Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
  Tháng ba, nhớ lại…                   Nguyễn Diệu Anh Trinh            
Chin Bon
Chin Bon
       Chưa kịp đến hè, mới giữa tháng ba, lễ Hai Bà Trưng và ngày truyền thống của trường với tên mới Nữ Trung Học Hồng Đức được tổ chức ba ngày, có hội chợ, cắm trại, có đêm văn nghệ lửa trại thật nhiều kỷ niệm. Niềm vui chưa tròn, sân trường chưa kịp dọn dẹp dấu vết mấy ngày hội hè đã tràn ngập những đoàn người từ Quảng Trị và Huế lê thê lếch thếch bồng bế nhau chạy tránh bom đạn. Trường đóng cửa để dành phòng học làm nơi tạm cư cho đồng bào.

       Tôi nghe ba má bàn tán sẽ tìm cách di tản gia đình vào Sài Gòn vì quân đội mình từ Kom tum, Ban Mê Thuộc đang như rắn mất đầu chạy về Nha Trang. Tình hình an ninh đất nước thật hỗn loạn. Tôi vội vàng xuống trường để rút hồ sơ, chẳng còn một bóng dáng thầy cô nào ở đây. Phòng học vụ đã bị dân chúng phá cửa vào, giấy tờ rách nát ngổn ngang, không cách gì tìm kiếm được. Ngoài sân trường, những tờ bích báo mới đem dự thi hôm Lễ Truyền Thống nay đã bị đem ra làm vách ngăn cho những hố vệ sinh. Hình ảnh ngôi trường và những dãy phòng học thân yêu, khoảng sân rợp lá bạc hà thấp thoáng những tà áo dài trắng đã không còn nữa, trái tim tôi như tan nát.
      
       Ngày 26, tin tức trên đài phát thanh loan báo quân đội Bắc Việt đã chiếm thành phố Huế. Ba tôi thất vọng, bỏ ý định di tản vì theo ông, đã mất Ban Mê Thuộc và thành phố Huế thì đi đâu cũng vậy thôi. Cả nhà lo âu, mọi người nhìn nhau cùng hoang mang cho một viển ảnh không mấy khả quan.

       Tôi đạp xe vào nhà nhỏ bạn cùng lớp là Kim Liên, tôi gọi Liên ơi, Liên hỡi, không có ai trả lời. Gia đình nó đã dọn đi mất tiêu, nhà trống hoang. Dòm vào cửa sổ phòng khách đang còn mở, tấm hình của ba má Liên được lồng kiếng thường treo trên tường không còn nữa. Tôi thẩn thờ nhìn lên cây mận trước sân nhà, ngay trước cửa phòng của nó, những chùm trái non mơn mởn vẫn đong đưa trên cành, nước mắt tôi ứa ra.
      
       Tôi đi ra đường, từ Trần Cao Vân xuống ngã tư Quân Cụ, rẻ phải qua đường Khải Định. Phố phường đông đúc nhưng điêu tàn, xơ xác, như không còn sức sống. Dân chúng từ các nơi đang chạy về lũ lượt, những ánh mắt hớt hải, những khuôn mặt mang nét hoảng loạn, dọc lề đường hàng đống những bộ quân phục, những cái bi đông của lính, nón sắt… rải rác vương vãi, môt vài đám tranh giành hôi của, đang đánh nhau ở ngã tư chợ Cồn. Kho gạo đường Duy Tân bị dân chúng phá cửa vào, người ta chen nhau dành giật, không kể già trẻ lớn bé. Có người vừa vác bao gạo ra tới cửa đã bị kẻ mạnh hơn cướp chạy. Xuống đến bờ sông Hàn thì tình hình càng thê thảm hơn, người ngồi, kẻ nằm dọc theo bờ sông, quang cảnh hổn loạn, người ta chen nhau tìm đường xuống ghe để ra biển vì nghe đâu đường bộ đã bị phong tỏa ở Quy Nhơn. Ai cũng hy vọng xuống tàu ra biển vào được Sài Gòn thì mới yên. Sài Gòn…Ôi! Sài Gòn, niềm hy vọng của người dân cả nước đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng.

       Tôi thất thểu trở về, dọc đường lại chứng kiến bao cảnh người di tản nằm la liệt, những cụ già lụm cụm, những em bé ngơ ngác. Người ta đùm túm nhau không biết sẽ đi về đâu. Có nhiều gia đình tài sản mang theo vỏn vẹn cái tượng Đức Mẹ, hoặc Phật Bà Quan Âm. Người ta ôm khư khư như đang bảo vệ mạng sống của mình, dường như tín ngưỡng là nơi bám víu cuối cùng của con người lúc  tuyệt vọng. Tôi như kẻ không hồn, ngơ ngác giữa cơn hấp hối của thị xã.
   
