Thằng Dê … ực
Năm nó lên hai, bập bẹ những tiếng ngọng nghịu đầu đời, mẹ hỏi nó:
- Con mấy tuổi?
- Con hai tuổi.
- Tuổi gì?
- Tuổi mùi.
- Tuổi mùi con gì?
- Con Dê.
- Con dê gì?
- Con dê … ực.
Từ đó, nó có tên là thằng dê … ực
Trước khi mang thai nó, mẹ đã sanh được hai chị gái. Mẹ chẳng phải là cán bộ công nhân viên nhà nước nên không cần phải chấp hành “Kế hoạch sinh đẻ” gì cho mệt. Năm chị Thanh được 6 tuổi, mẹ có bầu, là nó. Lúc này công việc làm ăn của mẹ tương đối khá giả từ cái quán hàng xén nho nhỏ ở đầu xóm. Cái xóm lao động nhỏ bé mà đàn ông đa số là thợ nề, đàn bà thì bán rau. Xóm sau có cái bàu rau muống rất lớn nên sáng sáng, từng đoàn phụ nữ quảy gánh vào đó mua rau gánh về, cắt tỉa rồi bó lại thành bó gọn gàng mang ra chợ bán buổi chợ chiều.
Nó nằm trong bụng được 6 tháng, mẹ dành dụm tiền để xuống bác sĩ làm siêu âm. Biết được sẽ là một thằng con trai, cả bố lẫn mẹ đều mừng rỡ. Bố nhận được nhiều công trình xây dựng mãi tận Hà Nội, làm ăn có phần phát đạt dù phải đi xa nhà. Đã quá 9 tháng 10 ngày mà sao mẹ nó chẳng có dấu hiệu trở dạ, chỉ thỉnh thoảng ra chút xíu nước. Đến trạm xá khám, người ta bảo rằng do mẹ nó đi xe gắn máy nhiều nên có hiện tượng tiểu són. Mấy tuần sau đó, các dì và bà ngoại hối thúc quá, mẹ nó vội vàng xuống bệnh viện Đa khoa thành phố để khám thai. Bác sĩ cho biết cần phải mổ cấp cứu vì thai nhi quá lớn, quá già ngày tháng. Chị ruột của mẹ là dì Ba, đang làm ở Căng tin bệnh viện có quen biết nhiều nên mẹ nó được đưa vào phòng mổ ngay đêm đó. Thật là một đêm căng thẳng và vất vả cho dì Ba. Thời bao cấp, một cây kim để chuyền serum, một đoạn chỉ khâu vết mổ, người nhà của bệnh nhân cũng phải bỏ tiền ra mua. Năm giờ sáng, vị bác sĩ phụ trách ca mổ đã hoàn thành trách nhiệm đem nó ra khỏi lòng người mẹ nhưng ông lắc đầu nói với dì Ba: “Thai rỉ ối quá lâu, nước ối nhiễm trùng vào phổi, thằng bé sẽ không sống quá 5 tiếng đồng hồ nữa’’. Dì Ba vừa khóc vừa vội vàng sắp xếp, nhờ cậu Hai và một người anh của Bố nó sẵn sàng cho việc tang ma hài nhi xấu số. Mọi việc hoàn thành trong khi mẹ nó vẫn còn mê man ở phòng hậu phẩu thuật. Bà ngoại đau lòng và sợ mẹ nó sẽ không chịu được sự mất mát đau thương bất ngờ này. Tình cờ ngay hôm đó, có một người quen làm nghề mua bán ve chai dạo trong xóm báo cho bà hay tin tại trạm xá Hòa Vang có một sản phụ bỏ trốn, để lại một bé trai vì bà ta không có chồng chính thức, lại quá nghèo không có đủ tiền thanh toán viện phí. Bà ngoại vội vàng mướn xe đạp thồ, nhờ người bán ve chai đì tìm tông tích người mẹ đau khổ kia. Sau khi dùng tiền bạc để điều đình, bà Ngoại đã đem được nó về với tờ giấy chứng sanh có tên mẹ nó. Người sanh ra nó nhận một số tiền từ bà Ngoại và làm một tờ giấy đồng ý cho đi đứa con xấu số này vì không có điều kiện nuôi dưỡng cùng lời cam đoan sẽ không bao giờ gây rắc rối sau này. Bà bán ve chai cũng được thưởng một khoản tiền để giữ bí mật.
