Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Thăm Thầy Cũ - Nhớ Chuyện Xưa
                                Trần Đức Thái



















                   Thầy Hồ Bá Lăng (bên phải) và Thầy Trần Tuyển
                  Photo (xuân 2001): Trần Đức Thái

Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày "tôn sư trọng đạo”, là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn đối với người thầy. Trong ngày này, học sinh, sinh viên thường đến tặng hoa và chúc sức khỏe thầy cô giáo. Ngày 20/11 năm nay, nhớ đến các Thầy, Cô dạy thời tiểu học, tôi và Lê Đình Châu (1) mời Thầy Hồ Bá Lăng về Vỹ Dạ Xưa bên bờ sông Hương thơ mộng. Thầy trò chúng tôi tìm một vị trí riêng tư để hàn huyên tâm sự bên tách cà phê vừa đắng, vừa ngọt lại vừa thơm.

Thầy kể cho chúng tôi nghe về thời đi học, đi dạy của Thầy, các Thầy cũ của Thầy, hệ thống các trường xưa ở Huế, từ trường làng, đến trường tiểu học, trung học. Trường tiểu học An Cựu mà chúng tôi học 1958-1963 là một trong những trường xưa nhất ở đất Thần Kinh.

Trời mưa phùn, góc quán tĩnh lặng, ba thầy trò với những câu chuyện ngày xưa thú vị cứ tiếp diễn, chốc chốc lại hớp một ngụm cà phê đậm đà. Tôi còn nhớ mãi 3 bộ sách: Bộ sử ký của Trần Đinh viết súc tích, dễ học dễ nhớ, có rất nhiều hình vẽ của họa sỹ Phi Hùng sinh động, cuối bài lại có phần toát yếu để học thuộc lòng. Thứ hai là bộ địa lý của bốn tác giả: Hoàng Chương, Tôn Thất Lôi, Tạ Thúc Thọ, Nguyễn Cáng. Thời chúng tôi học tiểu học, Thầy Nguyễn Cáng làm Hiệu Trưởng trường tiểu học An Cựu. Cách đây gần một tháng, tôi về thăm Thầy Lôi,  thầy năm nay đã ngoài 85 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, hơi lãng tai, mặc dầu thầy không trực tiếp dạy, nhưng chúng tôi rất ngưỡng mộ Thầy qua bộ sách địa lý. Thầy Lôi kể cho tôi nghe về hoàn cảnh, yếu tố thuận lợi để viết bộ sách địa lý cho các lớp tiểu học. Thầy Lôi cho biết, Thầy Cáng đã ngoài 80, vẫn còn khỏe mạnh, gia đình Thầy hiện đang sống tại Úc.

                              
                               Thầy Tôn Thất Lôi
                               Photo (10/2013): Trần Đức Thái

Bộ sách thứ ba là sách khoa học thường thức của Cụ Ưng Luận, khi tôi lên học trung học Nguyễn Tri Phương, Thầy Ưng Luận c
ũng đang dạy Pháp văn ở trường này, điều làm tôi ngạc nhiên cho đến tận bây giờ, dạy Pháp văn trung học mà lại viết sách khoa học thường thức ở bậc tiểu học, nhưng gần đây Thầy Lăng cho biết Cụ Ưng Luận nguyên là giáo viên tiểu học, và tại sao có nhiều Thầy ở Huế xuất bản sách, không chỉ ở bậc tiểu học, mà ở bâc trung học cũng vậy, các Thầy ở Huế viết sách rất nhiều như Đinh Quy, Nguyễn Đình Hàm thầy dạy Quốc Học viết sách toán, Nguyễn Châu thầy dạy Quốc Học viết sách triết, Nguyễn Văn Tường và Lê Phước Lãng dạy Nguyễn Tri Phương cùng tác giả sách Toán, Thầy Tôn Thất Quỳnh dạy Nguyễn Tri Phương xuất bản sách vạn vật học, Lm Nguyễn Phương viết “82 năm Việt Sử và 125 năm thế giới sử”. Ngoài các Thầy dạy tại Huế viết sách tôi còn biết nhiều sách giáo khoa mà tác giả không phải thầy dạy tại Huế như các Thầy Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Văn Phú viết sách toán, Nguyễn Thanh Khuyến, Hà Ngọc Bích viết sách vật lý, Đỗ Danh Tẩm viết sách vạn vật học…còn nhiều lắm nhưng tôi không nhớ hết.

