Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Có ai biết ngày mai ra sao?
1
Thảo thả bộ dọc theo con đường Bạch Đằng. Buổi sáng mùa hè trời nóng cho dù mặt trời chưa lên. Bây giờ chỉ mới năm giờ sáng, nhưng người ta đi lại đã khá nhộn nhịp. Hầu như tất cả những người ở quanh quẩn trong quận Hải Châu muốn tập thể dục buổi sáng đều tập trung ở đây. Đa số họ đều ở lứa tuổi trung niên. Khi bắt đầu có những đêm mất ngủ, những sáng dậy uể oải không muốn bước xuống giường, đau xương mỏi chắc khi trời trở, người ta biết vậy là mình đã bước qua phía bên kia con dốc cuộc đời. Và vậy là chỉ còn một cách níu kéo thời gian. Đi bộ, đạp xe đạp, tập thể dục dưỡng sinh, thể dục aerobic, thậm chí có nhóm mở nhạc khiêu vũ. Người ta hy vọng nếu siêng luyện tập thể dục thì sẽ đi thong thả, thay vì theo độ dốc mà sớm lăn xuống vực. Mọi người nghĩ thế hiếm khi bỏ thói quen vận động mỗi sáng, và đều tập trung hầu như ở con đường này.
Thảo cũng vậy, sáng nào cô cũng thức giấc vào lúc bốn giờ ba mươi phút sáng, đánh răng rửa mặt, thay bộ đồ thể thao màu trắng có hai đường gạch xanh dọc hai bên ống quần. Xong đâu đấy thì trời hửng sáng. Thảo mở khoá cổng nhè nhẹ, vì trong cái yên tĩnh tinh mơ ấy, một âm thanh bé tí cũng trở nên ồn ào. Bé Sol giờ này đang ngủ say sưa. Không biết đã mấy lần nó hạ quyết tâm:
- Sáng mai con dậy sớm đi thể dục với mẹ
Nhưng chẳng lần nào con bé mở mắt ra nổi khi Thảo thử đánh thức nó. Đêm qua con bé đã thức đến nửa đêm học hành, rồi lục đục trong facebook, trong những đường link tràn ngập trên internet, nên sáng ra không thể dậy giờ này cũng là phải. Thôi, đi một mình cũng được, chẳng sao cả.
Thảo đi dọc theo đường Quang Trung. Trước đây con đường này rợp bóng mát của những cây kiền kiền cao tuổi. Một thời con gái, Thảo vẫn đi học về trên con đường này. Con đường nhiều kỷ niệm một thời cắp sách. Nay thì cũng như Thảo, tất cả đều đã trở nên già cỗi, nên chẳng còn bao cây vất vưỡng đến bây giờ, còn hầu như đã bị đốn ngã qua những cơn gió bão. Bây giờ người ta trồng nhiều cây mới, còn non nên sẽ lâu lắm mới có bóng râm rợp mát con đường như ngày xưa.
Khi bắt đầu lớn, có thể đi học một mình không cần đưa đón, mỗi ngày Thảo vẫn đi qua con đường này. Cô bé đi khoan thai, chậm rãi dưới hàng cây kiền kiền rợp lá. Đôi khi cái nón lá chao nghiêng khoe gương mặt dịu dàng. Thảo biết thuở ấy mình không đẹp, nhưng duyên thì có dư. Nữ sinh đi học mặc áo dài, tóc dài, guốc có đế nhọn và hơi cao. Đó là hình tượng của các cô thiếu nữ đoan trang. Thảo thì muốn phá cách, muốn chạy, muốn nhảy, muốn sống hồn nhiên như chính mình. Con bé Thảo ấy chỉ muốn khi đi thì phải bước cà tởn cho nhanh, khi ngồi thì dang hai chân cho chắc, và mái tóc chỉ muốn cắt ngắn để mùa hè phơi trần cái cổ cho mát. Nhưng khổ nổi, khi Thảo làm vậy, ai cũng lắc đầu. Nhất là mạ Thảo, không khi nào thấy Thảo ngồi thoải mái mà không nhăn nhó:
- Thảo à, con gái mà ngồi rứa ngó được không hè.
Vậy là Thảo đành ngồi khép chân lại. Lâu dần rồi cũng thành quen.
Mái tóc dài Thảo vẫn thả suông khi đi học là sản phẩm chăm sóc của mạ và chị Hai. Chị Hai vẫn thường dành phần chải tóc cho Thảo. Chị vuốt ve những sợi tóc mềm mại có màu vàng nâu, và lần nào cũng khen:
- Tóc em đẹp thiệt. Chị ngó còn mê...