Ẳm nó về trong tình trạng suy dinh dưỡng, hai mắt nó đầy mủ vì thiếu vitamin A trầm trọng. Bà ngoại ôm nó vào lòng đầy thương cảm, bà mua vội ít thuốc nhỏ mắt cho nó. Ngày hôm sau, mẹ nó tỉnh dậy, không thấy con trai bên cạnh, mẹ nó thắc mắc, các cô y tá đã được dì Ba nó nhờ, cho mẹ nó hay rằng “Cháu trai yếu quá nên được nuôi trong lồng kính ở khu dinh dưỡng, tòa nhà phía bên kia. Ngày chị xuất viện chúng tôi sẽ mang cháu qua giao”. Chiều hôm sau, Bà ngoại ẳm nó xuống căng tin, dì Ba lấy giỏ áo quần hôm mẹ nó đi sanh thay toàn bộ áo, tả lót, khăn quấn cho nó. Giờ đây, nó thật sự trở thành con trai của mẹ nó, người mẹ khổ đau vừa mất đứa con máu mủ, cưu mang hơn chín tháng mười ngày mà chưa hề hay biết. Sau đó dì Ba lại nhờ các cô y tá bên khu dinh dưỡng ẳm nó lên giao cho mẹ nó như đã sắp xếp từ trước.
Hai mẹ con trở về nhà trên chiếc xích lô do bà Ngoại mướn sẵn, mẹ nó vui quá vì sau bao ngày mong đợi nay đã ôm được thằng con vào lòng, quên hết bao đau đớn vì vết mổ. Tình mẹ con ngày thêm thắm thiết. Nó không phải là đứa trẻ vô phước vì từ đó nó lớn lên trong tình thương thật sự của người mẹ. Mẹ nó hoàn toàn chưa biết được sự thật, mẹ đã chăm bón nó bằng bầu sửa của mình.
Nhưng chuyện đời không đơn giản, chẳng có điều gì che khuất được dưới ánh mặt trời. Hàng xóm bắt đầu bàn ra tán vào. Mấy tháng sau, khi sức khỏe mẹ con nó được hồi phục, ông bà ngoại đã mời ba mẹ nó xuống nhà, trước khi nói hết sự thật ông Ngoại nó đã khẳng định nếu bố mẹ nó không chấp nhận thằng con này thì ông bà ngoại sẽ nhận nuôi nó. Bố mẹ nó tuy hơi bất ngờ nhưng vẫn khăng khăng muốn nuôi nó. Nó đàng hoàng là đứa con của bố mẹ từ trong giấy tờ ra ngoài sự thật kể từ ngày ấy.
Năm lên hai, nó bập bẹ những tiếng ngọng nghịu đầu tiên. Mẹ nó đã âu yếm gọi nó là: Thằng Dê …ực của mẹ. Trẻ con láng giềng đứa nào hí hửng chọc ghẹo nó là bị mẹ nó mắng thẳng tay. Thời gian chậm chạp trôi qua, không biết có phải vì sự xuất hiện bất đắc dĩ của nó trong gia đình hay không mà…từ đó mối liên hệ giữa bố mẹ nó không được ấm êm. Kết quả xấu nhất cuối cùng cũng đến. Tờ giấy li dị đã được bố nó ký sẵn để trên bàn sau một cơn nóng giận. Chén bát khua vang rồi vở vụn. Năm đó nó được năm tuổi, bố rời gia đình. Theo phán quyết của tòa, nó được ở với mẹ. Mẹ cưng nó lắm vì từ ngày có nó mẹ làm ăn khấm khá hẳn lên. Thằng Dê ực tuy lớn lên trong cái xóm lao động nghèo kia nhưng nó oai như ông Vua một cõi. Trẻ con trong xóm đứa nào cũng nể mặt nó vì bất cứ chuyện gì xảy ra, nó làm điều gì sai quấy cũng có hình ảnh mẹ nó đứng sau lưng bảo bọc. Cái chuyện “con nuôi“ năm xưa dường như đã chìm vào quên lãng theo ngày tháng.
