Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
THÁNG TƯ CAO NGUYÊN

Tây Nguyên tháng tư, bướm vờn bay muôn nẻo. Những cánh bướm vàng mơ chập chờn nơi hàng cây, khóm lá. Ve kêu râm ran trên tán cây long não cổng vào Bảo Tàng Dân Tộc Học Buôn Mê Thuột. Một cảm giác bình yên thanh thản chợt đến sau khi vượt qua đèo Lò Xo, đến Dakglei, Kontum trong cơn mưa rừng đầu mùa. Mưa xối xả quất vào người. Mưa, bùn nhão, nhất là hình ảnh cơ cực của những bản làng Ba Na, Rơ Ngao dọc sông Dakbla làm mềm lòng, chân bước như chậm lại.

Buôn Mê Thuột trời khô. Buổi tối lang thang phố núi, gió hơi se lạnh. Chiếc xe tăng bằng xi măng ở Ngã Sáu lạc lõng giữa những con đường đan xen, những khách sạn sáng trưng và dòng người rong chơi cuối tháng tư. Trung tâm phố núi Buôn Mê, gió luồn qua kẽ áo, cảnh sắc na ná phố thị miền xuôi. Hàng quán rộn ràng, đèn đóm xanh đỏ. Loanh quanh những góc phố, nỗi nhớ miên man tháng Ba năm nào tưởng ngủ vùi trong ký ức chợt bùng lên như ngọn lửa đốt đồng sau mùa gặt của đồng bào thiểu số Mnong dọc quốc lộ 27. Khói lẩn khuất nơi cuối trời.

Lên miền Tây Bắc, Đông Bắc ngoài kia, Cao nguyên Nam Trung Phần trong này, tôi thường gặp đồng bào thiểu số nay gọi  dân tộc ít người, miền Nam trong trí tưởng là người Thượng với chính sách « Kinh-Thượng một nhà ». Nơi miền sơn cước, hiếm khi thấy cánh đàn ông miền núi cười nói như người miền xuôi, họ im lặng « trầm mặc cây rừng », phụ nữ mắt buồn nhìn sâu lắng. Thuở mới bước chân lên Tây Nguyên cách đây hơn hai mươi năm, tôi còn háo hức chụp ảnh. Có lần muốn ghi lại hình ảnh cô gái Mnong buôn Mlieng địu con trong ráng chiều bên hồ Lak nhưng nhìn đôi mắt to đen buồn xa xăm như dãy núi Chư Yang Sin kia, tôi đành bỏ máy ảnh xuống. Tự nhiên, thấy lòng bất nhẫn. Con cháu  Vua Nước- Vua Lửa/ Thủy Xá và Hỏa Xá hùng cứ suốt vùng núi rừng Nam Trung Phần ngày xưa giờ lạc loài trên quê hương mình. Và ai đó cũng đành vong thân sống mòn trong một thời điểm cực kỳ nhiễu nhương và hỗn mang của đất nước nầy.

Theo dòng lịch sử, người Việt gồm những « nậu nguồn » hay « các lái »* đặt chân lên miền rừng thiêng nước độc cao nguyên khoảng thời vua Thiệu Trị/1841 để buôn bán trao đổi với người Thượng mà sản vật chính từ miền xuôi lên là muối và cá, xuyên qua những « con đường muối »**, chữ của Jacques Dournes, nhà truyền giáo và dân tộc học người Pháp có tên Thượng là Dam Bo, người sống gần 30 năm ở Di Linh và Cheo Reo. Một thiểu số người Việt còn lên cao nguyên chạy trốn chính sách cấm đạo Công Giáo thời nhà Nguyễn.

Hơn 150 năm sau, trừ những bản làng heo hút, phố núi cao hầu như toàn người Kinh, người Thượng lùi dần về vùng sâu, rừng núi xôn xao thu hẹp dần. Trong tâm tưởng người Kinh, cây đa, bến nước, lũy tre, mái đình, hàng cau, đụn rơm, mái tranh…là nhà. Với người Thượng, rừng là nhà, rừng là để sống hài hòa với thiên nhiên đất trời. Họ có đốt rừng, « ăn rừng » chẳng qua sau một chu kỳ lại quay về « rừng núi giang tay » rộng mở, không phải « rừng xưa đã khép » nơi người Kinh chỉ muốn chăm bẵm, khai thác, thu lợi, vun vén và phá hoại. Trên con đường từ Hội An đi KonTum, dừng chân Khâm Đức bên thác nước trắng xóa, tôi lặng người trước hằng hà sa số cây rừng hóa thành sập gụ, tủ chè, phản gỗ dày hơn cả gang tay, cơ man là đồ lưu niệm bằng gỗ từ tượng thánh thần đến bình gỗ trang trí vươn cao cả thước, hộp gỗ đựng tro cốt…rừng thẳm. Lên đến Kon Tum, vào sãnh khách sạn, thấy đồ gỗ quá cỡ để nghe rừng than thở « rừng nay đã hết, anh hãy quay về »( ?).

