Tết Tây
Tôi còn nhớ, những ngày còn ở trong nước, Tết Tây ở Việt Nam cũng được chào đón rất … Tây. Học sinh và công nhân viên chức đều được nghỉ. Có lẻ ngày đầu năm dương lịch mở đầu cho một năm mới trên giấy tờ, sổ sách nên Tết tây cũng quan trọng, trở thành quốc lễ tự bao giờ. Đêm giao thừa, tiễn đưa năm cũ đi, đón chào năm mới cũng tưng bừng, xe cộ tấp nập ngoài phố, hàng quán bắt đầu vào mùa. Việc buôn bán rộn ràng hơn, các quày sách báo với những tấm lịch năm mới nhiều kiểu mẫu, treo nhan nhản như trang điểm cho đường phố thêm màu sắc. Đây cũng là một dịp để các anh, các chú tổ chức những bữa tiệc nhậu nhẹt, có khi có cả nhảy nhót để mừng… Tết Tây!
Tôi sang Tây, năm đầu tiên đón Tết Tây tôi mới thấy bên Tây cái gì cũng ngược lại. Buổi sáng đầu năm Tây đường phố vắng lặng, cái lạnh giá của mùa đông như là một điều kiện rất thích hợp để người ta tụ tập trong nhà, bên cạnh lò sưởi để hàn huyên hơn là lái xe ra phố. Suốt mười hai tháng bận rộn, căng thẳng cho công việc làm ăn, từ Giáng Sinh cho đến Tết Tây là khoảng thời gian người ta thư giản, nghỉ ngơi, sum họp trong tình yêu thương với gia đình. Những người độc thân đi làm ăn xa thường để dành những ngày phép cho dịp lễ cuối năm. Những gia đình có con cái sống rải rác các tiểu bang khác cũng chọn dịp này để trở về thăm bố mẹ, anh em. Nhiều gia đình tổ chức đón Giáng Sinh và Tết Tây mỗi năm ở một địa điểm khác nhau, tùy theo nơi cư ngụ của những thành viên trong gia đình. Tết Tây là ngày nghỉ cuối cùng của mùa lễ, để rồi sau đó lại bắt đầu mười hai tháng tiếp bận rộn cho mọi sinh hoạt thường ngày khác. Ngày Tết Tây người ta chẳng muốn rời tổ ấm, đường phố vắng lặng, có lẻ vì thế.
Tết Tây năm nay tôi có một vài chuyện muốn chia sẻ cùng các bạn. Ngày đầu năm Tây, chúng tôi có dịp họp mặt những người đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng cùng cư ngụ tại Atlanta, bầu trời u ám và mưa dai dẳng, những cơn gió lạnh làm cờ xí, biểu ngữ chào đón quan khách bay tơi tả, những biển chỉ đường cũng lem nhem, xiêu vẹo. Gió mưa và tiết trời không ảnh hưởng đến tâm tình của những người con dân Xứ Quảng. Buổi họp mặt thật đông đủ, vui vẻ khiến những người trong ban tổ chức hài lòng. Tình đồng hương của những kẻ tha phương, mỗi năm gặp nhau một lần. Tay bắt mặt mừng trong tiếng trống múa lân rộn ràng, những phong bì lì xì đỏ thắm do một vị cao niên phát cho các cháu thiếu niên, tiếng đàn tiếng trống, lời chào hỏi xôn xao. Hội trường rực rỡ với bong bóng, hoa mai ở một góc trang trí để chụp hình lưu niệm. Cũng có khá nhiều chuyện vui vui …
Một cô bé sinh viên tình nguyện mặc áo dài phụ trách bán bánh ít lá gai để sung vào quỹ chi tiêu hàng năm của Hội. Tôi làm cho cô bé một tấm bảng quảng cáo với dòng chữ: BÁNH ÍT LÁ GAI CHÍNH HIỆU HỘI AN, KÍNH MỜI. Cô bé mang đi lòng vòng trong hội trường.
- Chú ơi, mua dùm cháu đi, bánh ít lá gai Hội An đây chú!
- Bé bán bánh ít lá gai Hội An, mà … có biết Hội An là ở đâu không?
Cô bé liếc mắt dòm tôi cầu cứu. Tôi nhắc tuồng:
- Ở Đà Nẵng, ngã ba Vĩnh Điện đi vô.
Cô bé lặp lại y chang, vậy là bán được hai bịch bánh với giá ủng hộ. Môt bác lớn tuổi đi qua.
- Ông ơi, mua bánh ít đi ông
Ông già nhìn cô bé:
- Bán gây quỹ cho hội QN ĐN hả cháu?
- Dạ, ông mua dùm đi ông.
- Ừ, bán cho ông một bịch
Cô bé thừa thắng xông lên:
- Ông mua luôn hai bịch nghe ông, con còn có hai bịch này là hết rồi.
Ông già cười hiền từ, ngần ngừ một chút rồi đưa tiền lấy hai bịch bánh. Cô bé tiếp lời:
- Ông hên lắm đó nghe
- Trời ơi, đưa tiền ra mới có bánh mà sao lại gọi là hên hè?
Con nhỏ láu lỉnh:
- Phải mà, ông hên lắm vì đây là hai bịch bánh cuối cùng, ông không mua thì chút xíu nửa có tiền cũng không còn bánh để mua đâu. Con cám ơn ông nghe.
Một lát sau, ông già mua bánh ngồi ở hàng ghế quan khách nói chuyện với bạn già. Ông chỉ tay lên phía trước:
- Con nhỏ xạo thiệt, hồi nãy nó nói với tui còn hai bịch bánh cuối cùng, năn nỉ tui mua cho hết. Vậy mà bây chừ, coi kìa … nó còn bưng bánh đi bán vòng vòng đàng kia kìa.