Mười mấy năm trời, khoảng thời gian có thể xóa mờ bao nhiêu hình ảnh, đổi thay bao nhiêu sự kiện. Người phụ nữ nghèo nàn, đau khổ năm xưa rứt ruột để lại đứa con nơi trạm xá không biết đã trôi dạt phương trời nào. Người đàn ông vô tình nào đã một lần ham vui, để lại giọt máu rơi biết có lúc nào dành vài phút suy ngẫm chuyện mình làm kết quả ra sao. Thằng Dê ực thì lớn lên trong vô tư. Chỉ có người mẹ đang nuôi nó là hàng ngày đối diện với sự thật.
Ngày mẹ con nó rời Việt Nam đi định cư tại U.S.A do sự bảo lãnh của gia đình ông bà Ngoại thì thằng Dê ực đã được mười bảy tuổi. Hai chị của nó, hai núm ruột do mẹ nó sinh ra đành phải ở lại vì các chị đã có gia đình. Thằng Dê ực theo người mẹ đến một vùng đất mới. Tuổi trẻ, nó hầu như chẳng nghĩ ngợi gì đến quá khứ, cho đến một hôm, cần phải lục lọi trong cặp giấy tờ của mẹ để làm hồ sơ đi học, thằng Dê ực đã đọc được một tờ giấy nhỏ, có cả phiên âm ra English. Tờ giấy đã khẳng định lời chối từ của mẹ ruột nó. Thì ra, những lời trẻ con hàng xóm năm xưa hay chọc ghẹo nó là sự thật. Tờ giấy tờ khai sanh mà nó đang xử dụng lâu nay chỉ là một phiên bản sau một cuộc mua bán. Vậy mà lâu nay nó cứ tưởng mình là con trai út của mẹ, người đã dưỡng nuôi, bảo bọc nó từ ngày mới chào đời. Quá tủi thân, thằng Dê ực lặng lẽ gấp tờ giấy trả lại chỗ cũ và cảm thấy lòng mình dửng dưng, trống rổng. Nó ấm ức khóc với tất cả những giọt nước mắt còn lại trong đời. Nó hiểu rằng đã là sự thật thì muôn đời bất biến, khi người ta muốn chạy trốn, muốn chối từ cũng vô hiệu. Thằng Dê ực buồn cho số phận mình đã phải rời mẹ cha ngay từ ngày lọt lòng, không biết cả tên họ, gốc gác. Nó cảm giác mình như một loài ốc mượn hồn. Mẹ nó vẫn hàng ngày đi làm, bận rộn chẳng để ý gì đến những xáo trộn trong tâm tư nó kể cả việc nó biếng ăn, ít nói, ra vào lặng lẻ.
