Tôi phải nói là rất cảm ơn ý tưởng để chuẩn bị cho ngày Đại Hội NTH Hồng Đức lần thứ II tại
Atlanta, những người học trò ở xa cũng như đang sống ở Đà Nẵng ít khi có dịp để đến thăm được từng
gia đình thầy cô đã một thời dạy ở trường Hồng Đức.
Chuẩn bị cho cuộc hành trình QA gọi điện “Đ ơi! Mai là ngày đầu tiên tụi mình đi thăm thầy cô, mi
có rảnh thì tham gia nghe. Đúng 7 giờ xuất phát đó”. Tôi nhớ hôm đó là thứ 6 ngày 13, tụi tôi có mặt tại
nhà Tâm Phượng. Lũ chúng tôi bây giờ không còn nói lớp nào, cứ học trò Hồng Đức là như học cùng
một lớp. Cuộc họp phân công chớp nhoáng mỗi bạn sẽ tiếp chuyện với một thầy cô. Mới đầu cũng hơi
run không biết nói năng như thế nào đây? Chẳng biên tập gì cả cứ thế chúng tôi đến với thầy cô một cách
tự nhiên như những đứa con xa trở về nhà, các thầy cô vui mừng tiếp chúng tôi, hỏi han tên, lớp, niên
khóa, gia đình, con cái của từng bạn.
Chúng tôi đến được với 24 thầy cô ở ĐN theo địa chỉ thì ở ĐN có 33 thầy cô. Ngày đầu chúng tôi
đi được 5 thầy cô. Tâm Phượng giới thiệu mục đích đến với thầy cô là để chuẩn bị cho ngày ĐH sắp đến,
các bạn ở xa muốn vinh danh thầy cô trong ĐH này nhưng không đầy đủ được hình ảnh cũng như lời nói
của các thầy cô nên chúng em là những người đưa hình ảnh này đến với ĐH. Các thầy cô cảm ơn và hoan
nghênh tinh thần này của các trò.
Cô Ngọc Nga đã hơn 60 tuổi nhưng trông cô còn khá trẻ, cô kể chuyện sau giải phóng cô vẫn vẽ,
niềm đam mê của cô là được vẽ, có khi cô vẽ những bức tranh lớn phải trèo lên độ cao vài mét là chuyện
thường, hiện giờ cô vẫn còn giữ lại những bài thi vẽ của học trò xưa.
Cô Hồng Châu dạy Anh Văn gặp cô chúng tôi vui mừng kể chuyện hồi đó học môn của cô. Bạn
Lân nói là em bị ăn trứng môn AV của cô nhưng bây giờ bạn ấy giỏi AV và là hướng dẫn viên du lịch với
khách nước ngoài đó cô. Bạn ấy hát tặng cô bài hát tiếng Anh. Chúng tôi tạm biệt cô Hồng Châu, len vào
giữa phố với ánh nắng của mùa hè có một lũ học trò già đi thăm thầy cô giữa mùa thi vào Đại Học của
thành phố. Mồ hôi nhễ nhại nhưng rất vui, chúng tôi í ới gọi nhau cho khỏi lạc đường. Qua đường Trần
Cao Vân vào nhà cô Oanh dạy Vạn Vật, cô kể lại khi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại ưu cô được
điều về dạy trường Nữ Trung Học Hồng Đức giữa một thành phố lớn mà học trò toàn là con gái. Khi ra
phố hay đi đâu cô cũng phải mặc áo dài sợ ăn mặc lôi thôi học trò cười, cô kể có khi đang đi thì học trò
ngồi trên xe Jeep thò đầu ra thưa cô. Thế đó những năm tháng dạy ở trường là dấu ấn sâu sắc nhất trong
đời dạy học của cô.
Vào nhà thầy Quế, chúng tôi thật cảm động khi thấy thầy vừa ở bệnh viện về. Thầy đi lại khó khăn,
khi đi phải có nạng. Thầy nói chờ các em từ sáng tới giờ, thầy phải đi thay đồ đẹp để tiếp học trò, tụi tôi
nhao nhao: “Bố ơi để con lấy áo quần cho bố nhé!”. Thầy cười: “Bây biết ở đâu mà lấy”, rồi thầy đi từng
bước một vào phòng thay đồ, tay thầy run run. Tâm Phượng và Lân cài nút áo cho thầy. Ngồi tiếp chuyện
với chúng tôi thầy nói năng rất chậm vì bị tai biến đã hơn một năm rồi. Thầy lấy cho tụi tôi xem tập thơ
thầy viết trong đó có bài viết “Thương Vợ” vì cô đã đi về cõi vĩnh hằng. Có một điều mà bây giờ tôi mới
biết thầy Quế là ba của Đặng Thị Hội lớp chín4.
