Chín bốn & Bạn hữu
Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Tác giả: Nguyễn Chí Thiệp, cựu học sinh PCT Đà Nẵng - Đăng trên trang web: Một thời Phan Châu Trinh Đà Nẵng
Ngày tôi vào học lớp đệ thất, niên khoá 1955-1956, trường Phan Châu Trinh còn rất nhỏ và chưa ổn định.
Trường chỉ có 6 phòng học và một văn phòng, như một cái đình trong khu đất trũng và hẹp. Sáu phòng học dàn cho hai lớp đệ tứ, hai lớp đệ ngũ và hai lớp đệ lục. Bốn lớp đệ thất chúng tôi phải học nhờ ở trường Nữ Tiểu học.
Khu trường Nữ trước kia là trường Nữ và trường Nam Tiểu học cùng với Ty Tiểu học của thành phố. Niên khoá này (1955-56) trường Nam Tiểu học được dời về khu bịnh viện cũ, đối diện với trường Phan Châu Trinh. Gần cuối niên khoá, tức mãi qua năm 1956, chúng tôi mới được về học tại 4 phòng học mới tiếp nhận từ “Ecole francaise” cũ, bây giờ là nhà Hiệu trưởng và các Giám thị.
Ngày ấy, so với các trường trung học chính của mỗi tỉnh, thì trường Phan Châu Trinh của Đà Nẵng vẫn là một trường nhỏ. Những người có trách nhiệm chọn khu đất xây trường học đã không có cái nhìn cho sự phát triển về tương lai của trường cũng như của thành phố.
Hiệu trưởng bấy giờ là thầy Huỳnh văn Gi. Tên của thầy là một cách viết và đọc ngoại lệ của quốc ngữ. Niên khoá sau thầy Gi đổi về trường Quốc Học, Huế, và thầy Nguyễn Đăng Ngọc từ trường Quốc Học vào thay thế.
Trong các hiệu trưởng của trường, có lẽ thầy Nguyễn Đăng Ngọc gắn bó với sự phát triển của trường lâu nhất, và Thầy Ngọc cũng là vị hiệu trưởng gắn bó với tình cảm của học sinh Phan Châu Trinh nhiều hơn cả.
Các thầy, cô cũng thay đổi nhiều lần trong niên khoá. Thầy Oanh dạy Việt văn, cô Như Nguyện Pháp văn, cô Trà dạy Đức dục, thầy Bửu Thiết Anh Văn, chỉ dạy chúng tôi vài tháng rồi lần lượt trở về Huế.
Thầy Huỳnh Thố dạy Toán, chuyển về Sài Gòn để chuẩn bị đi du học. Thầy Nguyễn Đôn thay thế, đến hết niên khoá thầy Đôn lại trở về Sài Gòn tiếp tục học Y Khoa. Thầy Đôn dáng cao, mãnh khảnh, nhanh nhẹn và là một giáo sư rất vui tính. Những bài toán của thầy thật là khó, điểm thầy thường cho với nhiều số không sau dấu phẩy (0,00001.. .), rồi sau đó rất vui vẻ dùng thuốc tẩy để bôi sổ điểm cho cả lớp khi học trò năn nỉ! Cả 4 lớp đệ thất không có ai giải nổi các bài toán của thầy Đôn. Sau tôi mới tìm ra rằng, với bài toán nhiều câu hỏi, thầy Đôn đã cắt đi các câu hỏi đầu để chỉ cho câu hỏi cuối! Bỏ các câu hỏi trung gian, bài toán thường cũng sẽ trở thành một bài toán khó. Ai giải đúng bài toán sẽ được thầy cho điểm 19,9999 !
Thầy Nguyễn Lượng dạy Lý Hoá vài tháng, khoảng tháng 10 (hay tháng 11 gì đó;) thì được chính phủ Cọng Hoà trao cho một chức dân biểu, đại diện cho một đơn vị nào đó ở Quảng Nam.
Chỉ có cô Tôn Nữ Từ Diệm là dạy hết niên khoá. Các thầy, các cô thay đổi liên tục nên hầu như cô Diệm được giao phụ trách mọi môn trong khi chờ đợi có người đến thay, từ Vạn vật, Công dân, Lý hoá, Việt văn... môn nào cô Diệm cũng đều có dạy qua, ” thập bát võ nghị” cô đánh tuốt !!! Đến cuối niên khoá cô Diệm lại nghỉ, vào Sài Gòn học khoá 4 trường Quốc gia Hành chánh.