Ừ, chắc cũng ngó mê thiệt nên khi nghe Thảo muốn cắt tóc ngắn, từ mạ, chị Hai cho đến mấy đứa bạn đều lắc đầu phản đối. Vậy là thôi, Thảo đành phải mang một hình hài không phải là cá tính của mình. Một cô gái dịu dàng, tóc dài, đúng kiểu con gái nhà lành thời ấy.
Khi Thảo lớn lên chút nữa, mạ và chị Hai càng để ý Thảo hơn. Thấy Thảo ăn cà rem mút chùn chụt, mạ lắc đầu:
- Ăn uống chi lạ rứa Thảo? Con gái lớn rồi...
Thảo nằm ngủ dạng chân cho thoải mái thì chị Hai la:
- Nằm ngủ tênh hênh như con trai rứa?
Coi cuốn phim hài Thảo cười hà hà sảng khoái là lập tức bị bé Út phán:
- Cười giống mụ điên quá đi.
Vậy là rồi, đi tong một con béThảo mạnh mẽ. Thảo đi đứng khép nép, nói cười nhỏ nhẹ, ăn uống chậm rải..., dần dần rồi đôi khi Thảo cũng không còn nhận ra chính mình nữa là.
Khi đang học lớp 12, Thảo lọt mắt xanh người đàn ông vẫn đến nhà Thảo đánh cờ tướng với ba, lúc ấy đang là công chức ngành Hải Quan. Ông ta còn trẻ, mặt mủi cũng được, mỗi lần đến nhà đến đều ngó nghiêng xem Thảo có ở nhà không. Một vài lần đứng nhà trong quan sát lúc Thảo ra rót nước mời khách, chị Hai tuyên bố:
- Trồng cây si con Thảo rồi mạ ơi.
Tối ấy mạ điều tra ba:
- Anh nì, khi hồi ai rứa?
- Cậu nớ hả? Trưởng phòng của anh đó. Em thấy được không?
- Trẻ rứa mà trưởng phòng rồi à. Mà vợ con chi chưa?
- Chưa. Mới tu nghiệp ở Mỹ về đó. Mà hình như để ý con Thảo. Hay hỏi thăm nó, học trường mô, con thứ mấy...
- Cái anh ni thiệt ... Răng không nói sớm hề. Để sửa soạn cho con Thảo một xí chớ. Mà nhà cửa cậu nớ răng?
- Khá đó. Cái nhà bự chảng trên đường Quang Trung á tề, là nhà của ông bà thân sinh cậu. Nghe nói cấp tá, tướng chi lận đó. Mà nói rứa thôi chớ cũng phải để cho con Thảo nó học hành tới nơi tới chốn, yêu đương chi cho sớm.
Ba muốn dù là con gái cũng phải học hành đàng hoàng, phải có công ăn việc làm, khi lấy chồng cũng được độc lập chớ không muốn con gái ngồi nhà nấu cơm, quét dọn. Thảo vẫn thầm cám ơn suy nghĩ ấy của ba. Ba cấp tiến vì ba có ba cô con gái, không có đứa con trai nào làm thuốc, nên ba nghiêng về nữ quyền. Thảo ủng hộ ba hai tay.
Mạ thì muốn con gái mạ lấy chồng có địa vị, giàu sang càng tuyệt, cho đỡ tấm thân. Lấy chồng rồi cứ thong thả đi chơi, đi mua sắm, chăm sóc chồng con- như mạ- khoẻ re. Cực nhất là phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải lo việc nhà. Vậy là cực hơn con ở rồi chớ chi nữa.
Suy nghĩ vậy nên từ đó mạ bắt Thảo khi đem nước ra cho ông khách thì phải thay cái áo đầm đẹp đẹp, tóc phải chải suông buông lơi. Rồi khi ông đến một lần không có ba ở nhà, mạ nhờ Thảo tiếp khách dùm vì bà bận đi vệ sinh. Lần ấy, Thảo mặc cái áo đầm màu trắng có thắt cái nơ màu tím ở phần eo. Cái áo đầm mặc bính của chị Hai nhưng vẫn vừa khít. Hai chị em có chung form người nên tha hồ diện một được thành hai.
- Dạ, em chào anh Thành. Ba em đi rồi. Anh có chi nhắn lại chút về em thưa với ba.
Giọng con gái ngọt ngào, dáng con gái e ấp, nụ cười thì duyên hết ý. Vậy là anh chàng càng chết mê, bèn bật mí:
- Sáng nào cũng thấy cô Thảo đi học ngang nhà.
À, thì ra vậy. Ông ấy trồng cây khi Thảo đi học nón lá chao nghiêng, áo trắng vờn bay trong gió sớm.