Tất cả thắc mắc bấy lâu nay của tôi đã được Thầy Lăng giải thích rõ ràng: Hồi trước năm 1975, bộ quốc gia giáo dục của miền Nam chỉ đưa ra chương trình khung chi tiết, giáo viên nào có khả năng viết sách thì viết tức là tự do xuất bản sách (lẽ d
ĩ nhiên là được cấp phép), sách xuất bản phải dạy thử, được bộ giáo dục thông qua, nhất là được ty giáo dục của từng tỉnh, thành phố và giáo viên chấp nhận, không áp đặt, điều đó cho thấy tính độc lập của giáo viên rất cao và được tôn trọng. Do đó, giáo viên ở tất cả mọi miền của đất nước từ tiểu học cho đến đại học có trình độ, khả năng chuyên môn, dựa vào chương trình của bộ là có quyền viết sách giáo khoa. Sách có được sử dụng rộng rãi trong tỉnh, nhiều tỉnh, thành phố hay không? hoàn toàn tùy thuộc vào giá trị thực sự của cuốn sách. Từ cách giải thích của Thầy, tôi mới nhớ ra một điều hồi tôi học đệ lục, đệ ngũ trường Nguyễn Tri Phương, em họ tôi học trường Thiên Hựu, hai anh em học cùng khóa, nhưng khác trường, sử dụng hai sách giáo khoa khác nhau. Đó cũng lẽ thường tình của nền giáo dục miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Ba Thầy trò lại ngừng câu chuyện, tiếp một ngụm cà phê, Châu thì
đang phì phà điếu thuốc, thả hồn theo gió, theo mây, tôi đoán Châu đang nghĩ: "hôm nay ngày nhà giáo, mà mình về hưu rồi, có ai đến thăm mình không?"

Nói chuyện một hồi tôi lại hỏi Thầy một vài vấn đề riêng tư, lương hàng tháng c
ũng như cuộc sống của Thầy thời đi dạy. Thầy cười rồi Thầy kể tiếp: "Lẽ dĩ nhiên lương cao hơn thời Pháp thuộc, có lương vợ nếu vợ không đi làm, có lương con…Một giáo viên tiểu học như Thầy dành dụm trong 5-7 năm là có thể xây nhà, lấy vợ, nuôi con…nhưng mà Thầy thì khác". Tôi hiểu ý Thầy muốn nói gì, có lần Thầy đã kể: Thầy học trường Tây, con nhà quan quyền nên nhà cửa, lấy vợ, nuôi con đối với Thầy không thành vấn đề đã có cha mẹ lo hết. Tôi lại hỏi tiếp: "Lương của Thầy hồi trước so với bây giờ thì sao?" Thầy không trả lời, Thầy bảo tôi phải tự tìm hiểu lấy, Thầy chỉ nói vậy thôi cũng đủ cho tôi hiểu lương hồi đó cao hơn bây giờ nhiều lắm.