Đón bọn tôi trước cổng là thầy Tâm Pháp. Năm nay thầy đã 84 tuổi nhưng người rất nhanh nhẹn
và luôn cười đùa. Trí nhớ thầy khá tốt. Thầy chạy lên chạy xuống rót nước và lấy bánh kẹo cho chúng tôi
ăn. Thầy nói các em đến thầy vui quá, chắc thầy thọ thêm vài tuổi, thầy khen học trò trường nữ chúng em
ngoan lắm, giỏi lắm, các em làm được những việc này là món quà tinh thần lớn lao cho các thầy cô để
nhớ lại một thời đã dạy học ở một trường con gái. Khi ra về mỗi đứa ôm thầy và thầy nói trường đã mất
nhưng tình thầy trò vẫn còn mãi trong tâm ta nghe các trò.
Phải phục bạn Minh Thúy buổi sáng đi cùng chúng tôi quay phim chụp hình, chiều bạn phải đến
từng địa chỉ của thầy cô để xin phép được được gặp mặt vào ngày mai. Với chiếc xe đạp, bạn đã đi khắp
nẻo đường lần theo địa chỉ có khi không đúng lại phải điện thoại hỏi thăm. Theo kế hoạch ngày 14/7
chúng tôi sẽ đến thăm 4 thầy, đó là thầy Thụy, thầy Đôn, thầy Tình và thầy Một. Thầy Thụy kể khi mới
về trường cùng một lúc có cô Nga, thầy Dã. Về trường này thầy hơi run vì học trò trường con gái nghịch
và hay chọc các thầy trẻ. Sau giải phóng thầy không theo nghề giáo nữa mà làm đủ mọi thứ. Tụi tôi trêu
thầy nhờ run mà thầy có được một em nữ sinh trường Hồng Đức ở cạnh bên mình suốt đời thầy hỉ. Thầy
Tình và thầy Đôn tiếp chúng tôi tại nhà của thầy Đôn và hai thầy nhà ở cạnh nhau. Nhìn mái tóc bạc trắng
của hai thầy, chúng tôi cùng một ý nghĩ mới đó mà đã mấy mươi năm. Thầy Mốt trở về thời xa xưa ấy,
thầy kể cho chúng tôi nghe thời thầy mới ra trường được các đồng nghiệp chỉ bảo tận tình nhất là cô Liệu
như một người chị gái lo cho em trai từ y phục đến đôi giày, cà vạt. Thầy nói không quên được tình cảm
đó. Còn học trò thì đi theo phía sau để đo chiều cao của thầy. Điều thú vị nhất khi chúng tôi hỏi là những
kỷ niệm sâu sắc nhất khi các thầy dạy ở trường nữ, tất cả các thầy đều nói nhớ nhất là ngày Hội Truyền
Thống của trường năm cuối cùng. Thầy trò cứ vô tư vui chơi ngày hội mặc dầu bên ngoài chiến sự ồn ào
nhưng cũng mặc kệ.
Ngày mai chủ nhật đi cả ngày nghe. Các bạn đúng hẹn sáng chúng tôi có mặt gần chợ Đống Đa
vào nhà cô Xuân phải đúng giờ, nếu sai giờ cô không tiếp, đứa mô cũng xanh mặt y hẹn nhưng khi gọi
cửa tưởng cô khó lắm nhưng trái lại cô vui vẻ cười đùa và nói các em cứ tự nhiên cô không cho điểm 0
đâu mà sợ. Cả cô trò cười ồ. Vào nhà cô tụi tôi chơi lâu nhất, cô thật vui tính và hóm hình. Lân và Thúy
đọc thơ tặng cô:
Em còn bé lắm O70
Vẽ chút chân chim lên mắt chơi
Tóc mai sợi bạc thêm duyên dáng
Môi hồng vẫn đượm nét xuân tươi.
Chúng tôi bịn rịn chia tay cô và không quên hẹn một ngày gần đây sẽ đến chơi với cô.
Nhà thầy Toàn có khoảng sân rộng nhiều cây cảnh, chúng tôi thích nhất là cây xoài cổ thụ. Thầy
đã nghỉ hưu. Thầy kể những năm tháng sau 75 vất vả lắm mới giữ được nghề mà mình đã chọn, bôn ba
khắp các vùng quê cuối cùng thầy mới được về trường ở gần nhà. Các con đã trưởng thành và có nghề
nghiệp ổn định.
Qua nhà cô Huệ mới đầu không nhận ra cô nhưng sau đó trí nhớ được ổn định tụi tôi nhớ là hồi đó
cô dạy môn Vạn Vật dáng người nhỏ nhắn, bây giờ cô vẫn gầy gầy. Cô nói trở trời hay đau nhức, tuổi già
là vậy đó, cô cám ơn các em đã đến thăm cô.