Ngoài các Thầy, Cô từ Huế vô, lúc đó trường còn có các Thầy, Cô từ Bắc di cư vào. Và Đà Nẵng cũng như trường Phan Châu Trinh là nơi dừng chân tạm thời của các Thầy, Cô.
Các Thầy Hào, Toản, Bảo ngụ chung với nhau ở căn phòng trên đường Pasteur. Thầy Hào dạy Anh Văn, đẹp trai, ăn mặc rất bảnh và nói chuyện vô cùng hấp dẫn. Tình sử bấy giờ của nàng công chúa Margareth lãng mạng và chàng đại tá hào hoa Peter Townsend là câu chuyện mà thầy Hào kể nhiều lần cho học sinh các lớp thầy phụ trách. Bằng một giọng Hà Nội thanh lịch, nói rõ và rất nhanh lúc nào thầy cũng bắt đầu câu chuyện ” Chúng ta biết rằng công chúa Margareth là người thế nào..” rồi thầy kể những giai thoại về nàng công chúa sầu mộng, em gái của Nữ hoàng Anh quốc, và sau đó “Chúng ta biết rằng đại tá Peter Townsend là người thế nào.. .Đại tá Peter Townsend là anh hùng trong Không lực Hoàng gia Anh ..v..v và v..v..”
Các bạn tôi và tôi thường diễn trò bắt chước Thầy Hào kể chuyện, nhưng không ai có thể nói được nhanh, trơn tru không vấp váp như Thầy!..Mãi năm 1969, tôi mới được dịp gặp lại Thầy Hào ở Sài Gòn, lúc đó Thầy đang học năm cuối cùng ở Đại học Dược khoa.
Cũng là người Bắc nhưng Thầy Mậu ở đơn độc trong một phòng ở đường Quang Trung. Với thầy Mậu, môn Vẽ trở thành môn học chính! Chúng tôi tốn thì giờ cho môn Vẽ nhiều hơn các môn khác. Dù mỗi tuần chỉ có một giờ học Vẽ, nhưng luôn luôn có bài tập Vẽ phải làm ở nhà, không trang trí theo lối kỹ hà thì cũng luật phối cảnh, chân trời nằm trên, chân trời nằm ngang, chân trời nằm dưới ! Học Vẽ với Thầy Mậu phải chuẩn bị giá vẽ, giấy “croquis”, bút chì đen số 2, hộp màu chì, hộp màu nước, kẹp giấy .. ., lơ mơ không thuộc bài ,không đủ dụng cụ để đi vẽ ngoài trời là lãnh “zéro”! Con số “zéro” của Thầy Mậu trong quyển vở rất là lớn. Thầy Mậu hát rất hay và có dáng dấp đặc biệt “nghệ sĩ”. Tiếc rằng cuối năm Thầy lại rời trường để về học Vẽ ở trường Mỹ thuật Gia Định.
Các cô Nguyễn thị Hiển và cô Nguyễn thị Ngọ là hai chị em chú bác. Hai Cô di cư vào Nam, còn gia đình vẫn ở lại Hà Nội. Cô Hiển kể rằng lúc vào Đà Nẵng không có thân nhân, các Cô đến gặp ông Thị trưởng nhờ giúp đỡ nên được tạm thời ở ngay trong toà Thị chính với gia đình ông Thị trưởng , sau đó mới tìm được nhà trọ ở đường Hùng Vương.
Cô Ngọ dạy Việt văn, tuy là người Hà Nội nhưng cô có giòng nói khó nghe. Chúng tôi khổ vì môn chính tả, với giọng đọc của cô chúng tôi tha hồ bị nhiều lỗi ! Rõ ràng là đọc cuốn “Vàng và máu” của Thế Lữ, có đoạn tả về núi Văn Dú. Biết là núi Văn Dú, nhưng khi nghe cô Ngọ đọc là “Văn Rú” thì chúng tôi viết theo “Văn Rú”, đến khi chấm bài nó lại là “Văn Dú”, viết “Văn Rú” là sai !
Cô Hiển phụ trách môn Pháp văn, giọng nói Hà Nội của cô rất hay và rõ , nhưng cô lại không nghe được giọng Quảng Nam ! Tôi được cô chọn như là ” thông dịch viên” của cô về giọng Quảng. Một hôm trên đường về, ở đường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước sân vận động, cô hỏi tôi tại sao ở Đà Nẵng người ta bán gỗ mà lại gánh bằng thúng ? Tôi ngạc nhiên đáp chẳng ai bán gỗ mà bỏ trong thúng cả. Cô chỉ tôi người đàn bà gánh hàng đi trước. Ngay lúc đó người bán hàng rao : “Gộ không.. .” Thì ra, nhiều người Quảng Nam đọc “Gạo” thành “Gộ” và khi rao giọng kéo lên cao nên có thể cô Hiển nghe “gô.” thành “gỗ” ?