Nhiều ngày u ám như thế trôi qua. Cuối tuần, nó về nhà ông bà Ngoại thăm chơi. Nó ngần ngừ cứ muốn gặp bà Ngoại để hỏi cho rỏ mọi việc, rồi nó lại tự nhủ, mình hỏi rỏ để làm gì, có thay đổi được gì đâu. Trong gia đình ai cũng bình thản đối xử với nó như ruột thịt. Nó ngồi xem TV với cả nhà sau khi ăn cơm tối xong. Trên màn hình, một tin tức đang được mọi người chú ý. Một bác sĩ trẻ, mới 37 tuổi, gốc người Việt được tiến cử làm Bộ Trưởng Bộ Y Tế và Lao Động cho toàn Liên Bang Đức. Dr. Phillips Roesler xuất thân là một đứa trẻ bị bỏ rơi trong Cô nhi viện Khánh Hưng, Nha Trang. Trong những năm chiến tranh, cậu bé đã được cặp vợ chồng người Đức cưu mang, đem về Tây Đức nuôi dưỡng từ khi rất bé. Hình ảnh người bác sĩ Việt Nam trẻ, nét mặt hiền hòa, phong thái chững chạc đứng nói chuyện trước bao nhiêu người Đức, giữa những tràn pháo tay vang dội, tưởng như không ngớt, cứ vang vang trong đầu nó. Người phát thanh chương trình còn bình luận thêm rằng sự xuất thân của một con người, không hẳn là điều quyết định cho sự thành công trong tương lai người đó, mà môi trường nuôi dạy, ý chí quyết âm và cơ hội đã góp một vai trò quan trọng hơn. Nếu cậu bé ở Viện Mồ Côi năm xưa không được nuôi dưỡng và giáo dục từ lòng tốt của hai vợ chồng người Đức kia, mà vẫn tiếp tục lớn lên từ Viện mồ côi thì làm sao hôm nay nước Đức có được một vị Bác sĩ tài giỏi, được bao người kính trọng, lại là một Bộ Trưởng cho toàn Liên Bang. Thằng Dê ực cảm thấy yên lòng. Bản tin thật sự đã làm thay đổi suy nghĩ của nó. Không biết nó mang dòng máu nào trong người, cha mẹ nó làm nghề gì nhưng đến ngày nay, nó được nuôi nấng và lớn lên trong yêu thương của mẹ nó, nghĩ cho cùng, nó thật may mắn được hưởng nhiều đặc ân hơn bao nhiêu đứa trẻ mồ côi khác trên đời. Nó tự hiểu rằng cha mẹ là số phận định đoạt, còn tương lai là do ý chí và sự cố gắng của bản thân mình. Nó biết rằng ngày nay nó có được cơ hội cắp sách đến trường là mẹ nó đã tốn biết bao công sức, cọng với lòng từ tâm của mọi người trong gia đình ông bà Ngoại. Cùng số phận như nó mà Dr. Philipps đã làm nên sự thành công đáng khâm phục, khiến mọi người Việt Nam đều được hãnh diện. Đâu có phải “Con Vua thì lại làm Vua. Con Sải ở chùa lại quét lá đa” đâu.
Đêm hôm đó, thằng Dê ực đã ngủ được một giấc thật bình yên với nụ cười trên môi. Trong mơ, nó vẫn còn nghe tiếng vỗ tay không ngớt biểu lộ sự quý mến và trân trọng của những người dân Đức trước một vị bác sĩ người Việt Nam, cũng xuất thân là con mồ côi như nó.
11/2009
Comments:
1. Ban đầu tui cụt hứng vì mong đọc được truyện dê đực ai ngờ là dê … ực. Giờ thì tui thỏa mãn với con dê ... ực rồi.
Cầu chúc chú dê ực sẽ thành công, may mắn như vị bs người Đức gốc Việt cho bà con mình thơm lây.
2. Rat ham mo tinh than thi dua Toi Lam Van Si cua cac ban Chin Bon. Moi bai deu co cai hay cua rieng no "Moi bai moi ve, muoi phan ven muoi" nhung tui von cam tinh con De, nen noi den De la tui chiu lien, nhat la " Thang De...Uc", cai nhan de cung da hap dan roi, lam nguoi doc khong muon bo sot mot tinh tiet nao het, cau chuyen rat cam dong. Thich nhat la phan mo dau va ket thuc cua cau chuyen rat la nhan hau. Xin trao giai "Trai Tim Vang" cho tac gia bai nay va giai "Nu Cuoi Vang" xin trao tac gia Con Ran ...
3. Con dê đực có lẽ bây giờ đã thành chàng dê đực rồi há?
4. TG tài quá, nghe chuyện ông bộ trưởng người Đức gốc Việt mà sáng tác chuyện dê được liền...
5. Bài ni hơi dài. Tui cho 4/5.