Thầy Thơm....

Hình ảnh đầu tiên mà tôi luôn nhớ mỗi khi nghĩ đến Thầy là dáng người cao, gầy gầy và một giọng
nói trầm trầm, rất Huế. Dù tôi không phải là học sinh của Thầy trong suốt một niên học nào nhưng
với tôi Thầy Thơm và những buổi học hè ở nhà Thầy vẫn để lại trong tôi những ký ức đẹp, hồn nhiên
nếu không muốn nói là có chút mơ mộng vớ vẩn của một thời thơ dại.
Thầy Thơm là bạn của ông chú tôi và hình như do có quen biết với Thầy nên mùa hè năm tôi học lớp
4, Ba tôi gởi tôi xuống nhà Thầy để học hè - khoảng năm 1968. Cô bé mới mười tuổi là tôi có phần
bất mãn vì lúc đó tôi chỉ muốn đến những lớp hè với các cô giáo dạy trong trường tiểu học Đào Duy
Từ là ngôi trường tiểu học mà tôi đang theo học.

Không cải lời ba được, trưa trưa tôi ôm vở xuống nhà Thầy, một mình lầm lũi trên con đường xóm
nhỏ, vẩn vơ hái hoa bắt bướm vì không có đứa bạn nhỏ nào đồng hành. Lớp học hè ở nhà Thầy
Thơm gần giống một trường học tí hon vì ... Thầy dạy đủ các lớp, kèm tất cả các bộ môn. Tôi được
Ba tôi gởi Thầy kèm hai môn Tập làm văn và Toán.

Tôi còn nhớ như in, đó là một căn nhà ba gian rất cổ kính. Lớp học dĩ nhiên ở gian chính, có mấy
chiếc bàn dài, kê trước bàn thờ Phật có phủ rèm. Học sinh ngồi theo nhóm lớp. Hôm nào nhóm nhỏ
viết chính tả thì nhóm lớn cặm cụi làm toán đố! Lớp học cũng có giờ "ra chơi" tức là giờ nghỉ giải
lao. Sân chơi là cái sân lót gạch trước nhà, tuy không rộng mênh mông nhưng cũng đủ chỗ cho học
sinh nhảy dây, đùa nghịch. Khoảng sân gạch tiếp theo và những dãy chậu kiểng Thầy trồng nhiều loại
cây kiểng. Hình như có ngăn với sân gạch bằng một hàng chè tàu xanh mướt, có những cọng tơ hồng
bò quấn quýt bên nhau. Đây mới là "chốn thiên thai" của tôi. Thơ thẩn theo những chậu hoa hồng be
bé, những chậu lan, gốc mai vàng ... Dần dần những buổi học với tôi qua thật nhanh, không uể oải
như trước và tôi ngóng trông cho đến giờ ra chơi để "lang thang" ở khu vườn hoa be bé đó. Có thể
nói đó là một thế giới tuổi thơ của tôi, nơi tôi theo đổi những nụ hoa he hé theo mỗi buổi học. Thầy
Thơm đặc biệt ưu đãi cho các chậu hồng nên Thầy xếp các chậu này ra dãy "mặt tiền", tiếp theo là
những chậu hoa trang với những đóa hoa lớn màu trắng đỏ... Cả một thế giới thần tiên mơ mộng hiện
ra trong tâm hồn cô học trò nhỏ, chắc chắn Thầy Thơm không hề biết!
Tôi nhớ những buổi học với Thầy, nhớ lời giảng của Thầy lúc nào cũng nhẹ nhàng không như mấy
đứa bạn đã hù: Thầy Thơm dữ lắm! Suốt mùa hè tôi chẳng thấy Thầy đánh trò nào. Thầy hay cười và
cũng hay kể chuyện vui, giọng Huế.

Mùa hè qua đi, tôi không còn cơ hội đến nhà Thầy để học kèm, mãi đến khi tôi trúng tuyển vào
trường Nữ trung học Đà Nẵng thì ba tôi có chở tôi đến nhà Thầy để "cám ơn" và chắc là cũng để
"khoe" đứa con gái mình, dù sao cũng xuất thân từ ngôi trường "Thầy Thơm"!
Năm tháng qua đi, mặc dù nhà tôi và Thầy ở cùng xóm, các con của Thầy cũng là bạn của em trai tôi
nhưng tôi chỉ biết Thầy, Cô Xuân Lan phu nhân của Thầy cùng hai người con là Thao V Mai và Uyên
Trang. Cậu bé thì rất mê đá banh, còn bé Trang thì có một giọng ca tuyệt vời! Thỉnh thoảng gặp
Thầy Cô ngoài phố, tôi cúi đầu chào Thầy Cô.