Tách cà phê đã cạn nhưng buổi trò chuyện giữa ba Thầy trò chúng tôi vẫn còn rất h
ăng say. Tôi nhìn Thầy và chợt nhớ về những suy nghĩ ngây thơ ngày xưa, tôi cười khiến cho Thầy tỏ vẻ nghi ngờ, Thầy nhíu mày: “Anh Thái cười Thầy chuyện gì có vẻ bí mật vậy?”, “Em thấy Thầy uống cà phê, ăn sáng cũng giống chúng em, nhưng sao hồi đi học chúng em lại nghĩ khác”, thầy liền hỏi “khác là thế nào?”, “Hồi đó chúng em tôn kính các Thầy hơn cả cha mẹ, Thầy ở một thứ bậc cao hơn, có lẽ các Thầy ăn uống khác mình, mà thậm đi vệ sinh cũng khác mình”. Chúng em chỉ biết “nhất quận công, nhì…”. Nghe tôi kể điều đó cả ba thầy trò đều cười vang lên.

Thầy tôi năm nay đã 82 tuổi, nhưng còn rất khỏe, nhanh nhẹn, chỉ hơi gầy, mắt không được tốt lắm. Thầy rất thích tửu đàm, trà đạo với chúng tôi c
ũng như bạn bè của Thầy. Tôi lại nhìn Thầy mỉm cười. Thầy nói: “Anh Thái hôm nay ra vẻ có nhiều bí mật nhe, cứ nói ra đi”. “Thầy ơi, từ ngày thầy trò mình gặp lại nhau từ năm 1986, em thấy Thầy rất hiền, nhưng ngày xưa Thầy dạy chúng em sao Thầy nghiêm khắc và dữ như thế”. Nghe đến đó Thầy liền bịt tai lại, lần nào cũng vậy, Thầy muốn quên đi chuyên nghiêm khắc ngày xưa. Châu vội đỡ lời ngay: “Thầy thương tụi mình đó cho nên thầy cho roi cho vọt”. Châu lại tiếp: “năm lớp ba Thầy thương tụi mình nhiều quá cho nên đứa nào cũng bị ăn roi của Thầy, công bằng cho mọi học sinh! Thầy không binh ai bỏ ai”. Tôi nói tiếp: “Thầy có thương hai đứa nhiều hơn đó là Khiếu và Đợi, mùa đông năm đó trời rất lạnh, 2 bạn ấy không có áo ấm, thầy có tặng 2 bạn hai áo dạ đen mới toanh để cho các bạn chống chọi với các rét khắc nghiệt của xứ Huế năm nào”.

“Thầy ơi!” tôi lại nói tiếp: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, nếu không có Thầy nghiêm khắc thì chúng em trổ trời mà lên, c
ũng nhờ Thầy dạy dỗ với phong cách riêng của Thầy mà để lại trong tụi em nhiều ấn tượng, nhờ vậy chúng em nên người có ích cho xã hội. Không một ai trong chúng em hư hỏng trở thành du côn, du đảng, có tiền án tiền sự đó là điều đáng quý mà Thầy đã góp một phần trồng người cho chúng em”. Tôi kể đến đây thì Thầy nở nụ cười sung sướng, hạnh phúc.

Ba Thầy trò chúng tôi
đã có một buổi sáng rất vui vẻ, đầy tình nghĩa thầy trò. Đến xế trưa, chúng tôi đưa Thầy về nhà, khi xuống xe, Thầy còn nhắc thêm “có gì vui nhớ báo Thầy nhé”. Chúng tôi có cảm giác hôm nay Thầy rất hạnh phúc, rất mong Thầy luôn luôn khỏe mạnh để cùng chung vui với lớp tiểu học (2) thân thương của chúng tôi. Tôi đưa Châu về trường cao đẳng sư phạm Huế để dự liên hoan với trường. Còn tôi trở về nhà để tiếp các học trò cũ của tôi.

Đêm về, tôi lướt web xem thử hôm nay Ngày nhà giáo Việt Nam có gì lạ không? Trên web Quê Choa có bài “Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11” theo blog Song Chi. Bài viết
đã phân tích, so sánh nêu lên nhiều điểm tồn tại, bế tắc, những điểm đen của nền giáo dục Việt Nam hiện tại. Thật vậy, chúng ta cần so sánh nền giáo dục của Việt Nam với nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới để may ra tìm được một lối thoát cho nền giáo dục Việt Nam.

Bài viết đã so sánh với nền giáo dục tiên tiến của Phần Lan, tôi
đọc kĩ thì thấy có nhiều điểm của nền giáo dục tiên tiến Phần Lan hiện nay hơi giống với thời tôi đi học ở miền Nam Việt Nam 40-50 năm về trước, mặc dầu nền giáo dục lúc đó còn rất phôi thai và chỉ tồn tại trong 20 năm.

Ngành giáo dục của Miền Nam trước đây không có ngày vinh danh Nhà Giáo, không có danh hiệu giáo viên dạy giỏi, không thầy giáo ưu tú c
ũng chẳng có thầy giáo nhân dân, thế mà các Thầy dạy chúng tôi ai cũng dạy giỏi, ai cũng đạo đức, công tâm giảng dạy từ tiểu học cho đến đại học. Bù cho những danh hiệu hoa mỹ ấy, lương tiền của nghề giáo khá cao, các Thầy không phải bận tâm gì hết ngoài việc lo nghiên cứu, học tập để giảng dạy học sinh cho tốt, cho giỏi.

Trong suốt 12 năm học, tiểu học, trung học đệ nhất cấp (cấp 2), đệ nhị cấp (cấp 3), tôi không thấy có hiệu trưởng, cán bộ của ty giáo dục hay bất kỳ ai đến dự giờ, đánh giá giáo viên, ở đại học lại càng không có chuyện đó, thầy giảng dạy, thi cử kiểu gì thì chúng tôi học tập và thi cử kiểu đó (3). Phải chăng đây là sự tôn trọng phương pháp dạy riêng của mỗi thầy giáo?

Sách giáo khoa như tôi đã nêu ở trên rất độc lập, tùy theo từng trường, từng ty thậm chí tùy thuộc vào giáo viên. Điều này chứng tỏ thầy giáo có quyền tự do chọn sách giáo khoa, chọn phương pháp giảng dạy sao cho học sinh học tốt nhất.

Các trường tiểu học, trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp đều bình đẳng, giữa nông thôn và thành thị giữa công lập và tư thục. Không có trường chuyên, lớp chọn, không có trường điểm, trường chất lượng cao... Lên cấp ba tùy năng lực, học sinh tự do chọn ban mà mình yêu thích. Ban B (còn gọi ban Toán) dành cho học sinh có năng khiếu về toán, lý-hóa. Ban C (ban văn chương) cho học sinh giỏi văn chương, sinh ngữ. Ban A (ban vạn vật) cho học sinh có năng khiếu học bài. Trong 12 năm học chỉ có 3 kỳ thi chính rất nghiêm túc và khó: Thi vào đệ thất (lớp 6) để vào học trường công lập. Học lớp 11 thi tú tài I (từ năm 1973 bỏ luôn kỳ thi tú tài I), đậu tú tài I mới được lên học lớp 12 để thi tú tài II. Đậu tú tài II thì bước chân vào Đại Học có thể ghi danh hoặc thi tuyển. Ngoài các kỳ thi đó, tôi không thấy kỳ thi học sinh giỏi môn này, môn kia, cấp này, cấp kia…Giữa các trường không có sự phân biệt học sinh trường này hơn học sinh trường kia, giáo viên dạy trường này hơn giáo viên dạy trường kia, xã hội c
ũng công nhận  như vậy.

Tháng 9/ 2013 vừa rồi, cựu học sinh Trường Tư thục Thiên Hựu Huế tổ chức kỷ niệm 80 năm thành lập trường, mặc dầu trường Thiên Hựu bây giờ không còn tồn tại. Nhiều cựu học sinh rất thành danh trong xã hội, nhất là các học sinh học chương trình Pháp từ trong nước c
ũng như ở nước ngoài đã về dự. Trong ngày hội này có một cựu học sinh phát biểu rất cảm động, rất nhân bản. Điều đó chứng minh cho sự bình đẳng giữa các Trường. Trường nào cũng có học sinh rất giỏi, giỏi và học sinh trung bình chỉ khác nhau ở tỷ lệ.

Bậc Đại học là Đại học tự trị, c
ũng có Đại học công lập và tư thục mỗi đại học đều có quy chế hoạt động độc lập riêng. Thi tuyển hay chỉ ghi danh vào đại học là hoàn toàn tùy thuộc vào từng đại học. Không có kỳ thi tuyển sinh quốc gia để vào đại học như hiện nay. Hầu hết các đại học chỉ có một hệ đào tạo là chính quy. Không có hệ chuyên tu, tại chức, cử tuyển, từ xa, liên thông.

Thời trước, vấn đề học thêm và dạy thêm như hiện nay là một cái gì đó xa lạ đối với chúng tôi. Lương của ngành giáo dục khá cao bảo đảm cuộc sống cho giáo viên và gia đình họ, cho nên giáo viên chỉ lo việc dạy sao cho có chất lượng đối với học sinh. C
ũng có một số giáo viên có thể vừa dạy trường công vừa dạy trường tư. Học thêm chỉ dành cho con nhà khá giả mời các sinh viên về nhà dạy thêm cho con cái. Lúc còn là sinh viên, tôi cũng từng đi làm nghề gia sư này. Riêng Hội Việt Mỹ có mở lớp tối dạy tiếng Anh cho bất kỳ ai có nhu cầu.

Về thi cử thì chẳng bao giờ đổ đạt 100%, thi tú tài chỉ đậu 50-60% là tối đa, có tài liệu ghi nhận tỷ lệ còn thấp hơn, tôi không biết chắc chắn con số này, nhưng tỷ lệ đậu không cao (4). Thí sinh dự các kỳ thi từ trung học đến đại học đều bình đẳng, không có một chế độ ưu tiên nào cả. Không có đối tượng, không chia vùng, miền.

Ở bậc đại học việc học tập không dễ dàng chút nào. Lứa chúng tôi, sau một năm học dự bị đầy khó khăn tại đại học khoa học Huế phải đậu cao chứng chỉ SPCN (chương trình B) mới được thi vào y khoa Huế. Tổng số năm thứ nhất là 100 SV trong sáu năm học rơi rụng đi 50 khi ra trường chỉ còn 50 SV tốt nghiệp.

Học các ngành khác c
ũng rất khó, bạn tôi cùng khóa trung học cho biết lúc vào năm thứ nhất đại học luật khoa Huế mấy trăm sinh viên (ghi danh tự do), sau 4 năm học khi tốt nghiệp cử nhân luật chỉ có 40 SV.

Mặc dầu ngày xưa học có vẻ từ chương, nhưng sinh viên tốt nghiệp thường là giỏi. Thời của chúng tôi, chỉ cần nghe tiếng SV Phú Thọ (5) hay SV Y Khoa Sài Gòn là biết họ giỏi vì thi tuyển đầu vào cực kỳ khó.

Nhìn vào thực tế hôm nay, biểu hiện xấu của ngành giáo dục Việt Nam như trong bài báo đã viết, như nhiều báo chí khác đưa tin: Ở một trường tiểu học nào đó, học sinh không đóng tiền không cho xem xiếc, không đóng tiền không cho ăn trưa, lại cho ra ngoài cổng trường bơ vơ đối với một em bé lớp hai, mặc dầu những hiện tượng này là thiểu số, nhưng than ôi tình người ở đâu, chưa cần phải nói đến tình ngh
ĩa thầy trò thì những ấn tượng xấu đó các em sẽ mang theo có thể đến suốt cả cuộc đời mình.