Hai ông già nhìn nhau, lắc đầu cười. Một ông lẩm bẩm:
- Sao giống mấy đứa nhỏ bán vé số dạo bên Việt Nam, láu lỉnh quá chừng!
… Trên sân khấu, người MC đang ra một câu đố trong mục Đố vui Xứ Quảng:
- Từ Đà Nẵng đi vào Vĩnh Điện, ngang qua một cây cầu tên là Cầu Đỏ, hãy cho biết Cầu Đỏ sơn màu gì?
Nhiều tiếng trả lời lao xao: “Cầu Đỏ … thì màu đỏ chớ màu gì mà đố?”
Vậy mà câu trả lời chính xác là Cầu Đỏ sơn màu đen, mới lọa chớ. Quảng Nam có nhiều chuyện lọa thiệt!
Một chuyện khác, cũng quá lọa lung …
Buổi tối có tổ chức dạ vũ với mấy ca sĩ từ Cali sang hát, khá thành công tuy trời mưa gió nhưng bà con ủng hộ cũng đông. Anh lái xe đưa bà xã ra về. Đã nửa khuya, đường phố vắng lắm. Chỉ có những chiếc xe cảnh sát chạy vòng vòng. Tuy vậy tánh anh khá cẩn thận nên anh rất tự tin. Bỗng, ánh đèn xanh chớp chớp trên kính chiếu hậu. Anh lẩm bẩm: “Ủa, không lẻ cảnh sát stop mình?’ Bà xã, dòm qua dòm lại, dòm tới dòm lui: “Đúng rồi, sao kỳ vậy ta”
Anh cho xe chạy chầm chậm vào một khu shopping, tắt máy ngồi chờ. Cô cảnh sát giao thông nhỏ con, xinh xắn đến bên cửa xe:
- Chào ông, ông có biết tại sao tôi stop ông lại không?
- Thưa không, tôi đâu có chạy quá tốc độ?
- Xe của ông có hai đèn trước sáng, còn hai đèn sau hoàn toàn tắt. Vui lòng cho tôi xem bằng lái xe và bảo hiểm xe.
Anh vừa móc bóp lấy giấy tờ vừa lẩm bẩm: ”Lạ quá, tại sao hai đèn sau đều tắt mà xe không có báo hiệu?’’
Cô cảnh sát vừa quay đi anh phàn nàn:
- Vô lý, mỗi khi xe có sự cố gì là có signal báo hiệu hiện ra ở đây nè …
Anh vừa giải thích với bà xã vừa lấy tay gỏ gỏ vào phía trước tay lái. Bà xã ôn tồn:
- Chắc chắn là đèn xe mình không sáng nó mới có chuyện stop mình lại chứ anh!
- Xe anh đi hàng ngày, anh biết mà, sao lạ quá vậy ta?
Cô cảnh sát sau khi kiểm tra giấy tờ của anh, bấm bấm vào computer trong xe cô rồi trở lại, đua cho anh một mảnh giấy màu vàng, cái ticket phạt vi phạm luật giao thông:
- Thưa ông, nếu chỉ có một đèn sau tắt thì tôi chỉ cảnh cáo, vì xe ông cả hai đèn đều tắt nên tôi phải phạt ông. Nếu ông không đồng ý thì mời ông ra tòa…”
Anh cầm tời giấy phạt mà nghe hai tai lùng bùng như có hàng trăm con ong đang bay rò rò trong tai. Anh nhìn bà xã, rồi nhìn qua cô cảnh sát. Bà xã nhắc chừng:
- Nếu anh muốn xuống xe coi lại thì phải xin phép nó rồi coi, nhưng mà em nghĩ đương nhiên là mình sai rồi … coi làm chi hè?
Anh lí nhí nói với cô cảnh sát:
- Tôi có thể xuống xe xem thử không?
- OK
Quả thật hai cái đèn xe anh đang nhắm mắt, tối thui. Bà xã anh cười cười, anh nổi nóng lấy tay thổ vào cái đèn sau chết tiệt. Cả hai cái đèn bỗng sáng trưng trước đôi mắt đang mở to của cả hai vợ chồng. Bà xã anh lanh miệng kêu cô cảnh sát:
- Cô ơi, xem nè, hai đèn sau đều sang …
Cô cảnh sát lúc này đã ngồi vào xe, nghe gọi, cô bước ra. Anh lật đật chỉ chỏ:
- Cô xem nè, đèn xe tôi đã sáng rồi …
Cô cảnh sát chưa tin vào mắt mình, cô tắt ánh đèn chớp của xe mình rồi nhìn kỹ một lần nữa. Thật là hai đèn xe đã bật sáng, cô cười:
- Xin lỗi, tôi thật rất tiếc về chuyện đó!
Và cô trở vào ngồi trong xe, anh và bà xã ngẩn ngơ mấy giây. Bà xã anh giải thích:
- Đúng rồi, giấy phạt đã đưa ra, làm sao nó lấy lại, thôi mình chịu khó hôm nào ra toà đi, hy vọng được tha hoặc ít ra cũng giảm nhẹ.
Chuyện lạ vậy mà cũng xảy ra được vào ngày đầu năm Tây. Gặp cảnh sát đã xui rồi, đền xe tắt rồi tự nhiên sáng lại càng xui hơn nữa. Anh bực bội nhưng cũng tức cười.
Ông xui xẻo này là ông xã thân yêu của tôi đó, và cô bé bánh bánh ít lém lỉnh là ai? Mời xem hình!
Năm nay tôi đón Tết Tây với những chuyện vui và kỳ lạ như vậy, cũng là một kỷ niệm khó quên.
Atlanta 7/1/2011