So với Thảo, ông ấy không xứng đôi, vì đã hơn ba mươi tuổi rồi. Đàn ông thời ấy ở tuổi đó mà chưa lấy vợ không phải là nhiều. Nhưng ông ta là sếp của ba nên rất được lòng mạ. Bà tuyên bố trong bữa cơm:
- Mạ ưng cậu Thành đó Bích,Thảo, Thương.
Quay qua phía chồng, mạ lên phương án tác chiến:
- Chủ nhật ni anh mời cậu Thành tới nhà mình ăn cơm nghe anh.
- Thôi, thân thiết chi mà mời.
Riêng chị Hai và bé Út cười hê hê, chị Hai xúi vô:
- Thì ba cứ mời để mạ làm bà mai cho con Thảo thử.
Ba ngại, không mở lời mời được nhưng mạ không ngại, bà tìm cớ lên sở tìm ba trong giờ làm việc. Mạ giả đò bận bịu đứng trước cửa phòng của sếp để ông Thành thấy, niềm nở mời vô uống nước. Khi câu chuyện đến hồi vui vẻ, mạ ngõ lời mời, làm như chợt nghĩ ra lúc đó. Vậy là cá cắn câu, ông Thành vui vẻ nhận lời mời, vì ông cũng muốn có cơ hội mà chưa biết làm cách nào tiếp cận thân mật với cô gái ông để ý.
Chủ nhật đó có một bữa cơm thật sự vui vẻ. Thành là người khách lịch sự, hào hoa khi mang theo tới một chai rượu ngoại, và một bó hoa hồng thật đẹp. Ông ăn nói hoạt bát, tự tin, và thỉnh thoảng gắp thức ăn cho Thảo. Mọi người đều khen ngợi ông sau ngày ấy. Thảo cũng cảm thấy vui vui khi nghĩ tới ông. Dù khi gặp nhau, Thảo không cảm thấy lòng rộn ràng, chỉ thấy bình yên, chỉ thấy an tâm vì ông Thành sẵn lòng giúp Thảo, và gia đình cô bất cứ việc gì. Ông xin việc dạy học ở một trường ngay thành phố cho chị Hai khi chị học xong Trung cấp Sư phạm, ông can thiệp để ba chuyển qua một phần hành khác có cơ hội tiến thân hơn.
Còn Thành, ông thích vẻ mềm mại của mái tóc Thảo, giọng nói dịu dàng và nụ cười càng nhìn càng duyên. Cô gái này nói đẹp thì không đẹp. Ông đã từng yêu những cô đẹp hơn nhiều, nồng nàn hơn nhiều. Thảo hơi trẻ con và rụt rè. Nhưng không hiểu sao, ông thích cô gái này bằng thứ cảm xúc thật lạ. Ông tin đó là duyên phận. Gia đình ông tiền không thiếu. Cha ông là đại tá trong quân đội. Mẹ ông buôn bán kim cương. Khách vào ra nhà bà phần lớn vì mê mẫn những hạt kim cương không tì vết, trong veo và sáng lấp lánh dưới ánh đèn mà bà sang Châu Âu mua mang về. Hoặc những chuyến theo chồng đi công cán ở Mỹ, khi về đều có chúng trong vali hành lý. Gia đình Thảo thì chỉ là công chức bình thường. Thậm chí ba Thảo còn là cấp dưới của Thành. Cũng có hơi tréo ngoe, nhưng ông vẫn quyết định sẽ theo tán tỉnh Thảo- cô bé như con chim non còn đang ngơ ngác trước khoảng trời bao la. Không sao, em yếu ớt thì có tôi, sẽ đưa vai gánh vác khó khăn cho em trên đường đời.
Khi cô thi đậu tú tài, ông hỏi lúc hai người đang ngồi uống nước dừa ở tiệm cafe Ngọc Anh:
- Bây giờ em muốn lấy chồng chưa, hay muốn học đại học?
Thảo muốn đi học, dĩ nhiên rồi. Nhưng cách đó mấy ngày mạ đã nói chuyện nhiều với Thảo. Mạ khuyên Thảo nên bằng lòng nếu ông Thành ngõ ý. Mạ khen ngợi ông Thành hết lời, và kết luận nếu Thảo bỏ qua cơ hội này, xem như đời Thảo đi đong.
- Có kiếm tìm cả đời cũng không ra được một người thứ hai như cậu Thành mô con nợ.
Chị Hai thì cười cười:
- Mi chê thì để đó tau hì.
Nên Thảo trả lời ông là Thảo đồng ý, dù khi lên xe hoa về nhà chồng, Thảo không biết mình lấy chồng mà chưa kịp yêu, chưa kịp hiểu gì về người đàn ông ấy thì Thảo có hạnh phúc hay không?