Vừa rồi tôi nghe bạn tôi kể lại rằng bài phát biểu trong ngày hội 80 năm của một cựu học sinh trường Thiên Hựu rất nhân bản, hoàn toàn tương phản với hành động đối với học sinh như tôi vừa mới nêu trên: Bạn ấy rất nghèo, không có tiền đóng học phí vì học trường tư thục, lại không may mắn được vào học trường công. Nhưng vì ham học, bạn quyết định lên xin Thầy Hiệu Trưởng miễn học phí, Thầy rất nhân từ, chấp nhận lời yêu cầu ấy nhưng với một điều kiện là cuối năm phải đạt học sinh giỏi. Bạn ấy rất quyết tâm học tập, năm nào c
ũng đạt học sinh giỏi, cho nên học trường tư mà như học trường công không đóng học phí. Bây giờ bạn rất thành công và thành danh trong xã hội. Để tỏ lòng biết ơn Thầy Hiệu Trưởng và các thầy dạy trường Thiên Hựu, bạn đã làm những điều rất thiện nguyện, rất tình người để giúp cho học sinh nghèo, cơ nhỡ vượt qua khó khăn để tiến bước trên con đường học tập như ngày xưa trường Thiên Hựu đã cưu mang, cứu giúp bạn. Một nghĩa cử cao đẹp để tạ ơn các thầy cô. Nhưng trái lại sao hôm nay một đôi lúc có hiện tượng hiệu trưởng, thầy giáo cưỡng bức tình dục học sinh…lại có chuyện mua bằng, học giả bằng thật, bằng giả…còn biết bao tệ nạn trong ngành giáo dục hiện tại. Đúng là những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

“Con hơn cha là nhà có phúc”, phải khách quan mà thừa nhận rằng, con em chúng ta bây giờ nhanh nhẹn, tháo vác, tư duy tốt, học giỏi lại ở trong một môi trường khoa học, công nghệ thông tin tiến như v
ũ bão. Chỉ còn lại bài toán mà xã hội cần phải giải ra được đáp số để ngành giáo dục của nước nhà bắt kịp các nước tiến bộ trong khu vực và trên thế giới.
Muốn đạt được điều đó, thì có lẽ phải cần phối hợp giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo dục gia
đình và nhà trường chỉ góp một phần để hình thành nhân cách và kiến thức cho học sinh, nhưng nếu chúng ta không có hệ thống giáo dục tốt đẹp, một xã hội lành mạnh, công bằng, văn minh đích thực thì khó mà đào tạo ra những lớp người tốt hữu dụng cho xã hội để đưa đất nước tiến lên.

Mùa tạ ơn Thầy Cô Giáo năm Quý Tỵ (2013)
____________________________________________________________
Ghi chú:
(1).
Th.S Lê Đình Châu, giảng viên toán trường cao đẳng sư phạm Huế đã nghỉ hưu.

(2). Lớp chúng tôi toàn con trai học tiểu học An Cựu Huế, khóa 1958-1963. Hè năm 1963 chúng tôi lên trung học và chia tay từ dạo đó. Qua những thăng trầm của lịch sử đất nước, mãi
đến năm 1986, chúng tôi mới tập họp nhau lại, sinh hoạt với nhau với tên gọi “Cựu học sinh tiểu học An Cựu Huế khóa 1958-1963”, chúng tôi sinh hoạt với nhau từ ngày đó đến bây giờ. Thầy Hồ Bá Lăng dạy chúng tôi lớp ba là Thầy duy nhất còn ở Huế. Thầy là thành viên danh dự của lớp tôi, thường xuyên có mặt với chúng tôi trên từng cây số. Thầy Trần Tuyển dạy chúng tôi lớp nhất, Thầy hiện ở Sài Gòn, các anh em trong ấy thỉnh thoảng vẫn đến thăm thầy. Anh em chúng tôi phần lớn ở Huế, một phần nhỏ sinh sống trên mọi miền của tổ quốc, và khắp năm châu bốn bể. Chúng tôi vẫn luôn có những sinh hoạt hiếu hỷ, tất niên, tân niên và thường xuyên liên lạc với nhau quốc nội cũng như hải ngoại. Trường tiểu học An Cựu xưa kia, nay là Trường trung học cơ sở Đặng Văn Ngữ, hiện tại không còn một vết tích gì của trường xưa, ngoại trừ trường còn soi bóng bên dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong và Thảo Am bên góc trái của trường.