       Trong những giờ phút cuối cùng này, ba má tôi lúc nào cũng khư khư cái radio, lắng nghe tin tức từ đài BBC, đài VOA với chút hy vọng mong manh vào những đổi thay ở giờ cuối. Giấy tờ quan trọng được ba tôi sắp đặt lại một nơi an toàn, má tôi thì thắp nhang khấn vái tứ phía. Buổi tối thỉnh thoảng có tiếng đạn pháo kích từ xa vọng lại, tuyệt đối không thấy ánh hỏa châu. Thị  xã Đà Nẵng dường như  bị bỏ ngỏ. Đêm đêm, đài phát thanh BBC đưa tin có rất nhiều thường dân xuống tàu vào nam tìm đường sống đã bỏ mình giữa biển vì tàu đắm, nhiều người di tản bằng đường bộ thì bị trúng mìn, bị pháo kích, chết nhiều lắm.

       Trưa ngày 29, xôn xao tin đồn cọng sản Bắc Việt đã vào đến Nam Ô, đến khhoảng hai giờ chiều, đứng trước sân nhà nhìn ra đường, lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy những người lính của phía bên kia. Trên những chiếc xe mang biển số rất lạ là những khuôn mặt còn non choẹt. Nón cối, dép cao su đen, quân phục thì rộng thùng thình, nước da người nào người nấy tai tái, hình ảnh của họ gieo vào tâm trí tôi nỗi chán chường, thất vọng. 

       Tôi lặng người nhìn những đoàn xe đi qua, và… không biết đã được chuẩn bị từ bao giờ cũng có nhiều người đứng hai bên lề đường, những cánh tay đeo băng đỏ đưa lên vẫy vẫy, hò reo. Buổi chiều hôm đó, một ngày cuối tháng ba trời Đà Nẵng bỗng dưng đổ mưa. Trong cơn giẩy chết của thị xã, cơn mưa không lớn, những hạt mưa chưa đủ làm ướt mặt đất chỉ bốc lên cái mùi hơi đất nồng nồng. Tôi nghe cay ở mắt và lòng tôi cũng như đang giãy chết. Một tháng sau, nghe tin Sài Gòn, vùng đất cuối cùng  cũng mất. Lính tráng, dân chúng tìm mọi cách thoát thân, một số tướng lãnh đã tự tìm đến cái chết để bảo toàn khí tiết. Thế là bao nhiêu hy vọng, mong đợi cuối cùng cũng đã tan vở, bao nhiêu mộng ước đã tàn theo vận nước.

       Mùa hè đến sớm với những buổi lao động dọn vệ sinh trường lớp rồi cũng qua mau. Ngôi trường Nữ Trung Học thân yêu trở thành nơi ở của cán bộ trước khi trường được đổi thành trường Cao Đẳng Sư Phạm, nhiều lần đi ngang trường xưa, nhìn những hành lang trên tầng lầu phơi đầy áo quần tôi không khỏi ngậm ngùi, ngơ ngác, tất cả  như chỉ là một giấc mơ.

       Một giấc mơ không đẹp, không ươm đầy mộng mị, không óng ả hạnh phúc nhưng lại là một giấc mơ khó quên. Tôi không thể nào quên. Hai năm cuối cùng bậc trung học tôi được xếp vào học ở ngôi trường lớn nhất thành phố từ trước đến nay. Hai năm vật lộn với sắn khoai, bo bo và chủ nghĩa xã hội, tôi ra trường và bắt đầu vào đời với nhiều nổi đắng cay của một người có lý lịch phải đứng bên lề của hàng ngũ trí thức. Kể từ ngày trường học đóng cửa và nhà tù mọc lên  như nấm khắp nơi từ nam ra bắc.Tôi sống lây lất, dật dờ như thế đến mười chín năm, mười chín năm quá đủ để tôi thấm hiểu thế nào là cuộc sống của kẻ lâm vào cảnh nước mất, nhà tan.
      
       Cứ mỗi năm khi tháng ba về, đọc báo, nghe tin tức nói về những tiến bộ mới mẻ ở quê nhà, những đổi thay của Đà Nẵng, tôi không khỏi mường tượng đến hình ảnh một chiều tháng ba năm xưa, một con bé mới mười bảy tuổi, là tôi, đứng ngơ ngác nhìn cảnh hấp hối của thị xã, nước mắt nhòe khuôn mặt. Cảm giác đớn đau đó cứ mãi ám ảnh tôi, tôi cứ nghĩ về những oan khiên của đồng bào đã bỏ mạng oan ức vì bom đạn vốn vô tình, nghĩ đến những nghiệt ngã của dòng đời kể từ dạo đó khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh dở khóc dở cười.  Con lạc cha, vợ mất chồng, kẻ vùi thân nơi biển cả, người lưu lạc xứ xa, kẻ trở về tàn phế bịnh hoạn. Tháng ba của tang tóc và chia lìa, vậy mà tháng ba năm nào người quê tôi cũng hân hoan chào đón, đốt pháo, treo cờ.

       Có phải người ta đã thật sư quên hay vì tôi đã quá già cỗi nên cứ nhớ hoài về những chuyện biển dâu?

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta, 35 năm sau ngày 29/3. Nhớ về ĐN.