Gắn bó với trường từ khi mới thành lập đến cuối đời chắc chỉ có các Thầy Trần Tấn, Bùi Tấn và Trần Ngọc Quế.
Thầy Trần Ngọc Quế dạy Việt văn. Tôi còn giữ mãi một kỷ niệm vui nhỏ trong giờ Việt văn, khi Thầy giảng Kiều. Thầy có vẻ vui thú pha chút tinh nghịch , hóm hỉnh khi đọc câu :
“Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”
Đọc xong, Thầy lấy ngón tay đẩy cái kính cận thị lên một chút, nhìn chúng tôi một lúc rồi mới đọc tiếp các câu cuối ! .. Thầy đã mất trong trại tập trung của Cọng Sản…..
Thầy Trần Tấn dạy Pháp văn các lớp lớn , hồi đệ thất tôi chưa được Thầy dạy. Tôi không nhớ do đâu tôi tình cờ, may mắn có một cái chìa khoá để “mè nheo” Thầy. Lâu lâu hỏi Thầy :
“Thưa Thầy, tiếng Pháp dịch thế nào câu “coi như không có sự gì xảy ra…” hoặc rõ hơn một chút thì…” “à, là coi như không có chuyện gì xảy ra.. .” thì sẽ nhận được cái cười bẽn lẽn của Thầy với câu nói :”Cái thèn”.. . Sau đó nếu thấy Thầy rãnh rỗi và vui vẻ có thể tiến tới một bước dụ Thầy đi ăn bò khô ở quán bò khô bên cạnh rạp Đại Nam. Thầy Trần Tấn cận thị rất nặng. Bị gọi lên đọc bài nếu không thuộc bài thì có trò hô “absent”,( giọng nói của tôi Thầy quen nên không dám hô “absent” vì sợ Thầy biết !). Lớp tôi có Lê văn Nuối thay “chiêu” absent bằng cách viết cả bài “récitation” đem dán bên cạnh bàn Thầy, lên trả bài cứ nhìn đó mà đọc !
Năm đệ thất, chúng tôi chưa được Thầy Bùi Tấn dạy Toán, nhưng đã học sách của Thầy cùng viết với các Thầy Đinh Quy và Lê Nguyên Diệm. Thời gian này Thầy Bùi Tấn tạm rời Phan Châu Trinh đi làm Hiệu trưởng trường Trần Cao Vân ở Tam Kỳ mới được mở. Và khi có thầy nào được chính phủ bổ nhiệm thay thế thì Thầy Bùi Tấn lại trở về với trường Phan Châu Trinh.
Ngoài môn Toán, Thầy Bùi Tấn còn dạy môn Hán Văn cho những học sinh chọn cổ ngữ thay thế cho Anh văn, sinh ngữ hai.
Về giờ giấc, Thầy Bùi Tấn đã chính xác như một máy điện toán! Suốt cả năm, bao giờ kẻng vào học thì Thầy đã bước đến cửa lớp. Giảng bài xong, Thầy đóng lại cặp sách thì kẻng báo hết giờ, như một công thức, không bao giờ sai khác.
Mùa Hè năm đệ tứ, chúng tôi chuẩn bị đi thi, bài học cuối cùng chấm dứt trước nửa giờ để Thầy dặn dò về chuyện thi cử, và năm phút sau cùng để chúc chúng tôi thi kết quả tốt, và lúc đó Thầy nở nụ cười đầu tiên trong năm. Khi Thầy Bùi Tấn cười, không bỏ lỡ cơ hội, Nguyễn văn Bé, người bạn hay đùa phá vội nói: ” Thưa Thầy, năm nay tụi chúng em thi đậu hết vì ….. Thầy cười” Thầy quay đi để dấu cái cười nhẹ nhàng thứ hai... Hiền hoà mà nghiêm, đó là đặc điểm của Thầy Bùi Tấn. Học trò có lẽ chẳng ai dám quấy phá trong giờ Thầy dạy, nhưng cũng không ai là không thương mến và tôn kính Thầy……
Nguyễn Chí Thiệp
Thầy cũ trường xưa
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu