Tết Trung Thu sớm

Hôm nay tờ lịch mười bốn tháng tám rơi. Ngày xưa, khi còn bé, tôi chuẩn bị cho ngày tựu trường từ giữa tháng tám, với vô vàn cảm xúc của một cô bé mộng mơ. Một chút tiếc nuối, một chút chờ mong. Tiếc nuối những tháng hè vô tư chân sáo, không lo sách vở, học hành. Chờ mong ngày trở lại ngôi trường thân yêu để gặp lại bạn bè, lớp học, tưởng vô tri nhưng thân thiết vô cùng. Và ngày khai trường ấy luôn luôn kèm theo một niềm vui được mặc áo quần mới. Cũng chỉ là quần xanh áo trắng, nhưng cái cảm giác được mặc đồ mới lạ lắm. Nó hãnh diện, nó oai oai, nó ... sướng một cách thật là đã.

Và rồi khi tờ lịch rơi qua tháng chín, tôi lại bắt đầu một ngóng trông khác. Đó là mong ngày Tết Trung Thu đến. Tết Trung Thu ngày xưa dành cho tôi khi còn là cô bé tiểu học, là món chè nhản bọc hạt sen bà nội nấu, bánh da lợn, bánh su sê mạ làm, và là những chiếc lồng đèn có hình ngôi sao hay bánh ú làm bằng khung tre và những tờ giấy gương xanh đỏ. Thường thì chị em tôi tự dán lấy đèn cho mình từ những sườn tre mạ tôi tiết kiệm, cất để dành từ những năm trước. Chả có anh hàng xóm nào tình nguyện chạy qua làm dùm như trong mấy truyện ngắn tôi thường hay đọc. Và vì là tự làm nên chúng nhem nhuốc, méo mó lắm. Nhưng đâu có sao, trong đôi mắt trẻ thơ, chiếc đèn lồng mình tự làm đẹp một cách hoàn hảo, nhất là khi mạ gắn vào đó một cây đèn sáp đỏ, thắp sáng lên thì chao ơi là tuyệt. Ánh sáng lung linh, mỏng manh của ngọn đèn sáp ẩn trong trong lòng chiếc lồng đèn ngôi sao vô cùng huyền ảo.

Tôi vẫn nhớ ngày ấy, ngày Tết trung thu ấy, học sinh đến trường từ lúc chiều, trong tay là chiếc đèn lồng của riêng mình, ăn mặc sạch sẽ, tinh tươm. Tất cả đều không dám chạy nhảy ồn ào vì sợ áo quần lấm đất, sợ lồng đèn rơi. Rồi khi đêm về, từng lớp, từng lớp, tay nâng cao lồng đén được thắp sáng, theo chân cô giáo rời khỏi trường, đi một vòng quanh khu phố, và cùng nhau hát vang:



Tết trung thu em rước đèn đi chơi,
Em rước đèn đi khắp phố phường.
Đèn ông sao với đèn cá chép.
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm...
Em hát ca dưới ánh trăng rằm...







Khi quay trở lại trường, học sinh chờ đợi để được cô giáo phát cho những bao bánh trung thu nho nhỏ, không ăn liền mà cất để dành đem về nhà mới ăn.

Ui chao, nhắc tới thấy nao nao lòng. Vậy mà bốn mươi năm hơn rồi đó bạn ơi!
Tối nay cùng ôn đi siêu thị. Qua khỏi cánh cổng kiểm tra là một rừng bánh trung thu với đủ chủng loại, bày ngay giữa lối đi vào.Tất thảy có một trăm hai mươi mùi vị lận. Chỉ mới lễ Vu Lan, mà người ta đã lo rằm tháng tám. Liếc mắt nhìn bảng giá của cái bánh nướng nhân khoai môn, hai trứng, tôi giật mình cái đụi. Úy, sáu mươi ba ngàn chín mươi chín đồng, coi như sáu mươi bốn. Cái bánh nhỏ xíu xiu, mình tôi xơi một cái chưa thể gọi là đã. Muốn mua một hộp bốn cái, là đi đong hết cả một ngày lương hưu của vợ lẫn chồng. Ngó qua ngó lại, ôn của tôi tuyên bố:

- Mua mấy cái về ăn, cho biết.

Bây giờ mới rằm tháng bảy, người ta đã nhem thèm bánh trung thu, đến rằm tháng tám, ôn ăn cho biết hết tất cả vị, chắc phải ... vay ngân hàng tiền để mua bánh, hoặc mua trả góp thôi.

Mỗi thời mỗi khác, ngày xưa Tết Trung Thu, mạ bày mâm cúng ngoài trời, sau đó gia đình tôi và gia đình O Nguyệt cùng quây quần quanh cái bàn đặt giữa sân. Người lớn thì ăn bánh, uống nước trà, ngắm trăng, còn con nít bọn tôi thì khoái xếp hàng rước đèn quanh sân hơn. Chả lo hết bánh, hết chè vì nhiều lắm, thường là mạ còn để dành tới hôm sau. Các con O tôi cũng cở bằng tuổi chị em tôi, nên tâm đầu ý hợp. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn rất yêu kỷ niệm ngày Tết Trung thu ngọt ngào ấm áp tình cảm gia đình. Hình ảnh chiếc lồng đèn làm bằng giấy gương xanh đỏ không phai nhạt cho cho dù dòng đời trôi đã xóa đi nhiều kỷ niệm.

Thời của các con, Tết trung thu không còn như xưa nữa. Hết rước đèn, hết ngắm trăng ăn bánh. Chỉ còn chiếc lồng đèn làm bằng plastic vô hồn con nít chơi rồi chán vứt bỏ chẳng tiếc thương. Chỉ còn tiếng trống múa lân thì thùng từ đầu tháng tám âm lịch của những đội múa lân, kéo dài cho đến qua rằm mới hết. Đội múa lân người lớn nhân dịp này kiếm chát một ít khi được mời múa cho các cửa hàng, công ty vì người ta tin lân vào sẽ mang theo sự may mắn, rước đi xui xẻo năm qua. Có người nói người ta múa lân không phải vì tiền, mà vì cái nghiệp đam mê tiếng trống. Đội trẻ con của từng khu phố thì mê đắm đuối con lân, ông địa nên cứ sau giờ học là tập trung lại tập dợt, chờ đến rằm đi từng nhà hàng xóm mời chủ nhà treo tiền thưởng để được múa lân. Tiền thưởng ít nhiều không quan trọng, miễn sao được múa là sướng quá trời rồi. Thời ấy vì hai đứa con rất khoái coi múa lân, nên năm nào ôn nhà tôi cũng treo tiền thưởng để đội lân con nít vào nhà múa. Ôn treo tiền nhưng đám trẻ nghĩ tôi là chủ tài khoản nên ông địa o bế tới gần tôi quạt lia lịa, vổ vổ cái bụng làm duyên.

Đôi khi trên phố, chở con đi học về trong những ngày ấy, mẹ con hay cùng đám đông dừng lại bên đường, ngóng theo cái đầu lân đang tung tẩy theo nhịp trống trước các căn nhà to, nơi có lẽ người ta treo nhiều tiền thưởng lắm. Con vui cười hớn hở, mẹ cũng vì vậy thấy lòng chộn rộn theo nhịp trống thùng thùng.

Rồi các con lớn dần lên, qua đi cái tuổi háo hức đón chờ ngày Tết Trung Thu, chúng hờ hửng với tiếng trống lân mỗi năm vẫn rộn rã bên ngoài. Còn tôi, bây giờ đã là mệ rồi, nên cũng không còn thích nghe tiếng trống múa lân ồn ào, càng không thích coi cái đầu lân cứ nhảy lui nhảy tới một điệu buồn tẻ. Thành ra cứ mỗi độ thu về, tôi chỉ còn mỗi cái thú được ăn những cái bánh trung thu mắc kinh khủng nhưng cũng gợi thèm kinh khủng. Chỉ khác một điều ngày xưa thưởng thức bánh trung thu và ngắm trăng chỉ có đêm rằm, nay thì được ăn cả tháng, còn trăng thì đã đi vào dĩ vãng của thời mộng mơ của riêng tôi ...

ĐN giữa tháng 8/2011