Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
THÁNG BA TRÊN SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY
Đi mãi đi miết trên những nẻo đường giêng-hai sương mù gió bấc miền Bắc, đến Huế trời vẫn còn mưa lâm thâm, tôi vào Nam khi tháng Ba trôi theo sông nước miền Tây trong nắng mùa xuân. Hạnh phúc gần gũi như đám lục bình bập bềnh đây đó ngoài kia trên sông theo những bờ kênh. Nhìn lục bình trôi thời biết nước lên hay nước ròng. Trôi về cửa Định An, Ba Thắc, Tranh Đề… thủy triều lên. Theo chiều ngược lại là con nước ròng. Chu kỳ con nước lên xuống hai lần trong ngày bước đầu hình thành chốn ghe thuyền quần cư nơi chỗ ‘’ giáp nước ’’ trên sông làm nên nhịp sống châu thổ.
Miền Nam không thấy núi cao vực sâu như Tây Bắc, Đông Bắc, núi chẳng chạy sát biển như Trường Sơn xa lắm người ơi, ở đây chỉ heo hút vài ngọn đồi thoai thoải đã gọi là núi như Bà Đen, Thất Sơn, núi Sam. Châu thổ miền Nam là vùng đất bằng phẳng như ‘’Le Plat Pays’’ trong ca từ nhạc Jacques Brel nơi ‘’ bầu trời xuống thấp đến nỗi dòng kênh trôi đi mất ’’. Tháng 3 ở đây trời trong xanh và kênh mương nối lấy đôi bờ, đan kín châu thổ.
Trên bờ kênh, cây sao, thân thẳng đứng, dáng uy nghi, vươn thẳng lên trời cao. Cây bần, thế vặn vẹo như bonsai, bằng lòng với phù sa con nước. Bần và sao hoa màu trắng. Trên kênh Cái Sơn, bần lấm tấm hoa vào tháng Ba và sao trên bờ nở hoa khi mùa mưa đến. Tiếc quá, bờ kênh bây giờ ngày càng vắng bóng sao mà rác thì cơ man. Đây đó trên bờ, còn thấy mấy cây bông gòn trái treo lũng lẵng như bầu bí trên cành. Trái bông gòn chuyển sang sắc vàng khi chín và nở bung, tơ trời màu trắng bay bay trong gió. Hoa đồng nội như hoa sao, hoa bần màu trắng phơn phớt, hoa lục bình màu tím nhạt dung dị trong khi phụ nữ miền Nam lại chuộng sắc màu rực rỡ! Như màu vàng cam hình chuông của hoa tulipe xứ Gabon/ tulipier du Gabon? từ đâu về đây khoe sắc thắm bên bờ kênh phương Nam.
Hôm trước, tiễn khách ở Châu Đốc, đi phà Châu Giang, phà Tân Châu qua ngã Hồng Ngự rồi theo tỉnh lộ 831 đi Tân Hưng. Dọc bờ kênh, tôi ngợp trong sắc hồng phai mùa hoa ô môi nổi bật trên nền trời tháng ba xanh thẳm. Chưa được may mắn đi chơi hội hoa đào ở Tokyo, Washington DC., Toronto… duyên may nhìn rặng ô môi mùa hoa bên bờ kênh trong nắng là nỗi xúc động dâng trào. Hồng phai ô môi là quà tặng hào phóng mùa xuân phương Nam trên mấy nẻo đường.
Thỉnh thoảng, trên dòng kênh còn thấy cảnh đóng chà. Chà là những nhánh cây và tàu dừa cắm dưới đáy kênh cho có bóng mát để nhử cá vào; khi ước chừng đã có nhiều cá quây quần trong đám chà, người dân đóng đăng (một loại sáo tre) vây quanh đám chà, chờ nước ròng lấy nơm ra bắt cá. Lang thang trên kênh rạch miền Nam năm bảy lần mỗi năm, đọc một truyện ngắn của Kiệt Tấn, mới hình dung được cảnh đóng chà. Cám ơn nhà văn.
Trên sông nước miền Tây, du khách phương xa thường hỏi về mối tương quan giữa châu thổ miền Nam với miền Trung, miền Bắc, rộng hơn là với các nước láng giềng lưu vực sông Mékong và Trung Quốc; viễn cảnh biến đổi khí hậu, trái đất nóng dần, nước biển tràn vào, biết bao là đập thủy điện treo lơ lửng nơi đầu sông, hay miền trung lưu trong khi vùng hạ lưu nguồn phù sa và cá tôm cạn kiệt, con người ngắc ngoải…đến năm 2050 thì châu thổ gần như chìm trong nước biển?
Vựa lúa phù sa Cửu Long thuở xa xưa đã có người Phù Nam hiện diện và xây dựng vương quốc, người Miên làm chòi trên ‘’giồng’’, lưu dân Việt khai phá đào kênh ‘’mang gươm đi mở cõi ’’, người Pháp và Tây Ban Nha đến ‘’bình định’’ hậu bán thế kỷ 19 nay còn rơi rớt trên bờ kênh chỉ mỗi từ đặc trưng Y Pha Nho mấy ai nhớ đến: arroyo/kênh đào.
Dưới góc nhìn khí hậu và thời tiết, châu thổ miền Nam không có gió Bấc như miền Bắc và Bắc miền Trung. Lan man trong gió mùa xuân… Đi thăm đền đài miếu mạo trên đất nước Việt Nam, cổng chính thường mở về phương Nam như Ngọ Môn Huế, duy chỉ có lối vào đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư là nhìn lên phương Bắc với dòng chữ ‘’ Để án ngữ gió Bấc’’/gió từ phương Bắc. Lời dặn từ ngàn xưa vẫn còn đó. Vậy hãy ghi nhớ: miền đất bằng phẳng chằng chịt kênh mương một thời trù phú miệt vườn, nơi tận cùng tổ quốc, ‘’miền đất nửa đất nửa nước ‘’ theo dòng lịch sử sẽ không bao giờ có hiện tượng gió bấc tràn về. Nơi đây ’’nồm nam cơn gió thổi ’’.
Viễn cảnh năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long bị ngập trong nước biển không chỉ là dự đoán mà còn là thông điệp. 30 năm có còn kịp để mà giữ đất giữ nước?
Tháng ba về, lác đác trên bờ kênh còn mấy cây sao, xa xa rặng ô môi hồng cả một góc trời, bần, sú, vẹt chân chất bám lấy phù sa đất- nước. Học trò đồng phục áo trắng quần xanh, nữ sinh áo dài trắng quần đen qua sông đi học. Tắc ráng, vỏ lãi, ghe chài chở lúa, chở trấu, ghe chở trái cây miệt vườn dập dìu, bây giờ lại thêm tàu vỏ sắt hút cát giữa muôn trùng…
Mai sau, trải qua bao biến thiên của đất trời và nhất là con người, ai đó nhớ phương Nam tháng ba quay về có còn thấy cảnh mùa xuân trên sông nước châu thổ?
TỐNG VĂN THỤY/2020
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
NA 2/18/2018