.....Và những tình cờ
Dòng đời như dòng sông, cứ mãi miết trôi. Gập ghềnh qua nhiều ghềnh thác. Có biết bao nhiêu thay
đổi, bồi lở. Biển xanh hoá ruộng dâu. Trong những năm tháng sau tháng tư 1975 cả hai gia đình
chúng tôi cùng gánh chịu những tai ương bảy chìm ba nổi theo vận nước. Cơ hội đổi đời theo chương
trình đi cư nhân đạo HO đã đưa chúng tôi đến Hoa Kỳ, quê hương thứ hai, khi mà nhà cầm quyền
chế độ mới đã hoàn toàn ruồng rẩy tất cả các gia đình có tham gia làm việc cho chính quyền Cộng
Hoà miền Nam Việt Nam. Chúng tôi lại có cơ hội gặp nhau qua các phương tiện truyền thông, mạng
và FB. Năm 2014 tôi đến Virginia chuẩn bị cho ngày hội ngộ toàn thế giới của các cựu nữ sinh ngôi
trường Nữ Trung Học Hồng Đức, Đà Nẵng đã bị xoá tên 04/1975. Tình cờ đến hát karaoke ở nhà cô
bé tên Thuý, là em gái út của một chị bạn NTH xưa, đôi vợ chồng chủ nhà Thuận Thuý hát rất hay.
Khi một chị bạn khác của tôi hỏi thăm về gia đình, tôi loáng thoáng nghe: Dạ ba em là Thầy giáo dạy
ở trường Phan châu Trinh ĐN, ba em tên Thơm. Tôi giật mình hỏi: Thầy Thơm ở Thuận Thành phải
không...? Thì ra đây là em trai của Uyên Trang con Thầy Thơm, hèn gì hát hay quá. Ấn tượng nhất là
đôi vợ chồng trẻ này rất hiếu để. Chúng tôi nhìn cách cả hai chăm sóc bà cụ mẹ của Thuý mà
ngưỡng mộ. Các em thật đúng là những tấm gương về lòng hiếu thảo.
Cũng qua những trang FB tôi biết tin tức của Thầy Thơm cùng gia đình, cuối cùng gia đình của bé
Trang cũng định cư được ở US. Mừng cho em.
Thầy Thơm, người Thầy thời  niên thiếu của tôi thì tuổi đã cao và cũng do hậu quả những năm tháng
tù đày trong các trại tù CS nên sức khỏe không tốt, gần đây Thầy càng sa sút, phải mang bình dưỡng
khí. Tuy nhiên cũng được các con và phu nhân chăm sóc chu đáo. Những ngày cuối đời của Thầy
cũng ấm áp trong tình thương của vợ hiền, con ngoan, cháu giỏi giang. Một trong những người dâu
của Thầy cũng là chị họ của tôi, chị Loan con cậu tôi. Tôi thật mừng khi xem hình ảnh của Thầy do
các em chuyển đến.

Một ngày đầu thu tháng chín 2014, Thầy Thơm đã giã từ cõi tạm, thanh thản nhẹ nhàng về với cõi
Phật tại nhà riêng ở tiểu bang AZ.

Tôi viết những dòng này như một nén nhang kính chia buồn cùng cô và các em, gia đình... Và cũng
tưởng nhớ đến vị Thầy đã có công rèn luyện cho tôi cũng như thế hệ học sinh những câu văn ngô
nghê đầu đời, những bài tính đơn giản thời tiểu học, làm hành trang, kiến thức cơ bản trên bước
đường đời. Riêng tôi, mãi mãi không quên những giờ học hè và khu vườn tuổi thơ, sân gạch... Những
mảng rêu xanh bám trên các chậu lan và nụ cười của Thầy khi bắt gặp tôi lấp ló: Không được ngắt
hoa của Thầy đó nghe! Lúc đó ánh mắt của Thầy rất hiền, môi mỉm cười nhưng khiến tôi ... sợ!
Thành kính tri ân Thầy. Nguyện cầu cho Thầy an lạc nơi cõi vĩnh hằng.


Atlanta 9/2014
Anh Trinh Nguyễn