Thầy cô Hồng Đức
Khi cửa phòng hồi sức cấp cứu mở ra, cô y tá hấp tấp gọi thầy vào, mọi người ở đó đều biết vậy là cô không thể qua khỏi lần này. Cô đã chống chọi với bệnh ung thư gần năm năm rồi. Nhiều lần ra vào SG-ĐN, lần này cô quyết định sẽ thôi không cố níu kéo sự sống nữa. Ai rồi cũng một lần phải qua cánh cửa tử. Có sớm một chút hay muộn vài năm, thì cũng chẳng nghĩa gì khi phải sống với những cơn đau đớn dày vò. Thầy vẫn biết ngày cô ra đi rồi sẽ đến, nhưng đột ngột, vội vàng như hôm nay thì thầy chưa bao giờ nghĩ. Tối hôm trước cô còn chăm sóc thầy bữa cơm chiều, uống với thầy ly cafe, vậy mà sáng hôm sau cô đã phải vào viện và ra đi lúc mười một giờ trưa hôm ấy. Năm năm chờ đợi một cái chết ắt phải đến, người ở lại có lẽ không hụt hẫng, choáng váng nhiều. Khi chúng tôi đến thắp hương cho cô, thầy bình tĩnh tiếp chuyện. Thầy năm nay đã hơn bảy mươi rồi, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, sáng suốt lắm. Thầy nhắc đến thư viện trường HĐ, nơi thầy gắn bó một phần đời với công việc của người quản thủ, rồi có ý mời chúng tôi khi rảnh rỗi đến thăm thư viện của riêng thầy. Thư viện nằm trên tầng hai của căn nhà nhỏ, nơi như AT đã viết, đã đón biết bao học sinh phương xa mỗi lần về thăm quê đều không duới một lần ghé lại ...
- Có tất cả loại sách. Các em muốn loại nào đều có cả, từ nghiên cứu cho đến tiểu thuyết.
Thầy tự hào giới thiệu. Rồi như sực nhớ ra, thầy nói thêm:
- Có điều các em nên đến vào buổi sáng, hay khi trời đã về chiều ...
Thầy có giải thích lý do, nhưng người viết mạn phép ... chỗ này, để đố các bạn biết tại sao thầy dặn vậy?
Cô ra đi, hưởng thọ bảy mươi ba tuổi, số tuổi cũng đã đủ để cô thanh thản từ biệt cõi trần. Chỉ thương người ở lại phải sống phần đời còn lại của mình trong lẻ loi. Cô thầy không có con cái gì, nên những cô nữ sinh ngày nào của HĐ, nay dù có kẻ đã thành bà nội, bà ngoại, nghe tin cô mất vẫn cố gắng thu xếp thời gian, đến nhà cô thầy tình nguyện trực tiếp khách trong những ngày tang ma, và dù mọi người biết không có nhiều việc để làm, nhưng có lẽ ai cũng muốn có mặt để có thể, nếu thật sự linh hồn cô vẫn còn đâu đó, sẽ cảm thấy ấm lòng khi lẫn vào bầu không khí vui vẻ ấy. Nói thật lòng, mọi người đều thương cô, nhưng không ai tiếc cuộc sống của cô ở cõi trần, vì ai cũng hiểu, cuộc sống đến một lúc nào đó sẽ chỉ còn là chịu đựng, được ra đi là giải thoát khỏi đớn đau.
Cô ơi, hẳn là cô vui vì học sinh vẫn nhớ và thương mình. Nếu có thể tâm sự, ắt cô sẽ không ngại ngần thổ lộ, bằng chất giọng Huế hiền lành nhưng thẳng thắn rằng cô vui và hạnh phúc, khi mặc dù đã thôi không còn đứng trên bục giảng bao năm, học sinh vẫn nhớ và thương cô, vẫn nhớ về cô cùng những bài giảng thật hay đã gieo niềm say mê môn Lịch Sử và Địa Lý cho nhiều nữ sinh HĐ thời đó. Và cô cũng an tâm rằng dù chỉ còn một mình ở lại, thầy, người bạn đời mấy mươi năm cùng cô chia sẻ ngọt bùi sẽ vẫn không đơn độc, vì bao gìờ quanh thầy cũng vẫn có những học sinh đã, đang và sẽ gắn bó với ngôi nhà nhỏ này.