Gần trưa rồi mau đến thầy Quang không thì trễ giờ mất. Y chang dón chúng tôi cả thầy và cô cười
vui và nói chờ mãi các em, cô thầy phải trễ hẹn với đoàn du lịch đã qua Bãi Bụt như không sao có các em
là vui rồi. Thầy Quang hồi đó dạy Lý Hóa cho các lớp đàn chị. Kể về thời gian dạy ở trường Nữ khi đi
chấm thi ở Huế, thầy phát hiện ra chữ viết của học trò mình dạy không lẫn vào đâu được. Thế là trên tay
thầy là bài của học trò, thầy mừng quá. Khi về thầy báo kết quả trúng tuyển dù cho chưa có bảng điểm,
các học trò mừng vui nhảy nhót quanh thầy. Cô kể thêm lúc đó tụi học trò ôm lấy thầy đến nỗi chị của
thầy lên tiếng : “Ngó kìa, răng em để học trò như vậy, coi chừng đó”. Cô cười học trò thi đậu nó mừng
chứ có chi đâu, con nít mà”. Rồi cô lấy album ảnh cho tụi tôi xem chuyến du lịch của thầy cô ở nước
ngoài có đầy đủ thầy cô, các chị lớp lớn và các bạn lớp tôi. Nhất là ảnh chụp chung với bà Hiệu Trưởng.
Vợ chồng thầy tiễn chúng tôi ra về, đã vào giữa trưa thầy dặn dò đi đường cẩn thận nghe các em. Lân rủ
tất cả về nhà của Lân nghỉ trưa. Cả bọn ghé chợ Tam Giác mua bún về ăn mắm nêm, ăn xong cả bọn cứ
rì rào kể chuyện. Chiều nay sẽ đi đến nhà cô Quy dạy toán theo địa chỉ chúng tôi đến gọi cửa nhưng chủ
nhà ra hỏi thì không có ai tên là Quy cả, cả bọn đứng ngẩn ngơ. Gọi điện thoại cho cô thì cô bảo nhà cô
không phải số 16 các em đến số 18. Gặp cô tôi có cảm giác sợ như hồi đi học vì hồi đó tôi học dốt môn
toán và bị cô “chiếu” nên có ấn tượng chứ bây giờ cô hiền và vui tính lắm. Cô và trò cùng đeo kính lão
chụm đầu vào nhau xem hình mấy ngày qua đi thăm các thầy cô.
Chúng tôi tạm nghỉ vài ngày rồi tiếp tục cuộc hành trình. Lần này đổi bạn cùng đi có thêm Ngọc
Diệp, Phạm Thị Ba, Huỳnh Thị Xuân. Các bạn đến thăm thầy Hạt dạy Công Dân, bây giờ nghề của thầy
là luật sư, thăm cô Tố Tâm, cô Tuyết Anh, cô Thanh dạy môn Triết với giọng Huế nhẹ nhàng cô kể lại
học trò của cô đậu tú tài loại ưu. Cô thật hãnh diện về học trò trường nữ Hồng Đức của mình.
Chủ nhật các bạn đến thăm thầy Thái Bình Dương, cô Tuyết Nha, thầy Khải, thầy Trung. Thầy
Trung kể hồi đi dạy cứ mỗi khi học sinh sắp hàng chuẩn bị vào lớp, thầy sợ nhất là khi đi ngang qua hành
lang, đâu đó tiếng đếm một hai, một hai. Thầy Đỗ Nguyên là quản thủ thư viện. Tính thầy nghiêm nhưng
dễ chịu. Tôi nhớ khi vào thư viện thầy luôn nhắc nhở ngồi đọc phải đúng tư thế. Thầy nói các em phải
đoàn kết cho dù các lớp cuối cùng có học với trường chưa trọn vẹn nhưng cũng là học sinh trường nữ
Hồng Đức.
Cuối cùng ba chúng tôi, Thúy, Ấn, Điệp đến thăm vợ chồng thầy Dũng và cô Yến Loan. Ngay giữa
phố một ngôi nhà ba gian cổ kính có vườn cây thật đẹp, nét hoang sơ vẫn còn giữ lại, thật tuyệt vời. Tiếp
chúng tôi cô phải ngồi xe lăn vì cô vừa bị ngã. Cô kể chuyện thời dạy trường nữ môn Việt Văn của cô
các em học tốt, sưu tầm ca dao tục ngữ hoặc thuyết trình bài học các em học khá. Sau 75, một mình cô
đi dạy còn thầy thì bôn ba đủ nghề. Hiện nay cô đã nghỉ hưu, thầy có thêm nghề cắt thuốc chữa bệnh
cho mọi người. Các con của thầy cô đều lập nghiệp ở Sài Gòn, lâu lâu mới về thăm nhà.
Đến đây chúng tôi kết thúc các buổi đi thăm thầy cô, những cảm nghĩ khi đi tôi xin ghi lại có gì sai
sót mong thầy cô và các bạn bỏ qua. Ngày mai khai mạc Đại Hội tôi xin gửi bài này để các bạn đọc.
ĐN, ngày 31-8-2012
Dương Thị Điệp, lớp 9/4