Thư gửi lớp 9/4

        Ngày giáp Tết Tân Mão 2011, một học sinh lớp 9/4 Nữ Trung Học ngày xưa tặng cuốn lịch treo tường. Về nhà, mở ra xem, thấy ngoài hình nền: Mèo đi hia, Mèo thắt nơ mỗi hai tháng trong năm … là dòng chữ “Kỷ Niệm 2 năm thành lập trang web lớp 9/4, Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng”.

        Thấm thoắt là hai năm. Cũng vào ngày cuối năm âm lịch, khi vừa tiễn khách ở phi trường Tân Sơn Nhất, vác ba lô từ ga quốc tế sang ga quốc nội làm thủ tục bay về Đà Nẵng, một người bạn đồng hương thường đi tour outbound* (* đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài) nhắn nhủ: ”Có học trò 9/4 từ xa gửi lời thăm …”

        Lời thăm hỏi rơi vào dịp cuối năm trong không khí đưa tiễn lao xao khiến lòng mình như chùng xuống nhưng bên trong chuyến bay đêm 30 đầy ắp hành khách ấy, mọi người chỉ nôn nóng và mong muốn: về nhà trước khi một năm qua đi.

         Tôi quên lời nhắn nhủ thân ái của lớp 9/4 khi xuân sang. Bây giờ, sau bao năm bỏ Trường mà đi, lang thang qua bao ngành nghề khác nhau, nhiều lúc băn khoăn tự hỏi không biết mình có duyên nợ với lớp 9/4 khi nào, trong niên khóa đầu tiên lơ ngơ về trường? Cũng chẳng quan trọng. Bởi nhớ 9/4 là nhớ một thời trẻ … Thời trẻ qua nhanh, cuốn đi trong những biến chuyển dồn dập của đất nước. Trong mỗi phận người.

         Tôi về Trường Nữ trong cái khí hậu lãng mạn của một thành phố miền Nam sau Hiệp Định Paris. Lãng mạn vì chiến tranh còn đó nhưng tưởng như xa, thật xa. Thời ấy còn chuyền nhau đọc “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” (E.M. Remarque). Đà Nẵng, những năm tháng ấy bình yên như ốc đảo khép mình dọc biển và sông. Phố chính nằm song song với dòng sông. Từ đó, những con đường nhỏ cắt thị xã thành những ô cờ. Con đường từ ngã ba Huế vào trung tâm thành phố đi qua Chợ Cồn, dừng lại với Chợ Hàn. Đi phà sông Hàn sang bên kia sông là biển. “Bên kia sông là ánh mặt trời …”, bên này sông, cà phê bình dân góc “Thông Tin” gần Vườn Hoa nhìn người qua lại. Cà phê “Lộng Ngọc” hay “Star”… nghe nhạc qua đầu Akai “Nghìn trùng xa cách” …, nhớ bạn bè cùng lớp phải chia tay sau đợt tổng động viên “Mùa hè đỏ lửa”. Vào cinema Kinh Đô đường Độc Lập, xem hết phim “Một người đứng trên mọi luật pháp” thì trời nhá nhem tối, thả bộ cùng bạn ra dòng sông.

          Sau này, có dịp xê dịch đó đây, đến bất cứ thành phố nào, rảnh rỗi tôi thường tìm về những dòng sông.

          Hồi ức 9/4 khiến đầu óc lan man … Nhớ truyện ngắn “Những vì sao” của A. Daudet đọc thời sinh viên … có anh chàng mục đồng đưa đàn cừu lên non cao, ngồi kể chuyện sao trên trời trong đêm khuya thanh vắng cho một “vì sao bé bỏng” đang trên tựa trên vai mình. Bấy giờ, ngôi trường của anh chàng vừa rời chiếc áo sinh viên có cả nghìn vì sao. Chàng chăn cừu năm xưa nay lạc về đâu bên chân trời góc biển. Chỉ còn lại ông lão trong câu chuyện “Điều bí mật của bác Cornille” ở cuối tập truyện.

       Bước sang bên kia lưng đồi, nhiều khi thấm thía nỗi hoang mang khắc khoải của bác Cornille cứ muốn cối xay gió quay đều dù thời đã đổi thay … ”Bác Cornille ơi!” Gió mistral * vẫn không ngừng thổi, chỉ những cánh quạt của cối xay gió là bất động”. (* Gió mạnh, lạnh và khô khốc thổi dọc thung lũng sông Rhône, miền Đông Nam nước Pháp).
        A. Daudet viết như thế trong “Thư gửi từ cối xay gió”. Nương theo vòng quay cối xay gió, tôi gặp lại 9/4.

      “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, tôi chưa bao giờ mường tượng cái lớp học dễ thương ngày nào.