2
Như thế nào gọi là hạnh phúc? Lúc ấy Thảo vẫn mơ màng chưa hiểu, nhưng thật sự đó là khoảng thời gian tươi đẹp nhất của Thảo trong đời. Sau đám cưới, Thảo về làm dâu nhà ông đại tá, sướng như tiên. Cô chả phải đụng tay vào bất cứ việc gì. Tất cả đều đã có người giúp việc làm cả. Cô chỉ có mỗi một việc là cười tươi, tiễn chồng đi làm bằng nụ hôn nhẹ nhàng chồng thơm trên má, đón chồng về cũng với nụ hôn ấy, nhưng trên môi. Ông hay để tiền lại trên bàn trang điểm của vợ mỗi dịp cuối tháng. Số tiền ấy Thảo tiêu đâu hết, nên cứ dần dần rồi Thảo cũng để dành riêng cho mình một ít, vì ngoài việc đi mua sắm áo quần mới cho mình, cho chồng, hay thỉnh thoảng mua quà cho hai bên nội ngoại, Thảo đâu cần lo chi cơm áo gạo tiền. Tất cả ba mẹ chồng Thảo đều trang trải hết. Coi như tiền lương của Thành là để vợ chồng Thảo tiêu vặt.
Sau đám cưới nửa năm thì ba chồng Thảo thuyên chuyển vào SG nên ông Thành cũng xin chuyển theo vào trong ấy. Ngày chồng báo tin, Thảo đang mang thai đứa con đầu lòng được hai tháng.
- Anh ơi, ở lại đi anh. Ở đây công việc của anh cũng tốt mà.
Thảo ôm cánh tay chồng năn nỉ. Cánh tay ấy hằng đêm vẫn là chiếc gối Thảo kê đầu. Chỉ khi Thảo đã ngủ say, ông Thành mới nhẹ nhàng đặt đầu Thảo lên gối, rút cánh tay đã bắt đầu ê ẩm về.
- Không được đâu em. Ba má chỉ có mình anh là trai mà, chị Hoa và Hồng theo chồng ở lại rồi. Vào trong đó công việc của anh sẽ tốt hơn.
Vậy là Thảo đành ra đi. Thảo đi cùng những giọt nước mắt của một cô bé chưa thực sự lớn, dù đã làm vợ và sắp làm mẹ rồi. Cô đành phải để lại sau lưng tất cả: ba, mạ, chị Hải, bé Út, những đứa bạn thân, và cả một tuổi thơ với biết bao kỷ niệm. Sài Gòn ngày ấy nghe xa vời vợi. Sài Gòn ngày ấy chào đón Thảo như chào đón một người tình không chung thuỷ. Thảo ở Sài Gòn mà vẫn nhớ thương Đà Nẵng. Thành phố nhỏ nhoi chân chất hiền lành, nên người đàn bà bất đắc dĩ theo chồng mà lòng nhói đau vì nhớ nó. Cô sống ở một thành phố hoa lệ mà không bị những xa hoa gấp mấy lần lôi kéo, quyến rũ. Thảo không thích thành phố ồn ào tấp nập này, Thảo không thích những cuộc vui khi đêm về sáng mà thỉnh thoảng Thảo cùng chồng tham dự. Cô cảm thấy lạc lõng giữa tiếng nhạc xập xình, tiếng cười nói của thế giới vốn cô chưa từng biết. Những lúc ấy Thảo thấy chồng bỗng dưng xa lạ. Ông hình như đã quên cô, quên rằng cô đang ngồi một nơi nào đó trong góc khuất, một mình và buồn bã. Ông mãi cười vui với những người bạn cùng trang lứa, nói những câu chuyện cô không quan tâm, và cụng ly côm cốp.
Sau những buổi tối nghĩ rằng đã mang lại niềm vui cho cô vợ bé nhỏ ấy, Thành ngạc nhiên thấy vợ càng thêm ủ rũ. Ông yêu vợ nên xót xa khi thấy cô như vậy, nhưng ông ngạc nhiên vì không hiểu lý do.
- Sao vậy cưng? Có gì không ổn với em?
Thảo tủi thân vì bàn tay vổ về của chồng lúc ấy. Cô oà khóc không kềm giữ. Những giọt nước mắt mấy tháng trời cô dồn nén trong lòng lúc ấy tuôn ra như thác. Cô chỉ khóc thôi mà không nói được lời nào. Ông Thành ôm vai vợ, kéo cô sát vào mình, rồi ông hôn cô thật lâu, thật nồng nàn.
- Có gì nói anh nghe. Nín đi nào.
Được chồng dỗ dành nên Thảo nguôi ngoai. Cô ngõ ý muốn về nhà mẹ sinh con. Cái thai khi ấy đã bảy tháng. Ông Thành không muốn xa vợ, nhưng biết cô đang rất buồn, cũng sợ ảnh hưởng đến cái thai nên cũng đành đồng ý.
Ông quyết định sẽ để vợ về ĐN vào đầu tuần sau.
- Khi nào em sinh anh sẽ ra. Và hứa với anh sẽ vào lại đây chậm nhất là hai tháng sau sinh. Có hứa được vậy không?
- Em hứa, hứa mà.
Đêm ấy chồng cô yêu cô say đắm hơn thường lệ. Cô cũng cảm thấy thoả mãn hơn thường lệ, có lẽ vì cô cảm nhận được tình yêu chồng dành cho cô. Ông bao giờ cũng dịu dàng với cô, nhưng đêm ấy, hình như ông ham muốn cô nhiều hơn, cái ôm da diết hơn nên cảm xúc trào dâng hơn...
Cả ông và Thảo, đều không nghĩ đó là đêm cuối cùng vợ chồng còn trong vòng tay nhau. Sau đêm đó là ly biệt. Thảo nghĩ tất cả là định mệnh, khi chồng Thảo vì không đành nhìn cô vợ trẻ buồn rầu, đã đồng ý để vợ xa mình hàng ngàn cây số trong cả một thời gian dài, khi Thảo đã mải mê nghĩ về quá khứ nên không thể hoà nhập được với cuộc sống mới. Tất cả đều là số phận, và đó là số phận đắng cay -đã -được -an- bày.
Hai hôm sau thì ông Thanh tiển vợ ra phi trường đi nhờ chiếc trực thăng quân sự. Thảo từ biệt chồng trong lòng vui vẻ. Cô nghĩ đến lúc được trở về căn nhà tuổi thơ, sung sướng quên cả nắm tay từ biệt chồng. Cô đâu biết, đó là lần cuối cùng cô còn nhìn thấy người đàn ông đã yêu thương cô hết lòng trong những ngày cô làm vợ, và đứa con trong bụng cô đã sắp đến ngày sinh cũng được tình yêu thương ấy lấp đầy. Trước ngày cô về ĐN, ông Thành cùng vợ đi thương xá Tax mua sắm tất thảy các thứ cần thiết cho trẻ sơ sinh. Toàn những thứ đẹp và đắt tiền. Ông cũng mua tặng vợ cái đồng hồ có đính mấy hạt kim cương trên dây đeo. Cái đồng hồ ấy sau này Thảo đã phải ngậm ngùi bán đi để lo cho con và gia đình cô.
- Về đến nơi nhớ đánh điện cho anh biết liền nhé. Tháng sau anh xin nghỉ phép sẽ ra chờ em sinh.
Thảo vẩy tay từ biệt chồng với nụ cười thật tươi. Cô chỉ về nhà thôi mà, nào có phải đến nơi nào xa lạ.
3
Nhưng tháng sau ấy hoá ra không bao giờ đến. Thảo về đến nhà, hạnh phúc trong vòng tay yêu thương gia đình chưa tròn tháng, thì đột nhiên tình hình chiến sự trở nên căng thẳng. Mạ bàn với con rể khi nghe Thanh muốn ra đón vợ vào ngay. Lúc ấy cái thai đã tám tháng rồi, muốn đi nhờ trực thăng thì tình hình lúc đó sợ nguy hiểm, đi bằng đường bộ thì quá xa xôi.
- Đi đường dài bây giờ nguy hiểm lắm con. Lỡ chuyển bụng trên đường thì làm răng?
Sau đó thì quân đội tháo chạy vội vàng từ Xuân Lộc xuống, từ Huế vô, ông Thanh không kịp trở tay. Muốn quay trở ra với vợ nhưng ba mẹ ông ngăn cản.
- Để coi tình hình sao đã con à. Đi bây giờ nguy hiểm lắm. Ngoài đó có ông bà ngoại mà, con đừng lo lắng quá.
Thời ấy mọi thông tin vẫn còn chậm chạp, để một liên lạc đến nơi thì tình hình đã thay đổi rồi. Khi ông Thanh quyết định về ĐN, dù cha mẹ ông phản đối kịch liệt, ông xin được kỳ nghỉ phép, thì lúc ấy người ta chẳng còn ai quay ra. Mọi người ùn ùn kéo chạy vào trên những chuyến xe đò chất người cao ngất ngưỡng, trên những con tàu to lớn người chen như nêm, và trên cả những chiếc thuyền con chỉ như hạt cát giữa đại dương mênh mông gió. Mẹ ông thiếu điều lạy con khi thấy ông vẫn giữ ý định sẽ đi vào sáng hôm sau, bằng chiếc La dalat của gia đình.
- Không được đâu con, mẹ xin con đó Thành à. Con bình tỉnh coi tình hình sao đã con ơi. Bây giờ đi ra thì chỉ có chết trên đường thôi.
Vậy là ông đành ở lại, quay quắt vì không thể liên lạc với vợ.
Ở ĐN, vào những ngày cuối tháng ba, gia đình hai người chị chồng của Thảo cũng thu xếp lên đường. Hai chị biết bụng tới ngày sinh rồi không thể đi đâu được hết, nên cũng đành bất lực nói lời chia tay với gia đình Thảo.
- Thành nó chắc cũng đang điên vì lo lắng trong đó.
Ngày Thảo lên nhà bảo sanh để sinh con, thì cũng là ngày ĐN chới với thay đổi hoàn toàn một nếp sống, một cách nghĩ, và một tương lai. Đứa bé là con gái. Nó sinh vào buổi tối, lúc ấy là ngày hai mươi chín tháng ba năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm. Nó ra đời không có cơ hội nhìn thấy cha, không có cơ hội được vòng tay ông ôm ấp đầu tiên như lẽ thường vẫn vậy. Tiếng khóc chào đời của bé không biết có phải vì vậy mà nức nở hơn? Bà ngoại dỗ dành cháu tuy nước mắt bà cũng rơi:
- Ầu, ầu, răng khóc dữ rứa con. Nín đi bà thương...
Thảo vượt qua hiểm nguy một lần trở dạ, cũng khóc lặng lẽ vì biết rằng vậy là cuộc đời mẹ con cô thực sự bước qua một ngã rẽ khốn khó trên đường đời. Không có chồng, không có người đàn ông bấy lâu cô vẫn nghĩ sẽ mang đến cho cô tất cả những may mắn mà một người phụ nữ có thể hưởng khi lấy được người chồng tốt hết mực yêu thương mình, cô sợ hãi nghĩ đến ngày mai. Ôi, ngày mai rồi sẽ ra sao? Tất cả tối tăm, lạnh lẽo quá. Đêm ấy dù mệt nhoài sau cố gắng để bé Fami ra đời mẹ tròn con vuông, Thảo vẫn không thể nào chợp mắt. Cô cứ nhìn mãi vào gương mặt nhỏ nhoi, hai mắt nhắm nghiền của con, cái miệng giống chồng cô như đúc, lòng nhói đau từng cơn không kềm chế được. Con của mẹ, con đã sinh ra vào thời điểm tối tăm nhất của cuộc đời mẹ, mẹ mất chồng, mất cả tương lai. Còn con, con mở mắt chào đời trong nhà bảo sanh không người phục vụ ngoại trừ bà đỡ già nua không còn hơi sức để cố chạy thoát khỏi nơi này. Mà bà ấy cũng chẳng còn tâm trí đâu để quan tâm đến mẹ con mình nữa. Nếu bà ngoại và hai dì không khóc nức nở vì lo lắng đã lôi kéo bà ấy về với thực tại, về với lương tâm của người thầy thuốc, thì cũng có thể con chẳng có cơ hội được người có chuyên môn cắt rốn, mà có thể là bà ngoại, hay chính mẹ phải làm việc ấy cho con. Ôi, con của mẹ. Đứa con bất hạnh của mẹ.
Gia đình cô vì cô cũng đành ở lại. Đó là điều sau này cô luôn ân hận, lúc nào cũng cảm thấy có lỗi với những người thân yêu ấy. Nếu gia đình cô có thể vào được Sài Gòn thời điểm đó, thì ba cô đã không trở thành một kẻ vô dụng, sống bám vào vợ con. Thời của ông vậy là hết. Ông trở nên thừa thải trong khi vợ con ông vì thời thế phải lăn lóc ngoài xã hội để kiếm miếng ăn. Ông chỉ còn có thể là người phụ việc vặt trong nhà. Ông mặc cảm đến độ trở nên dữ dằn, khó tính. Không khí gia đình vì vậy càng thêm nặng nề, buồn bả.
Cho đến bây giờ Thảo vẫn không thể quên những ngày tháng ấy, tuy nó trôi qua đã lâu lắm rồi. Cô không thể quên giọng nói lẫn trong tiếng nghẹn ngào của ba:
- Giá chi nhà mình đi được. Ba sẵn sàng làm tất cả để mạ và các con không phải cực khổ như chừ.
Nhưng ở đây thì ba chịu. Người ta nói ở đâu cũng phải làm mới có ăn, chỉ có ba ở đây không có chi làm mà vẫn cứ phải ăn.
Thảo thương ba đứt ruột, cô nhớ mình đã chảy nước mắt cùng ông nhưng cũng như ông, cô biết có than trách gì thì cũng chỉ làm nghị lực sống hao dần mòn. Tốt nhất là chấp nhận sự thật mà sống thôi.