(3). Hồi tôi học năm thứ ba y khoa, mặc dầu đã phổ cập tiếng Việt trong giảng dạy, nhưng GS Nguyễn Mạnh Hùng dạy dược lý bằng tiếng Pháp, giáo trình tiếng Pháp.
Đề thi bằng tiếng Pháp, dưới đề thi có ghi chú SV có thể làm bài bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt và được tham khảo tài liệu. Thế nhưng những SV mang nhiều tài liệu và sách vở để tham khảo thì thường làm bài không được. Năm thứ tư có mấy GS người Mỹ dạy bệnh lý ngoại bằng tiếng Anh, không có giáo trình, không có người phiên dịch. Thầy giới thiệu vài cuốn sách tại thư viện để tham khảo. Lớp tôi chỉ có vài SV giỏi tiếng Pháp do học trường Tây, số còn lại tiếng Anh, tiếng Pháp kha khá, không làm sao theo kịp thầy dạy bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Nhưng chúng tôi không hề có chuyện yêu sách, đấu tranh đối với thầy giáo, mặc dầu SV có quyền xuống đường, biểu tình chống chiến tranh...

(4). Miền Nam trước 1975, thi tú tài là kỳ thi quốc gia rất quan trọng được toàn xã hội quan tâm. Kỳ thi cho điểm trên 20, kết quả được xếp hạng lấy điểm trung bình cộng như sau: Hạng Thứ (10-<12), Bình thứ (12-<14), Bình (14-<16), Ưu (16-<18), Tối ưu (18-20). Toàn miền Nam học sinh đậu tú tài hạng tối ưu chỉ đếm trên đầu ngón tay, tú tài đậu ưu và tối ưu hầu như 100% được học bổng đi du học Nhật bản, Úc, Tây Âu hay Bắc Mỹ… Tôi lấy làm lạ, mới đây (hè 2013) thi vào y khoa Hà Nội, 3 môn 27 điểm tức là điểm trung bình 9/10=18/20 mà không
đậu đại học, nếu so sánh với thi tú tài của miền Nam trước đây là các thí sinh này đậu thứ hạng tối ưu, là đi du học, là cả tỉnh chưa chắc có được một học sinh đậu hạng tối ưu. Thế mà thi vào y khoa Hà Nội đạt điểm tối ưu, vẫn phải khăn gói về quê, đắp mền nằm khóc. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu lại thi cử như thế nào để tuyển được người giỏi thực sự. Nếu bây giờ tổ chức thi tú tài như ngày xưa thì bước một đã phân định một lực lượng thầy và thợ. Các trường đại học được xem có tiếng trong nước thi tuyển đầu vào có đề thi (tất nhiên môn thi khác nhau) như trường Phú Thọ ngày xưa thì chắc chắn một điều không có chuyện thí sinh đạt điểm tối ưu mà lại không được tuyển vào đại học như YK Hà Nội hiện nay.
 
(5). Sinh viên Phú Thọ, tức là SV của Trung tâm quốc gia kỹ thuật Phú Thọ ở Sài Gòn đào tạo kỹ sư thi tuyển vào trường cực kỳ khó. Năm 1970 học sinh trường tôi không ai lọt vào hết. Bạn giỏi nhất khóa tôi c
ũng không giải được bài toán, kết quả không thi đậu. Nhưng may thay, sau đó bạn có học bổng đi du học tại Úc, đã học xong kỹ sư. Hiện tại bạn đang làm việc và sinh sống tại Úc.