Cuộc Nam Tiến khởi đi dưới thời Lê Đại Hành năm 982 kéo dài đến gần 800 năm mới hoàn tất khi Hà Tiên sáp nhập vào cương vực chúa Nguyễn sau khi Mạc Thiên Tứ qua đời năm 1780. « Tây tiến » thấm thoắt non 150 năm từ miền duyên hải lên vùng cao. Rừng cao nguyên chết ngắc ngoải trong vòng 45 năm trở lại đây. Trưa cuối cùng Buôn Mê, bên hồ Lak, du khách uống rượu cần và nghe âm nhạc cồng chiêng trong ngôi nhà sàn mái tôn, tường gạch nóng như thiêu đốt. Tiếng cồng chiêng ngân vang trầm buồn như tiếng kêu vọng lại của những con nai, con hoãng bơ vơ khi rừng xưa đã chết.

Sẽ không khách quan nếu không nhắc đến những thành tựu về kinh tế Tây Nguyên với những rừng cao su chạy dài tít tắp, những vùng đất đỏ ba dan cà phê bắt đầu đơm quả, những cọc tiêu xanh mướt sắp bước vào mùa thu hoạch… Tuy nhiên, hình như người Thượng còn đứng lấp ló rất xa bên lề sự phát triển nầy.

Tháng Tư cao nguyên, nhìn sông Dakbla chảy ngược về Tây, nhìn nắng loang trên rừng cao su Chư Sê trải qua Ayunpa, Cheo Reo, Củng Sơn…nhớ tháng Tư buồn năm xưa, bạn tôi  từ Pleiku băng rừng theo dòng người di tản mải miết chạy về miền duyên hải. Thấm thoắt hơn 40 năm trên đường liên tỉnh lộ 7B ở Phú Bổn mà báo chí ngày ấy gọi là« lộ máu số 7 ».

Lên Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên của đất nước thân yêu nầy, chỉ có Sapa là nơi dân sơn cước, người tứ xứ đến kinh doanh còn hưởng lợi từ du lịch qua những dịch vụ khách sạn, nhà hàng, buôn bán hàng lưu niệm. Trận cuồng phong du lịch ập đến Sapa, thị trấn nghỉ mát vùng cao vươn vai « phát triển » quá nhanh, quá bạo mà lòng tham con người thì vô hạn, cho nên Sapa nay chỉ còn là kỷ niệm đẹp.  Thành phố mây lang thang đã khác xưa. Thế sự thịnh suy, thiên nhiên còn mất, cơ đồ hưng phế, tuổi trẻ qua mau là… lẽ thường.

Lên Kontum, Pleiku…trên Tây Nguyên, rong ruổi qua những bản làng Bana, Jarai …khách thương chỉ ghé đến rồi đi, chẳng mảy may đóng góp gì cho địa phương và cư dân  bởi sản phẩm du lịch tại chỗ chẳng có gì để mang đi. Đâu rồi những tấm vải dệt tay với hoa văn « hình má cọp » hay « mõ chim calao » phảng phất những họa tiết trang trí trên trống đồng Đông Sơn mà G. Condominas mô tả và vẽ lại trong sách? Nhìn rừng xanh đã mất, nhà sàn tuềnh toàng chắp vá, nỗi mưu sinh nhọc nhằn, trẻ con nheo nhóc, nhiều khi tự hỏi: « Mình có quyền gì nhởn nhơ vào đây? Còn bao lâu nữa, khái niệm « Du lịch bền vững » mới thực sự đi vào đời sống? » Không khéo, du lịch Tây Nguyên sẽ biến thành hành trình Safari-Photo tương tự du lịch chụp ảnh động vật hoang dã nơi những khu bảo tồn thiên nhiên như công viên quốc gia Kruger ở Cọng Hòa Nam Phi và buồn thay trên Tây Nguyên, người Thượng là đích nhắm của ống kính máy ảnh.

Tháng Tư cao nguyên là mùa của những cơn gió khô, gió thổi thông thốc trên triền núi, băng qua những bìa rừng đất đỏ au, những hàng cây cao su tít tắp, những nương rẫy cà phê héo hắt đợi mùa mưa đến. Nơi đây, rừng chết, Giàng bỏ đi, những thần linh mới còn đâu đó nơi cuối trời… nên Tây Nguyên cứ mãi bơ vơ.

Chẳng thể là kẻ lãng du đi tìm thoáng hương xa trên đất nước mình, chỉ là người hành hương nên tôi thực tâm cầu mong mùa mưa đến sẽ tắm gội miền đất huyền hoặc có tên là cao nguyên Nam Trung Phần nầy để rừng còn xanh và biết đâu người sơn cước sẽ được trở về mái nhà xưa, khi ấy rừng núi - con người sẽ hoan ca.   

30 tháng 3, 2019
TỐNG VĂN THỤY

* « các lái »/ thương lái, từ mà nhà dân tộc học Georges Condominas thường dùng trong tác phẩm « L’exotique est quotidien. Sar Luk, Viêt Nam Central ». Plon. Paris.1965/ tạm dịch «  Hương xa là chuyện thường ngày. Sar Luk, Trung Việt », nghiên cứu tại chỗ về đời sống hàng ngày  buôn Sar Luk người Mnong Gar ở Đắc Lắc những năm 1948-1950.
** Jacques Dournes/ Dam Bo. Les Populations Montagnardes du Sud- Indochinois. P.M.S.I. Lyon. Derain. 1950. Bản dịch Nguyên Ngọc : Các Dân Tộc Miền Núi Nam Đông Dương . NXB Hội NHà Văn.
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
NA 2/18/2018