Một tháng sau sinh, khi nghe tin SG cũng cùng chung số phận như ĐN, Thảo mừng rỡ như điên. Vậy là ông trời vẫn cho cô một ân huệ, đó là được đoàn tụ với người chồng vẫn đang ngày đêm trông ngóng tin mẹ con cô. Thảo tin chồng sẽ nhanh chóng trở ra đón hai mẹ con ngay khi có thể. Nhưng một, rồi hai tháng, những người ra đi đã lũ lượt trở về, chồng cô vẫn bặt vô âm tín. Gia đình hai người chị chồng cũng một đi không trở lại. Không một tin túc, một nhắn nhủ gì. Hy vọng mỗi ngày mất đi một ít, và rồi Thảo phải đau đớn nhìn nhận rằng vậy là cô và con đã mất chồng, mất cha vĩnh viễn.
Mạ cô ngày nào cũng chép miệng, thở ra:
- Không biết chồng con Thảo làm chi trong nớ, răng không lo mà ra đón vợ con vô hè?
Ba Thảo thì lặng im không nói, nhưng ông biết, vậy là con ông bất hạnh rồi. Phải chi hồi đó ông không yếu lòng chiều vợ, để con ông mới mười tám tuổi đã lấy chồng. Bây giờ ôm đứa con thơ khi nó chưa thực sự trưởng thành. Tội nghiệp cho con gái ông biết bao.
4
Sau cú shock đớn đau ấy, Thảo đành ngậm ngùi chấp nhận số phận. Một mình nuôi con, và một gia đình thương yêu lớn phải dựa vào nhau để sống nên khi bé Fami được một năm tuổi, Thảo quyết định bán số nữ trang chồng tặng, cùng với số tiền cuối cùng cô dành dụm được lúc lấy chồng, cùng mạ cô ra chợ, sang lại một sạp hàng vải, bắt đầu lăn lóc vào thế giới bán buôn nhiều trắc trở thời ấy. Mọi thứ cứ tồn tại,nhưng tồn tại trong thắc thỏm, trong lo âu vì lúc nào người ta cũng có cảm giác đang làm điều phi pháp, hay đại loại là cái gì đó không thể công khai, không được thừa nhận. Hai mẹ con Thảo đã từng mất cả một chuyến hàng mà không thể kiện cáo ai, hay thậm chí đành lặng thinh nhìn thằng ăn cướp ấy giở giọng ơn nghĩa, để rồi cuối cùng thấy bao nhọc nhằn chỉ đổi lấy những đồng bạc ít ỏi, còn phần lớn phải chấp nhận bị cướp đi.
Mà hay làm sao, chỉ cần mấy năm thôi là Thảo đã trở thành một con người khác. Hoàn toàn khác với cô bé Thảo yểu điệu thục nữ năm nào, lấy chồng chỉ vì tin sẽ được sung sướng tấm thân khi làm cây chùm gởi. Thảo nhanh nhẹn, tháo vát, và đôi lúc biết cả dùng vẻ duyên dáng của mình làm xiêu lòng mấy tên quản lý chợ. Chỉ là những lời nói mềm mỏng, những nụ cười dịu dàng đằm thắm, Thảo có thể xoay chuyển tình thế theo ý cô. Mạ cô ban đầu là người trụ cột kinh tế trong nhà, nhưng rồi một ngày bà nhận ra Thảo hầu như quyết định tất cả, đôi khi không thèm hỏi ý kiến của bà nữa. Mọi việc vẫn trót lọt, êm xuôi. Lúc ấy Thảo chỉ mới hơn hai mươi tuổi. Thì ra, khi cuộc sống trở nên khắc nghiệt, thì con người mạnh mẽ trong Thảo mới thật sự sống dậy. Cô bây giờ mới đúng là cô. Tóc cắt ngắn, đi dép Lào, mặc quần đen áo bà ba thay cho những chiếc áo đầm điệu đàng ngày trước. Cô lăn xã, bươn chải kiếm tiền chứ không thụ động như trước đây chờ chồng đem tiền lương về hằng tháng.
Thật ra thời gian ấy, đói nghèo và định kiến đã không để người phụ nữ chăm sóc bản thân mình. Mấy ai dám mặc những bộ đồ sang trọng ra đường. Mấy ai dám thoa son, đánh phấn giữ gìn nét yêu kiều vốn dành cho phái đẹp. Tất cả đều phải dấu đi, thu vào trong một cái vỏ ốc sần sùi của người đói khổ.