        Lần hội ngộ duy nhất với lớp 9/4 cách đây khoảng một năm rưỡi, đó là hôm chị Lê Khắc Ngọc Khuê qua đời. Chiều mưa tháng bảy là phiên trực khối lớp 9. Bàn tròn trong sân nhà Thầy Nguyên quy tụ khoảng mươi học sinh, có tóc ngắn, tóc dài, bác sĩ, ca sĩ, kĩ sư, giám đốc công ty, đồng nghiệp “tua gai” (tour guide), có cô học trò nhỏ nhắn ấp úng ngày xưa trước bảng đen, giờ “quanh năm buôn bán ở mom sông”… Bức tranh thu nhỏ một góc trời Đà Nẵng sau bao năm tháng. Chuyện trò rôm rả về trường, lớp, Cô Khuê, Thầy Nguyên, các thầy cô “muôn năm cũ”, 9/4 trong nước và trên bốn phương trời … Cách nhau có bàn tay trên chiếc bàn bọc nhôm loang loáng nước mưa hôm ấy là hơn 35 năm bể dâu. Những biến động của đất nước khoảng bốn mươi năm gần đây tuy âm ĩ nhưng là những cơn địa chấn kéo dài còn dữ dội hơn cả thời Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn mà tôi hình dung qua sách vở. Mỗi người đèo bồng quá nhiều khuôn mặt, nhiều sắc diện để dễ thích ứng với mỗi tình huống trên sân khấu cuộc đời này nên “Than ôi! Về đâu?/ Nghĩ mà đớn đau” (Trần Tử Ngang).
      
          Lần gặp gỡ 9/4 ngẫu nhiên ấy làm tôi nhớ bài đồng dao mà bạn tôi hát vang hôm giã từ Cánh Đồng Chum (Lào), theo đường 7, trở về Việt Nam.

                                Gặp nhau đây, rồi chia tay
                                Ngày vàng như đã vụt bay trong phút giây
                                Niềm hăng say, còn chưa phai
                                Đường trường, sông núi hẹn mai ta sum vầy.
       
          Thỉnh thoảng, tôi vào trang web lớp 9/4, như cô học trò ngày xưa đã ghi nhận. Thường là sau khi sa đà với “báo lề trái”, sợ quên đường về, tôi muốn dừng lại bên khu vườn của lớp 9/4. Không có người giữ cổng (admin), không cần mật khẩu (password), bạn lặng lẽ vào thăm. Cửa mở. Nhưng ngại quá, tôi có cảm tưởng như mình là người khách lạ. Tiếng Pháp có từ rất hay để chỉ nhân vật nầy: un intrus. Hoa cỏ hồn nhiên, nắng trong veo, đâu đó có tiếng cười khúc khích nhưng khu vườn rất riêng tư. Vườn 9/4 không phải là công viên 29/3 để bạn vào chạy bộ mỗi sớm mai. Sau bao năm ly tán, một lớp học cỏn con của một ngôi trường chỉ còn là hoài niệm, vậy mà các thành viên vừa mừng Ba năm thành lập trang web.

        Tôi được mời tham dự mừng Ba năm thành lập trang web lớp 9/4 cách đây mươi ngày. Cà phê Ngọc Anh đường Nguyễn Du chỉ có một bàn dài duy nhất dành cho lớp cũ. Có thầy Nguyên, hoa, bánh và nến sinh nhật. Lịch 9/4 của Phương ở một góc bàn. Cà phê và trà gừng. Có đến hai em dẫn chương trình. Nếu có buổi họp mặt “trường xưa lớp cũ” mà lòng như thấy trẻ lại để “người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm” (Huy Cận), thì đó là ngồi nghe 9/4 kể chuyện xưa tích cũ. Từ “Trường làng tôi”, “Người giáo viên nhân dân” đến thời sự Biển Đông rồi … tập thở, “hít vào, thở ra” đúng bài bản theo song ngữ Việt - Anh. Tôi không biết du khách của Lân thi sĩ có chịu khó tập thở không? Riêng tôi, ra giêng ngày rộng tháng dài sẽ cố gắng tập thở … Hít vào - Thở ra để còn leo Ngũ Hành Sơn. Những bậc đá Non Nước là thước đo sức khỏe.

        Tôi thành thật cám ơn trang web 9/4, cám ơn NA. đã đăng lại bài “Nhớ Trường Nữ ”, bài nói chuyện về Bảo Tàng Điêu Khắc Chàm ở Đà Nẵng cách đây đã khá lâu mà tôi không biết ai đã ghi âm, cám ơn những học trò cũ lớp 9, 10, 11 … Nhiều học sinh 9/4 về sau theo học 10/A2 mà tôi hân hạnh làm thầy giáo hướng dẫn. Nhờ bông hoa hướng dương, cái nền của bích báo lớp 10A2, niên khóa định mệnh 1974-1975 đưa đường, tôi còn nhớ tên vài khuôn mặt. Thấp thoáng một vài hình ảnh …

         “Đời trôi đi tưởng đời lặng câm
           Bỗng tiếng đàn ai trong gió thoảng” (Nguyễn Xuân Thiệp)

        Thư gửi 9/4 làm nhớ lại một thời kỳ …                

Tống Văn Thụy
Cựu GS Sử Điạ NTH Hồng Đức ĐN