn hiện hữu đón Tết cùng con cháu. Ừ, thì dễ thôi, để Má làm cho vui mà...

Hăm tám, hăm chín tháng chạp bầu không khí bắt đầu nhộn nhịp. Hầu như nhà ai cũng gói bánh tét, bánh chưng. Thì lá dong, lá chuối có ở vườn, củi khô cũng sẵn, nếp đậu, thịt không đắt lắm, dại gì không nấu bánh mà đặt mua vừa đắt vừa không bảo đảm chất lượng. Nghe nói bây giờ người bán toàn nấu bánh chưng bằng pin, quá ư là độc hại.

Tiếp theo là việc chuẩn bị thịt để ăn mấy ngày Tết và cúng cấp, tất niên. Người dân chung mua những con heo to cả tạ ,những chú bò săn chắc để mổ lấy thịt chia nhau. Chỉ mất công một chút nhưng bù lại vui và rẻ hơn nhiều so với thị trường. Cuối năm tiếng heo eng éc, tiếng bò rống nghe cũng hơi khủng khiếp nhưng mà... biết sao được, người ta an ủi "vật dưỡng nhơn" 😯😯😯.

Ngan, gà, vịt được gia chủ nuôi từ mấy tháng trước, muốn ăn chỉ việc bắt vào làm thịt ngay và luôn, kể ra cũng tiện và không mấy tốn kém.
Chợ ba mươi Tết thì khỏi nói, người người chen chúc nhau đi như trẩy hội, hàng hóa đắt đỏ nhưng ai cũng vui vẻ xoè tiền lấy cho xong, kèm theo tiếng chặc lưỡi, Tết mà... Người bán người mua đều thông cảm, ôi ngày Tết...
Bởi vậy ngày trước ông cha ta đã có câu "Gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp " thật không sai chút nào.

Đêm ba mươi trời tối đen như mực nhưng đường làng vẫn xôn xao người qua lại chuyện trò hẹn nhau cùng đốt pháo giao thừa. Chỉ là pháo bông thôi nhưng nhà nọ bắt chước nhà kia, giờ giao thừa tiếng bụp, xoè liên tục vang lên sáng rực cả bầu trời. Ai cũng quan niệm thôi thì làm ăn tất bật cả năm, đêm cuối đốt vài chiếc pháo đi đùng xua đi vận hạn xấu, tà khí năm cũ để đón chào năm mới tốt lành hơn.

Chỉ mấy ngày Tết thôi mà sao tâm trạng ai cũng náo nức, công việc tất bật cũng chẳng ai than phiền. Già trẻ, lớn, bé đều mong đến Tết, có những ngày thảnh thơi tạm quên đi nhọc nhằn, quên nỗi lo nợ nần, cơm áo gạo tiền, và trông mong con cái xa gần sum họp đầy đủ. Ngày thiêng liêng đầu năm thắp nén hương trầm cho người đã khuất tưởng như người đang quanh quẩn về vui với gia đình đầm ấm.

Bởi tầm quan trọng của ngày Tết lớn lao đến vậy nên khi có một vị giáo sư khả kính lên tiếng muốn bỏ Tết ta thì ôi thôi vị này đã nhận được cả rừng gạch đá của dân mạng đủ để xây mấy cái nhà.

Còn các bạn mình thì sao nhỉ, có muốn gộp Tết tây và ta làm một không nè???

TN
28/01/2018