Thời gian ấy khi kiếm được món tiền kha khá, mạ Thảo muốn nấu món bún bò cho cả nhà có thêm chất thịt thì phải mua làm mấy lần mới đủ một kí thịt bò vì sợ người bán chú ý. Khi nấu mùi sã thơm lừng lên thì phải vội vàng đóng cửa sổ cửa ra vào, e mùi thơm bay lan qua nhà hàng xóm thì có khi bị xét nét hoàn cảnh gia đình này nọ. Nghĩ lại thấy thật là kinh khủng.
Ngoài sự khổ cực vì phải gồng gánh mưu sinh, một điều trước kia có nằm mơ Thảo cũng không ngờ đến, cô còn chịu nỗi đớn đau thầm lặng dày vò. Cuối cùng cô chấp nhận một sự thật là cô đã mất chồng, vĩnh viễn. Mất trong nỗi đau ngờ vực, xé nát tâm can cô. Sao Thành lại đành tâm bỏ mẹ con cô ở lại, để ra đi một mình? Sao người đàn ông lúc nào cũng cho cô cảm giác an toàn cuối cùng đã bỏ rơi mẹ con cô để kiếm tìm sự bình an cho riêng ông? Hay ông đã chết khi cố gắng quay ra tìm mẹ con cô? Cả hai giả thuyết ấy cô đều sợ khi nghĩ đến, cô đều không muốn tin, nhưng đành phải chấp nhận một trong hai đúng là sự thật.
Sau khi tình hình tương đối yên ả, chị Hai quyết định sẽ đi một chuyến vô SG để xem trong ấy ra sao.
- Thôi, bé Fami còn dại, em để chị đi SG coi thử. Chớ cứ chờ hoài chịu không nổi đâu.
Thời gian ấy muốn đi từ vùng này sang vùng khác rất khó khăn, nhưng nhờ có tờ giấy nghỉ phép hè của phòng GD cấp đã giúp chị Hai vào tới SG dễ dàng. Khi đi chị hăm hở bao nhiêu thì lúc trở về chị buồn bả bấy nhiêu. Vào trong ấy, đúng địa chỉ ấy, nhưng người thì lạ hoắc. Chủ nhà mới cho biết họ được nhà nước cấp căn nhà này. Chủ trước là ai thì họ không biết, nhưng nghe nói đã đi nước ngoài rồi.
Vậy là trong bảng kê khai lý lịch, Thảo viết hai từ đã chết sau tên chồng. Khi làm khai sinh cho bé Fami sau đó ít lâu, cô cũng ngậm ngùi ghi cha đã chết. Ngay cả điều này Thảo cũng tin đó là do số phận. Mặc dù lúc ấy trong gia đình Thảo đã có một cuộc tranh luận khá sôi nổi để quyết định có nên khai tên cha cho bé? Ban đầu có ý kiến nên ghi là không có cha, lý lịch của bé sẽ thuận lợi hơn, nhưng cuối cùng Thảo quyết định vẫn ghi tên ông Thành vào đó. Cô không muốn con lớn lên mặc cảm vì nghĩ mình là đứa trẻ không được trông chờ.
Thời gian nhiệm màu giúp xoá đi bao đau thương dù chúng tàn khốc đến đâu. Cuối cùng rồi Thảo cũng quên, quên mình từng có một đời chồng, sống sung sướng và được chồng yêu thương chìu chuộng. Cô chấp nhận làm người đàn bà đơn thân nuôi con, lăn lóc làm ăn, từ nghề này chuyển sang nghề khác, từ ngồi bên đường bán áo quần cũ, cùng chị Hai mỗi sáng dọn gánh bún bò bán trước nhà bữa hết bữa còn, cho đến sạp hàng vải trong chợ. Thảo và mẹ quyết định bán hết số nữ trang cả hai còn lại để có đủ vốn, quyết tâm sống chết với nghề, cơ cực không thiếu để rồi thành công, có đủ vốn liếng mở một cửa hàng tạp hoá khá lớn nổi tiếng trong thành phố và trở thành người phụ nữ đảm đang làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Trải qua những thăng trầm ấy và vượt qua chúng đôi khi Thảo cũng tự hỏi nhờ đâu mà cô làm được điều đó? Có lẽ chỉ vì Thảo đã mạnh mẽ đối mặt với khó khăn, không né tránh, không sợ hãi, không khóc than vật vã. Chấp nhận chúng và rồi mọi chuyện sẽ qua, vì bản năng sinh tồn của con người chưa bao giờ chết, chỉ có lòng người yếu đuối mà thôi.
Rồi thì cô cũng có một cuộc sống mới. Khi Hưng xuất hiện trong đời Thảo, cô cảm thấy lòng đã bình yên, thật sự.
~còn tiếp
Chin Bon
Chin Bon