…Thứ Ba Nữ sinh Họ Hồng
Việc đứng lớp 4 giờ mỗi buổi sáng là chuyện bình thường đối với một giáo sư dạy bậc Trung Học ngày xưa trước năm 1975. Vả lại, đã có khoảng 15 phút giải lao trước khi tiếp tục vào dạy các giờ kế tiếp. Phòng Giáo sư là chỗ các Thầy Cô thường gặp nhau, vừa uống trà, vừa trao đổi những câu chuyện trong học đường hoặc ngoài xã hội, và không khí bao giờ cũng ấm cúng, vui vẻ.
Tập thể giáo sư, ai cũng lo chu toàn trách vụ của mình một cách nghiêm chỉnh, vì đó là thước đo về tư cách sư phạm để Ban Giám Đốc Nhà Trường có cơ sở đề bạt việc khen thưởng hằng năm.
Sau lưng là như vậy, nhưng các Thầy Cô ngoài viên phấn trắng, tấm bảng đen, trước mặt còn có tập thể học sinh mới là vấn đề sinh tử. Tôi về dạy Trường Nữ Trong Học Hồng Đức với tâm thức nghiêm chỉnh, nếu không muốn nói là có một chút lo sợ. Bởi vậy, phải tự phấn đấu và cảnh giác mình để chu toàn bổn phận trong một môi trường dễ bị sẩy chân!
Tôi còn nhớ sĩ số Trường Nữ Trung Học Hồng Đức niên học 1973-1974 là 3,500.
Ai cho rằng đó là một nơi an toàn cho bản thân và nghề nghiệp của mình?
Kinh nghiệm của tôi là đi đúng giờ, dạy đúng lớp, hoàn tất chương trình giảng dạy đúng thời hạn để bảo đảm việc khảo hạch từng tam cá nguyệt như Ban Giám Đốc nhà trường qui định. Việc bỏ lớp, bỏ giờ là không thể chấp nhận được. Còn chuyện nhờ người dạy thế cũng ít khi xảy ra, đừng nói là tự nhiên để học sinh vào lớp mà không biết ông Thầy của mình giờ này đang ở đâu?
Ấy thế mà, vào một ngày khá đẹp trời ở xứ Hàn Cảng, tiền thân của Đà Nẵng hôm nay, tôi bị các em cho đi công tác bất thường mà trong tay không có sứ vụ lệnh!
Các Em còn nhớ gần ngả tư Lê Lợi - Thống Nhất có một quán kem khá hấp dẫn. Một hôm quán kem ấy đã trở thành lớp học bỏ túi với sự đồng tình tối thiểu gồm 5 - 7 em của lớp X. Quán kem có điện thoại và nhà tôi lúc bấy giờ cũng có điện thoại dùng cho việc chuyên chở gạo đến các tiểu bài trong thành phố. Khi điện thoại reo, vợ tôi là người bắt máy. Có tiếng thật trong trẻo, ngọt ngào cất tiếng ở đầu giây. “ Dạ thưa Cô, cho em hỏi sáng nay thầy đi đâu mà bỏ tụi em hai giờ đầu không thấy thầy tới dạy?” Dĩ nhiên Cô giật mình! Thì ra, hằng tuần 2 giờ đầu ngày thứ Sáu, có trên thời khóa biểu. Nếu Ông Thầy không đi dạy thì đi đâu, làm gì?
Vừa bước vào nhà sau 4 giờ đứng lớp ở trường, tôi đụng phải bộ mặt lạnh lùng như thép nguội của người cựu nữ sinh Jeanne D’arc Huế. Câu hỏi bật lên tức khắc ấy là: “Sáng nay anh đi đâu mà bỏ lớp không tới dạy? Học sinh gọi về đây hỏi em, làm sao em có thể trả lời được, và làm sao biết được anh đi đâu!”
Chỉ có trời may ra có thể làm chứng được cái tội tày đình này! Thôi thì chuyện chi còn đó. Tôi bình tĩnh giả lả để tìm kế phản công. Thì ra học xong 2 giờ đầu, học sinh của tôi có 2 giờ sau đi ăn kem với nhau. Chuyện gì mà không xảy ra…Không ngờ chuyện nổ ra như tạc đạn, mà xạ thủ lại chính là học sinh của mình nhắm trúng toạ độ thật chính xác.
Vào đúng giờ học của tuần kế tiếp, nói là trả thù thì hơi quá đáng. Không báo trước một tuần như thường lệ, tôi kêu làm bài kiểm soát. Trên từng khuôn mặt rất dễ thương, có nhiều phản ứng khác nhau, nhưng thấy thật tội nghiệp. Thôi thì cứ bình tĩnh xem chuyện gì sẽ xảy ra. Quả thật em này nhìn em kia. Trong lớp rì rầm một vài tiếng nói nhỏ: “Tại mày đó K ơi!” Chưa ai khảo mà đã có người khai báo rồi! Quá quắt lắm nhưng cũng mau mắn biết xám hối ăn năn!
Ngày xưa các em dễ thương lắm. Hiền như Ma Soeur! Nhưng chuyện các em đùa cho vui, đôi khi lại làm các Thầy Cô của các Em ú ớ chẳng biết phải thanh minh thế nào cho phải đạo. Nay nhớ lại mới thấm thía “Nhất quỹ, nhì ma, thứ ba nữ sinh họ Hồng!”.
Nghiêm Đức Thảo.