Bên cạnh đám nữ sinh lao xao ấy, là những người bạn thân thiết của cô thầy bao năm. Khi chúng tôi đến để trực phiên của mình, thì đã thấy thầy Thuỵ ở đó. Thầy Thuỵ là người có mặt hầu như trong tất cả những ngày này. Thầy vẫn như xưa, không có nhiều thay đổi. Dù đã nhiều năm rồi không gặp thầy, tôi vẫn không cảm thấy lạ lẫm gì khi nhận ra thầy đang đứng đón mọi người ở cổng. Vẫn guơng mặt sáng, giọng nói nhẹ nhàng, tính tình vui vẻ, cởi mở. Nhìn thầy tiếp chuyện, và nghe các bạn mình thăm hỏi, chọc ghẹo thầy, tôi cứ ngỡ như thời gian ba mươi mấy năm chỉ là thoáng chốc. Mới đây thôi là trò tinh nghịch của đám nữ sinh, và bây giờ gặp lại thầy vẫn là cảm giác ấy. Cả bọn chỉ chực thầy sơ hở là ... tấn công để thầy trò cùng cười thú vị. Có lẽ vì thầy hiền và vui nên các bạn cảm thấy thoải mái vậy chăng? Khi Lân bước vào, thầy la to:
- A! Lân thi sĩ đến.
Thầy làm Lân và tôi xúc động. Vậy là dù không liên lạc, thầy vẫn quan tâm dến trang web hồng đức-chín4 đó các bạn à.
Một lát sau thì cô Xuân đến. Các bạn còn nhớ cô Xuân? Cô ngày xưa luôn xuất hiện với cặp kính cận màu đen huyền bí, gương mặt lúc nào cũng lạnh lùng heo may, chưa bao giờ thấy cô cười. Khối lớp mười năm 75 chưa học cô vì cô chỉ dạy lớp mười một, mười hai, nhưng vẻ ngoài như điệp viên không không thấy ấy đã gây ấn tượng khá mạnh mẽ với hầu hết học sinh của cả trường. Cô bước vào với gương mặt vui vẻ, và các bạn biết không, thật sự bất ngờ khi nói chuyện với cô. Cô tếu và vui vẻ ngoài tưởng tượng. Khi Lân hỏi muợn tôi cây bút, cô đã đưa ngón giữa ra với vẻ mặt tỉnh bơ:
- Viết đây nè.
Tuyệt quá! Nếu ai cũng khi càng lớn tuổi càng vui vẻ, cởi mở như cô, thì đám cháu chắt sẽ thôi lo lắng trẻ già khác hệ khi cùng sống chung với ông bà dưói một mái nhà.
Ngoài thầy Thuỵ và cô Xuân, hôm đó tôi còn gặp thầy Toàn dạy môn Vật Lý. Thầy Toàn ngày xưa hình như cũng không dạy khối mười, nhưng bây giờ gặp lại, trò chuyện với thầy vẫn cảm thấy thân quen. Thầy ngày xưa ra sao tôi không nhớ, thầy bây giờ tóc đã điểm sương, về hưu rồi và tính tình hơi trầm lặng.
Các bạn à, đôi khi tôi lẫn thẩn tự hỏi, vì sao tụi mình nghĩ về thầy cô Hồng Đức vẫn hết sức thương yêu, cho dù đã nhiều năm trôi qua rồi? Phải chăng vì thầy cô gắn liền với khoảng thời gian sáng trong, tuyệt vời nhất trong đời. Khoảng đời ấy đã đột ngột phải chấm dứt, lạnh lùng và tàn nhẫn, nên mình tiếc nhớ nó không nguôi????
ĐN cuối tháng bảy 2010